Ngày 27 tháng 7 năm 1995, nhân dịp “lễ Vinh Danh và Tưởng Nhớ lòng từ bi của Hoà Thượng”, Thầy Hằng Thật đã nói chuyện về Hoà Thượng, từ một khía cạnh ít người nghĩ đến – đó là công trình văn chương. Sau đây là phần trích bài nói chuyện của Thầy:

Mấy ngày nay nhiều người đã ngồi đây, và sẽ tiếp tục như vậy, để nhắc đến những kỷ niệm về Thầy của họ, nói đến những đóng góp của Hoà Thượng về Giáo Dục, phiên dịch và giảng Kinh, truyền bá Phật Pháp, tạo lập Tăng Đòan, gây dựng Đạo Tràng, v.v… Mọi người đã nói hết những điều trong tim của họ, và hôm nay chúng ta sẽ còn nghe thêm nữa. Nhưng tôi muốn chia sẻ môt điều mà tôi nghĩ rất hiếm có.

Có lẽ hôm nay không có nhiều người mà nếu được hỏi về những điểm nổi bật của Hoà Thượng, có thể nói là “Hoà Thượng là một nhà thơ không ai sánh bằng. Ngài là một bậc trí thức, một nhà văn, một chủ bút, một bình luận gia xã hội, và một lịch sử gia không ai bì kịp”. Và còn hơn thế nữa cứ mỗi câu Đại Bi Chú và mỗi câu Chú Lăng Nghiêm là Hoà Thượng viết một bài thơ tám câu (bát cú). Hoà Thượng viết những bài Kệ Không Đài (Phi Đài Tụng) về Tâm Kinh . Hoà Thượng làm thơ về các vị Tổ thêm vào cho quyển “Cuộc Đời Chư Tổ” của Đại Lão Hoà Thượng Hư Vân. Những bài thơ Ngài viết không những chỉ viết những bài thơ kệ mà còn viết những bài văn có vần diệu tuyệt hảo. Ngài là bậc thầy của những bài văn xuôi và những bài kệ. Những bài viết đây đó, những bài thơ rải rác, và những bản nhạc của Ngài có đến nhiều trăm bài. Một trong những điều làm tôi cảm động nhiều nhất là sự đóng góp của Ngài về văn học ở dạng bài nhạc, bài viết, và thi ca.

Hoà Thượng còn dạy lớp làm câu đối, trước hết Ngài viết một câu đầu tiên trên bảng về đề tài như một trạng thái nào đó, một vấn đề hay là những tánh tình của một đệ tử, rồi mời mọi người lên viết câu thứ hai. Thật là kỳ diệu, làm sao chỉ có vài nét chữ tiếng Hoa trong câu đối mà có thể biểu lộ tánh nết, bản chất, khuyết điểm, khiếu văn chương, học vấn của bạn… Ngài còn cho những đứa trẻ không biết nói tiếng Hoa lên bảng làm những câu đối có hình thức tinh xảo một cách lạ lùng, và nội dung trong sáng, tinh khiết tươi tắn. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời khi Hoà Thượng dạy cách làm câu đối. Có lẽ lần đầu tiên ở Đạo Tràng Hoa Kỳ có một vị Thầy Phật giáo làm chuyện này (và cũng có lẽ là lần đầu tiên sau một thời gian khá lâu trong lịch sử Phật Giáo Trung Hoa). Vì thế tôi nghĩ đây là một khía cạnh đáng nhớ của vị Thầy của chúng ta.