Chinese | English | Vietnamese
(Trích dịch từ nguyệt san Vajra Bodhi Sea số 462, tháng 11, 2008. Trang 20 – 23)
Trong bất kỳ trường hợp nào hay bất kỳ tình huống nào chúng ta cũng đều không được nói dối, mà phải nói lời chân thật. Hãy thật thà làm một người tốt, thế là đủ rồi!
*** Những lời nhắn nhủ của Hòa Thượng Tuyên Hoá gửi tới những vị phụ lão huynh đệ ở quê nhà Đông Bắc vào năm 1987 ***
Hiện giờ tôi đang thâu âm tại Vạn Phật Thánh Thành, Talmage, gần thị trấn Ukiah phía bắc thành phố San Francisco nước Mỹ. Tôi có vài lời muốn nhắn nhủ với các vị phụ lão huynh đệ ở quê nhà.
Tên tục của tôi là Bạch Ngọc Thư, nhà ở Tây Hoàng Kỳ, trấn Lạp Lâm. Sau khi học xong, tôi cảm thấy mọi thứ trên đời đều là hư giả không thật, nên buông bỏ tất cả, đến xuất gia ở chùa Tam Duyên, trạm Bình Phòng.
Sau khi xuất gia, tôi thường tiếp xúc các vị cư sĩ cao niên, song lại rất ít khi liên lạc với người cùng quê của mình. Khi còn ở tại Đông Bắc, tôi rất ít khi qua lại với bất kỳ bạn bè thân thích hay phụ lão huynh đệ nào, vì tôi đã xuất gia nên xem nhẹ tất cả tình thân của thế gian, chỉ một lòng muốn hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Mọi người ở các làng gần chùa tôi ở đến quy y với tôi rất nhiều, nhưng những người cùng quê nhà thì rất ít người biết đến tôi hay gặp qua tôi.
Năm thứ hai sau khi quân Nhật đầu hàng, tôi chuẩn bị đến núi Phổ Đà để thọ giới. Vì việc nầy mà tôi không gặp mặt được các vị lão cư sĩ, các phụ lão huynh đệ, hay bạn bè thân thích và người thân ở quê nhà nữa. Có hai đệ tử theo tôi đi từ Cáp Nhĩ Tân đến huyện Ngũ Thường, rồi lại đến Kiết Lâm, Trường Xuân; trên suốt đoạn đường nầy, chúng tôi không chỉ đi tàu hỏa mà còn phải đi bộnữa. Từ Trường Xuân chúng tôi đến Thẩm Dương, và sau đó là Thiên Tân; rồi từ Thiên Tân lại đáp thuyền đến Thượng Hải. Khi thuyền đi qua Hắc Hải Dương thì lại bị xoáy vòng vòng trong vùng biển nầy suốt cả mười mấy ngày.
Thông thường, thuyền đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải vốn chỉ mất có ba bốn ngày; nhưng lần nầy bị xoáy vòng vòng trong Hắc Hải Dương, không có cách nào thoát ra khỏi vùng biển này được. Hơn 200 người trên thuyền không có nước uống, không có cơm ăn, mọi người gần như bị đói lả, may được Bồ tát từ bi cứu nạn, cuối cùng rồi thuyền cũng đến được Thượng Hải. Từ Thượng Hải chúng tôi đi Vũ Xương, năm thứ hai thì đến được núi Phổ Đà thọ giới.
Tôi ở lại chùa Nam Hoa, Quảng Đông một năm, rồi đến Nhũ Nguyên, chùa Đại Giác, núi Vân Môn, ở lại khoảng ba tháng, sau đó thì đến Quảng Châu, rồi Hồng Kông. Vào khoảng tháng bảy, tôi từ Hồng Kông trở về Quảng Châu, dự định sau tết Trung Thu thì sẽ trở về chùa Đại Giác, núi Vân Môn, để chuyên tâm dụng công tu hành. Nhưng vào thượng tuần tháng tám thì Khúc Giang, Thiều Quan được giải phóng, muốn về lại Vân Môn cũng không thể nào về được. Thế là vào ngày 18 tháng tám, tôi đáp thuyền từ Quảng Châu đến Hồng Kông, và ở lại Hồng Kông suốt hơn mười năm.Thọ giới xong, tôi đến núi Linh Nham, Tô Châu, ở lại nửa năm. Trong dịp hè, tôi đã từng về lại Đông Bắc, đến Thẩm Dương. Tôi vốn chuẩn bị đến trấn Lạp Lâm, huyện Song Thành và Cáp Nhĩ Tân để gặp các vị, nhưng lúc đó chánh phủ hai bên đang đối địch nhau, giao thông đường bộ không dễ dàng, thế nên tôi đành quay về núi Linh Nham, Tô Châu. Ở lại núi Linh Nham thêm một thời gian thì tôi nghĩ đến việc tới Quảng Đông; cho nên tôi đến núi Không Thanh ở Nam Kinh trước, và trãi qua một mùa đông trên núi đó. Đến tết âm lịch Trung Hoa, tôi về lại Thượng Hải, đáp thuyền đến Hồ Bắc, rồi đi tiếp xe lửa đến Quảng Đông. Ở Quảng Đông, tôi gặp được một cụ già đã trên 100 tuổi—Lão Hòa Thượng Hư Vân. Mục đích tôi đến Quảng Đông chính là muốn gặp được vị Đại Lão Hòa Thượng nầy.
Năm 1959 tôi đi Úc Châu, và năm 1960 tôi cũng còn ở tại Úc Châu; năm 1961 thì tôi trở về Hồng Kông, và đến năm 1962 thì sang Hoa Kỳ. Mới đầu khi đến Mỹ, tôi tự gọi mình là “mộ trung tăng”, tức là một người xuất gia ở trong mộ– tôi không tranh với thế gian, không oán trách người, không thắc mắc việc đời, tự mình ở trong đó dụng công, trãi qua thời gian sáu năm. Sau sáu năm đó (1968), thì có một số sinh viên đại học từ Seattle đến thành phố San Francisco để nghe giảng kinh. Lúc ấy, tôi giảng cho các sinh viên đó nghe bộ “Kinh Lăng Nghiêm”; và sau đó, những người này quyết định ở lại thành phố San Francisco. Tôi lại giảng tiếp các bộ kinh như “Kinh Pháp Hoa”, “Lục Tổ Đàn Kinh”, “Kinh A Di Đà” và “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”. Mỗi ngày tôi đều giảng kinh–vị tăng trong mộ này đã ra khỏi phần mộ, và từ khi ra khỏi mộ thì chỉ biết mỗi một việc giảng kinh, ngoài ra ông ta không biết đến gì nữa cả.!
Sau nầy cũng do nhân duyên, năm 1970 tôi thành lập chùa Kim Sơn, đến năm 1974 thì mua Vạn Phật Thánh Thành; hiện giờ nếu Vạn Phật Thánh Thành ở đủ số, có thể chứa đến hai vạn (20.000) người. Hiện nay, Vạn Phật Thánh Thành đang xây dựng thêm trường Đại học Pháp Giới, Trung học Bồi Đức và Tiểu học Dục Lương. Trường học của chúng tôi ở đây đều giáo dục vì lý tưởng giáo dục, chứ không phải mở “tiệm” dạy học để kinh doanh. Tuy bước đầu trường có gặp phải nhiều khó khăn, nhưng mỗi ngày rồi cũng qua đi; đến bây giờ vẫn thế, vẫn làm việc trong điều kiện khó khăn vất vả.
Năm nay, tôi không biết được tình hình hiện tại của bạn bè thân thích, anh em cô bác ở quê nhà như thế nào, nên nhân dịp có phái đoàn của Đại học Pháp Giới đi Trung Quốc, tôi nhờ họ đến Đông Bắc, đặc biệt là đến thăm hỏi các vị. Phái đoàn có mang băng thâu âm buổi trò chuyện với các vị về, và tôi đã nghe cả rồi. Tôi rất hổ thẹn, vì lúc nhỏ tôi cũng đã làm rất nhiều chuyện khiến mọi người không vui, bây giờ mới cảm thấy mình không nên như thế!
Bây giờ thì tôi nói chuyện với các vị, hy vọng mỗi người trong các vị đều nên tìm hiểu về Phật pháp, đừng quá xem trọng việc đời, mà nên thấy rằng: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt nước, như sương như điện chớp, nên quán sát như vậy.” Quán thấy như vậy, mới có thể buông bỏ phiền não, sân hận; không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tư lợi, cũng không vọng ngữ— đây mới là đạo lý căn bản làm người của chúng ta.
Chúng ta không muốn tranh với người, nếu người lại muốn tranh với ta, thì ta hãy lùi lại nhường người một bước, đừng nên tranh với người. Cũng đừng tham, vì có tham bao nhiêu đi nữa, sau này cũng trở thành hão huyền thôi. Không đáng được mà lại muốn cho được, đó là tìm cầu bên ngoài, sẽ tạo thành một gánh nặng trong tâm, vì vậy, chớ nên tham cầu. Chúng ta nên chí công vô tư, ngay thẳng, không thiên lệch, do vậy, làm người thì không nên ích kỷ, không nên chỉ biết đến lợi ích của bản thân, mà phải biết đến lợi ích của người khác nữa. Chúng ta trong mỗi cử động đều có thể đem lại lợi ích cho người khác, đối với những việc có lợi cho người chung quanh, chúng ta nên làm nhiều một chút. Còn đối với những việc chỉ lợi ích cho bản thân mình, thì không làm cũng chẳng sao! Trong bất kỳ hoàn cảnh hay tình huống nào, chúng ta cũng đều không được nói dối, mà phải nói lời chân thật. Hãy thật thà, chơn chất làm một con người tốt, thế là đủ rồi!
Hy vọng các anh em cô bác, các vị cư sĩ lớn tuổi, các bạn trẻ có triển vọng, và tất cả bạn bè thân thích, các vị biết rõ tôi là một người chân thật, làm những việc chân thật. Tôi cũng mong các vị học theo điểm chân thật nầy mọi người đều thành thật, thật thà để làm cho thế giới nầy trở thành một thế giới thật thà. Nếu mọi người không còn tranh chấp, không hiếu chiến, không âm mưu đoạt lấy quyền lợi của người chung quanh, thì mọi người sẽ cùng nhau bình an vô sự, và thế giới nầy sẽ trở thành thế giới Cực Lạc.
Tôi xin cầu chúc cho các vị mọi việc đều được như ý nguyện, tâm tưởng sự thành, phát tâm bồ đề, mai sau chúng ta sẽ gặp nhau tại đất Phật! Lại chúc các vị thân tâm luôn an lạc, mạnh khỏe vui tươi, không còn mảy may phiền não, cũng không hút thuốc, không uống rượu, sửa đổi tất cả những tập khí, những thói hư tật xấu dù lớn hay nhỏ; đó là kỳ vọng lớn nhất của tôi đối với các vị. Cuối cùng, vẫn là chúc các vị thân thể mạnh khỏe, tâm được an vui! Nếu như các vị muốn gặp lại tôi, tôi hy vọng tất cả các vị có dịp sang Mỹ, đến tham quan du lịch thì hoan hỷ đến đây chúng ta cùng họp mặt. Nếu có nhã hứng, các vị có thể tổ chức một đoàn lữ hành đến tham quan nước Mỹ. Các vị tới đây, tôi tuy chẳng có khả năng gì, nhưng những vấn đề như ăn, ở, tôi sẽ hoàn toàn lo hết cho các vị. Tạm biệt các vị!
Tâm Hồn Của Tôi Luôn Hướng Về Quê Nhà!
Cuối cùng, tôi còn vài lời muốn nói với người anh thứ ba của tôi. Xét về mặt thế tục, anh là anh thứ ba của tôi; còn xét theo trong đạo thì tôi gọi anh là “cư sĩ”. Cho dù anh có nhận mình là cư sĩ hay không, tôi vẫn gọi anh như thế.
“Cư sĩ” là một danh xưng để gọi người theo Phật giáo, là người rất mực hiền lương. Tôi mong cư sĩ hãy cữ thuốc lá và rượu, lớn tuổi rồi phải đặc biệt chú trọng đến sức khỏe, không nên hủy hoại nó.
Tôi nghe được băng thâu âm của cư sĩ, biết tai cư sĩ không lãng, mắt cư sĩ không mờ, đó là những điều rất tốt. Đặc biệt khi phụ thân qua đời, cư sĩ đã cố gắng hết sức trong khả năng cho phép, khiến tôi vô cùng cảm kích; ở tại một nơi rất xa xôi nầy, tôi xin được bày tỏ lòng cảm tạ đối với cư sĩ! Tôi nghĩ mình không cần nói những lời quá khách sáo, chúng ta hãy thật thà thành thật với nhau; hy vọng lớn nhất của tôi vẫn là mong cư sĩ bỏ thuốc lá và rượu. Tôi còn mong cư sĩ có thể đến nước Mỹ. Nếu được, cư sĩ nên lập tức đi làm thủ tục; cư sĩ có thể dẫn theo vài người, tôi luôn rất hoan nghênh. Bất luận có vấn đề gì, cư sĩ nên báo cho tôi biết, những gì có thể làm được, tôi sẽ không khước từ.
Tôi dặn cư sĩ thêm lần nữa, tên xuất gia của tôi là An Từ, tự Độ Luân, hiệu Tuyên Hóa. Nếu cư sĩ có nhã hứng, và tinh thần vẫn còn minh mẫn, tôi xin mời cư sĩ đến nước Mỹ! Không chỉ một mình cư sĩ, mà tất cả những bạn bè thân thích của chúng ta như Tiểu Đông, Thúy Lan (con gái thứ hai của anh cả), Bạch Dũng Phát (cháu lớn của chúng ta), và cả Thúy Cầm, cùng con cái và cháu chắt của cư sĩ nữa, ai muốn đến đây tôi đều rất vui mừng đón tiếp. Bây giờ tôi đang bận công việc ở Vạn Phật Thánh Thành, không thể rời ra được, nhưng tâm hồn tôi thì luôn hướng về quê nhà. Năm 1975 tôi đã hội ngộ với cư sĩ trong giấc mộng, có lẽ cư sĩ vẫn còn nhớ.
Đây là những lời tôi muốn gởi đến các vị ngày hôm nay, chúng ta hẹn gặp lại nhau tại Mỹ nhé!
You must be logged in to post a comment.