Chinese and English (1) Chinese and English (2) | Vietnamese
Bài nói chuyện của Sư Cô Hằng Trinh (Heng Jen) tại Vạn Phật Thánh Thành trong Pháp Hội Vạn Phật Bảo Sám, tối thứ Năm ngày 02 tháng 5 năm 2002
Sun Wendy dịch sang tiếng Anh
A Đi Đà Phật! Tôi tên là Hằng Trinh. Hàng năm, vào Pháp Hội Vạn Phật Bảo Sám tôi đều kể cùng một câu chuyện để tự khuyến khích mình. Tôi dời đến ở Vạn Phật Thánh Thành vào năm 1985 trước khi Pháp Hội Vạn Phật Bảo Sám bắt đầu. Vào thời đó, số người tham gia Vạn Phật Bảo Sám ít hơn bây giờ rất nhiều. Và trong thời gian đó, tôi cũng lạy Đại Bi Sám mỗi ngày cùng với một cô Sa Di. Lúc đó tôi vẫn còn là một cư sĩ, và vì có những lúc không có người Dẫn Chúng, chúng tôi lễ sám với sự trợ giúp của một băng ghi âm.
Tôi vừa mới đến Vạn Phật Thánh Thành và có rất nhiều công việc để làm. Tôi đến nhà bếp để chuẩn bị rau cải, nấu cơm, rửa chén dĩa và lau sàn nhà …, và sau đó vội vàng chạy đi lạy Đại Bi Sám. Mỗi ngày chúng tôi đều như vậy. Lúc đó có một hôm chỉ có sáu người lạy Vạn Phật Bảo Sám–một người gõ mõ, một người làm vai trò Dẫn Chúng (Duy-na), hai người nam cư sĩ, một Pháp Sư và tôi–tôi là nữ cư sĩ duy nhất. Cũng có những khi không có Pháp Sư nào hiện diện, chúng tôi chỉ có một hoặc hai cư sĩ lễ lạy. Vào buổi tối, trong giờ thuyết pháp, những người cư ngụ trong khuôn viên của Thánh Thành đều cùng gia đình họ đến nghe giảng Kinh. Các Pháp sư ban ngày phải giảng dạy trong các trường học nên không thể lễ lạy Đại Bi Sám, tuy nhiên họ tham dự giờ thuyết Pháp vào buổi tối. Trong Phật Điện không có hơn hai mươi người nhưng tôi có thể cảm nhận rằng tất cả mọi người đều rất thành tâm.
Một buổi tối, giữa lúc giảng Kinh, Hòa Thượng bước vào và nói với chúng tôi: “Hôm nay có một ngôi sao không được kiết tường lắm xuất hiện trên trời, vì vậy tất cả quý vị cần phải thành tâm.” Tận đáy lòng tôi đã nghĩ rằng chúng tôi chỉ có khoảng 20 người, dù chúng tôi có thành tâm cũng có thể không đủ sức! Hòa Thượng nói: “Nếu tất cả mọi người thành tâm, thiên tai này sẽ được ngăn chận!” Không lâu sau khi chúng tôi hoàn thành lễ lạy Vạn Phật Bảo Sám, chúng tôi được biết có một cơn lốc xoáy ở phía bắc Canada thổi bay nhiều ngôi nhà, nhưng không ai bị thương tích. Tôi thảo luận vấn đề này với Hòa Thượng: “Bạch Sư Phụ, Sư Phụ nói rằng sẽ có một thiên tai lớn. Cuối cùng nó vẫn xảy ra!”
Hòa Thượng nói: “Đúng! Thiên tai này đã qua rồi. Tuy nhiên tôi không đề cập đến việc này; còn có một thảm họa lớn khác nữa!” Tôi nói: “Như vậy Sư Phụ giải thích thiên tai ở miền bắc Canada như thế nào?” Hòa thượng nói: “Đó chỉ là chuyện rất nhỏ!”
Tôi nhớ rằng có lần một cư sĩ nói với tôi khi chúng tôi làm lễ hồi hướng ở một chùa chi nhánh khác, là Hòa Thượng thường nói: “Đừng nói rằng quý vị không có tu hành gì cả; bất cứ những gì quý vị làm, đều tạo được công đức. Mặc dù có thể là rất ít công đức, tôi sẽ gom tất cả những công đức nhỏ này và hồi hướng chung cùng với công đức của tôi.” Hòa thượng không nói rõ ngài hồi hướng cho cái gì.
Bây giờ khi chúng ta nghe Phẩm thứ 25, “Thập Hồi Hướng” trong kinh Hoa Nghiêm, tôi luôn luôn ghi nhớ những lời của Hòa Thượng. Dù chúng ta làm bất cứ việc gì, nếu ý định của chúng ta là làm lợi ích chúng sanh, thì dù sự tu hành và sức lực của chúng ta còn giới hạn, tôi vẫn tin chắc rằng Hòa Thượng sẽ đem công đức của ngài cộng với tất cả công đức nhỏ nhoi của chúng ta để làm thành đại hồi hướng.
Trong những việc chúng ta làm hằng ngày, chúng ta nên dùng trực tâm và tâm bình thường. Một cái tâm bình thường có nghĩa là chúng ta không nên tranh đấu hay cạnh tranh. Chúng ta không nên nghĩ về việc chúng ta đã thực hiện tốt đẹp hay kém cỏi. Chúng ta chỉ cần đoan chắc rằng chúng ta thẳng thắn trong mọi việc chúng ta làm. Khi gặp khó khăn, chúng ta nên xem những khó khăn đó giúp chúng ta tiêu giảm được nghiệp chướng. Những khó khăn đó cho chúng ta cơ hội để hiểu chính mình được sâu xa hơn và cũng để hiểu rõ người khác. Có câu nói rằng: “Người thắt gút có nhiệm vụ tháo mở gút.” Trong thời gian lễ sám, chúng ta cần hiểu mình hơn để có thể tự nhận ra sai lầm của mình.
Vào thời gian này, chín nữ sinh của Trường Nữ Học đã đại diện cho trường để tham dự cuộc thi Văn Hóa Trung Hoa. Cô giáo đã không ngừng nhắc nhở tất cả các em: “Việc các em có thắng hay không đều không quan trọng. Chỉ cần tham gia cuộc thi với một tâm bình thường, áp dụng kiến thức các em có được mà không có bất cứ kỳ vọng nào.”
Mỗi năm không khí cuộc thi rất căng thẳng, tương tự như việc thi tuyển đại học ở Đài Loan. Có nhiều bậc cha mẹ Trung Hoa từ các trường khác, tất cả đều mặc quần áo đẹp đẽ cho cuộc thi này. Tuy nhiên, nhóm sinh động nhất là của Trường Bồi Đức và Trường Dục Lương từ Vạn Phật Thành Thành. Các nam sinh chạy quanh vui chơi đuổi bắt, trong khi các nữ sinh ríu rít chuyện trò.
Tôi cũng nói với các em đừng xem cuộc thi này quá quan trọng. Vào ngày trước khi thi, tất cả mọi người hội họp rất bình thản, không có bất kỳ lo lắng nào. Tôi nhắc nhở các nữ sinh tham gia cuộc thi hùng biện hãy xem cuộc thi như những cuộc nói chuyện trước đám đông khác. Tôi nói với các em: “Các em phải nhớ rằng đây không phải là Vạn Phật Thánh Thành, do đó, không bắt đầu bằng câu ‘Kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, và chư vị Pháp Sư ‘; và cũng không kết thúc bằng câu ‘A Di Đà Phật’!” Tất cả các nữ sinh đều thoải mái và tham gia với phong cách bình thường nhất.
Việc chúng ta có được một giải thưởng hay không, không là mối quan tâm chính của chúng ta. Điều đó không quan trọng. Mỗi người phải sử dụng trí tuệ của mình để đánh giá kết quả cuối cùng vậy!