Hòa Thượng Tuyên Hóa Luôn Luôn Từ Bi

Trích từ bài nói chuyện của Tỳ kheo Hằng Thuận tại Phật điện Vạn Phật Thánh Thành vào ngày 24/12/2014 và ngày 8/4/2015.
Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số 541, tháng Sáu, 2015, trang 21 – 26,35.

gate_logo

Trước hết, tôi muốn chia sẻ với quý vị một đoạn kinh văn trong quyển Kinh Mẫu Thân. Trong Kinh Mẫu Thân, Đức Phật nói, : “Chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay đều luẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử. Nếu muốn tìm một sự khởi đầu trong vòng luân hồi sanh tử, sẽ không tìm thấy điểm xuất phát khi chúng sinh lần đầu tiên bắt đầu tiến trình chuyển sinh trong chu kỳ tái sinh hoặc trải qua sự đầu thai trong cõi luân hồi. Chúng sinh trong cõi luân hồi bị ngăn trở bởi sự vô minh và bị trói buộc bởi ái dục. Thật khó mà tìm thấy một người mà trong quá khứ chưa từng một lần làm mẹ của một người nào đó. Cũng vậy, thật khó mà tìm thấy một người nào mà trong quá khứ chưa từng làm cha của một người nào đó. Thật khó mà tìm thấy một người mà trong quá khứ chưa từng làm anh/em của một người nào đó. Thật khó mà tìm thấy một người mà trong quá khứ chưa từng làm chị/em của một người nào đó. Thật khó mà tìm thấy một người mà trong quá khứ chưa từng làm con trai của một người nào đó. Thật khó mà tìm thấy một người mà trong quá khứ chưa từng làm con gái của một người nào đó ”.

Về cơ bản, đó là nói về mọi chúng sinh trong luân hồi, không chỉ loài người, và không chỉ loài người trên trái đất của chúng ta mà là trong tất cả các cõi luân hồi, không có một chúng sinh nào mà chưa từng làm mẹ, làm cha, làm anh em, chị em, con trai hay con gái của chúng ta. Mỗi một chúng sinh đều có cả sáu loại quan hệ này với chúng ta. Đây thực sự là một bộ Kinh điển của Phật giáo truyền thống Nguyên thủy bằng tiếng Pali.

Tất nhiên là theo quan điểm của Đại thừa, chúng ta muốn làm hết sức mình, như Bồ tát Quán Thế Âm, để có được lòng từ bi vô cùng chân thật đối với tất cả chúng sinh đã có những mối quan hệ thân thuộc với chúng ta ở những kiếp trong quá khứ. Nghĩ về điều này, tôi sẽ kể một vài câu chuyện trong kinh nghiệm quan sát của tôi về lòng từ bi của Hòa thượng. Tối nay, tôi được truyền cảm hứng để nói về điều này vì khoảng một hoặc hai tuần trước, Spike đã nói vào cuối buổi nói chuyện của anh ta rằng, sau khi suy nghĩ về tất cả những nỗ lực của anh ta trong việc học cách cư xử nhân từ với người khác, anh ta nghĩ rằng: “Tôi luôn luôn hình dung Hòa thượng là vô cùng từ bi”. Theo kinh nghiệm của tôi, đặc biệt là trong sinh hoạt thường nhật, trong đời sống thực tế, Ngài luôn luôn nhân từ, không có sự ngoại lệ nào khác. Thực sự rất cảm động khi thấy Ngài đã từ bi như thế nào.

VBS-JUNE-2015-21-26_35_aVBS-JUNE-2015-21-26_35_b

Những câu chuyện này là những chuyện nhỏ không đáng kể đã xảy ra rất nhiều, nhưng khi quý vị nhìn thấy điều đó được lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thì mới thực sự cảm động. Hòa thượng luôn luôn từ bi.

Câu chuyện thứ nhất là về cá nhân tôi. Đây là câu chuyện mà tôi chưa bao giờ kể công khai trước đại chúng. Đó là về quá trình ba năm sám hối của tôi và làm thế nào mà cuối cùng, Hòa thượng đã tha thứ cho tôi và cho phép tôi được thọ giới Tỳ-kheo một lần nữa. Thật là xấu hổ, song tôi hy vọng rằng bằng cách học kinh nghiệm của tôi và cách giáo hóa của Hòa thượng, nó sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Điều này xảy ra trong quá trình sám hối của tôi. Như rất nhiều người đã biết, có một vị sư khác và cá nhân tôi đã cùng nhau trải qua khoảng thời gian sám hối dài và rất nghiêm túc, bắt đầu từ cuối tháng 1 năm 1992 và kéo dài cho tới tháng 8 năm 1994. Không cần phải đi quá sâu vào chi tiết, chủ yếu là cả hai chúng tôi đã chi tiêu rất nhiều tiền cho trường đại học mà không được sự cho phép của Hòa thượng. Cuối cùng số tiền đã bị tiêu xài lãng phí. Do đó, chúng tôi đã tạo ra rất nhiều nghiệp xấu và nặng nề. Các nghi thức sám hối được thực hiện chính thức trước mặt Hòa thượng và tứ chúng tại Phật điện này và diễn ra công khai trong suốt bốn cuối tuần (tháng 1 đến tháng 2). Từ lúc bắt đầu sám hối và suốt sáu tháng sau đó, dù rằng cả hai chúng tôi đã làm Tỳ kheo từ 10 đến 15 năm, nhưng chúng tôi đã bị lấy đi áo giới (cà-sa) và phải đứng đằng sau những vị sa di ni

[ để tỏ sự ăn năn. Chúng tôi cũng phát nguyện bắt buộc im lặng. Khỏi cần phải nói, chúng tôi đã trải qua một thời kỳ sám hối khá nghiêm khắc. Đó là những gì mà chúng tôi đã tự tạo ra cho chính bản thân mình thông qua những nghiệp bất thiện.

Tôi thực sự cảm thấy vô cùng hổ thẹn trong suốt quãng thời gian đó, và cho tới tận hôm nay, tôi vẫn rất xấu hổ về những gì mình đã làm. Sau sáu tháng đầu của giai đoạn sám hối đặc biệt này, Hòa thượng nói: “Hai ông thậm chí không thể làm đệ tử của ta nữa. Chúng ta sẽ bốc thăm. Hai ông sẽ rút thăm có tên của hai vị tỳ kheo và hai người đó sẽ là hai người thầy mới của các ông”. Và thế là tôi đã không còn là Hằng Thuận [Heng Shun] nữa, và chúng tôi bị mất luôn cả tên của hàng đệ tử truyền thừa của Hòa thượng – chúng tôi mất chữ “Hằng” trong tên của mình và trở thành đệ tử của hai vị đệ tử của Hòa thượng. Chúng tôi có tên mới – tôi là Thân Hà (xa) [Qin Xiá] và vị sư kia tên là Thân Nhĩ (gần) [Qin Ér]. Vì thế, chúng tôi không còn là đệ tử truyền thừa trực tiếp của Hòa thượng nữa.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể học tập tại Vạn Phật Thánh Thành. Chúng tôi vẫn rất mực tin tưởng vào Hòa thượng. Chúng tôi đã đánh mất thân phận của một thầy Tỳ kheo và trở thành sa di. Chúng tôi nhận lấy vị trí bình thường như những vị sa di khác và cũng được mặc áo giới (cà-sa) trở lại. Một lần nữa, chúng tôi nhận thức rõ rằng hoàn cảnh mà chúng tôi đang lâm vào đây là do chính mình tạo ra. Chúng tôi phải gánh chịu hậu quả do những hành vi ngu ngốc của chính mình. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng cả hai chúng tôi đều có niềm tin không lay chuyển đối với Hòa thượng. Chúng tôi làm hết sức những gì mình có thể, học tập và tu hành như những sa di. Đó là bối cảnh và sự hình thành của câu chuyện.

Thế là, sau quãng thời gian sáu tháng im lặng sám hối , chúng tôi bốc thăm để chọn tên của hai người thầy mới. Đó là vào tháng 7 năm 1992. Khoảng 11 tháng sau đó (tháng 6 năm 1993), tôi nhận được tin từ mẹ tôi rằng cha tôi không đủ sức khỏe để làm những việc mà trước đây ông thường làm. Ông đã gần 80 tuổi. Cha mẹ tôi sống trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Chicago. Mẹ tôi muốn tôi về giúp bà một vài công việc trong nhà vì cha tôi không thể làm được. Tôi bèn nhờ một trong các vị sư giúp tôi hỏi Hòa thượng xem tôi có được phép đi hay không. Tôi đã được tin là tôi được phép đi. Tôi đã nói rằng tôi có lẽ sẽ đi khỏi trong vòng một hoặc hai tháng. Tuy nhiên, vài ngày trước khi tôi trở về nhà cha mẹ tôi, Hòa thượng đã nói với một trong các vị sư rằng Ngài muốn gặp tôi. Tôi đã không được hầu chuyện với Hòa thượng kể từ sự kiện tháng 7, gần một năm trước đó.

VBS-JUNE-2015-21-26_35_cVBS-JUNE-2015-21-26_35_d1

Thầy Hằng Thuận

Vì thế, Hòa thượng đã cho gọi tôi đến và tôi đã nói chuyện với Ngài một mình. Ngài nói với tôi bằng tiếng Hoa: “Vấn đề của con vẫn chưa được giải quyết”. Ngài không hài lòng rằng tôi đã muốn đi và tôi đã có cảm giác rằng ban đầu Ngài đã không thực sự cho phép tôi đi. Lúc đó, và suốt quãng thời gian hơn 2 năm sám hối, tôi cứ cảm thấy gánh nặng này thực sự đè nặng trên vai tôi. Đó là những nghiệp chướng nặng nề mà tôi vẫn chưa vượt qua được. Hòa thượng cho biết khá rõ ràng rằng những nghiệp chướng của tôi vẫn còn rất nghiêm trọng và tôi vẫn chưa bù đắp được cho những nghiệp tội xấu mà mình đã tạo ra. Do đó, đối với việc ra đi của tôi, Hòa thượng không được vui lắm

Có một điều mà tôi cũng muốn đề cập là trước đây tôi đã là một trong những người có duyên lành từng được làm trợ lý cho Sư Phụ và sau đó được trở thành thị giả của Ngài, tổng cộng trong khoảng 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, ở Kim Sơn Thánh Tự (tại đường 15th ở San Francisco), tôi có cơ hội gặp Ngài thường xuyên, và có thể hầu chuyện riêng với Ngài bất cứ khi nào cần thiết. Tuy nhiên, sau sự kiện sám hối của tôi, tôi đã đánh mất tư cách và vị trí của một người Tỳ-kheo thâm niên dưới sự dạy dỗ của Hòa thượng. Tình huống này thực sự đã khó khăn lắm rồi, thế mà bây giờ tôi lại còn muốn xa rời Vạn Phật Thánh Thành và những chỉ dẫn trực tiếp của Hòa thượng để về nhà giúp đỡ cha mẹ tôi!

Và, thế là tôi đã trở về nhà cha mẹ tôi. Rồi một tháng trôi qua, một tháng nữa trôi qua, và một tháng nữa lại trôi qua. Nhớ lại chuyện Hòa thượng đã không được vui về việc tôi xin đi trong một hoặc hai tháng, mà bây giờ thì đã là ba tháng, rồi bốn tháng và thậm chí đến năm tháng.

Ở nhà, việc nọ cứ nối tiếp việc kia. Mẹ tôi cứ muốn tôi làm hết việc này, tới việc khác; cha tôi thì không còn đủ sức khỏe để làm những công việc thông thường nhằm bảo trì nhà cửa. Cứ như thể là tôi bị mắc kẹt tại đó vậy. Tôi vẫn là một nhà sư và giữ hạnh nguyện của mình. Tôi vẫn luôn luôn mặc áo giới (cà-sa) và thực hiện các thời khóa công phu và các buổi lễ (đặc biệt nhất là tụng Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện), nhưng tôi thực sự đang bị mắc kẹt. Đến tháng 12, lúc đó tôi ở nhà đã được 6 tháng. Có người ở Vạn Phật Thánh Thành nói với tôi rằng Hòa thượng đang băn khoăn không biết tôi đang ở đâu và khi nào thì tôi quay trở lại? Điều này thực sự kỳ lạ, bởi vì tôi rất muốn quay trở lại, nhưng tôi đang bị mắc kẹt. Đến tháng giêng, tức là đã 7 tháng rồi. Rồi đến ngày 14 tháng 2 năm 1994, tôi nhận được một lá thư từ Vạn Phật Thánh Thành.

Bên trong thư chỉ có một mẩu giấy nhỏ ghi rằng, “Hòa thượng nói thầy không cần quay trở lại Vạn Phật Thánh Thành nữa”. Thực chất của thông điệp đó là tôi không được phép quay trở lại Thánh Thành nữa. Tôi không thể tin nổi vào những gì mình đang đọc. Tôi hoàn toàn bị sốc. Tôi không hề có ý định không quay trở lại nữa. Tôi tự nhủ rằng, “Cái gì? Điều này thật không thể được!”. Điều này như sét đánh ngang tai. Khi tôi suy nghĩ và nghiền ngẫm về ý nghĩa của thông điệp đó, đột nhiên tôi cảm thấy như cái mạng lưới đang trói buộc tôi từ khắp các phía đang bị đứt đoạn. Tôi có thể nhìn thấy một cách rõ rệt những sợi dây này với đủ màu sắc trong không gian bao vây quanh tôi đang bị đứt ra từng mảnh. Đó hẳn là cái lưới nghiệp đã giam giữ tôi lại trong căn nhà của cha mẹ tôi. Những lời của Hòa thượng trong thư có đủ oai lực để cắt đứt những sợi dây này. Thế rồi tôi biết rằng mình cần phải quay trở lại chùa Vạn Phật. Lúc đó, tôi đã thoát khỏi cái lưới này rồi và cảm thấy rằng mình có thể quay trở lại. Vì thế, tôi đã ngay lập tức gọi điện về chùa.

Tôi đã nguyện cống hiến cả đời mình làm tăng sĩ và học tập với Hòa thượng. Nếu tôi không thể quay về chùa, tôi cảm thấy đời mình vô nghĩa. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ không ở chùa nữa. Tôi gọi điện về chùa và khá xúc động. Tôi nói tôi thực sự muốn quay trở lại, xin hãy nói với Hòa thượng rằng tôi không hề có ý định không quay trở lại. Tôi vô cùng quẫn trí. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy rằng tác động từ lời nhắn của Hòa thượng đã giúp tôi được tự do và quay trở lại. Tôi đã có thể rời nhà cha mẹ mình và không còn bị mắc kẹt ở đó nữa. Sau khi gọi điện về chùa, tôi viết một bức thư gửi Hòa thượng và fax tới chùa vào sáng hôm sau. Trong thư, tôi cầu xin Hòa thượng cho phép tôi quay trở lại chùa. Một tuần sau đó, tôi nhận được một lá thư khác từ chùa. Trong phong bì có một mảnh giấy khác, đề ngày 19 tháng 2, viết rằng “Hòa Thượng nói ông có thể quay lại. Nhưng khi trở lại, ông sẽ phải làm việc chăm chỉ và sẽ không còn là tu sĩ nữa (nghĩa là tôi sẽ là cư sĩ)”. Tôi quá vui mừng khi có thể quay về. Là một trong số những phụ tá của Hòa Thượng, tôi có nhiều dịp quan sát cách ngài dạy dỗ và chuyển hóa mọi người bằng các phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì, tôi vui quá nên cười lớn. Tôi vui mừng vì mình có thể quay về, nhưng tôi sẽ trở thành cư sĩ. Tôi được nghe rằng tôi không nên cởi y; tôi nên mặc y ở nhà cha mẹ. Một khi trở lại Vạn Phật Thánh Thành, tôi sẽ lại là một cư sĩ. Nguyên khởi, tôi ra đi vào tháng 6 năm 1993, và tôi quay về vào ngày 10 tháng 4 năm 1994.

Tôi thật quá vui mừng được quay về. Có quá nhiều kinh nghiệm cùng với Hòa Thượng và biết những điều nên làm, tôi làm việc rất chăm chỉ theo lời dạy của ngài. Cả ngày, tôi làm rất nhiều công việc dùng thể lực. Tôi tham dự các thời công khóa chính. Không cần phải nói, tôi rất hổ thẹn và ngượng ngùng. Tôi lại là một cư sĩ, sau khi là một Tỳ Kheo trong hơn 15 năm, nhưng chỉ lo làm việc rất chăm chỉ và không nghĩ nhiều về điều đó. Tôi cố gắng tạo công đức. Khoảng 4 tháng sau, tôi có một giấc mơ. Đó là vào ngày 10 tháng 8 năm 1994. Tôi đang ở trong pháp hội, giống với pháp hội đại sám hối (của 2 năm rưỡi trước đó), trừ việc lúc này mọi người nói “Tốt lắm! Thầy đã làm rất tốt. Thầy đã hoàn tất sự sám hối của mình”. Đó thật là một giấc mơ rấr sống động rõ ràng. Tôi vẫn còn cảm thấy rất hổ thẹn, thậm chí cả trong giấc mơ đó. Tôi cảm thấy không đáng để được các vị ấy tha thứ.

Trở lại với thực tế, vài ngày sau, vào ngày 13 tháng 8, Hòa Thượng gọi đến văn phòng và nói, hai tu sĩ, thầy Hằng Thuận và người tu sĩ kia, có thể là đệ tử của tôi trở lại. Họ có thể lấy lại pháp danh tu sĩ ban đầu. Khi chúng ta có lễ thọ giới lần tới, họ có thể trở thành Tỳ Kheo lại. Hòa Thượng nói “Bất kỳ ai cũng có thể thay đổi chính mình”. Sau đó ngài trích dẫn một câu trong Kinh Thi được đề cập trong sách Đại Học chú giải “Như cắt sừng bò, như giũa ngà voi, như đẽo ngọc đẹp, như mài đá quí” (1) là một trong những câu trong sách Đại Học mà tôi yêu thích. Trong một buổi Hòa Thượng thuyết giảng tại Vạn Phật Thánh Thành vào ngày 31 tháng 7, 1992, ngài nói “Chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm. Chúng ta nên giúp nhau trong lò luyện kim lớn của Vạn Phật. “Như cắt sừng bò, như giũa ngà voi, như đẽo ngọc đẹp, như 2mài đá quý” , dùng ngọc, dùng thân và máu để tạo nên vật dụng vô cùng tinh xảo đẹp đẽ!. (2)

Mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi được tha thứ. Vào lúc đó, những người ở văn phòng đã không tin điều họ nghe thấy. Thậm chí pháp sư Hằng Luật sau khi nghe thấy điều này, đã gọi điện thoại cho Hòa Thượng để minh xác đó là sự thật. Họ không thể tin rằng chúng tôi được tha thứ đột ngột như vậy. Mọi việc hóa ra như vậy đấy. Hòa Thượng khiến tôi trở lại làm Sa Di.

Sau đó, cuối cùng tôi phải đi gặp mặt Hòa Thượng, tôi đã không gặp ngài 2 năm rồi. Tôi đã đến thăm ngài vào ngày 13 tháng 12, 1994. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ngài sau vài năm và đó là lần cuối tôi thấy ngài vì sau đó ngài đã rời bỏ thế gian. Vào lúc đó, tôi không biết cuộc gặp của mình với Hòa Thượng sẽ như thế nào. Tôi quỳ lạy Hòa Thượng và ngài nắm lấy bàn tay tôi, điều mà trước đây ngài chưa từng làm trong nhiều năm khi tôi là phụ tá hay thị giả của ngài. Ngài nắm lấy bàn tay tôi và nói “Ta không khiển trách con, ta đã không dạy dỗ con cho tốt đẹp.” Tôi đã sai lầm và phạm lỗi, tôi đã không thật sự hiếu thảo như tôi nên làm – hiếu thảo với Hòa Thượng. Hòa Thượng nói “Làm sao ta có thể hy vọng người Hoa Kỳ hiểu được đạo hiếu? Điều này không thật sự được chú trọng trong văn hóa Hoa Kỳ. Ngài nói “Ta không khiển trách con, vì thế đừng lo lắng. Giờ con đã thay đổi nhiều. Ta xem mọi chúng sinh như cha mẹ quá khứ của mình”. Đó là điều mà tôi không bao giờ quên được. Điều đó giống như điều trong kinh nói, đối với tôi, đó là điều mà Hòa Thượng thật sự nhìn thấy. Chúng tôi nghe kinh và tin vào lời kinh, nhưng đây là Hòa Thượng nói ra điều đó. Đây là một mối quan hệ với mọi chúng sinh trong các kiếp quá khứ và ngài nói “Tôi xem mọi chúng sinh là cha mẹ quá khứ của mình.” Cuối cùng, vị tu sĩ kia và tôi đều trở thành Tỳ Kheo vào lễ thọ giới năm 1995.

VBS-JUNE-2015-21-26_35_e

Từ trái sang phải: Thầy Hằng Quán, Hỏa Thượng Tuyên Hóa, Thầy Hằng Thật

Đây là một câu chuyện khác xảy ra vào năm 1985. Trong những ngày ban của chùa Kim Sơn Thánh Tự – khi tôi đến chùa vào năm 1974, thầy Hằng Quán luôn là vị tăng mà chúng tôi kính nể nhất. Thầy ấy rất có tài. Hòa Thượng nói thầy ấy kiếp trước là thư ký của Lục Tổ. Thầy ấy đã trải qua khóa sám hối như tôi, khóa kéo dài vài lần những ngày cuối tuần. Sau cuối tuần đầu tiên ở Vạn Phật Thánh Thành – vào năm 1985, Hòa Thượng thường ở Vạn Phật Thánh Thành 3 ngày mỗi tuần và ở tại chùa Kim Sơn Thánh Tự khoảng 4 ngày mỗi tuần. Ngài thường lên đây vào thứ Sáu và rời đi vào thứ Hai.

Thầy Hằng Quán lúc đó đang trải qua kỳ sám hối rất vất vả này. Đến cuối ngày của cuối tuần đầu tiên – tôi nghĩ là chiều Chủ Nhật, thầy ấy đáng lẽ trở về chùa Kim Sơn Thánh Tự. Hòa Thượng gọi điện đến chùa Kim Sơn Thánh Tự và hỏi thầy Hằng Quán có ở đó không. Tôi nói với Hòa Thượng “Không thưa Hòa Thượng”. “Thầy ấy rời đi khoảng 3 tiếng đồng hồ rồi, lẽ ra bây giờ phải ở đó rồi chứ”. Hòa Thượng nói “Hằng Quán đang trải qua kỳ sám hối này và rất bực bội nên hãy đối xử thật tốt với thầy ấy, phải thật tử tế.”.

Tôi là phụ tá của thầy Hằng Quán trong 10 năm và chúng tôi rất hòa hợp với nhau và thầy ấy đối xử rất tốt với tôi như người anh cả của tôi vậy. Hòa Thượng nói rõ – ngay khi thầy ấy về, hãy đối xử thật tốt với thầy ấy. Thật khó khăn cho thầy ấy ngay lúc này. Tôi suy nghĩ trong đầu và tôi đợi 4 đến 5 tiếng đồng hồ kể từ lúc thầy ấy đi, cuối cùng thầy ấy cũng bước vào cửa. Tôi thật sự lo âu vì Hòa Thượng đã gọi điện như vậy, có nghĩa chắc hẳn thầy ấy phải rất bực bội. Tôi rất lo lắng nếu nói sai điều gì, thầy ấy sẽ bùng nổ. Nhưng ngay khi thầy ấy vừa bước qua cửa, điện thoại reo lên.

Tôi thậm chí còn không có cơ hội nói “chào” với thầy ấy, ngay khi thầy ấy vừa bước vào, điện thoại reo lên và đó là Hòa Thượng. Tôi chuyển điện thoại cho thầy Hằng Quán và Hòa Thượng khiến thầy ấy hoàn toàn bình tâm lại. Thầy ấy đã nói chuyện với Hòa Thượng khoảng 10 – 15 phút. Ngay khi nói chuyện xong, thầy ấy thật nhẹ nhõm. Thầy ấy kể tôi nghe tại sao lại về trễ – vì thầy ấy thích thú môn chiêm tinh (tính sao) nên đã dừng lại và tính toán chiêm tinh cho mình trong vài giờ. Thầy ấy đang tìm kiếm những điều may mắn cát tường trong cuộc đời mình như thế nào. Thầy ấy đang trải qua thời gian sám hối này. Thầy ấy rất vui vì Hòa Thượng có thể khiến thầy cảm thấy tốt đẹp hơn và những điều khác Hòa Thượng nói với thầy ấy. Tôi nhớ chuyện đó rất rõ.

Tóm lại, chúng ta đừng bao giờ để mất niềm tin vào chính mình. Mỗi người trong chúng ta thật sự có khả năng giác ngộ. Nếu một người như tôi, bằng niềm tin, đã có thể trải qua tất cả những gì tôi đã đi qua và được thành công, vậy thì tất cả chúng ta chắc chắn đều có khả năng làm điều tương tự.

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ: 如切如磋,如琢如磨 – Như thiết như tha, như trác như ma. – Nghĩa đen: Như cắt như đánh bóng, như giũa như mài. Nguyễn Hiến Lê dịch: Như cắt sừng bò, như giũa ngà voi, như đẽo ngọc đẹp, như mài đá quí” https://osshcmup.wordpress.com/2015/01/01/luan-ngu-1-15/

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

我們都有優缺點,我們應該在萬佛城這個大熔爐裏,互相幫忙,互相扶 持,如切如磋,如琢如磨。用玉、用血和肉,造出最精 美的器具。

Ngã môn đô hữu ưu khuyết điểm, ngã môn ứng cai tại Vạn Phật Thành giá cá đại dung lô lý hỗ tương bang mang, hỗ tương phù trì, như thiết như tha, như trác như ma. Dụng ngọc, dụng huyết hòa nhục, tạo xuất tối tinh mỹ đích khí cụ