English|Vietnamese

Ron Epstein (Pháp Danh Quả Dung)  

Trích dịch từ sách How Buddhism Changed My Life!

 

Sau khi đến Hoa Kỳ theo lời mời của một số đệ tử từ Hồng Kông (đã đến Hoa Kỳ trước đó *), Sư phụ (tác giả muốn nói đến Hòa Thượng Tuyên Hóa – người dịch chú thích) đã thành lập một Giảng Đường Phật Giáo ở khu phố Tàu thuộc thành phố Cựu Kim Sơn vào năm 1962. Sang năm 1963, vì có một số đệ tử tỏ ra không tôn trọng giáo pháp, Ngài đã dời Giảng Đường Phật Giáo từ khu phố Tàu về tầng một  nằm trong một tòa nhà kiểu Victorian ọp ẹp giữa khu Fillmore và phố Nhật tại Cựu Kim Sơn. Những tầng khác của khu nhà này bao gồm những căn phòng đơn cho thuê với nhà bếp công cộng. Cư dân thuê nhà ở đây bao gồm những người nghèo khó, già cả, người da đen cùng với một đám thanh niên háo hức đi tìm ý nghĩa của cuộc sống bằng những phương thức khác nhau.

Tôi gặp Sư Phụ lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 1966. Lúc đó tôi là một sinh viên nghèo cần một chỗ trú ngụ và tôi đã thuê một phòng trên tầng nhì của khu nhà. Dù vô tình hay cố ý, giới trẻ trong khu nhà này đều nghĩ rằng Sư Phụ là một người rất đặc biệt nhưng vì chúng tôi chẳng hiểu biết gì về đạo Phật thành thử chúng tôi cũng không biết lấy gì để diễn đạt tư tưởng của mình. Chúng tôi biết Ngài là một tăng sĩ Phật giáo người Trung Hoa nhưng chẳng biết điều đó có nghĩa là gì. Có một thanh niên đã quy y với Ngài, nhưng chúng tôi cũng lại chẳng hiểu gì về việc ấy và không biết điều đó có khác gì với việc xuất gia không. Những nghi thức căn bản Phật giáo, khái niệm về cúng dường và giới luật đều hoàn toàn xa lạ đối với chúng tôi.

Sư Phụ chẳng bao giờ tiết lộ Ngài là một vị Tổ Sư và có hằng ngàn đệ tử khắp Trung Hoa và Hồng Kông. Có nhiều Phật tử địa phương người Hoa hờn giận Ngài về việc đã rời bỏ khu phố Tàu. Chỉ còn lại một nhóm nhỏ đệ tử rất trung thành vẫn thường xuyên đến thăm viếng và cúng dường cho Ngài mà thôi; tuy nhiên Sư Phụ luôn chia sớt những gì có được với mọi người trong khu nhà. Ngài thường đặt những bao gạo ở khu nhà bếp công cộng để không một ai phải bị thiếu ăn. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ hội Phật giáo hay những lúc có thức ăn dư dả, Ngài hay mời một vài chúng tôi đến ăn trưa và thường tự mình đứng ra nấu nướng. Chúng tôi đều công nhận rằng thức ăn thật là ngon miệng. Sư Phụ thuyết giảng tường tận như nhau cho dù thính chúng lúc đó chỉ là một vài người không hiểu tiếng Hoa thỉnh thoảng đến nghe pháp hay nhiều năm về sau này là gồm có hàng trăm hay hàng ngàn người.

Tôi còn nhớ những khi đến nghe Ngài thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Với một phong thái đáng kính đã quen thuộc với chúng ta, Ngài ngồi tại phiá đầu hai chiếc bàn xếp với tẩm bảng đen cũ kỹ đặt sau lưng. Thường thì chẳng có ai phiên dịch cho cả, nếu có thì đôi khi chỉ là hai em học trò trung học với khả năng dịch thuật không được tốt cho mấy. Tôi không hiểu gì về kinh Phật nhưng tôi vẫn đến để nhìn thấy Sư Phụ và được nghe giọng nói của Ngài.

Giờ tọa thiền do Sư Phụ tổ chức từ bảy đến tám giờ mỗi tối thì thịnh hành hơn đối với một số thanh niên Mỹ. Thường thì lúc nào cũng có đông người ở đó, và trong thời gian tôi sống ở khu cư xá, tôi đã cùng ngồi với Ngài càng lúc càng lâu hơn. Mặc dù Trung tâm Thiền Cựu Kim Sơn (San Francisco Zen Center ) nổi tiếng chỉ cách đó có vài khu phố nhưng tôi bắt đầu cảm nhận được kết quả đặc biệt về sự hành thiền của mình mỗi khi có Ngài hiện diện.

Phải đến sáu tháng sau thì tôi mới có được sự nhận thức rõ ràng về Sư Phụ. Khi đó tôi thật là ngạc nhiên. Tuy rằng tôi vẫn chưa thật sự hiểu gì về đạo Phật, nhưng tôi biết Sư Phụ là Người đặc biệt hơn tất cả mọi người khác mà tôi đã từng gặp qua trong cả cuộc đời này. Tôi không tìm thấy được một chút nào tánh ích kỷ cá nhân  nơi Ngài, do đó giữa chúng tôi không hề có sự mâu thuẩn về quyền lợi. Ngài đã hiểu tôi nhiều hơn tôi hiểu chính bản thân mình, chấp nhận tôi trong lúc những người khác không làm được và đã quan tâm tận tình cho tôi khiến tôi không còn nỗi e dè đối với Ngài nữa. Tôi linh cảm Ngài có một nguồn trí tuệ bao la và một quyền năng tâm linh phi thường, tuy nhiên hàng ngày Ngài vẫn biểu hiện rất ư bình thường, hoàn toàn kín đáo không để lộ chút sơ hở nào cả.

Tôi nghi ngờ rằng những thấu hiểu của tôi về Ngài lúc đó không chỉ mình tôi mới có được mà bất cứ ai, không phân biệt chủng tộc hay trình độ văn hóa, có đạo Phật hay không củng đều có được một cảm nhận tương tự hay sâu sắc hơn nữa, miễn là người đó mở rộng cỏi lòng đối với Ngài. Vài tháng sau đó, tôi đã háo hức lên đường đi du lịch châu Á để viếng thăm quê hương của đạo Phật. Tôi có cảm giác thật lạ lùng khi lần đầu tiên ngây thơ tiếp xúc với một lớp vỏ Phật giáo truyền thống 2500 năm. Trừ một vài ngoại lệ đặc biệt, tôi nhận thấy nó thiếu hẳn tinh thần sống động. Chẳng bao lâu sau khi trở về Mỹ, tôi gia nhập vào đội ngũ những học giả về Phật học thuộc các trường đại học và đã trở thành sinh viên ban Cao học, trước ở trường Đại học Washington, sau đó ở trường Berkeley. Tôi kinh ngạc về kiến thức bao la, uyên bác của một vài vị giáo sư hướng dẫn khi nói về giáo huấn của Đức Phật.

Đồng thời tôi cũng tự hỏi vì sao hầu như tất cả những học giả về Phật học này đều quyết liệt từ chối đón nhận tinh thần Phật Pháp vào trong cuộc sống cá nhân của mình. Sự tan vỡ mộng tưởng này làm tôi thật khó chịu bội phần trong những năm tháng đó. Nhưng đối với tôi, có lẽ bài học cay đắng đó là cần thiết để giúp tôi biết trân trọng giá trị quý hiếm của một vị Chân Sư. Theo tôi chỉ cần có được cơ hội gặp gỡ một người thật sự vị tha đã là quá đủ lắm rồi. Tuy nhiên, đối với tôi và gia đình, Sư Phụ thì thật là hơn hẳn như thế. Ngài đã thật sự cứu mạng sống của chúng tôi, như đã cứu những người khác. Ngài luôn có mặt mỗi khi chúng tôi cần đến, Ngài cố vấn giúp giải quyết những vấn đề khó khăn cá nhân hoặc khuyên răn chúng tôi và con cái. Thật không thể diễn tả được sự cảm kích bất tận của chúng tôi về những sự giúp đỡ này.

Quý hơn cả chính là Ngài đã cho tôi thấy mục đích tối hậu của cuộc sống. Mỗi ngày, xuyên qua từng hành động của bản thân mình, Ngài chỉ cho tôi thấy rằng thế giới kỳ diệu mà Phật Pháp diễn tả trong những bộ kinh không phải là sự tô vẻ, truyện thần thoại hay sản phẩm của tư tưởng. Ngài bảo rằng thế giới đó rất thật, sinh động và quan trọng hơn, nó chính là khả năng và lý tưởng cụ thể cho cuộc sống của chúng ta. Tôi còn nhớ Ngài nói chúng ta nên giải nghĩa Kinh như thể ta đang thuyết pháp vậy, hãy lấy Kinh Phật làm thành kinh của bản thân mình và không được rời xa chúng. Ngài đã nêu gương mẫu rõ ràng như vậy qua suốt cả cuộc đời. Thời kỳ thọ nhận đã hết. Giờ đã đến lúc tôi phải trưởng thành, trở nên một người hướng dẫn trong việc truyền bá đạo Pháp. Việc này thật không dễ dàng  với tôi dù bao năm tháng đã trôi qua. Điều quan trọng là đừng để bị áp đảo bởi khối lượng của món nợ đã cưu mang mà với kiến thức hạn hẹp của tôi thì không bao giờ có thể trả hết được. Sư Phụ luôn dạy bảo, “Hảy làm hết sức mình”. Giờ đây, hơn lúc nào hết, tôi sẽ làm những gì có thể làm được, bằng những phương tiện và nhận thức có giới hạn, để tiếp tục sự nghiệp của Ngài trong chính bản thân mình và trong cõi thế gian vô thường và đau khổ này.Dù Sư Phụ đã bỏ xác thân phàm tục để ra đi, tôi biết rằng Ngài vẫn còn ở đây, sâu trong tâm khảm tôi, trong một thế giới hoàn toàn thanh tịnh không trong cũng không ngoài (**). 


GS Ron Epstein là cựu Giáo Sư phân khoa Triết Học tại Đaị Học San Francisco, vừa về hưu sau gần 30 năm giảng dạy về Phật Học, Á Đông và Triết học Tôn giáo đối chiếu. GS có văn bằng Tiến Sĩ về Phật Học tại Đaị Học UC Berkeley, Bằng Cao Học (M.A) về Ngôn Ngữ và Văn Chương Trung Hoa tại Đại Học Washington. GS đã xuất bản nhiều bài viết và bài dịch như Buddhism A to Z; The Heart of Prajna Paramita Sutra with the No-Stand Gatha Explanation and Prose Commentary of Gold Mountain Tripitaka Master, Sramana Hsüan Hua; và phần cuối phẩm  “Entering the Dharma Realm”(Nhập Pháp Giới) trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của Hội Phiên Dịch Kinh Điển (Buddhist Text Translations Society). GS thường đóng góp bài vở cho nguyệt san Vajra Boddhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) và cho các website giáo dục của GS làResources for the Study of Buddhism‘ và ‘Resources for the Study of Religion’.


Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(*). Tại Hương Cảng có hai chị em là Stella và Madalena quy y với Hòa Thượng Tuyên Hóa lúc còn nhỏ tuổi, sau đó hai chị em này qua Hoa Kỳ du học và đã cùng một số Phật tử người Hoa tại Hoa Kỳ thình mời Hòa Thượng sang Hoa Kỳ vào đầu thập niên 60. Xin xem thêm http://www.dharmasite.net/tothewest.htm

(**) Nguyên văn: “in the true pure land which has no inside and outside.” Tác giả được Hòa Thượng cho Pháp Danh Quả Dung nghĩa là dung thông, “không trong cũng không ngoài”.