Chinese | English | Vietnamese
Khả năng cảm hóa hàng triệu người
Roger Kellerman
Trích dịch từ
In Memory of the Venerable Master Hsuan Hua
Trong khi đọc hai tuyển tập đầu tiên về phần tưởng niệm Hòa Thượng Tuyên Hóa, tôi ngẩn ngơ vì Hòa Thượng đã ảnh hưởng đến nhiều người từ nhiều nền văn hoá và hoàn cảnh khác biệt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Tôi muốn chia sẻ với mọi người vài điều mà tôi đã chứng kiến những lúc Hòa Thượng có thể chuyển hóa một người hoàn toàn xa lạ.
Vào năm 1991, khi Hòa Thượng phải vào bệnh viện thì có một vài tỳ kheo đến thăm Ngài. Trong phòng bệnh, chúng tôi đứng cùng với một số các vị sư khác đang ngày đêm ở đó chăm sóc Ngài. Chúng tôi cùng ngồi ở một phía trong căn phòng, còn Hòa Thượng thì ngồi ở mé giường. Một vị nữ bác sĩ bước vào. Cô ta muốn giải thích với Hòa Thượng về hai phương pháp điều trị khác nhau có thể áp dụng cho tình trạng của Ngài. Sau khi giải thích xong, cô ấy hỏi Hòa Thượng: “Ông thấy phương pháp điều trị nào thích hợp cho Ông?”
Hòa Thượng bèn phất tay hướng về các vị tỳ kheo và bảo rằng: “Cô nên hỏi họ đi! Họ là những người đã đưa tôi đến đây. Đối với tôi, sống và chết đều là một, đều như nhau cả. “
Vị bác sĩ ấy lại nhìn chăm chằm Hòa Thượng. Cô ấy nghiêng đầu về phía bên này rồi lại nghiêng đầu về phía bên kia. Sau đó cô ấy bảo: “Ông biết sao không, tôi tin là ông đủ tư cách để nói như thế.” Đây là một người không hề biết gì về Hòa Thượng. Đối với cô ta, Ngài cũng chỉ là một bệnh nhân như bao người khác, nhưng cô ta đã cảm động bởi điều vô hình gì đó phát tỏa ra từ Hòa Thượng, một thứ vô hình đặc biệt vượt ra ngoài ngôn ngữ và đã làm cảm động tất cả chúng ta, khiến cho kẻ thì lắng nghe, tìm kiếm, kẻ thì quy y và một số thì xuất gia.
Trong khi những cuốn sách này là những ký ức hồi tưởng về Ngài, nhưng quan trọng là chúng ta hướng về tương lai. Hòa Thượng không muốn có những cuốn sách kỷ niệm viết về Ngài như thế. Ngài đã nghĩ mình như một con kiến đến thế giới này không một dấu vết và cũng chỉ muốn ra đi mà không để lại dấu tích gì. Tuy nhiên, Ngài đã đến Hoa Kỳ với ước nguyện duy nhất là truyền bá Chánh Pháp đến phương Tây. Ngài đã nhấn mạnh về ba lãnh vực: Tu hành, giáo dục và phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển. Những điều này sẽ là nền tảng cho Phật giáo ở Phương Tây. Vì thế, chúng ta những người có được chút ánh sáng – cho dù là nhỏ nhoi như thế nào – do Hòa Thượng khơi dậy, chúng ta nên cố làm sao để ước nguyện của Ngài được hoàn thành.
Cách đây vài ngày, tôi tình cờ bắt gặp mấy câu thơ của nhà văn hào Nga, Fyodor Dostoevsky (1), sáng tác cách đây hơn một trăm năm. Mặc dầu những câu này không có ý viết về Hoà Thượng Tuyên Hóa, nhưng chúng đã mô tả Ngài rất hay và tôi muốn dùng chúng như phần kết luận:
Mọi người bị thu hút không cưỡng lại được, đến với Ngài,
Vây quanh Ngài,, tụ tập quanh, nối bước theo Ngài.
Ngài nhẹ bước giữa đám đông với nụ cười từ ái vô biên.
Từ nơi tim Ngài, vầng mặt trời từ ái chói sáng,Mắt Ngài phóng làn ánh sáng và năng lực,
Luồng hào quang phủ trùm mọi người,
Khơi dậy tình thương trong tim họ.
Ngài trải tay dài đến mọi người ban phứơc,Đức độ chữa lành đến từ sự tiếp xúc với Ngài.
Ghi chú:
(1) Đại văn hào Nga, https://en.wikipedia.org/wiki/Fyodor_Dostoyevsky tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng. Fyodor Dostoevsky đã nghiên cứu về Khổng Giáo và Phật Giáo. Văn hào Leo Tolstoy đã đề cập về Fyodor Dostoevsky: “He ought to have made himself acquainted with the teaching of Confucius or the Buddhists, that would have calmed him down. That is the chief thing which everyone should know.” http://sites.utoronto.ca/tsq/DS/02/155.shtml
You must be logged in to post a comment.