Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh

Hán dịch: Ðường, Tây Thiên Trúc, Sa Môn Già Phạm Ðạt Ma
Thiển giảng: Vạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng Tuyên Hóa.

Tựa của Kinh là “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni Kinh.” Trong phần giải thích tựa kinh (Tổng thích danh đề), lần trước đã giải thích “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm” nay giải thích phần còn lại của tựa kinh, tức là “Bồ Tát Vô Ngại Ðại Tâm Ðà La Ni Kinh.”
Bồ Ðề Hải

Kinh Văn:
Âm: PHỤC BẠCH PHẬT NGÔN: “THẾ TÔN! NHƯỢC CHƯ NHÂN THIÊN TỤNG TRÌ ĐẠI BI TÂM CHÚ GIẢ, ĐẮC THẬP NGŨ CHỦNG THIỆN SANH, BẤT THỌ THẬP NGŨ CHỦNG ÁC TỬ DÃ.”
Nghĩa: Ngài lại bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các hàng trời, người tụng trì Đại Bi Tâm Chú, thì sẽ được mười lăm loại thiện sanh và không phải chịu mười lăm loại ác tử.”

Lược Giảng:
Ngài—Quán Thế Âm Bồ-tát—lại bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các hàng trời, người tụng trì Đại Bi Tâm Chú, thì sẽ được mười lăm loại thiện sanh.” “Thiện sanh” tức là sự sinh sống tốt lành.
Nếu loài người ở nhân gian hoặc chư thiên ở cõi trời có thể học thuộc và siêng năng thọ trì Kinh Đại Bi Tâm Đà-La-Ni cùng Chú Đại Bi, thì họ sẽ được mười lăm việc tốt lành; “và không phải chịu mười lăm loại ác tử.” “Ác tử” là những cái chết tức tưởi do rủi ro, bất trắc. Nếu quý vị thành tâm trì tụng Chú Đại Bi thì sẽ tránh được mười lăm loại “ác tử.”

Kinh Văn:
Âm: “KỲ ÁC TỬ GIẢ:
NHẤT GIẢ, BẤT LINH KỲ CƠ NGẠ KHỐN KHỔ TỬ;
NHỊ GIẢ, BẤT VI GIÀ CẤM TRƯỢNG SỞ TỬ;
TAM GIẢ, BẤT VI OÁN GIA THÙ ĐỐI TỬ;
TỨ GIẢ, BẤT VI QUÂN TRẬN TƯƠNG SÁT TỬ;
NGŨ GIẢ, BẤT VI HỔ LANG ÁC THÚ TÀN HẠI TỬ;
LỤC GIẢ, BẤT VI ĐỘC XÀ NGOAN YẾT SỞ TRÚNG TỬ;
THẤT GIẢ, BẤT VI THUỶ HỎA PHẦN PHIÊU TỬ;
BÁT GIẢ, BẤT VI ĐỘC DƯỢC SỞ TRÚNG TỬ;
CỬU GIẢ, BẤT VI CỔ ĐỘC HẠI TỬ;
THẬP GIẢ, BẤT VI CUỒNG LOẠN THẤT NIỆM TỬ;
THẬP NHẤT GIẢ, BẤT VI SƠN THỌ NHAI NGẠN ĐỌA LẠC TỬ;
THẬP NHỊ GIẢ, BẤT VI ÁC NHÂN YẾM MỴ TỬ;
THẬP TAM GIẢ, BẤT VI TÀ THẦN ÁC QUỶ ĐẮC TIỆN TỬ;
THẬP TỨ GIẢ, BẤT VI ÁC BỆNH TRIỀN THÂN TỬ;
THẬP NGŨ GIẢ, BẤT VI PHI PHẬN TỰ HẠI TỬ.”

Nghĩa: “Các loại ác tử đó là:
Một là không bị chết vì đói khát, khốn khổ;
Hai là không bị chết vì gông, tù, đòn roi;
Ba là không bị chết vì oan gia thù nghịch;
Bốn là không bị chết vì chiến trận tương tàn;
Năm là không bị chết vì cọp, sói, ác thú tàn hại;
Sáu là không bị chết vì trúng độc rắn, rết, bò cạp;
Bảy là không bị chết vì nước cuốn, lửa thiêu; Tám là không bị chết vì trúng phải độc dược;
Chín là không bị chết vì cổ độc tác hại;
Mười là không bị chết vì điên loạn, mất trí;
Mười một là không bị chết vì núi lở, cây ngã, vách đá sụp;
Mười hai là không bị chết vì kẻ ác thư ếm;
Mười ba là không bị chết vì tà thần, ác quỉ thừa cơ làm hại;
Mười bốn là không bị chết vì ác bệnh triền thân;
Mười lăm là không bị chết vì tự sát, tự tử.”

Lược Giảng:
Quán Thế Âm Bồ-tát bạch với Đức Phật: “Các loại ác tử đó là: Một là không bị chết vì đói khát, khốn khổ.” Loại “ác tử” (cái chết xấu) thứ nhất là “chết vì đói khát, khốn khổ.” Nếu quý vị tụng trì Chú Đại Bi thì sẽ không bao giờ bị đói khát, thiếu thốn. “Đói khát” tức là không có cơm ăn nước uống, phải chịu đói chịu khát mà chết. “Khốn khổ” tức là vô cùng vất vả cực khổ, không được vui sướng thảnh thơi. Con người có thể bị chết do đói, do lạnh, hoặc do nghèo nàn khốn khó; song nếu thành tâm trì tụng Chú Đại Bi thì chúng ta sẽ không phải lâm vào các hoàn cảnh đó.
“Hai là không bị chết vì gông, tù, đòn roi.” Loại “ác tử” thứ hai là “chết vì gông, tù, đòn roi.”
“Gông” là thứ hình cụ đeo ở cổ tội nhân. Ở Mỹ quốc không biết có thứ hình cụ này không, chứ ở nước Trung Hoa thì thời xưa người ta thường tròng cái gông vào cổ của kẻ phạm pháp, rồi bắt đi diễu qua các đường phố cho mọi người đều trông thấy.
Nếu quý vị có thể thành tâm trì tụng Chú Đại Bi thì sẽ không bị chết do phải mang gông cùm quá lâu ngày hoặc do tù đày khổ sở, và cũng không bị đánh đập đến gãy tay gãy chân, đau đớn quá mà chết.

“Ba là không bị chết vì oan gia thù nghịch.” Loại “ác tử” thứ ba là “chết vì oan gia thù nghịch.” Trên thế gian này, chúng ta hầu như ai cũng có “oan gia đối đầu.” “Oan gia” (kẻ có oán thù) tức là kẻ chỉ có thù hận, oán ghét, chứ không có thiện duyên với quý vị.
Những kẻ cứ mang lòng thù hận cũng rất đáng thương, vì tâm tư họ luôn trĩu nặng một nỗi phẫn uất, không thể nào giải tỏa được. Nói chung, họ bị bao phủ bởi một thứ oán khí u ám và sống trong sự thù ghét, hằn học—tôi thù anh, anh hận tôi. Chữ “thù” này cũng đồng nghĩa với chữ “cừu,” có nghĩa là căm ghét, thù hận. Người ta thường do những việc không ưng ý mà sanh ra thù hằn, chống đối lẫn nhau.
“Bốn là không bị chết vì chiến trận tương tàn.” Loại “ác tử” thứ tư là “chết vì chiến trận tương tàn.” Những người có trì tụng Thần Chú Đại Bi thì cho dù phải ra chiến trường chiến đấu với địch quân, cũng không bị chết vì tên bay đạn lạc.
Cho nên, nếu quý vị nào có nhiệm vụ huấn luyện binh lính thì hãy dạy cho họ trì niệm Chú Đại Bi, để đến khi giao chiến họ không bị trúng đạn mà tử thương. Thế nhưng, nếu quý vị dùng Chú Đại Bi để huấn luyện binh lính đi gây chiến, thì tuy không bị tử trận, song cũng chẳng thể đánh thắng được! Đó là vì Bồ-tát không muốn nhân loại gây khởi chiến tranh, chém giết lẫn nhau.
“Năm là không bị chết vì cọp, sói, ác thú tàn hại.” Loại “ác tử” thứ năm là “chết vì bị cọp, sói, ác thú tàn hại.” Nếu quý vị trì tụng Chú Đại Bi thì sẽ
không bị cọp beo, chó sói, hoặc những thú dữ khác cắn chết hay tàn hại.
“Sáu là không bị chết vì trúng độc rắn, rết, bò cạp.” Loại “ác tử” thứ sáu là “chết vì bị trúng độc của rắn, rết, bò cạp.” Rắn, rết (một loại rắn thân màu đen tuyền) và bò cạp đều có nọc độc; người nào chẳng may trúng phải nọc độc của chúng thì đành bó tay chịu chết, vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, nếu quý vị trì tụng Chú Đại Bi thì sẽ không bị nọc của các độc trùng đó làm hại đến tánh mạng.
“Bảy là không bị chết vì nước cuốn, lửa thiêu.” Loại “ác tử” thứ bảy là “chết vì bị nước cuốn, lửa thiêu.” Người trì tụng Chú Đại Bi thì “xuống nước không chìm, vào lửa không cháy.” Thế nào là “xuống nước không chìm, vào lửa không cháy”? Trước đây tôi có kể cho quý vị nghe một công án về vấn đề này, song vẫn có nhiều người chưa được nghe, vậy hôm nay tôi kể lại một lần nữa.
Thuở trước, có một Đạo-sĩ nọ chuyên tu luyện công phu “xuất huyền nhập tẫn.” Công phu “xuất huyền nhập tẫn” là gì? Người luyện được công phu này thì có thể khiến cho một hình nhân nho nhỏ xuất ra từ đỉnh đầu của mình để đi đây đi đó, và rồi vẫn có thể trở về nhập vào xác thân lại như cũ. Hình nhân xuất ra gọi là “xuất huyền,” trở về lại với nhục thân gọi là “nhập tẫn.”
Vị Đạo-sĩ “xuất huyền nhập tẫn” này thường đi khắp nơi để tham vấn, học hỏi. Một hôm, ông đi ngang qua một ngôi chùa nhỏ, trong chùa chỉ có một thầy Tỳ-kheo già và một chú Sa-di còn nhỏ tuổi ở đó tu hành. Bấy giờ trời cũng vừa sập tối, ông bèn vào chùa xin tá túc qua đêm.
Đến khuya hôm ấy, vị Đạo-sĩ ngồi tĩnh tọa, dùng công phu “xuất huyền” mà xuất ra ngoài dạo chơi. Ông tới thăm Nhật Bản, rồi sang Đức, sang Úc… Tuy những nơi đó toàn là người ngoại quốc và ông cũng chẳng hiểu được ngôn ngữ của họ, song ông vẫn muốn viếng thăm các danh lam thắng cảnh cho thỏa lòng hiếu kỳ. Ông cứ thong thả dạo khắp đó đây, ung dung chiêm ngưỡng các kỳ quan của thế giới. Rất có thể là ông cũng có đến Hoa Kỳ và ngắm nghía cầu Kim Môn (Golden Gate Bridge): “Ồ! Cầu Kim Môn có kiến trúc đẹp thật, quả là một công trình vĩ đại!”; rồi mải mê nhìn ngắm đến quên mất chuyện trở về.
Sáng sớm hôm sau, lúc ăn điểm tâm, vị Tỳ-kheo già bảo chú Sa-di: “Con hãy vào mời ông khách ngủ trọ hôm qua ra dùng điểm tâm!”
Chú Sa-di đến phòng dành cho vị Đạo-sĩ thì thấy ông đang ngồi yên… bất động: “Ồ! Ông ấy ngồi mà viên tịch rồi!” Thế là chú hớt hãi chạy đi báo cho vị Tỳ-kheo hay: “Sư-phụ ơi! Ông khách xin tá túc tối qua đã viên tịch rồi!”
Vị Tỳ-kheo vội vã vào xem thì thấy quả thật vị Đạo-sĩ đã chết rồi. Thật ra, đó là vì trong khi “xuất huyền” thì nhục thân của ông Đạo-sĩ nọ không còn hô hấp, mà tim mạch cũng ngừng đập, nên tình trạng lúc ấy trông chẳng khác gì một xác chết vậy.
Vị Tỳ-kheo già bảo: “Ồ! Ông ấy chết thật rồi! Thôi thì chúng ta hãy làm lễ hỏa táng cho ông ấy vậy.” Và chẳng mấy chốc thì nhục thân của vị Đạo-sĩ đã trở thành một đống tro tàn!
Bấy giờ, vị Đạo-sĩ sau khi “xuất huyền”ø đi du ngoạn thỏa thích rồi (mà không tốn tiền mua vé máy bay!), bèn tính chuyện trở về để “nhập tẫn.” Trở về, mới hay nhục thân của mình không còn ở chỗ cũ nữa, ông hốt hoảng lùng kiếm khắp nơi song vẫn không tìm ra. Thế là tối đến, ông liền tới ngôi chùa nhỏ nọ quát hỏi om sòm: “Các người đem cái “nhà” của ta đi đâu? Hãy trả “nhà” lại cho ta!” (“nhà” là ám chỉ nhục thân của ông.)
Vị Tỳ-kheo già cùng chú Sa-di nghe thấy thì kinh ngạc nhìn nhau: “Ai thế? Ai nói gì đấy?” Bởi vì tuy cũng là người tu hành, song họ chưa có được Ngũ Nhãn, Lục Thông; bằng không, họ có thể nhìn thấy và biết rằng vị khách hôm nọ đã trở về. Chính vì chỉ nghe có tiếng nói chứ không thấy dáng người nên cả hai thầy trò đều cho rằng đó là ma quỷ đến quấy phá: “Ồ, đó hẳn là hồn ma của ông khách hôm nọ trở về đòi nhà chứ gì?!”
Hôm đầu tiên thì đêm đến “hồn ma” của vị Đạo-sĩ mới tới chùa để đòi nhà, nhưng qua hôm sau thì trời vừa nhá nhem tối là ông đã đến rồi. Và kể từ đó, hôm nào ông cũng đến, có lúc ngay cả giữa ban ngày mà ông cũng đến kêu réo đòi nhà. Trong khoảng hơn một tháng, ngày nào ông cũng đến chùa nằng nặc đòi nhà như thế, khiến cho lão Tỳ-kheo và chú Sa-di sanh lòng sợ hãi: “Chậc, trong chùa có ma thật rồi! Thế này thì e rằng chúng ta phải lánh đi nơi khác mà thôi; không thể nào ở đây được nữa!” Thế là họ quyết định bỏ chùa mà đi.
Chiều hôm đó, hai thầy trò đang chuẩn bị để ngày mai dọn đi, thì có một nhà Sư đến xin tá túc. Bấy giờ, vị Tỳ-kheo già bảo chú Sa-di: “Con hãy thưa với ông ấy rằng chúng ta hiện nay không cho khách ngủ trọ nữa! Lần trước đã xảy ra chuyện rắc rối quá rồi!”
Chú Sa-di thưa lại với vị Sư mới đến: “Xin Thầy hãy đến nơi khác tá túc. Chùa chúng con hiện nay không cho ngủ trọ nữa ạ.”
Vị Sư nọ gạn hỏi: “Nhà chùa hiện nay không cho ngủ trọ nữa ư? Như thế có nghĩa là trước kia thì chùa vẫn cho khách ngủ trọ! Vậy thì tại sao bây giờ lại không cho nữa? Chú có thể cho ta biết nguyên do chăng?”
Chú Sa-di bèn kể lể sự tình: “Bởi vì trước kia có một ông khách xin tá túc và rồi viên tịch tại đây. Chúng con đã hỏa thiêu nhục thân của ông ấy, bây giờ ngày nào hồn ma của ông ấy cũng đến đòi nhà. Cho nên nay nhà chùa không dám cho khách ngủ trọ nữa; vả lại, chùa chúng con cũng sắp dọn đi nơi khác rồi.”
Vị Sư nọ gật gù: “Ồ, thì ra là như thế! Không sao, ta có thể trị được ma quỷ. Ta có cách khiến cho con ma đó phải chịu đầu hàng, tòng phục.”
Nghe vị Sư nói như thế thì chú Sa-di mừng rỡ reo lên: “Thế thì để con vào thưa lại với Sư-phụ, xem Sư-phụ định liệu ra sao!” Nói dứt lời, chú hớn hở chạy về liêu phòng bạch cùng vị Tỳ-kheo: “Bạch Sư-phụ! Ông Sư mới đến ấy bảo rằng có thể trị được ma quỷ. Ông ấy muốn ngủ trọ một đêm, chẳng hay Sư-phụ có bằng lòng chăng?”
Vị Tỳ-kheo đáp với vẻ đắn đo: “Ậy! Ông ta nói trị được ma quỷ là nói gạt con đấy! Chúng ta là người xuất gia mà đều không trị được ma quỷ, ông ấy cũng như chúng ta thôi, thì làm sao mà trị được chúng? Mà thôi, bất luận có trị được hay không thì chúng ta cũng cứ để cho ông ấy tá túc một đêm rồi hẵng hay!” Chủ ý của vị Tỳ-kheo là cứ thử xem sao—vị Sư nọ nếu trị được con ma này thì tốt, mà dẫu không trị nổi nó thì cũng không sao, đằng nào ông ta cũng chỉ ở nhờ có một đêm! Và thế là vị Sư nọ được mời ở lại chùa.
Bấy giờ, vị Sư nọ hỏi hai thầy trò: “Chẳng hay ông khách nọ chết ở phòng nào? Bây giờ ông ta đòi trả nhà, thế thì ông ta ở đâu chui ra mà đòi nhà?”
Vị Tỳ-kheo đáp: “Ông ấy ở tại liêu phòng phía tây. Ông ấy đến hôm trước thì hôm sau viên tịch; và cũng từ đó bắt đầu có ma quỷ đến đòi nhà. Hễ mặt trời vừa lặn là ông ấy lại đến; theo Thầy thì chúng ta phải làm gì bây giờ?”
Vị Sư nói: “Dễ thôi! Xin Sư-phụ hãy chuẩn bị cho tôi một chậu nước thật lớn, đồng thời đốt một đống lửa trong phòng của tôi. Sư-phụ hãy làm theo lời tôi dặn đi, rồi đâu sẽ vào đấy thôi!”
Tối hôm đó, quả nhiên có tiếng kêu réo: “Bớ các người, các người đem cái nhà của ta đi đâu? Hãy trả nhà lại cho ta, mau lên!”
Khi ấy, nhà Sư biết trị quỷ mới cất tiếng hỏi: “Nhà của ông ư? Nhà của ông ở trong chậu nước ấy, ông vào trong đó mà tìm!” Thế là vị Đạo-sĩ liền nhảy vào chậu nước, loay hoay tìm kiếm, rồi nói: “Không có!”
Vị Sư nọ điềm nhiên hỏi lại: “Không có à? Thế thì phải ở trong đống lửa đằng kia đấy thôi, ông mau đến đó tìm thử xem!” Ông Đạo-sĩ lại nhảy vào đống lửa, chạy vô chạy ra sục sạo một lúc lâu, rồi thất vọng la lên: “Cũng không có! Nhà của ta không có trong đống lửa này!”
Bấy giờ vị Sư mới chậm rãi hỏi: “Này ‘ông Thượng Tọa’! Ông bây giờ xuống nước không chìm, vào lửa không cháy; thế thì ông còn tìm ‘nhà’ để làm gì nữa?!” Nghe nói như thế, vị Đạo-sĩ chợt khai ngộ: “Ừ nhỉ!” Và từ đó, ngôi chùa nhỏ được yên ổn, không bị ma quỷ quấy rầy nữa, và vị Tỳ-kheo già cùng chú Sa-di cũng không phải dọn đi nơi khác.
Trên đây là một nguy cơ của việc sử dụng công phu “xuất huyền nhập tẫn.” Tuy là có thể dạo chơi khắp nơi tùy thích, nhưng nếu không gặp được người thông hiểu hoặc có kinh nghiệm về công phu này, rủi ro bị kẻ khác thiêu mất xác thân của mình, thì sẽ không còn “nhà” mà trở về nữa!
“Tám là không bị chết vì trúng phải độc dược.” Loại “ác tử” thứ tám là “chết vì trúng phải độc dược.”
Thuở trước, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng ăn thức ăn có trộn thuốc độc, và khi Ngài nôn ra lại thì các thức ấy đều biến thành rắn cả—đó là vì những kẻ đố kỵ Ngài đã trộn nọc rắn vào thức ăn để đầu độc Ngài; song nhờ Ngài trì tụng Chú Đại Bi nên không bị chết bởi thuốc độc. Ngài bị đầu độc đến sáu lần; sau cùng Ngài tự nghĩ: “Cần gì mà phải rắc rối như thế nhỉ? Ta chỉ làm cho người khác thêm sanh ác tâm mà thôi!” Và thế là Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma bèn giả vờ bị trúng độc mà chết, chứ sự thật thì Ngài không phải chết vì độc dược; vì sao? Vì Ngài có trì tụng Chú Đại Bi!
“Chín là không bị chết vì cổ độc tác hại.” Loại “ác tử” thứ chín là “chết vì bị cổ độc tác hại.” Ở Nam Dương, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, và luôn cả ở tỉnh Quảng-đông (Trung Hoa), người ta có luyện được những loại thuốc độc cực mạnh và vô cùng lợi hại, gọi là “cổ độc.” Có rất nhiều loại “cổ độc”1 ; có loại chỉ cần ăn một chút xíu nhưng khi vào đến bụng thì nó lại phình to ra, khiến cho nạn nhân bị trướng bụng mà chết. Tuy nhiên, nếu quý vị thành tâm trì tụng Chú Đại Bi thì không có độc chất nào có thể hại được quý vị.
“Mười là không bị chết vì điên loạn, mất trí.” Loại “ác tử” thứ mười là “chết vì bị điên loạn, mất trí.” Người trì tụng Chú Đại Bi thì không bị chết do điên cuồng mê loạn, hoặc do đầu óc không được tỉnh táo.
“Mười một là không bị chết vì núi lở, cây ngã, vách đá sụp.” Loại “ác tử” thứ mười một là “chết vì núi lở, cây ngã, vách đá sụp.” Những người chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi thì không bị các cây to ngã xuống đè chết, không bị đá từ trên núi lăn xuống đè chết, và cũng không bị tường thành đổ sập xuống đè chết.
“Mười hai là không bị chết vì kẻ ác thư ếm.” Loại “ác tử” thứ mười hai là “chết vì bị kẻ ác thư ếm.” Có nhiều kẻ dùng “ác chú” để trù ếm, khiến cho người ta nằm mộng thấy những điều sợ hãi, hoặc dùng tà thuật để “thư” cho người ta chết.
“Kẻ ác thư ếm” tức là kẻ ác ấy có “tà chú” nên có thể âm thầm ám hại người khác; tương tự như trường hợp cô gái Ma Đăng Già dùng tà chú của phái ngoại đạo “hoàng phát” (tóc vàng) để bắt cóc Tôn-giả A-Nan vậy. Tà chú có thể làm cho đầu óc người ta trở nên mê muội, không còn tri giác, cũng không còn sáng suốt để làm chủ chính mình nữa; do đó bị kẻ dùng chú khống chế, sai sử một cách dễ dàng.
“Mười ba là không bị chết vì tà thần, ác quỷ thừa cơ làm hại.” Loại “ác tử” thứ mười ba là “chết vì tà thần, ác quỷ thừa cơ làm hại.” Quý vị trì tụng Chú Đại Bi thì tà thần, ác quỷ không có cơ hội hãm hại hoặc giết chết quý vị.
“Mười bốn là không bị chết vì ác bệnh triền thân.” Loại “ác tử” thứ mười bốn là “chết vì ác bệnh triền thân.” Người trì tụng Chú Đại Bi thì không bị mắc phải “ác bệnh.” “Ác bệnh” tức là các loại bệnh trầm trọng, ngặt nghèo, như bệnh tê bại, không nhúc nhích được, hoặc các bệnh nan y khác. Cancer (ung thư) cũng thuộc loại “ác bệnh” vậy.

Ở Hồng-kông có một vị Hòa Thượng rất nổi tiếng tên là Định Tây, ông mắc bệnh cancer và sau hơn một năm thì chết vì “ác bệnh” này. Tôi tin rằng ông ta không thành tâm tin tưởng ở Chú Đại Bi! Tuy rằng ông bảo người ta tu hành song chính bản thân ông lại chẳng mấy chú ý dụng công tu tập, cho nên mới mắc cancer.
Tôi bảo cho quý vị biết, ông ta là người rất háo danh, ở Hồng-kông chuyên môn “mua danh chuốc tiếng”! Ông rêu rao cùng khắp cả Hồng-kông rằng Pháp Sư Độ Luân là đệ tử của ông ta! Thật là hoang đường! Hoàn toàn không có chuyện đó! Tôi với ông ta phải nói là chẳng quen biết, chẳng liên can gì với nhau cả, thậm chí còn ở cách xa nhau cả mấy ngàn dặm đường!
Lúc tôi còn ở Đông Bắc thì ông ta hoàn toàn không biết gì về tôi cả. Chỉ có sau khi tôi đến Hồng-kông thì số người tín ngưỡng tôi rất đông đảo, ông bèn nói với mọi người rằng tôi là đệ tử của ông! Bởi rất nhiều người tin tưởng tôi, vậy nếu ông ta là sư phụ của tôi thì đương nhiên là ai nấy sẽ càng tôn kính ông ta hơn nữa; cũng tương tự như trường hợp một vị Pháp Sư nọ nói Hư Vân Lão Hòa Thượng là đệ tử của y vậy!
Lúc tôi ở Hồng-kông, có một người họ Trương nọ mắc bệnh cancer mà sáu vị bác sĩ nổi tiếng là cao minh nhất của Hồng-kông thời ấy đều chẩn đoán về bệnh tình của anh ta rằng: “Nội trong một trăm ngày chắc chắn sẽ chết, không thể nào sống nổi!”
Họ Trương này quy y với tôi vào ngày 18 tháng 5 âm lịch, và sau lễ quy y thì tôi có khuyên anh ta nên phát tâm làm chút việc công đức. Tôi nói: “Nếu anh chịu làm đúng theo lời tôi dặn thì tôi bảo đảm rằng không phải chỉ nội trong một trăm ngày, mà ngoài một trăm ngày, anh vẫn chưa phải chết! Nhưng, phải nhớ là làm theo cách tôi đã bảo!” Tức là phải làm gì?
Nhân vì lúc bấy giờ người xuất gia từ Đại-lục (Trung Quốc) tỵ nạn sang Hồng-kông rất đông, có đến ba, bốn ngàn vị, mà hầu hết đều bị thiếu thốn về mọi mặt; tôi bèn khuyên họ Trương rằng: “Anh nên phát tâm cúng dường mỗi vị xuất gia hai mươi đồng và một súc vải Hoa-kỳ (một súc vải có thể may được tới mấy bộ đồ). Nếu anh có thể làm như thế để kết thiện duyên với những vị xuất gia này, tôi bảo đảm rằng anh sẽ chưa phải chết!”
Họ Trương liền phát nguyện, hứa sẽ y lời. Anh ta còn nói là nếu trong vòng một trăm ngày mà anh ta không chết, thì sẽ bố thí cho tôi hai trăm ngàn Mỹ kim. Anh ta là một người rất giàu có ở Hồng-kông, tài sản có đến bạc tỷ; song đều là do làm ăn bất chánh mà có được.
Đến kỳ hạn một trăm ngày mà bác sĩ đã chẩn định, họ Trương quả nhiên vẫn chưa chết. Trong thời gian này, vị Hòa Thượng bị cancer mà tôi nói ban nãy (bấy giờ chưa bị cancer), có giúp họ Trương lạy sám hối. Lạy sám gì? Lạy Dược Sư Sám, mỗi tuần mỗi lạy Sám Dược Sư. Thấy đã quá một trăm ngày mà họ Trương vẫn chưa chết, vị Hòa Thượng nọ bèn kể lể với anh ta rằng đó là nhờ công đức bái sám của mình!
Thật ra, chỉ vì họ Trương là người giàu có, chứ nếu là kẻ không có tiền thì ông Hòa Thượng nọ nhất định chẳng chịu bái sám cho! Và rốt cuộc là họ Trương nọ, với tôi thì chẳng thực hiện lời hứa; còn vị Hòa Thượng nọ thì đã có công bái sám nên được tặng cho năm ngàn đồng. Vị Hòa Thượng đó còn nói với họ Trương: “Năm ngàn đồng này là phí tổn hành lễ bái sám, nhờ công đức bái sám này mà anh khỏi phải chết đấy!”
Người họ Trương này chính là Trương Ngọc Giai. Sau đó, họ Trương sống thêm được tám năm nữa. Vào tháng giêng năm ấy, nhân ngày đầu năm, tôi nói với mọi người rằng: “Năm nay, nếu Trương Ngọc Giai có gặp phải chuyện gì mà đến khẩn cầu tôi, thì cho dù anh ta có quỳ trước cửa đến ba năm đi nữa, tôi cũng chẳng ngó ngàng tới!”
Bởi tôi chờ đợi đã tám năm rồi mà anh ta vẫn chưa chịu thực hiện lời nguyện. Tôi không thể xem đó như món nợ, phải đi đòi: “Anh chưa chết, thế thì phải đưa tôi hai trăm ngàn Mỹ kim!” Tôi không làm như thế được, cho nên tôi chỉ tuyên bố: “Tôi đợi đã tám năm rồi mà anh ta vẫn không phát tâm; vậy bắt đầu từ hôm nay trở đi, nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra cho Trương Ngọc Giai, tôi đều không biết đến!”
Sau khi tôi tuyên bố như thế chưa được bao lâu, Trương Ngọc Giai bịnh nặng trở lại và lâm vào tình trạng nguy kịch. Họ Trương bèn bảo người nhà đến tìm tôi, nhưng bao nhiêu lần tôi đều từ chối không gặp, thậm chí không mở cửa cho họ vào nữa: “Các người đến tìm tôi, song tôi không muốn tiếp các người!” Đây là một việc mà hầu hết những người xuất gia ở Hồng-kông chẳng mấy ai làm được! Người giàu có như thế đến thăm mà còn không chịu tiếp, không cho gặp mặt, thì thật là… không thể hiểu nổi!!! Cho nên tôi bị rất nhiều người phê bình: “Thật là không thông hiểu Phật Pháp gì cả! Người ta tới xin gặp mà cứ không chịu cho gặp!”
Có một lần, họ Trương cho người mang đến tặng tôi hai trăm đồng, tôi ném tiền ra ngoài cửa trả lại cho y. Do đó, những người xuất gia ở chỗ vị Hòa Thượng nọ đều bất bình và chỉ trích tôi: “Ông ta không phải là người xuất gia! Người ta cúng dường mà không chịu nhận, lại còn ném trả lại nữa; tại sao ông ta lại quá quắt đến thế? Thật là chẳng biết điều chút nào!”
Khoảng chừng ba tháng sau thì Trương Ngọc Giai chết vì chứng cancer. Chẳng bao lâu sau thì vị Hòa Thượng nọ cũng bị cancer, bấy giờ có ai bái sám cho ông ta thì ông cũng không khỏi bệnh được. Ông ta có thể bái sám cho người khác được khỏi bệnh; thế mà bây giờ tất cả Hòa Thượng ở Hồng-kông đều bái sám, niệm Phật cho ông ta, thì lại không linh nghiệm, bệnh ông ta vẫn không thuyên giảm. Sau đó khoảng hơn một năm thì ông “Sư-phụ giả mạo” của tôi tạ thế. Đó cũng là “chết vì ác bệnh triền thân” vậy.
“Mười lăm là không bị chết vì tự sát, tự tử.” Loại “ác tử” thứ mười lăm là “chết vì tự sát, tự tử.”
“Tự sát, tự tử” (phi phận tự hại) tức là tự đi tìm cái chết cho mình bằng cách uống thuốc độc, treo cổ, nhảy xuống giếng, lao xuống biển… hoặc vô số cách khác, vì chính mình không còn muốn sống nữa. Người trì tụng Chú Đại Bi thì không bao giờ tự hủy hoại đời mình.

1 Tương truyền, người Miêu người Dao bắt một trăm con côn trùng độc bỏ vào trong cái chén rồi đậy lại để mặc cho chúng ăn thịt lẫn nhau; con cuối cùng còn sống sót gọi là “cổ,” đem làm thuốc độc bỏ cho người thì có thể khiến cho người hóa mê cuồng.

(còn tiếp)