Lời Cảnh Tỉnh

Sư Cô Chứng Nghiêm

Sư Cô Chứng Nghiêm (Master Cheng Yen) quê quán ở tỉnh Ðài Trung, Ðài Loan. Năm 23 tuổi cô xuất gia, sống đời thanh đạm tu hành. Vào thời ấy vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã phải làm nhang, đèn cầy, đậu hủ, bán để giúp chùa và duy trì sinh hoạt cá nhân. Thấy sự khổ sở của đồng bào, cô đã phát đại nguyện hành đạo bồ tát để cứu tế chúng sinh. Với đại nguyện và tinh thần vì người quên mình, nhiều nhân duyên bất khả tư nghì đã cảm ứng, để đến năm 1966, cô thành lập Từ Tế Công Ðức Hội (Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation). Thế rồi trãi qua hơn ba mươi năm cần khổ phục vụ, hội đã giúp không biết bao nhiêu người nghèo khổ bịnh tật và vì vậy hội đã trở thành một trong những tổ chức từ thiện cung ứng nhu cầu về y tế, phục vụ, giáo dục, văn hóa tích cực nhất ở Ðài Loan. Hiện tại Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation đã có chi nhánh tại Nam Phi, Á Căn Ðình, Bỉ, Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản, Thái Lan… Sư Cô được trao tặng Ramon Magsaysay Award năm 1991 và cũng đã được đề nghị lảnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1993. Những lời khuyên sau đây là lời cô bản thân kinh nghiệm, nói lại cho chúng ta để đối diện với hoàn cảnh thực tế mỗi ngày.

 

(tiếp theo)

PHẦN 17: CỘI NGUỒN THẤM NHUẦN NHÂN TÍNH

(Tu dưỡng, tu hành và thiền)

  • Cái đẹp toàn diện do từ cái đẹp của từng cá nhân tu dưỡng.
  • Khí chất tu dưỡng của một người thì tự nhiên biểu hiện trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi. Khi đi thì có phong độ của đi. Khi ngồi thì có hình thái của ngồi. Khi nằm cũng có tư thái của nằm.
  • Có người thường bực bội rằng mình không đẹp, không có duyên. Kỳ thật có duyên với người không phải là do sắc đẹp, mà là do khí chất của mình. Khí chất thì do tu dưỡng hun đúc mà thành đó.
  • Lui một bước, nhường nhịn một chút để thành tựu người khác: đó tức là tu dưỡng, tức là tu hành.
  • Người ta thường ngộ nhận rằng tu hành là hai chữ chỉ dành cho người xuất gia. Kỳ thật tu hành là sự tu dưỡng rèn luyện mà mỗi người cần làm trong sinh hoạt hàng ngày. Tu nghĩa là tu tâm dưỡng tánh. Hành nghĩa là hành vi đàng hoàng, đoan chính.
  • Trọng điểm của tu hành là tu ở trong tâm, biểu lộ ra bên ngoài. Chuyện trong tâm thì chẳng ai thấy cho thấu. Duy chỉ có sự biểu hiện bên ngoài đàng hoàng đạo đức thì mới hiển thị được sự thanh tịnh ở bên trong.
  • Tu hành thì phải tự mình: dựa vào sự tinh tấn của chính mình để khai mở giác tánh sáng suốt. Chúng ta chớ nên hy vọng rằng không tu mà đắc quả.
  • Tu hành không phải là đàm luận triết lý cao siêu, nói những quan niệm sâu sắc trừu tượng. Tu hành là sự hiểu biết rất gần gủi, rất bình thường về tánh bản nhiên của lòng người.
  • Còn sống mà vãng sinh, thì ngay đây tức khắc sẽ là tịnh độ. (Ðối với tôn giáo, chết là bắt đầu cuộc sống mới. Vãng sinh ở đây có nghĩa là xả bỏ cái củ đổi lấy cái mới, đi tớùi chỗ trời đất tốt đẹp hơn.)
  • Tu hành không phải là chờ tới hơi thở cuối cùng đi vãng sinh cõi Tây Phương, mà là vãng sinh thế giới Cực Lạc ngay lúc sống, hoán đổi lấy lòng từ bi thanh tịnh.
  • Người lập chí tu hành có hai hạng: Một hạng người vì cuộc sống khốn khổ bức bách nên đi tu để cầu giải thoát. Một hạng người khác là do nhận thức được tự ngã nên đi tu. Ðối với hạng người thứ hai thì những kinh nghiệm, khó khăn thử thách trong đời sống chỉ làm cho họ thêm kiên định tín ngưỡng và ý chí tu hành.
  • Người bịnh xem vị thầy thuốc như Phật sống. Các vị y tá là Bồ tát Quán Âm. Do vậy bịnh viện phải được xem như là đạo tràng tu hành của chư đại Bồ tát.
  • Tu hành đạo Bồ tát cần phải tận lực tu Tứ Nhiếp Pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Bố thí: Cho thì có phước hơn là nhận. Muốn làm Bồ tát, mình phải cống hiến sức lực mà không đòi hỏi gì cả. Hãy đem tâm lực, sức lực, tài lực, vật lực… ra vui vẻ xả thí thì nhân sinh mới có hạnh phúc an lạc.

Ái ngữ: Nói năng nhỏ nhẹ nhu hòa, vui vẻ khiến người nghe được an ủi, vui lây, khiến người nhìn thấy cũng yêu kính. Nếu biết thành khẩn, chân thật, tu dưỡng lời nói thì bạn có thể quét đi phiền não trong lòng người, giải trừ sự rối rắm phiền muộn. Lời lành có thể hóa giải chiến tranh thành hòa bình, chốn hung bạo thành cát tường.

Lợi hành: Nghĩa là thân khẩu ý nhiếp trì hạnh tốt, từ bi tế độ lợi ích chúng sinh. Ðó tức là công đức vô thượng.

Ðồng sự: Ðối tượng của Bồ tát là các chúng sinh đau khổ. Khi thân ở trong vòng Ta Bà khổ nạn, mình nên tịnh hóa thân tâm, tự làm gương để cảm hóa những người xung quanh, những người cộng sự; cổ võ mọi người ra sức cùng tu đạo Bồ tát.

  • Nhiều người thường hiểu lầm rằng ngồi thiền mới là thiền. Kỳ thật mục đích ngồi thiền hay tu thiền là để tâm thanh tịnh, ý chân thành, khí an tĩnh. Thiền, yên tĩnh và chân thành thì không thể tách rời nhau.
  • Tịnh tọa là để điều thân, điều tâm, điều khí. Bạn cần phải điều hòa thân tâm cho nhất như, động tĩnh đều như nhau.
  • Dụng ý của việc tĩnh tọa thâm tư là: tụ tinh, ngưng thần, súc tinh, nuôi dưỡng trí huệ. Khi ấy bạn phải quán sát tự tánh bên trong, phản tỉnh việc sai lầm trong quá khứ, cẩn thận suy nghĩ hiện tại, thận trọng việc tương lai. Cũng có nghĩa là chỉ ác: đừng làm chuyện xấu; trì thiện: làm mọi viêc lành. Tĩnh tọa ý không ra ngoài mấy điểm trên. Làm như trên thì gọi là tu hành.
  • Nếu trong mọi cử chỉ ngôn hạnh, bạn có thể hợp nhất tinh thần, tâm niệm nhất chí thì tức là thiền định.
  • Trong Phật giáo chính tín thì thiền định gọi là Tam Muội; ý nghĩa là chính định. Ðịnh thì do sự tôi luyện trong sinh hoạt hàng ngày mà thành, là một phương pháp tu đạo vậy.
  • Thiền chân chính tức là trong sinh hoạt hàng ngày mình không khởi phiền não, vọng tưởng, luôn tập trung tinh thần, nhất tâm bất loạn. Làm việc gì, ở nơi đâu, tâm cũng tự tại an trụ vào một đối tượng mà thôi.
  • Người biết lợi dụng thời giờ thì lúc nào cũng là cơ duyên tu trì thiền định. Bất kể là ở trong hoàn cảnh nào, đối diện với người nào cũng là lúc tu thiền cả.
  • Học Phật (pháp) thì phải học Phật (pháp) sống. Ngồi thiền thì phải học ngồi thiền sống. Mọi cử chỉ động tác trong sinh hoạt hàng ngày đều là (để ta tu) thiền cả. Thiền như vậy mới là thiền sống.

(còn tiếp)