Chinese and English | Vietnamese
Lời Khuyên Cho Một Người Bệnh Ung Thư
Đàm thoại với Hòa Thượng Tuyên Hóa ngày 10 tháng 06 năm1985 tại Chùa Vạn Phật.
Trương ngọc Xuyến chuyển dịch sang Hoa Ngữ
Báo Vajra Bodhi Sea số tháng 10, 2010, trang 29.
[Ghi chú: Bản ghi chép cuộc phỏng vấn này với ông Smith – môt viên chức quận hạt – và vợ ông ta, người đang bị bệnh ung thư, được một đệ tử người tây phương cung cấp và được phiên dịch sang Hoa ngữ].
Ông Smith nói với Hòa Thượng khi Ngài vừa bước vào phòng: Tôi tưởng là Thầy chỉ đến Chùa Vạn Phật một tháng hai lần.
Hòa Thượng: Không, tôi mỗi tuần đều lên đây
Ông Smith: Còn những lúc khác thì Thầy ở San Francisco?
Hòa Thượng: Vâng.
Ông Smith: Tôi không biết Thầy ở đâu tại San Francisco nhưng chắc là Thầy thích ở đây hơn.
Hòa Thượng: Nơi nào cũng đều như nhau cả (Cười). Nơi nào cũng như là một quán trọ. Theo tôi thấy thì chuyện gì cũng OK và không có vấn đề gì hết.
[Quay sang bà Smith, người đang bị ung thư hệ bạch huyết] Bà năm nay bao nhiêu tuổi?
Bà Smith: Tôi bốn mươi sáu tuổi
Hòa Thượng: Bệnh là do những tình cảm như vui mừng, giận dữ, khổ sở, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi và kinh hoàng gây ra. Bất kỳ một trong các thứ này đi đến cùng cực, ngay cả vui mừng, đếu có thể làm hại cơ thể. (Ghi chú: Hòa Thượng dùng thất tình là Hỷ, Nộ, Khổ, Ưu, Bi, Cụ, Kinh).
Bà Smith (đỏ mặt): Tôi đúng là vậy. Hòa Thượng diễn tả tôi thật chính xác.
Hòa Thượng: Tôi biết. Tôi nhìn bà và nhận ra ngay điều này đã gây nên cơn bệnh của bà. Điều quan trọng là cần biết nguyên nhân. Vậy bệnh này chính xác là gì?
Bà Smith: Bệnh đã có từ hai năm nay nhưng các bác sĩ đã chẩn đoán lầm vào năm đầu. Chỉ một năm sau họ mới tìm ra được vấn đề và mới xác định được đây là nguyên nhân.
Hòa Thượng: Bà và chồng bà có tức giận nhau không?
Ông Smith: Dạ không.
Hòa Thượng: Với những người khác trong gia đình?
Bà Smith: Dạ không.
Ông Smith: Vợ tôi thường hay nổi giận với con cái nhưng bây giờ chúng đã lớn hết rồi. Chúng tôi hay bất bình với tình hình bên ngoài, thí dụ (quay qua nói với người thông dịch): Tôi có kể ông nghe về việc chúng tôi lo lắng về cách những người cao niên bị đối xử trong những nhà dưỡng lão.
Hòa Thượng: Ông không nên nổi giận. Với hoàn cảnh bên ngoài, hãy làm những gì mình có thể làm nhưng nổi giận thì vô ích, nó còn có hại nữa. Làm những gì mình có thể làm và rồi hãy để nó đi. Không nên tức giận về chuyện mà mình không thể sửa đổi được. (Tiếp tục nói tiếp với bà Smith). Bà tin theo đạo nào?
Bà Smith: Tôi thường hay đi nhà thờ Thiên Chúa Giáo nhiều lần trong tuần. Tôi lớn lên theo đạo Thiên Chúa nhưng không có đi lễ Mi Sa nhiều cho đến khi tôi bị bệnh. Trong năm qua chúng tôi có nhiều lần đến một nhà thờ Tin Lành gần nhà và chúng tôi có nhận được lời khuyên dạy của cả Đức Cha và Mục sư . Đức Cha cũng đã trở thành một người bạn của tôi.
Hòa Thượng: Trên đời này không có gì là cố định cả. Ngay cả một người đáng lẽ phải hồi phục sau cơn bệnh, nhưng có thể lại bị tái phát và người đó không thể bình phục được. Và nếu như có người đáng ra phải chết nhưng rôì cơn bệnh lại thuyên giảm và bệnh cùa người ấy được chữa lành. Điều quan trọng là “Thất Tình”, bảy thứ tình cảm. Nếu nó quá cực đoan thì sẽ không bình phục được. Các bác sĩ chỉ khám bà về mặt bên ngoài, họ không thể nhận ra nguyên nhân căn bệnh, chỉ thấy được triệu chứng thôi.
Hai Ông Bà Smith: Dạ đúng thế!
Hòa Thượng: Hãy giữ tâm bình thản, và tinh thần hoà hoãn (tâm bình khí hoà). Đừng nghĩ ngợi quá nhiều về những gì có thể xảy ra với mình. Tôi nghĩ bà có duyên với Bồ Tát Quán Thế Âm. Bà nên niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm, điều này sẽ giúp bà lành bệnh.
Người thông dịch: Nếu muốn, quý vị lát nữa có thể đến Chánh Điện và niệm danh hiệu Quán Thế Âm cùng với mọi người. Như thế thì ông bà sẽ biết làm như thế nào.
Hòa Thượng: Quán Thế Âm Bồ Tát có nhân duyên lớn với Trinh Nữ Maria, họ thật ra chính là một, vì Trinh Nữ Maria là một hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.
Bà Smith: Tôi có thể thử xem (quay sang chồng bà): Chúng ta hãy lên chánh điện và học cách trì tụng.
Hòa Thượng: Phật giáo không thuần chỉ có Phật giáo mà tất cả các tôn giáo đều được bao gồm trong đó. Bất kỳ ai đều có thể đến đây để cầu nguyện. Tất cả tôn giáo đều là một, chỉ khác biệt là giáo pháp rốt ráo như thế nào. Ở Chùa Vạn Phật, chúng tôi không phản bác giáo lý của bất kỳ tôn giáo nào. Các tôn giáo có thể so sánh như các quốc gia. Nước Tàu, Hoa Kỳ, Nga, Đại Hàn, Nhật và Pháp đều khác nhau nhưng tất cả đều được cư ngụ bởi con người. Bời vì có yếu tố chung của con người, mình không thể nói nước này tốt hơn nước kia vì ở đâu cũng đều có người xấu người tốt. Ví dụ (nhắc đến một sự việc gần đây trong tin tức), thật là ngớ ngẩn khi một người Mỹ tuyên bố rằng người Mỹ nói chung là tốt, vì có một số người Mỹ trở thành gián điệp và bán nước.
Ông bà Smith: Dạ đúng.
Hòa Thượng: Các tôn giáo không nên có một cái nhìn một chiều và thiên vị. Nếu một tôn giáo nào đó công bố mình đúng và những tôn giáo khác là sai thì điều này đi ngược lại với giáo lý căn bản của họ vì sự thiên vị sẽ dẫn đến tranh chấp. Vì thế ở Vạn Phật Thánh Thành, chúng tôi nhìn nhận những điểm tốt của các tôn giáo và thực hành sáu tông chỉ: Không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.
Ông Smith: (khi người thông dịch vừa đề cập đến tông chỉ đầu tiên – không tranh): Vâng, Ngài nói đúng vì có quá nhiều chiến tranh tôn giáo. Chiến tranh xảy ra chính là vì đều này.
Hòa Thượng: Tất cả đều bắt đầu từ sự ích kỷ.
Ông Smith: Dạ, vì mỗi bên đều tin chắc là mình đúng. .
Hòa Thượng: Đó là vì họ mưu cầu sự lợi ích cho chính mình; đây là nguyên nhân của sự hành động ích kỷ.
Ông Smith: Tôi thật ngạc nhiên khi được biết Cha Fields (Cha nhà thờ gần nhà) rất cởi mở với đức tin cuả người khác. Tôi không hề nghĩ là Cha phóng khoáng như vậy, cho nên tôi mới có thể làm bạn với Cha được.
Bà Smith: Những điều về sự tranh chấp đúng lắm. Thí dụ một nhóm những người địa phương trạc tuổi tôi và đồng bị ung thư, họ thành lập một nhóm thảo luận và vừa rồi chúng tôi vừa có cuộc hợp đầu tiên. Suốt buổi chúng tôi chỉ nói về việc tức giận các bác sĩ (Bà nói thêm sau đó: Họ -các bác sĩ- nhìn chúng tôi với nét mặt đau đớn và bảo rằng họ chẳng làm gì được nên quý vị hãy về nhà chờ chềt).
Hòa Thượng: Không, làm vậy không được. Tức giận với bác sĩ là không được. Bà càng tức giận họ chừng nào thì bà càng bệnh thêm chừng ấy. Rồi thì các bác sĩ càng vui hơn nữa vì họ sẽ có nhiều bệnh để điều trị. Tất cả vì lòng tham để làm lợi cho bản thân, họ muốn làm giàu nhiều hơn nữa.
Ông Smith: Đúng vậy. Phân nửa các lớp học trong trường y khoa ngày nay là để dạy các sinh viên làm cách nào để đầu tư tiền bạc sau khi họ giàu có. Nhưng chắc đây chỉ là ý kiến của riêng tôi.
Hòa Thượng: Ai cũng muốn có tiền trong xã hội này và họ tranh giành với nhau. Thí dụ như trường hợp của nhà triệu phú dầu hoả Texas mà chúng ta biết. Ông ta có tới sáu mươi triệu. Mấy năm trước đây đứa con trai ông đã bắn ông chết vì nó không thể chờ để hưởng gia tài. Con người là vậy đó, họ không bao giờ thấy đủ cả. Nếu như họ có một triệu thì họ muốn được hai triệu. Nếu có hai triệu thì họ muốn nhiều hơn nữa.
Ông Smith: Thật tiếc, anh ta cũng không lãnh được đồng tiền nào.
Hòa Thượng: Thật ra người này không bị kết án về tội phạm nào cả bởi vì anh ta bỏ rất nhiều tiền cho luật sư.
Bà Smith: Năm ngoái rất nhiều tiền trả cho các bác sĩ và luật sư.
Hòa Thượng: Bà không nên khó khăn như vậy.
Bà Smith: Bị bệnh thì rất tốn tiền.
Hòa Thượng: Hãy xem tất cả là huyễn. Thế gian này là không thật, tất cả chỉ là một tuồng kịch, làm cho người ta trở nên hồ đồ và điên đảo. Nếu tất cả đều là giả vậy thì cần chi phài tranh giành?
Cả hai ông bà Smith đều gật đầu.
Hòa Thượng: Hãy lùi lại một bước và nhìn kỹ vào nó và nhìn thấu mọi việc. (Sau một hồi lâu). Có thể là quý vị có duyên với Vạn Phật Thánh Thành.
Bà Smith: Tôi cũng thường tự có ý nghĩ như vậy. Nơi này thật là bình an và yên tịnh, và cũng thật xa rời với sự vội vàng của thế giới bên ngoài.
Hòa Thượng: Không cần phải tranh đấu và lo lắng, nó chỉ làm bà bệnh thêm thôi.
Bà Smith: Tôi đã phải tranh đấu từ ngày mới ra đời.
Hòa Thượng: Vâng. Tôn giáo tranh với tôn giáo, quốc gia tranh với quốc gia, gia đình tranh với gia đình, thế giới tranh với thế giới. Nhưng tất cả tranh giành này là vì cái gì? Kết quả chỉ là hai bên đều thua cả, bà hãy nên xem mọi việc đều là giả cả.
Bà Smith: Thưa Hòa Thượng ở đây có một lớp dạy làm sao để không giận dữ?
Hòa Thượng: Bà có thể đến nghe thuyết pháp buổi chiều tối, bà chắc có duyên với đây. (Nói với người thông dịch): Hãy đưa cho họ một bản dịch tiếng Anh của Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa.
Người thông dịch nói với Hòa Thượng: Câu con dịch không hoàn toàn chính xác. Bà ấy đang hỏi dùng cách nào để không tức giận?
Hòa Thượng: Dùng sự kiên nhẫn.
Người thông dịch nói thêm: Chúng tôi ở đây có khi niệm bài chú: “Kiên nhẫn, kiên nhẫn, phải kiên nhẫn, không tức giận, ta bà ha”.
Hòa Thượng: Đây là bài dành cho ông Doug Powers, trong một hôm đi chung xe anh ta kể tôi nghe về sự mất bình tĩnh những lúc anh ấy đang dạy cho những đứa học trò nghịch ngợm. Nhưng (quay sang bà Smith), bà nên niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi nghĩ nếu bà niệm danh Quán Thế Âm và tránh nóng giận thì bà sẽ được bình phục.
Người thông dịch: Trong vài phút nữa, nếu bà muốn, chúng ta có thể tham gia với đại chúng và cùng nhau niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm.
Ông Smith: Đây là vấn đề của tôi: Mỗi khi có sự thay đổi đột ngột trong chương trình như là các ông mời tôi ở lại chiều nay thì trong tâm tôi nó bắt đầu rần rộ xếp đặt lại thời khoá biểu của tôi. Bây giờ nghe những gì Hòa Thượng giảng chiều nay, tôi mới thấy được vấn đề này.
Hòa Thượng: Hãy lùi một bước và nhìn thấu nó. (Nói với người thông dịch): Có hình của Hồng Y Vu Bân ở đây không?
[Một bức ảnh được đem ra]
Hòa Thượng: Vị này là một Hồng Y người Trung Hoa và cũng là bạn tôi. Khi ông ấy đến đây, ông đã lạy Phật. Ông cũng xem tất cả tôn giáo đều là một. Tôi bảo ông: Ông là người đạo Phật trong những người đạo Chúa và tôi là người đạo Chúa trong những người đạo Phật. Nếu ông ấy không phải là người Hoa, thì đã được bầu làm Đức Giáo Hoàng trong năm 1978; nhưng lúc đó đã không có các vị Hồng Y người Trung Hoa nào khác để ủng hộ ông ta, vì tình hình lúc ấy bên Trung Quốc vẫn còn rối ren và ông là vị Hồng Y duy nhất.