Ngô Tôn Nhạc
Sau đó, hoàn cảnh tài chánh của gia đình càng eo hẹp, trong khi con cái càng đông thêm, mẹ tôi đã làm lụng ngày đêm để cấp dưỡng cho gia đình 11 người, lo sao cho chúng tôi khỏi bị đói rét. Nỗi nhọc nhằn của bà không thể kể hết được. Năm 1937, tổ phụ tôi qua đời. Lúc ấy, chiến tranh Hoa – Nhựt đang tiếp tục dữ dội và cả gia đình tôi phải di tản về quê lánh nạn. Tiền tệ bị lạm phát làm cho sự cấp dưỡng toàn gia đình càng khó khăn hơn. Thế mà mẹ tôi vẫn chịu đựng mọi nỗi nhọc nhằn, không than phiền mà chỉ lo sao cho con cái có thể tiếp tục học hành không bị gián đoạn. Thân mẫu tôi sinh năm 1891 vào năm thứ 17 đời vua Quang Tự nhà Thanh, tại Dương- Châu tỉnh Giang Tô. Lúc bà được sáu tuổi thì thân phụ qua đời và bà sống với mẹ. Bà bẩm sinh hiền hậu, đoan trang, là một phụ nữ gồm đủ tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh. Từ thuở thiếu niên, bà đã ý thức được những nỗi khổ của sanh, lão, bệnh, tử, và lý vô thường của vạn vật như mộng, huyễn, như bào, ảnh. Mỗi khi bà thấy các vị sư và ni lễ Phật thì trong thâm tâm lại thúc dục bà xuất gia. Đó cũng là do ở thiện căn mà bà đã vun trồng trong quá khứ. Mẫu thân tôi lấy chồng lúc 22 tuổi. Phụ thân tôi thuộc giới trung lưu thấm nhuần giáo lý Khổng học, được cộng đồng địa phương kính trọng vì đạo đức của Người. Mẹ tôi thì nhu hòa, cần kiệm và nhún nhượng, phụng dưỡng cha mẹ chồng với lòng tôn kính và hiếu thảo. Bà còn biết giúp đỡ chồng, và dạy dỗ con cái nên được tiếng là một hiền phụ và hiền mẫu. Khi ông và bà bác tôi mang bệnh nặng, mẹ tôi lấy tiền của bà đã tiết kiệm được để lo thuốc thang và đích thân chăm sóc. Khi hai ông bà qua đời, mẹ tôi hết lòng lo ma chay và tất cả bà con đều tán thán đức hạnh của bà.
Hai năm sau khi mẹ tôi về làm dâu họ Ngô, cha tôi bị bịnh tim. Lúc đó mẹ tôi quyết định ăn chay 10 ngày mỗi tháng. Đến năm 1938, cha tôi đột nhiên bị mù cả 2 mắt. Mẹ tôi không có đủ tiền để thuốc thang nên bà đã nguyện ăn trường chay. Bà đã tụng Kinh Quán Âm và niệm chú Đại- Bi, qua bảy ngày thì mắt cha tôi thấy lại được như trước. Kinh nghiệm đó lại làm cho niềm tin ở Phật giáo của mẹ tôi càng tăng trưởng.
Mẹ tôi hạ sanh được chín người con tất cả. Anh cả và anh hai tôi chết sớm. Chị Cả tôi rất thông minh và học giỏi nhưng bị bịnh chết sau khi tôt nghiệp Đại học. Mẹ tôi rất đau buồn. Sau đó một tháng, vào năm 1942, bà đến tu viện Cao Mân ở miền nam Dương Châu và quy y với Ngài Pháp Sư Lai Quả, được cho pháp danh là Đạo Lộc. Tiếng chuông tiếng mõ lại nhắc nhở tâm nguyện xuất gia, nhưng bà không thực hiện được vì còn phải săn sóc mẹ chồng và nuôi nấng các con bà còn nhỏ dại.
Qua năm 1943, bà nội tôi qua đời. Suốt 2 năm song thân tôi thủ hiếu cư tang và tụng Kinh Vãng sanh. Lúc ấy, tình hình không được yên ổn, nhưng cha mẹ tôi đã không quản nguy hiểm đến tính mạng và đã phải di chuyển qua miền quê giá tuyết để mai táng bà nội tôi. Do lòng thành tâm tột độ mà cha mẹ tôi đã trở về được đến nhà an toàn.
Đến năm sau, em trai tôi chết vì bịnh sưng phổi do sự bất cẩn của bác sĩ. Một lần nữa, mẹ tôi lại chịu đau khổ vì lý vô thường của cuộc đời, nhưng đã vượt qua được nỗi buồn sâu sắc với tánh không tối hậu của vạn vật. Phải chăng tất cả đều là mộng ảo ?
Năm 1945, sau ngày Trung Hoa chiến thắng quân Nhật, mẹ tôi đến Thượng- Hải. Lúc đó tôi đang bịnh, mẹ tôi đã săn sóc tôi và cầu xin cho tôi được lành. Trong khoảng thời gian 3 năm, toàn cõi Hoa lục bị đặt dưới chế độ Cộng sản. Ngoại trừ chị Hai và chị Ba tôi đã có chồng và tiếp tục ở lại Dương-Châu, cha mẹ tôi, tôi và 2 người em gái phải di cư qua Đài Loan.
Tại Đài Loan, mẹ tội thường đến tu viện Thiện Đạo, tu viện Thập Phổ, tu viện Lâm Tế và những đạo tràng khác để được gần Phật Pháp. Tại gia bà cũng tinh tấn tụng kinh, không xao lãng một ngày nào. Không bao lâu, mẹ tôi mong ước được hoàn toàn thanh tịnh để tu hành,nhưng vì vẫn còn vướng mắc với nhiều ràng buộc và bổn phận nên bà không thể dứt khoát xa lánh bụi trần được. Tuy nhiên, bà vẫn tìm cơ hội để được gần các vị Pháp Sư. Năm 1951, bà quy y với Ngài Nam Đỉnh và được pháp danh là Quán Diên. Năm 1955, bà quy y Ngài Long Tuyền được pháp danh là Năng Tu. Đến năm 1960 thì phụ thân tôi qua đời. Mẹ tôi để tang theo tập tục cổ truyền và tụng Kinh Vãng sanh cho ông trong suốt 3 năm liền.
Qua đến năm 1965, mẹ tôi phát nguyện lạy Kinh Hoa Nghiêm. Năm 1966, bà đến viếng tu viện Huệ Tế và định yên dưỡng tuổi già tại đó. Một năm sau, vợ chồng tôi qua định cư tại Mỹ. Khi mẹ tôi trở lại nhà cũ, bà sống cô đơn chỉ có Phật và Bồ Tát là bạn đồng hành.
Cuộc sống triệt để cô đơn này đã giúp bà thêm dũng mãnh để trì tụng kinh kệ.
Đến mùa đông năm 1973, tôi mời mẹ tôi qua ở San Franscisco. Tại đây, Bà đã gặp Hòa Thượng Tuyên Hóa, quy y với Ngài và cho pháp danh là Qủa Kỳ. Nay thì Bà càng ý thức được rõ ràng hơn và thâm sâu hơn bản chất chân như nguyên thủy của Bà.
Làm một người con, dĩ nhiên tôi không mong ước mẹ tôi xa lánh hồng trần và chỉ bầu bạn với mõ sớm chuông chiều nhưng tâm bà không lay chuyển mặc dầu tôi đã hết lời khuyên can.Tôi đem chuyện này bàn với hai người em tôi còn ở Đài Loan. Lập tức hai em tôi điện thoại cho mẹ tôi, khóc lóc van xin bà đừng xuất gia, nhưng cũng vô hiệu. Mẹ tôi đã giải thích như sau : ‘ Mẹ đã làm tròn bổn phận và cũng không còn trẻ trung gì nữa. Tại sao các con cứ ngăn cản mẹ đi theo con đường của đạo Bồ đề ? Như thế, tình thương mến của các con chỉ làm thiệt thòi cho mẹ mà thôi. ‘ Bà đã quyết tâm nên không muốn ai bàn tán gì thêm nữa.
Năm 1976 vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch là ngày Đản sinh Đức Phật Thích Ca, mẹ tôi đích thân đến tu viện Kim Sơn và xin sư phụ cho phép xuống tóc xuất gia. Ngài nhận lời vì biết căn lành của mẹ tôi đã tròn đầy. Có trên một trăm Phật tử đến dự lễ xuống tóc của mẹ tôi. Trước điện Phật, trầm hương được đốt lên. Theo truyền thống sau khi đã xuống tóc, mẹ tôi đã đốt 12 chấm trên đỉnh đầu bà để cúng dường chư Phật . Phần đông không chịu nổi các điểm đốt đó, nhưng mẹ tôi thì lại coi sự chịu đựng đó như có mùi vị ngọt ngào. Các vị tỳ kheo ni quỳ bên cạnh bà và giúp đỡ bà niệm hồng danh đức Phật. Mẹ tôi cảm thọ như có một làn gió mát thoa dịu thân tâm bà. Tôi đã hết sức đau buồn khi được nghe kể lại chuyện này. Nhưng mẹ tôi rất sung sướng cho rằng đó là cơ hội độc nhất và đáng ghi nhớ trong suốt cuộc đời bà. Bà cảm thấy từ giây phút đó bà không còn luyến tiếc gì nữa cả. Tôi có thể dùng câu nói của Khổng-phu-tử để diễn tả cảm nghĩ của mẹ tôi : ‘ Buổi sáng mà được nghe Đạo, nếu phải chết vào buổi chiều thì cũng không có gì để luyến tiếc.’ Làm sao bà có thể đạt được mức minh liễu đó nếu bà không có trí huệ hơn người ?
Hôm đó, mẫu thân tôi nhận được pháp danh Hằng Thọ. Các vị Tỳ kheo ni và cư sĩ đến đến chúc mừng bà, chỉ có tôi là không tham dự buổi lễ xuất gia của mẹ tôi – nghiệp chướng của tôi quả là năng nề !
Nhìn về quá khứ 50 năm trước, tôi ý thức được mẹ tôi đã tận lực nuôi dưỡng tôi như thế nào. Nỗi lo lắng và sự săn sóc của bà không thể tả hết được, nhưng nhiều lần tôi đã quay lưng với bà để đi con đường của tôi làm cho bà rất đau lòng. Đêm đến, tôi vô cùng tủi hổ khi điểm lại lương tâm mình. Nay tôi đã lỡ cơ hội để phụng dưỡng mẹ tôi và không còn cách gì báo hiếu cho bà được nữa. Tim tôi quặn đau khi đọc bài thơ ‘Tưởng nhớ song thân ‘ trong Kinh Thi.
Tình thương của mẹ tôi bao la xiết bao, cao hơn cả các từng trời !
Có rất nhiều người xuất gia trong tuổi trung niên, nhưng rất hiếm có người xuống tóc lúc đã 85 tuổi ? Sau lễ truyền giới, mẹ tôi khoác giới y và nhận Phật và Bồ Tát làm bạn đồng hành. Bà thức dậy lúc 4 giờ sáng và tụng chú Lăng Nghiêm cho hết buổi sáng.Rồi bà lạy Phật, tụng Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Mỗi năm đến tháng 7 âm lịch, bà cũng còn tụng Kinh Địa Tạng cùng với những bộ kinh khác, hồi hướng công đức cho những người đã quá vãng. Bà dũng mãnh tu hành khổ hạnh, quyết chí dập tắt tham, si. Bà có thể xả bỏ tất cả, và sống trong trạng thái vô ngã, vô nhơn.
Mười một năm đã trôi qua kể từ ngày mẫu thân tôi xuống tóc. Bà đã dày công học hỏi kinh điển và đạt được sự liễu ngộ.
Một đôi khi chúng tôi có khuyên bà đừng nên cố gắng vượt bực trong việc tu niệm vì quá hao hơi mệt sức cho bà, nhưng bà trả lời :’ Mẹ đang trở về buổi hoàng hôn của cuộc đời, và ở đoạn cuối của cuộc hành trình của mẹ. Mẹ càng phải gắng công tu tập để đến được bến bờ.
Cảm nghĩ của bà là âm hưởng của lời thơ của thi sĩ Tào Phi : “Chịu đựng tiến trình biến dịch không thể tránh được của vạn vật là nguyên do đau khổ lớn nhất của kẻ trượng phu.” Bà dùng tư tưởng đó để khích lệ bà tinh tấn.
Mấy năm gần đây, dần dần sống lưng bà cong lại và bà đi đứng rất khó khăn, nhưng khi bà nghe các vị cao tăng thuyết Pháp giảng Kinh thì bà rất hâm mộ và thành tâm. Đó là phản ảnh thiện căn sâu dày của bà vậy.
Kinh Hoa Nghiêm dạy:
“Hãy dũng mãnh tinh tấn. Hãy cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi biển sanh tử. “
Đó là câu châm ngôn của bà. Bà thường nói là lòng từ bi của Đức Bổn Sư khó mà báo đáp được. Bà phải tận lực giúp chúng sinh thoát khổ, hầu báo đáp trong muôn một công ơn của đức Từ Phụ. Ôi ! Ảnh hưởng đức hạnh của Ngài thật là sâu dày vậy !
Trong thời buổi khoa học tiến bộ này, đã có nhiều phương cách để cải thiện sức khỏe và đời sống con người được lâu dài hơn. Tuy nhiên, chúng ta càng đeo đuổi theo tiện nghi vật chất bao nhiêu thì tinh thần càng trống rỗng hạ liệt bấy nhiêu. Càng về già càng cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Tại sao như vậy ? Bởi vì sung túc về vật chất không thể làm nhẹ bớt sự trống vắng của của tâm linh. Người đại trí huệ sẽ cố gắng công tìm một nơi ẩn dật cho tâm linh, một cảnh giới vượt lên trên sự hưởng thụ vật chất.
Mẫu thân tôi đã theo được con đường nói trên, và chứng tỏ rằng Bà là một người khác thường vậy !
Năm 1974, Tỳ- kheo- ni Hằng Thọ xuất gia lúc 85 tuổi vào dịp lễ Phật Đản. Buổi sáng ngày 29 tháng 4 năm 1990, Sư Cô viên tịch đang lúc Vạn Phật Thành tổ chức lễ Phật Đản ; hưởng thọ 99 tuổi. Khi hỏa táng có rất nhiều xá- lợi.
You must be logged in to post a comment.