Chinese and English | Vietnamese

Năm đóa hoa sen của Phật giáo Hoa Kỳ

Dịch từ bài The Five Lotuses of Buddhism in the United States trong báo Vajra Bodhi Sea số tháng 10, 2010 trang 30-32

 

Ngày 30 tháng 1 năm 1968, tức Tết Âm lịch năm Mậu Thân, Hòa Thượng đã về lại ngôi đền Thiên Hậu ở khu phố Tàu và giảng dạy về kệ truyền Pháp của bảy vị Phật. Vị Phật thứ bảy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xoay một bông hoa trước đại chúng và Tôn Giả Đại Ca Diếp mỉm cười. Vì vậy Như Lai truyền cho ngài diệu pháp,  đó là Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, và thật tướng tức vô tướng. Từ đó, pháp được truyền thừa qua 28 đời thì đến tôn giả Bồ Đề Đạt Ma, là người sau đó đã đến Trung Hoa, nơi ngài trở thành vị sư tổ đầu tiên ở Trung Hoa. Ngài nói Pháp kệ truyền thừa:

Ngô bổn lai từ thổ
Truyền pháp cứu mê tình
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành

 

Nghĩa là:

 

Ta đến vùng đất này
Để cứu độ mê tình
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành

Ngày hôm đó, Hòa Thượng cũng nói với tất cả mọi người, “Năm nay, Phật giáo Hoa Kỳ sẽ có năm đóa hoa sen nở.” Mọi người nghe lời tuyên bố của ngài mà không hiểu đó nghĩa là gì. Sau đó, trong khóa tu học Mùa hè năm đó, một trong các đệ tử của ngài đã xuất gia và  thọ giới Sa Di, sau đó có bốn đệ tử khác cũng xuất gia. Đến cuối năm sau, năm người Mỹ này (trong đó có ba người đã tham gia khóa tu Mùa hè) đến Tu viện Hải Hội ở Cơ Long, Đài Loan để thọ cụ túc giới, trở thành nhóm người Mỹ đầu tiên trở thành tăng nhân Phật giáo đầy đủ giới luật và do đó đã ứng với lời tiên đoán của Hòa Thượng vào đầu năm 1968.

Thọ giới tại Tu viện Hải Hội ở Cơ Long, Đài Loan

 

Hòa Thượng kể:

Các vị chỉ biết là Sư Phụ thâu rất nhiều đệ tử người Mỹ, nhưng không biết đó là chuyện không dễ làm! Chuyện người ta không làm được mà tôi làm được mới cảm động được họ. Năm 1962 (khi tôi được 45 tuổi), tôi đến nước Mỹ, chuẩn bị đào tạo một số nhân tài người Tây phương để phiên dịch kinh điển Trung Hoa, nhưng vì nhân duyên chưa chín muồi, cho nên tôi ẩn dật ở Mỹ 6, 7 năm. Cho đến năm 1968, chắc nhân duyên đã thành thục nên người Mỹ liên tiếp kéo tới. Khóa hè thứ nhất có khoảng hơn 30 vị sinh viên từ trường Đại học ở Seattle, Washington tới. Tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm cho nhóm sinh viên này hết 96 ngày. Đây là lần đầu tiên người Mỹ làm quen với Phật giáo, cũng có thể nói là một khởi đầu cho Phật giáo tại Hoa Kỳ. 

Năm đệ tử xuất gia đầu tiên của Hòa Thượng tại Hoa Kỳ đến Đài Loan để thọ giời Cụ Túc – Hình chụp cùng Hòa Thượng truyền giới tại Đài Loan.

Năm đệ tử xuất gia đầu tiên của Hòa Thượng tại Hoa Kỳ chụp hình củng các cư sĩ Đài Loan đã cúng dường cho Tăng Đoàn.

Sau khi lớp Hè giảng kinh Lăng Nghiêm kết thúc, có năm người Mỹ phát tâm xuất gia. Năm 1969 tôi đưa họ đến chùa Hải Hội ở Đài Loan thọ đại giới. Từ đó người Tây phương bắt đầu chánh thức có Tỳ Kheo (Ni). Vào Tết năm 1968, tôi đã dự trù đến mùa hè sẽ giảng kinh Lăng Nghiêm. Nhân ngày mùng một Tết năm đó, tôi nói với tín chúng rằng: “Năm nay Phật giáo Hoa Kỳ sẽ nở ra năm đóa hoa sen! Bắt đầu từ năm đóa hoa sen này, trong tương lai sẽ xuất ra ngàn vạn đóa sen hầu truyền bá Phật giáo rộng khắp Tây phương!” Lúc đó ở nước Mỹ chưa có người xuất gia, nên mọi người cũng không hiểu tôi nói vậy với ý gì. Đợi đến mùa thu thì có năm người Mỹ xuất gia, họ mới biết ra, nói: “Hôm mùng một Tết, Sư Phụ có nói trước là Phật giáo năm nay sẽ nở ra năm đóa hoa sen, hiện giờ có năm người xuất gia, thì ra là vậy!” Sau đó thì lục tục tiếp nối có thêm người đến xuất gia. 

Tôi không thâu nhận người xuất gia ở Mỹ một cách dễ dàng đâu. Ai muốn xuất gia đều quỳ trước mặt tôi, cầu xin hơn ba lần, nói: “Con muốn xuất gia làm Tỳ Kheo!” Lần thứ nhất tôi nói: “Chú phải suy nghĩ kỹ lại đi, tôi cho chú thêm thời gian, sau hãy tới nói cho tôi biết.” Hoặc là ba, năm tháng sau, họ lại tới tôi nói: “Con nhất định muốn xuất gia!” Tôi nói: “Chú hãy suy xét lại thêm lần nữa! Nếu chú thật sự có thể ăn ngày một bữa, cũng có thể ngủ ngồi – chịu nổi cái khổ xuất gia này, rồi hãy tới nói với tôi.” Những người xuất gia theo tôi đều phải ăn ngày một bữa, 3 giờ rưỡi sáng là thức dậy, 4 giờ sáng tụng công phu khuya, đến 10 giờ tối mới đi nghỉ, ngày nào cũng vậy, cho nên đây là điều không dễ làm đối với các vị xuất gia người Mỹ này. Bây giờ tôi tuyên bố tên của năm vị xuất gia: 

Đầu tiên là Quả Tiền, tự Hằng Khiêm. Lúc trước chú cảm thấy rằng trên cõi đời này không còn gì đáng lưu luyến nữa và thấy mình giống như một kẻ lang thang, không nhà để về, nay gặp được Phật pháp, nên xuất gia là chỗ quay về của chú. 

Vị thứ hai là Quả Ninh, tự Hằng Tĩnh. Chú cũng cảm thấy đời người chẳng có ý nghĩa gì. Đợi đến khi gặp Phật pháp mới biết rõ chân lý chân chánh của Phật giáo và vì vậy chú mới xuất gia. 

Vị thứ ba là Quả Tiên, tự Hằng Thọ, người trẻ tuổi này không giống với người ta. Vì chú muốn nghiên cứu về chân lý nhân sanh, cái quy hướng cứu cánh cùng vấn đề sanh tử, cho nên mới xuất gia. 

Vị thứ tư là Quả Dật, tự Hằng Ẩn, cô trẻ tuổi này, một lòng muốn biết rõ ràng về vấn đề nhân sanh. Bây giờ gặp được Phật pháp, cô biết đó là chỗ nghiên cứu giá trị, cho nên cũng xuất gia tu hành. 

Vị thứ năm là Quả Tu, tên Hằng Trì, cô quá hiểu về thế gian này. Cô đã nhìn thấu, buông xả tất cả, giờ chỉ một lòng tu đạo. Quả Tu từng đặt mấy câu kệ rằng: “Quả tất năng đắc, tu chư phước đức, hằng niệm định huệ, trì giới thành Phật.” Bốn câu này là do cô sáng tác, rất có đạo lý. 

Nay tôi chỉ nói đại khái về nhân duyên xuất gia của năm vị người Mỹ này. Nếu muốn nói chi tiết hơn thì phải cần nhiều thời giờ mới nói hết được. Hôm nay tôi đặt tên và xếp thứ tự cũng trong âm thầm đã có cảnh giới không thể bàn. Mỗi tên mà tôi đặt cho mỗi người đều có nhân duyên của nó. Chuyện này tuy không lớn gì mấy, nhưng cũng là chuyện không nhỏ, bên trong đều có tiền nhân hậu quả.  

Các vị xem! Đã lâu như vậy mà có rất ít người Tây phương hiểu rõ Phật pháp một cách chân chánh. Bây giờ chỉ mới là một sự khởi đầu. Lại có thể nói là cái mê tín, cũng có thể nói không phải là cái mê tín, vì ở kiếp trước các vị đều đã phát nguyện, nói: “Sư Phụ chúng con có nguyện lực đến nước Mỹ hoằng dương Phật pháp trong tương lai, chúng con làm đệ tử nên phát nguyện sẽ đi đến đó trước để làm người ở nước đó hầu giúp Sư Phụ hoàn thành tâm nguyện.” Các vị đều vì thừa nguyện mà đến, các vị không nên quên đi nguyện xưa của mình!

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

Trong quyển Cuộc Đời và Đạo Nghiệp của HT Tuyên Hóa – Giai đoạn ở Trung Hoa phần Phụ Chú ở trang 123 có ghi lại:

Phiên dịch từ tập ghi chép của cô Quả Dật, vị đệ tử người Mỹ:
 Ngày 12 tháng 2 năm 1973, trên chuyến bay từ New York đến San Diego, Sư Phụ nói: “ “Tiền khiêm ninh tĩnh hằng thọ tiên, dật ẩn tu trì ngũ đóa liên; nhất cửu lục bát (1968) Lăng Nghiêm hội, tuyên dương Phật giáo hóa hữu duyên.”  Các con hãy viết lại mấy câu bí mật này, khoan cho người khác biết! Đó là kệ mà Sư Phụ đã đặt từ nhiều năm về trước. Khi đọc mấy câu kệ này, các con sẽ biết ra mình là ai.”

 

Sáng sớm hôm sau, ở tại nhà của cô cư sĩ Phương, Hòa Thượng bảo sư cô Hằng Trì, sư cô Hằng Hiền và tôi rằng: “Câu kệ mà hôm qua ta nói cho các con nghe, đó là kệ mà ta làm trong thời gian  thủ hiếu bên mộ phần của mẹ ta (1937~1940). Lúc bấy giờ Lục Tổ Đại Sư cũng từng nói với ta về những sự việc này. Hôm qua ta quán sát nhân duyên, nhận thấy đã đến lúc cho Tỳ Kheo Ni các con biết về chuyện đã xảy ra mấy mươi năm trước.”