Bài nói chuyện của Cư Sĩ Ngụy Quả Thời (Guo Shi Wei) vào ngày 12 tháng 6 năm 2000 tại Vạn Phật Điện, Vạn Phật Thánh Thành

Trích và dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số 364, tháng Chín, 2000 và số 365, tháng 10, 2000.

gate_logo

Kính thưa Hòa Thượng, kính thưa quý Thầy quý Cô, kính thưa các vị Thiện trí thức,

Tên tôi là Ngụy Quả Thời (Wei Guo Shi), để tưởng niệm Hòa Thượng Tuyên Hoá trong Pháp Hội Hoa Nghiêm này, tôi xin kể vài câu chuyện có liên quan đến Hòa Thượng. Nếu có sai sót, mong chư vị chỉ ra cho.

 

1) Làm sao để truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ?”

Tôi nhớ một năm nọ, Hòa Thượng ngồi ở đây. Có lẽ lúc đó là trước giờ cúng Ngọ. Tôi tin rằng nhiều người trong quý vị ở đây hôm nay cũng có mặt vào lúc đó. Tôi không nhớ chính xác từng lời, nhưng Hòa Thượng hỏi về việc gì đó đại khái như: “Làm sao để truyền bá Phật Pháp tại Hoa Kỳ?”

Dĩ nhiên có nhiều người nói lên ý kiến của họ. Nhiều người nói rằng chúng ta nên in nhiều Kinh hơn nữa, nên đi ra ngoài hoằng Pháp, hoặc trùng tu lại Chùa bởi vì nó quá cũ …, có đủ loại ý kiến khác nhau được đưa ra. Hòa Thượng tiếp tục kêu gọi thêm sự góp ý, cho đến khi có người nào đó đứng dậy và nói: “Chúng ta nên diệt bỏ tham sân si, và chuyên tu Giới, Định, Huệ.”. Hòa Thượng mỉm cười và cho ý kiến: “Hãy nói rõ thêm về vấn đề đó. Còn mơ hồ quá!”. Người đó nói rằng: “Chúng ta nên không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.” Hòa Thượng rất vui mừng và nói: “Đúng rồi đó!”

Hầu hết chúng ta theo bản năng nghĩ rằng nên in Kinh và làm những việc gì khác. Khi Hòa Thượng nói về truyền bá Phật Pháp tại Hoa Kỳ, ngài muốn nói rằng chúng ta nên khởi sự bằng cách tự mình tu tập cho thuần thục.

Điều này làm tôi nhớ đến Tôn giả A Nan. Trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài hỏi Đức Phật là vào thời Mạt Pháp nên làm thế nào để an lập đạo tràng để tu hành, vì vào thời Mạt Pháp có nhiều tà sư giảng tà pháp của họ. Đức Phật hoan hỷ và tán dương Tôn giả A Nan đã vì chúng sanh thời Mạt Pháp mà hỏi Pháp. Câu hỏi về việc làm thế nào an lập đạo tràng để tu hành cũng tương tự câu hỏi của Hòa Thượng. Đức Phật đã trả lời như sau:

“Ông thường nghe Ta tuyên thuyết ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Tỳ-nại-da (Luật Tạng). Đó là: Nhiếp tâm là giới, do Giới sanh Định, do Định phát Huệ. Đó gọi là Tam Vô Lậu Học. A Nan! Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới? Nếu chúng sanh trong Lục đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục. Ông tu pháp Tam muội vốn để thoát trần lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm dâm dục thì chẳng thể ra khỏi trần lao. Dầu có đa trí, Thiền định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ dâm dục tất sẽ lạc vào Ma đạo – thượng phẩm thì làm Ma vương, trung phẩm thì làm ma dân, hạ phẩm thì làm ma nữ. Những loại ma ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô thượng.” (1)

Đoạn kinh này thảo luận về bốn điều răn dạy minh bạch về tánh thanh tịnh. Hòa Thượng đã nói lại theo ngôn ngữ đương thời là: không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối.

 

2) Đạo tràng của Tổng hội Phật Giáo Pháp Giới không phải là cơ sở thương mại

Nói về vấn đề không phan duyên (2), tôi nhớ đến một chuyện. Một lần nọ, trong một Pháp hội lớn có nhiều người đến Vạn Phật Thánh Thành tham dự, có người nào đó đứng lên và phát biểu trong giờ thọ trai.

Để tôi nói thêm một chút về bối cảnh câu chuyện. Câu chuyện này có liên quan đến báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) của chúng ta. Việc lưu hành báo Vajra Bodhi Sea chưa bao giờ được tốt đẹp, mặc dầu đây là một nguyệt san hay. Tôi không biết tại sao, nhưng mỗi tháng đều có một chồng báo dư. Chúng tôi không thể ngưng không in nhiều, bởi vì có thể có người đến thỉnh cầu báo. Do đó, chúng tôi cứ in và mỗi lần in đều có những số báo dư. Nhiều người cho rằng bên ngoài có nhiều báo hay hơn. Nhưng chỉ riêng bìa báo Vajra Bodhi Sea với bài kệ chú Lăng Nghiêm cùng với chữ Chú (chữ Phạn) của Chú Lăng Nghiêm đủ để làm báo này trở thành báo hảo hạng xứng đáng với giá của nó. Tuy nhiên người ta không hiểu và liệng nó sang một bên sau khi đọc.

Một tờ báo tuyệt hảo như thế mà cứ tiếp tục dồn đống lại. Trong khoá Thất, có người đứng lên nói rằng ông ta nghĩ báo Vajra Bodhi Sea thật hay. Ông ta hy vọng mọi người sẽ ghi danh đặt báo và ông ta thông báo phí tổn mua báo dài hạn. Tôi không nhớ ông ta nói gì khác nữa. Thật ra những điều ông ta nói không có gì là sai cả. Ngay lúc đó, Hòa Thượng tình cờ đi ngang qua. Khi nghe như vậy, ngài lập tức nói lớn tiếng, “Có phải Vạn Phật Thánh Thành đang đói không? Có phải quý vị không có thức ăn để ăn nên cần nói ra những điều như vậy để tự đề xướng mình?” Ngài la mắng người nói hồi nãy rất nặng nề.

Người đó dĩ nhiên không dám nói thêm gì cả và lặng lẽ ngồi xuống. Nhưng Hòa Thượng vẫn không buông tha ông ta. Ngài bước đến trước mặt người đó và nói “Ông có ý gì? Tại sao ông cần phải đứng lên nói những điều như vậy?” Quý vị thấy đó, đó là cách thức của Hòa Thượng!

Về đề tài không phan duyên, tôi sẽ nói thêm một câu chuyện khác xảy ra tại Kim Luân Thánh Tự. Khi trường Tiểu Học Dục Lương tại Chùa Kim Luận được thành lập vào năm 1988, ngân quỹ và phương tiện thật ít ỏi. Một số cư sĩ quyết định bán đấu giá những xâu chuỗi niệm Phật và tượng Phật của họ tại một sân thể thao rộng lớn và trống trải. Đó là vào lúc Chùa Kim Luân vẫn còn ở đường số 6. Họ cúng dường cho trường học tất cả tiền bán được. Tiền đó là do từ việc bán đấu giá những món đồ của cư sĩ, không phải đồ của Chùa. Tôi không nhớ lúc đó bán được tổng cộng là bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc là người phụ trách đã cúng dường tất cả số tiền đó cho Chùa.

Tuy nhiên, khi Hòa Thượng biết được chuyện, ngài kêu những người đó lại và quở trách nặng nề. Ngài nói, “Quý vị ở Chùa Kim Luân có đang bị đói không? Có phải tất cả quý vị không còn thức ăn nên cần ra ngoài bán đồ phải không?” Có người hỏi, “Nhưng chúng ta cũng bán sách trong tiệm sách của Chùa, có phải không?”

Hòa Thượng nói, “Chỉ chừng đó và chỉ là phương tiện. Chúng ta phải có tiệm sách vì chúng ta cần lưu thông Kinh điển. Do đó, tiệm sách chỉ là phương tiện cho Chùa.” Hòa Thượng không muốn những gì khác, bởi vì khi có sự giao dịch mua bán, thì không dễ dàng chận đứng lại được.

Tôi sẽ nói về một tình trạng thực tế. Dĩ nhiên chuyện này không cần thiết là xảy ra tại Vạn Phật Thánh Thành, nhưng chính ông Bill Porter đã kể cho tôi nghe rằng khi ông ta đến Tu Viện Nam Hoa cách nay hơn mười năm, ông ta đã nói chuyện với Hòa Thượng Duy Nhân. Hòa Thượng Duy Nhân đã từng là thị giả của Hòa Thượng Hư Vân. Hòa Thượng Duy Nhân kể với ông Bill Porter rằng trước đây có những người bán nhang phía trước Tu Viện Nam Hoa. Bởi vì Tu Viện không bán nhang cho khách thăm viếng nên khách phải mua nhang từ bên ngoài. Chuyện đó có vẻ cũng vô hại, cũng không có gì đúng hoặc sai về chuyện đó. Tu Viện không biết phải làm gì đối với những người bán hàng, do đó cứ để họ tiếp tục làm ăn. Và dần dần có thêm nhiều người bán hàng bắt đầu mở tiệm ngay trước Tu Viện. Cuối cùng họ trở nên bất trị. Hòa Thượng Duy Nhân nói rằng trong những khóa Thiền Thất hoặc Quán Âm Thất kéo dài bảy ngày, các khách đến viếng không được đốt nhang ở trong Chùa. Do đó mỗi khi có khoá thất bảy ngày, đặc biệt là khi có Thiền Thất, việc buôn bán nhang và xâu chuỗi niệm thật khó khăn. Những người buôn bán càng lúc càng trở nên bực mình. Trong khoá Thiền, cổng trước của Tu Viện Nam Hoa thường được đóng lại, mọi người vô ra đều dùng cửa bên hông Tu Viện. Câu chuyện được kể lại rằng, có một lần trong khóa Thiền, những người làm ăn buôn bán đó giận dữ đến nỗi họ phá cửa trước của Tu Viện. Do đó Hòa Thượng Hư Vân đã cấm người ta buôn bán tại lối ra vào của Tu Viện.

Một chuyện khác xảy ra vào năm 1989 hoặc 1990 khi Hòa Thượng đến tiểu bang Texas. Tôi tin rằng Hòa Thượng chỉ đến đó một lần, dĩ nhiên là vì những lý do đặc biệt (3). Vào thời đó, không có nhiều chùa chiền nên chúng tôi phải ăn bên ngoài và không ăn trong chùa. Mọi người biết rằng có những loại đũa chỉ dùng một lần rồi bỏ thường được kèm theo phần ăn. Vào lúc đó, khi Hòa Thượng ăn xong phần của ngài, ngài dùng giấy lau tay chùi sạch đôi đũa và bỏ vào túi.

Khi mọi người thấy Hòa Thượng làm như vậy, họ rất mắc cở. Làm như vậy thì trông không đẹp. Tại sao Hòa Thượng lại làm như vậy? Họ nói với ngài, “Bạch Hòa Thượng, những đôi đũa đó sau khi dùng thì có thể liệng vất đi! Chúng ta không cần giữ những đôi đũa đó!” Hòa Thượng nói, “Tôi không phí phạm như ông!”. Dĩ nhiên người đó không dám nói gì nữa. Từ lúc đó trở đi, không ai đề cập điều gì nữa. Từ ngày đó, sau mỗi bữa ăn, Hòa Thượng thường lau đôi đũa của mình và giữ lại. Không ai để ý là ngài có giữ lại đũa sau mỗi bữa ăn hay không, nhưng dường như mỗi lần họ thấy, Hòa Thượng đều giữ lại đôi đũa.

Sau khi chuyến hành trình hoàn tất và chúng tôi lên đường trở về lại tiểu bang California, chúng tôi phải đổi chuyến bay và đợi ở một phi trường chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. Lúc đó là giờ ăn trưa. Không có đủ thì giờ để ra ngoài ăn và tại phi trường thì không có nhiều thứ để ăn. Chúng tôi phải làm gì? Một cư sĩ tình nguyện đi mua thức ăn phía bên ngoài phi trường trong khi chúng tôi chờ đợi tại phi trường. Điều này giúp giải quyết vấn đề cho mọi người. Người cư sĩ đó rất sốt sắng và mua rất nhanh. Mọi người rất vui mừng khi người đó trở lại. Chúng tôi ngồi tại phi trường, mở hộp thức ăn trưa ra, và khám phá ra rằng vì vội vàng, người cư sĩ đó đã quên lấy đũa. Ngay lúc đó, Hòa Thượng lấy ra những đôi đũa từ trong túi của ngài, “Cho con một đôi đũa nè!”, “Một đôi đũa nữa cho con nè!”. “Quả Phu, đôi đũa này cho con”. Một đôi đũa cho người này, một đôi đũa cho người kia. Khi Hòa Thượng phân phát hết các đôi đũa của ngài, mọi người ai cũng có một đôi đũa. Không quá nhiều mà cũng không quá ít!

Việc này nhắc tôi nhớ đến câu chuyện trong Kinh Duy Ma khi Bồ Tát Văn Thù đưa 500 vị A La Hán đến thăm Đại sĩ Duy Ma. Không biết có phải Đại sĩ Duy Ma đã đem thức ăn từ cõi Hương Tích về để đãi các vị A La Hán này hay không? Nhưng ai ai cũng nghĩ là vị này có đủ bản lãnh để đem thức ăn hảo hạng về từ một quốc độ khác. Nếu được như thế thì đương nhiên là đem về càng nhiều càng tốt chớ! Tuy vậy, Đại sĩ Duy Ma chỉ đem thực phẩm về vừa đủ cho mọi người, mà không dư cũng không thiếu một hột. Các vị A La Hán dùng hết cả thức ăn và ai nấy cũng đều no đủ. Đây cũng là một công án thiền: “Vô khiếm vô dư” tức không thiếu cũng không dư.

Chúng ta có thể nhận thấy những việc Thánh nhân làm lúc đó hình như có vẻ hơi lạ lùng, nhưng sau đó khi nghĩ kỹ lại, chúng ta mới biết những quyết đoán của các Ngài là chính xác nhất cho mỗi trường hợp, tùy theo hoàn cảnh và nhân duyên. Cũng như Hòa Thượng chẳng tham để dành lại cho nhiều. Ngài đâu có nghĩ là sẽ để dành thêm mấy đôi đũa nữa. Không đâu! Hòa Thượng chỉ giữ lại cho vừa đủ dùng thôi.

Tôi không có ý gì khác khi nói những điều này. Xin đừng nghĩ rằng tôi nói về những người làm việc trong nhà bếp gây tạo nghiệp chướng khi thức ăn bị dư thừa. Chúng ta không thể so sánh với Đại sĩ Duy Ma. Tôi không có ý rằng trường học càng nghèo thì càng tốt khi tôi đề cập về câu chuyện gây quỹ cho trường học. Tôi không có ý rằng tốt nhất là trường học đừng có tiền. Tôi hoàn toàn không có ý như vậy.

Dầu sao đi nữa, sự giáo hóa của Hòa Thượng là theo nhiều cách riêng biệt. Mọi người đều biết Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền đều đóng vai trò quan trọng trong Kinh Hoa Nghiêm. Nhiều vị Tổ thường dùng câu này trong các bài Pháp: “Nếu một pháp chưa không, Văn Thù mất trí huệ. Nếu vạn pháp đều không, Phổ Hiền mất cảnh giới.” (4) Làm sao giải thích điều này được? Có nghĩa rằng Bồ tát Văn Thù sẽ mất trí tuệ nếu còn một pháp chưa thấy được tánh không của nó. Do đó, hiển nhiên rằng vạn pháp đều không; không có một pháp nào cả. Đó là điều Bồ tát Văn Thù tuyên dương. Còn đối với Bồ tát Phổ Hiền thì lại có đủ cảnh giới vạn pháp. Như vậy có pháp hay không có pháp? Xin quý vị tự tham lấy!

Tôi kính xin lỗi vì thời gian không còn nhiều. Tôi không khéo sắp xếp bài nói chuyện của mình. Hy vọng vào lần tới. A Di Đà Phật.

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

(1) Kinh Lăng Ngiêm – Phẩm Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (Bốn Điều Răn Dạy Minh Bạch Về Tánh Thanh Tịnh).www.dharmasite.net//KinhLangNghiem_TuChungThanhTinhMinhHoi.htm#1

(2) Phan duyên: Thuật ngữ này có nhiều nghĩa như nương tựa, nhờ cậy, lợi dụng …. Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt: Phan Duyên: 攀 緣 Alambana (Thuật ngữ). Tâm không tự khởi lên, cần phải có cảnh sở đối rồi nương vịn vào đó mà khởi lên, giống như người già nương vịn vào cây gậy mà đứng lên, gọi là Phan duyên. Lại nữa, cái tâm lại thay đổi lúc thế này, lúc thế kia, tùy theo sự vật của thế giới bên ngoài, giống như con vượn leo cành cây, lúc ở cành này, lúc ở cành khác , nên gọi là phan duyên. Thường thấy lược bớt đi mà chỉ dùng một từ Duyên mà thôi. Tâm là Năng duyên, cảnh là Sở duyên. Kinh Lăng Già q. 1: “Phật pháp là lìa bỏ mọi thứ căn lượng tướng đều diệt hết cả”. (trang 957).

Bài thơ Ba Đại Tông Chỉ của Hòa Thượng nhấn mạnh vấn đề không phan duyên:

Dù rét chết, không phan duyên.

Dù đói chết, không van nài.

Dù nghèo chết, không cầu cạnh.

Tùy duyên, bất biến.

Bất biến, tùy duyên.

 

Xã mình vì Phật sự.

Tạo mạng là bổn phận.

Sửa mình là việc Tăng.

Hễ gặp việc gì thấu suốt việc ấy

Hiểu đạo lý gì thì thực hiện lý ấy

Vậy mới truyền thừa mạch huyết Tổ sư tâm truyền.

Xin xem thêm bài khai thị Người Tu Hành Không Ðược Phan Duyên của Hòa Thượng.

(3) Chuyến hoằng Pháp tại Texas này đã giúp nhiều người tìm về Phật pháp. Đặc biệt con gái của Giáo Sư Raymond Yeh tại Đại Học Texas sau khi tốt ngiệp Đại học đã xuất gia tại Vạn Phật Thánh Thành, trở thành dịch giả nhiều Kinh Sách của Chùa, nay là hiệu trưởng Trường Nữ Trung Học Bồi Đức. Cha me Cô sau khi về hưu đã đến Vạn Phật Thánh Thành phụ giúp giảng dạy. (Bài nói chuyện của Dr. Yeh (11 Mb) nhân lễ tốt nghiệp của học sinh Trung Hoc Bồi Đức năm 2006).

(4) Nguyên văn Hoa ngữ: 「若一法不空,則文殊失其智;若無萬法者,普賢失其境界。」「Nhược nhất pháp bất không, tắc Văn Thù thất kì trí;nhược vô vạn pháp giả, Phổ Hiền thất kỳ cảnh giới。」