Phóng Sanh

Tỳ Kheo Ni Hằng Trì

Báo Vajra Bodhi Sea, số tháng 6, 1975 http://www.drbachinese.org/vbs/1_100/vbs60-62/news.html

 

Vào ngày thứ bảy, 12 tháng Tư năm 1975, lúc 6:50 sáng, Tăng đoàn và cư sĩ Phật giáo tại Kim Sơn Thánh Tự đưa vào thùng hơn một trăm con rùa biển đã được mua từ chợ bán thịt nơi mà chúng sẽ bị giết để ăn. Đoàn xe  chở tín đồ Phật giáo và rùa sau đó lên xa lộ 101 đến Vịnh Tamalas nơi Hòa Thượng Trụ Trì của Kim Sơn Thánh Tự huớng dẫn tứ chúng đạo tràng trong buổi lễ “Phóng Sanh” thật cảm động. Trong buổi lễ rùa được quy y và được tuyên bố là đệ tử của Phật,  thừa nhận sự thực rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có thể trở thành Phật.

Thần Chú Đại Bi là phần chính của buổi lễ. Trong khi các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di đi nhiễu tụng thần chú Đại Bi quanh tượng Phật và các con rùa, Hòa Thượng Trụ Trì rảy tịnh thủy lên các con rùa, tẩy rửa chúng khỏi các nghiệp đã khiến chúng đọa vào loài súc sanh. Sau khi tụng 3 lần Bát Nhã Tâm Kinh và Bốn Đại Nguyện, bài chú phóng sanh được xướng tụng và các con rùa được chuẩn bị để thả ra. Trong khi niệm tên bảy vị Phật, thành viên và bạn đạo của Hiệp hội Phật giáo Trung-Mỹ mang hơn trăm con rùa thả xuống nước cho chúng được tự do.

 

 

Một ngày trước buổi lễ, tại buổi họp hàng ngày của Pháp Hội Hoa Nghiêm, Hòa Thượng Trụ Trì của Kim Sơn Thánh Tự giảng giải đạo lý của “Phóng Sanh”:

“Pháp môn Phóng Sanh là một pháp mà người Phương Tây không quen thuộc. Tại sao người phương Tây không hiểu pháp này? Ở Phương Tây, chưa ai từng nhìn thấy buổi lễ Phật giáo này trước đây, và không ai thực sự hiểu về buổi lễ Phóng Sanh.

“Trong nhiều năm qua kể từ khi Phật Pháp bắt đầu được truyền bá ở Phương Tây, Phóng Sanh đã được thực hiện nhiều lần. Mỗi lần như thế, có nhiều người đã phàn nàn. Mặc dù có sự chống đối, chúng tôi vẫn muốn thực hành theo Phật Pháp.

“Tại sao Phóng Sanh? Một lý do là thực hành Phóng Sanh đem lại phước là tăng tuổi thọ. Nếu quý vị không giết hại chúng sanh khác, chúng sẽ không giết quý vị. Hãy xem các cuộc chiến tranh. Tại sao có chiến tranh? Chiến tranh xảy ra khi người ta tham dự vào sự giết hại lẫn nhau. Quý vị giết kẻ đó nên kẻ đó giết quý vị. Thú vật bị giết bởi người. Sau đó người trở thành thú, thú trở thành người, một lần nữa họ tham dự vào việc sát sanh. Số lượng sát sanh đạt tới tỷ lệ rất lớn và nghiệp sát sanh trở nên quá nặng nên chiến tranh xảy ra. Chiến tranh là vấn đề thanh toán các món nợ chưa trả. Anh giết tôi vì vậy tôi giết lại. Tôi giết anh, anh giết tôi. Không có sự kết thúc. Số lượng giết hại tiếp tục chồng chất lên- giống như tăng thêm lãi suất. Anh giết tôi một lần; Tôi sẽ giết anh mười lần. Anh giết tôi mười lần như vậy tôi sẽ giết anh một trăm lần bằng súng, bom, máy bay và hỏa tiễn. Đó là những biểu hiện liên quan đến nghiệp sát sanh đem đến.

“Bằng cách Phóng Sanh, chúng ta có thể làm giảm nghiệp sát sanh. Nếu con người tiếp tục phóng sanh, nghiệp sát sanh sẽ tiếp tục giảm cho đến khi cuối cùng sẽ không còn chiến tranh nữa. Vì vậy thay vì phản đối chiến tranh, chúng ta sử dụng phương pháp này. Căn bản là chúng ta không tranh, như vậy, làm thế nào chúng ta có thể phản đối chiến tranh? Phản đối là tranh chấp. Thay vào đó, chúng ta thực hành một phương Pháp tích cực là Phóng Sanh, cùng lúc làm tăng tuổi thọ. Phóng sanh cũng có thể chống lại bệnh tật. Đó là tại sao khi chúng ta bị la mắng một chút, điều đó không sao cả.

“Cũng không phải là chúng ta nhất thiết muốn tăng tuổi thọ của riêng chúng ta. Chỉ mong rằng tất cả chúng sanh sẽ ngưng sát sanh và làm nghiệp sát sanh chấm dứt ngay và mãi mãi. Đó là tại sao chúng ta phóng sanh.

“Trong việc tu Đạo, mọi người nên có kinh nghiệm thực hành tất cả các Pháp môn, một pháp môn không kém quan trọng là Pháp môn Phóng Sanh rất lợi ích.”