English and Chinese | Vietnamese

 

Quản Trị Công Việc Công

Bài nói chuyện của Ông John Chu tại Phật Điện chùa Vạn Phật ngày 5/7/2013

Lotus Lee và Yaping Wan dịch sang tiếng Anh.

 Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số tháng 9, 2013, trang 42 -45

HayTha2.jpg
Tối nay, tôi sẽ bắt đầu với câu chuyện về “điện thoại”. Tại sao? Như quý vị đều biết, tôi làm việc ở phòng hành chánh, và như mọi lần, tôi sẽ chia sẻ với quý vị điều tôi thấy và nghe tại quầy tiếp khách. Ở phòng hành chánh, hàng ngày chúng tôi nhận rất nhiều cuộc gọi; điện thoại đóng vai trò rất quan trọng trong công việc của chúng tôi. Quý vị có thể nói rằng đó chính là cánh cửa của chúng tôi nối với thế giới bên ngoài.

Khi Hòa thượng vẫn còn với chúng ta, ngày ngày Ngài thường gọi điện đến phòng hành chánh để hỏi thăm về các đạo tràng chi nhánh. Tôi đã trả lời rất nhiều cuộc gọi của Ngài. Thỉnh thoảng khi nói chuyện với Ngài qua điện thoại, chúng tôi cũng hỏi về những vấn đề cá nhân và Ngài luôn luôn từ bi giải đáp cho chúng tôi. Nếu Hòa thượng không bận thì sẽ kể cho nghe những câu chuyện về một vài đệ tử của mình để chúng tôi tham khảo và như vậy sẽ giúp cho chúng tôi làm việc tốt hơn.

Một lần, trong một cuộc họp ở Viện Phiên Dịch Kinh Điển Quốc tế, chuông điện thoại reo, ai đó trả lời và báo cáo lại rằng có người gọi từ chùa Vạn Phật và muốn nói chuyện với một người trong cuộc họp. Sau khi Hòa Thượng nghe tên của người gọi, Ngài liền nói, “Người này không được cho phép sử dụng điện thoại của văn phòng dùng vào việc cá nhân, thật phiền hà!”. Tất cả chúng tôi hôm đó học được một bài học.

Hòa Thượng dạy chúng tôi dùng tiền một cách khôn ngoan và tiết kiệm. Ông Roger – một vị đệ tử lâu năm của Hòa thượng đã kể tôi nghe chuyện này. Hòa Thượng rất thận trọng trong việc sử dụng ngân quỹ của chùa Vạn Phật, vì thế đích thân Ngài kiểm tra các hóa đơn. Một ngày nọ, Hòa thượng cầm một chồng hóa đơn yêu cầu cấp tiền đã được chấp thuận và đến gặp ông Roger, hỏi ông này rằng, “Tại sao con lại chấp thuận tất cả những yêu cầu cấp tiền này và để mọi người tiêu tiền một cách bất cẩn như vậy?” Ông Roger hoảng sợ, ngay lập tức quỳ xuống và sám hối, giải thích tại sao ông ta lại chấp thuận cho từng đơn yêu cầu.

Tranh “Năm Trăm Vị La Hán” – Tranh vẽ vào triều Nam Tống

Hồi nãy khi tôi quay trở lại văn phòng hành chánh sau buổi lễ công phu chiều, tôi tình cờ gặp ông Roger đang ngắm hơn ba mươi bông sen đang nở trong hồ sen bên ngoài Vãng Sanh Đường. Ông ấy nói, “Thật là một hiện tượng cát tường!” Những người được vãng sanh Tịnh Độ được sanh ra từ hoa sen. Tôi nói với ông Roger: “Ông nên chăm sóc cha mẹ tương lai của ông; đừng chỉ thích thú ngắm nhìn chúng không thôi”. Cha mẹ chúng ta trong đời này đã cho chúng ta một thân thể xác thịt, nhưng Pháp thân của chúng ta được nuôi dưỡng bởi lòng từ bi của Chư Phật và các vị Sư Trưởng. Ngay mới đây, Thầy Cận Phạm có nói, “Chúng ta nên nhớ tới cha mẹ của Pháp thân chúng ta, không chỉ cha mẹ ở thế giới Ta bà này. Chúng ta nên tìm cách để được tái sinh nơi cõi nước Tịnh Độ và quyết định ra khỏi thế giới Ta bà”.Theo truyền thống, những người phụ trách về tiền hoặc phụ trách chỉ dẫn ở trong chùa chiền là những người đã đắc quả. Tại sao? Bởi vì họ hiểu rõ nhân quả và nhìn thấu suốt chân tánh của họ, họ không dễ dàng phạm sai lầm. Ít nhất, nếu họ giữ những chức vụ như vậy, những người này phải tin tưởng thâm sâu vào nhân quả.

Khi sức khỏe của Hòa thượng bắt đầu xấu đi trong những năm 1992-1993, Ngài không thể làm chủ lễ trong buổi lễ quy y được nữa, các đệ tử của Ngài phải làm thay. Trước khi buổi lễ chấm dứt, Hòa Thượng luôn luôn gọi điện đến phòng hành chánh và nói chúng tôi chuyển lời của Ngài tới những vị đệ tử mới. Điều quan trọng nhất là, “Tất cả đệ tử, ai quy y với ta cần phải tinh tấn tu hành và đạt được Giác ngộ trước ta. Ta sẽ chờ tất cả những ai mà chưa thành Phật”. Điều này khích lệ những vị đệ tử mới phát Bồ Đề tâm. Thông điệp thứ hai là nhắc nhở họ lạy Chư Phật mười ngàn lạy sau khi quy y.

Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được những cú điện thoại rất ‘bất thường’. Vào năm 1992, tôi trả lời một cú điện thoại dọa nổ bom từ một nam thanh niên, người này nói rằng có bom ở trong văn phòng chúng tôi và nó sẽ phát nổ trong vòng 20 phút nữa. Chúng tôi gọi cảnh sát, họ mang chó tới và rà soát khắp nơi, nhưng hóa ra đó là một trò đùa. Tôi chân thành mong rằng người này sẽ sửa đổi hành vi của mình và tiến đến đạo Bồ Đề.

Một lần khác, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một nữ cư sĩ ở New Jersey, vị này thường xuyên cúng dường tài vật cho Vạn Phật Thánh Thành. Cô ấy thường gọi cho chúng tôi khi có thắc mắc; nhưng đôi khi những người trả lời điện thoại có thể không có thái độ tốt đẹp nhất. Cô ấy đã nói với tôi rất nghiêm nghị: “Tôi làm kinh doanh và những người đại diện phục vụ khách hàng của công ty tôi được đòi hỏi phải cư xử tôn trọng và lịch sự với khách hàng. Điều này cần phải được cải thiện ở trong tổ chức của ông. Vì là những người đại diện cho Vạn PhậtThánh Thành, quý vị nên tỏ ra lịch sự và chuyên nghiệp”. Tôi đã bị sốc khi nghe điều này, nhưng chắc chắn đã khiến tôi suy nghĩ.

Trả lời điện thoại ngày này qua ngày khác là việc khá nhàm chán và mệt mỏi – không phải là việc mà nhiều người thích thú. Nó ảnh hưởng tới cảm xúc của chúng ta và tiếp đến nó phản ánh qua thái độ của chúng ta. Khi chúng ta mệt mỏi và rơi vào tâm trạng buồn bực, chúng ta nên cẩn thận với tâm trạng này và đừng để nó ảnh hưởng tới công việc của chúng ta. Cô ấy đúng: chúng ta nên nhận thức vấn đề này và cải thiện. Cô ấy thực sự là một vị thiện tri thức.

Chúng tôi nhận được các cuộc gọi đủ loại. Ví dụ, chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ mọi người hỏi những điều về nhà hàng chay Quân Khang của Vạn Phật Thánh Thành, về các trường học, về phương tiện đi tới chùa, về việc tham gia Pháp Hội, về làm thiện nguyện, v.v…

Có một loại cuộc gọi mà tôi không thích nhất là hỏi số Đơn Đặt Hàng (Purchase Order). Khi mọi người hỏi số Đơn Đặt Hàng, chúng tôi luôn rất miễn cưỡng cho họ số này vì điều này có nghĩa là chúng ta lại sắp tiêu tiền. Một lần, tôi hỏi Quả Triêm rằng khi Hòa thượng vẫn còn tại thế mọi người có thường gọi hỏi xin những số Đơn Đặt Hàng hay không. Ông ấy liền nói, “Tất nhiên là không”. “Vậy tại sao bây giờ lại phổ biến như vậy?” Ông ấy đáp, “Khi Hòa thượng vẫn còn với chúng ta, nếu anh cần có bộ phận hay vật liệu gì thì trước hết phải lục tìm ở trong kho chứa đồ trước; chúng tôi cố gắng tái sử dụng mọi thứ trong Vạn Phật Thánh Thành càng nhiều càng tốt. Hiện giờ, chúng ta thuê bên ngoài. Với chúng tôi, nó có thể rẻ hơn nếu mua vật liệu so với việc bắt họ phải chờ hai tiếng đồng hồ trong khi chúng tôi tìm kiếm vật dụng”. Tôi tin rằng nếu chúng ta vẫn tự mình làm công việc này thì chúng ta có thể tái sử dụng rất nhiều thứ ở trong Vạn Phật Thánh Thành và cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Rất dễ dàng để trở nên lãng phí sau khi sống tiết kiệm, nhưng lại khó để sống tiết kiệm sau khi sống lãng phí.

Mọi người ở chùa Vạn Phật cần phải tuân thủ sáu đại tông chỉ của Hòa Thượng là Không Tranh, Không Tham v.v… Một trong những vị sư huynh đã giải thích cho tôi thế này: cái “Không” trong “Không Tranh, Không Tham, v.v…” là đối với những người mới bắt đầu tu hành. Điều này có thể được so sánh với việc dạy trẻ con không được ăn trộm hay không được đánh nhau. Nhưng với những người đã tu hành một thời gian dài, họ cần phải tiến lên một mức cao hơn và thực hành vô tranh, vô tham, vô mong cầu v.v… Ở điểm này, mọi người thực hiện được Sáu Đại Tông Chỉ.

Hòa Thượng dạy rằng, triệt bỏ tính tranh giành và tham lam không dễ. Chúng ta nên xuất phải từ đâu? Trong phần giảng giải Kinh Hoa Nghiêm, Hòa thượng dạy rằng, “Để diệt trừ lòng tham, chúng ta trước hết phải trừ bỏ vô minh; nếu vô minh chưa được loại trừ thì lòng tham cũng sẽ không mất đi. Lòng tham lớn nhất mà gây họa cho nhân loại là tham dục. Nếu quý vị có thể dứt bỏ những tham muốn đó thì quý vị là bậc Thánh đắc quả. Nước Mỹ rất cần có những thánh nhân và những hành giả đắc quả và có thể truyền bá Chánh Pháp. Điều quan trọng nhất trong việc tu hành là trừ bỏ tham muốn. Nếu ai đó nói rằng mình là thánh nhân, thì quý vị có thể phán xét sự thật của lời nói đó bằng cách quan sát xem họ còn có ham muốn hay không. Nếu vẫn còn ham muốn thì người ấy vẫn chỉ là một người phàm phu”.