Hòa Thượng Tuyên Hóa

Trích Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Lược Giảng

 

Thiện Tài Đồng Tử tuy là một em bé, nhưng sức thần thông thì rất lớn, thần thông của Thiện Tài là bất khả tư nghị. Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy, và vì có năm mươi ba vị thầy cho nên Phật giáo Trung Hoa chịu sự ảnh hưởng phức tạp. Phức tạp ra làm sao? Có một số tín đồ Phật giáo bắt chước Thiện Tài Đồng Tử nói: “Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy thì tối thiểu tôi cũng phải có mười vị, hai mươi vị hay ba mươi vị thầy, như thế chẳng phải là quá nhiều”. Hành vi như thế là rất mê tín, vô cùng sai lầm! Xưa nay tôi cực lực phản đối tư tưởng này, chẳng phải vì sợ chúng đệ tử của tôi đi bái những vị khác làm thầy, mà do vì đây là một thuần phong và tập quán xấu nhất trong Phật giáo.

Có người nói: “Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy, vì sao ông ta chẳng phải là người cực xấu? Người Trung Hoa đi bái ba mươi, bốn mươi người làm sư phụ lại là cực xấu? ”. Việc gì cũng có thật lí của nó, nguyên do Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy là bởi vị thầy thứ nhất của  Thiện Tài dạy đi bái vị thứ hai làm thầy; là thầy của Thiện Tài bảo đi, chứ chẳng phải Thiện Tài nghe nói người này, người kia có đạo, có tu hành, thế rồi cũng chẳng thưa với thầy của mình, âm thầm đi đến một nơi khác, lại bái một vị nữa làm thầy. Đó gọi là: “Bái liễu nhất cá sư  phụ, bội liễu nhất cá sư phụ[1]”. “Bội” chính là phản bội, nghĩa là chống trái. Nếu quí vị tốt với thầy của mình thì sao lại phải bỏ thầy? Giống như chúng ta có một người cha là đủ rồi, chỉ có Đức Thích Ca-mâu-ni-Phật mới có thể làm người cha thứ hai của chúng ta. Chúng ta nhất định chẳng nên đi tìm ba, tư,  năm, sáu, bảy, tám…nhiều người cha như thế ! Sư phụ là cha mẹ pháp thân xuất thế của chúng ta. Vậy quí vị bái nhiều thầy như thế để làm gì?

Thiện Tài Đồng Tử đã học trọn vẹn với vị thầy thứ nhất của mình về đạo đức, học vấn và diệu dụng thần thông. Vị thầy thứ nhất ấy cũng không còn gì để dạy Thiện Tài nữa, vì thế ông mới bảo Thiện Tài đến phương Nam để bái một người khác làm thầy nên Thiện Tài lại đi đến chỗ khác bái một vị khác làm thầy. Sau khi bái làm thầy, Thiện Tài cũng học hết tất cả những bản lĩnh và năng lực của vị thầy này, nên vị thầy này lại giới thiệu Thiện Tài tiếp tục đi về phương Nam để bái một vị tôn giả, hoặc là một vị bồ-tát, hoặc là một vị tì-kheo làm thầy; nói là: “Đạo nghiệp của người ấy cao hơn ta”. Đó chính là thầy của Thiện Tài đã giới thiệu cho Thiện Tài đi tìm một vị thầy khác, không phải Thiện Tài âm thầm hay lén lút đi bái một người khác làm thầy. Vị thầy thứ nhất giới thiệu cho Thiện Tài vị thầy thứ hai, vị thầy thứ hai lại giới thiệu cho Thiện Tài vị thầy thứ ba, cho tới giới thiệu đến vị thầy thứ năm mươi ba, và Thiện Tài đều học và đạt được tất cả những thần thông diệu dụng của năm mươi ba vị thầy, vì thế thần thông diệu dụng của Thiện Tài đạt đến không thể tưởng được. Quí vị đừng nên cho rằng Thiện Tài là một đứa bé, bản lĩnh của Thiện Tài rất lớn.

Tín đồ Phật Giáo Trung Hoa nhân vì chịu sự ảnh hưởng như thế, nên họ cũng đi nhiều nơi và bái nhiều vị làm thầy, bái xong một vị làm thầy, họ lại âm thầm đi bái một vị khác, bái xong một vị lại đi bái một vị nữa; hành vi này là làm bại hoại Phật giáo. Vì thế lúc tôi ở Trung Hoa hoặc ở Hương Cảng hễ là người đã từng quy y Tam Bảo, lại muốn quy y tôi thì tôi chẳng thâu nhận họ. Vì sao? Tôi cho rằng họ là một tín đồ không tốt, bởi chẳng phải thầy của họ bảo họ đi bái tôi làm thầy mà là họ tự mình âm thầm đi đến, đó là hành động phản thầy. Hơn nữa, phép qui  y chỉ có thể quy y một lần, chẳng nên đã quy y rồi lại quy y nữa. Thọ giới thì có thể; quí vị thọ ba giới, bốn giới, năm giới, bát quan trai giới, hoặc mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của bồ-tát. Thọ như thế, thọ nhiều mấy lần đều được, nhưng quy y thì chỉ được một lần. Bái thầy chỉ được bái một vị, chẳng nên Đông bái một vị, Nam bái một vị, Bắc bái một vị, Tây bái một vị. Nếu như thế thì sau này quí vị chết đi sẽ đến vị thầy nào, đi đâu để làm đệ tử? Không có nơi nào hết! Căn bản chính là không có nơi nương tựa, bởi vì quy y quá nhiều thầy. Nhất là trong Phật giáo thì chúng ta phải giảng nói chân lý.

Tín đồ Phật giáo ở Trung Hoa, chuyển qua chuyển lại cũng mấy vị Phật tử đó, từ nhỏ họ đã quy y, sau đó lại chạy qua trái quy y một lần, rồi chạy quay qua phải quy y một lần nữa; một đời của họ thậm chí quy y mấy mươi lần, có khi đến cả trăm lần. Quý vị hỏi họ: “Sao gọi là quy y?”, họ mở mắt nhìn mà chẳng thể trả lời. Quy y đến hàng chục lần mà chẳng biết quy y là gì, quý vị nói như vậy có đáng thương không! Họ nói những người xuất gia đều là thầy của họ, họ đều quy y tất cả, nhưng mà tôi tin chắc rằng họ chẳng có một vị thầy nào hết. Vì sao như thế? Bởi vì họ không có niềm tin. Quí vị phải có niềm tin, tin tưởng mới có thể được cứu độ, không tin tưởng căn bản chẳng thể được cứu độ. Vả lại ở Trung Hoa, giữa các tỳ-kheo có sự xung khắc cũng đều do quan hệ về tín đồ. Thí dụ như đệ tử của một vị pháp sư này chạy đến một vị pháp sư khác thì vô hình trung nói rằng vị pháp sư này không có đạo đức. Nếu như vị pháp sư kia có đạo đức thế thì vì sao đệ tử phải đi bái một vị khác làm thầy? Và thế là giữa hai vị pháp sư nảy sinh xung khắc – “Ông đã cướp mất đệ tử của tôi!”. Thế thì pháp sư và pháp sư bắt đầu đấu pháp, một khi đấu nhau thì chân tướng của hai người đều xuất hiện. Chân tướng đó là gì? Đó là lửa vô minh bùng phát mà nguyên nhân là  do đệ tử lén lút quy y với thầy khác. Quý vị thì sợ tôi cướp mất đệ tử của quý vị, tôi thì sợ quý vị cướp mất đệ tử của tôi nên đều dẫn đến tình trạng trên.

Đó là một thói rất xấu trong Phật giáo, tôi hy vọng ở nước Mỹ này không phát sinh tình trạng ấy mà chỉ quy y một lần mà thôi. Quý vị muốn quy y phải không? Quý vị phải tìm một vị thầy tốt, sau khi quy y rồi không nên phản thầy, không nên làm một tín đồ trái pháp phản thầy.

Thiện Tài Đồng Tử có năm mươi ba vị thầy, điều này ảnh hưởng đến Phật giáo Trung Hoa đã hình thành một lề lối và tập quán không chính xác. Ở nước Mỹ lúc Phật giáo còn chưa lan rộng thì chẳng nên để bệnh này lan truyền, chẳng nên làm cho mọi người mắc bệnh này. Giống như Thiên Chúa Giáo, nghi thức rửa tội để trở thành giáo đồ của họ cũng chỉ một lần, không thể nói: rửa tội một lần chưa sạch, phải rửa thêm lần nữa, rửa đi, rửa lại cũng một người đó. Trong Phật giáo chúng ta chớ nên như thế, chẳng nên quy y một lần rồi lại lần nữa, một lần rồi lại một lần nữa, và nói rằng: “Tôi quy y lần đầu có thể Phật chẳng biết vì thế tôi quy y lần thứ hai”. Quý vị quy y lần đầu nếu Phật chẳng biết thì lần thứ hai, thứ ba cho đến một nghìn lần, một vạn lần, Phật cũng chẳng biết. Vì sao? Bởi vì Phật không phải là đang ngủ mà nói rằng quý vị quy y như thế Ngài không thấy, không biết. Phật là bậc Đại Giác, nếu tâm quý vị thật sự mong cầu quy y với Ngài thì ngài đã biết rồi. Vì thế nên nói sự cảm ứng giữa thiện tâm của chúng sinh và bi tâm của chư Phật là không thể nghĩ bàn[2]. Nếu quý vị nói Phật không biết thì căn bản quý vị đã không tin Phật, căn bản cũng chẳng có quy y. Như vậy thì quý vị có quy y mấy nghìn vạn lần cũng vô dụng.

Sau khi quý vị quy y, thì nhất định phải tôn sư trọng đạo, phải cung kính thầy. Nay tôi giảng đạo lý này hoàn toàn chẳng có dụng ý để được đệ tử quy y với tôi cung kính tôi, bởi tôi thấy đệ tử quy y với tôi đã rất cung kính tôi, nên chẳng mong họ cung kính thêm nữa. Sau khi quy y, phải ghi nhớ là không được phản thầy, không nên chẳng cung kính thầy. Người nào không cung kính thầy là phải đọa địa ngục. Đọa địa ngục nào? Khi giảng kinh Đại Tạng, chẳng phải tôi có nói đến địa ngục Thiên Đao ư? Đệ tử không hiếu thuận với thầy thì phải đọa vào địa ngục ấy. Có một hạng đệ tử không chỉ chẳng thuận theo lời thầy dạy, không nương theo lời thầy dạy để thực hành, mà còn tự mình mở riêng một đường hướng khác, không những muốn làm gì thì làm mà còn mắng nhiếc thầy mình, thậm chí đến đánh thầy, giết thầy, thuốc độc cho thầy chết, dùng tất cả các phương cách để hại thầy, những trường hợp ấy đều đã có. Quí vị chớ cười! Trên thế gian này những hạng chúng sinh nào cũng có! Giống như tùy tiện ngồi vào chỗ của thầy, đùa giỡn bình bát của thầy, như thế đều phạm lỗi, trừ khi thầy bảo làm như thế. Nếu thầy không bảo làm như thế mà quý vị tự mình ngang nhiên đường đột mà làm thì phạm lỗi. Đây là điều quan trọng, không phải muốn làm gì thì làm. Có thầy ở đây thì đệ tử không được tự do, vì thế trong mọi lúc, mọi nơi, chẳng nên hủy báng thầy, không nên lén đem thầy ra bàn luận. Như thế đều là phạm khẩu nghiệp, mang tội.

 

Ghi chú:

[1] Bái liễu nhất cá sư  phụ, bội liễu nhất cá sư phụ, 拜了一個師父,背了一個師父: Bái một vị làm thầy và đồng thời  phản  lại một vị thầy.

[2] Nguyên văn: Cảm ứng đạo giao thị bất khả tư nghị đích 感應道交是不可思議的.