Hòa Thượng Tuyên Hóa
GIẢNG tháng 1 – 1983
Phải rất cẩn trọng về mọi phương diện
Trích từ The Shurangama Sutra – The Fifty Skanda-Demon States, published by DRBA/DRBU/BTTS. p. 539 – 542 (Appendix # 7)
Chúng ta cần phải rất cẩn trọng trong mọi phương diện. Người xưa có câu :
“Sai chi ti hào, mậu chi thiên lý [1] ”
Chỉ sai sót trong đường tơ kẽ tóc, sẽ lầm lạc đến ngàn dặm đường.
Chúng ta học Phật pháp, học đi học lại nhưng kết cuộc vẫn bị đọa vào địa ngục. Vì sao như vậy? Vì chúng ta không thực sự y giáo phụng hành, chẳng thực hành theo giáo lý đã được học. Chúng ta không thực sự không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không dùng chất độc gây nghiện và không sát sanh. Nếu ngay cả ngũ giới quý vị còn không giữ được thì làm sao mà nghĩ đến việc thành Phật? Không có đạo lý nào như vậy cả!
Trước hết, quý vị không được sát sanh. Không sát sanh không chỉ có nghĩa là ăn chay mà thôi. Đừng nói rằng chính tay tôi không sát sanh có nghĩa là tôi không phạm giới sát, mà cần phải là trong lòng mình không hề sanh sân hận đối với người khác Đây không phải chuyện dễ làm! Chẳng phải hôm nay tôi đã nói rồi hay sao? A! Quý vị xem, tâm sát sanh của tôi có thể cũng rất nặng nề, nhưng tôi nói tôi phải giữ giới không sát sanh. Tôi muốn phóng sinh hơn là sát sanh . Giả như tôi muốn giết hại sinh vật, thì tất cả những lông tóc trên thân thể tôi đều có thể biến thành phi tiễn, dao bén, gươm sắc, xiên nhọn đâm vào mọi người cho đến chết, lông tóc tôi có thể lợi hại như vậy đấy! Tánh giết hại này lợi hại như thế nên tôi không giết hại. Tại sao không giết hại ? Vì nhận thức rằng sát hại chúng sanh cũng giống như giết các vị Bồ-tát, A-la-hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật chảy máu. Đó là lý do mà tôi không giết hại.
Không trộm cắp. Khi ta lấy một vật gì đó bằng phương cách không chính đáng, hoặc lấy đồ không phải của mình mà không cho chủ nhân của nó biết thì xem như trộm cắp. Nếu quí vị lấy một vật ra khỏi chỗ của nó mà không muốn cho ai biết, thì đó là quí vị đã ăn cắp. Nhân, duyên, pháp và nghiệp của trộm cắp được giảng giải rất kỹ trong kinh Phạm Võng. Nhân, duyên, pháp và nghiệp của việc sát sanh [2] cũng được giảng giải rất kỹ trong bộ kinh này.
Giới Không tà dâm cũng tương tự như vậy; không tà dâm chỉ tính khi không có một niệm tưởng dâm dục nào ở trong tâm và trong tự tánh của mình.
Để giữ giới vọng ngữ, quí vị không được nói dối trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Không được dùng những chất độc gây nghiện. Chất kích thích từ rượu khiến cho quí vị không thể hoạt động một cách bình thường, nó cũng làm cho quí vị đánh mất trí tuệ. Và khi mất trí tuệ thì quý vị sẽ làm những việc ngu si.
Đây là năm giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng chất độc gây nghiện. Người Phật tử nên chú tâm giữ gìn năm giới này, và tránh phạm phải dù là trong những phạm vi nhỏ nhặt nhất. Chỉ có như vậy, quý vị mới đủ tư cách được gọi là Phật tử. Một số trong quý vị đôi khi cũng có tư tưởng sát sanh, trộm cắp, tà dâm, lừa gạt người khác bằng cách nói dối gạt người, và thỉnh thoảng cũng dùng chất kích thích. Quý vị tham đắm mọi thứ. Tham ăn cũng tương tợ như dùng thuốc kích thích. Nếu quý vị tham ăn uống, ăn đến mập phì ra, thì cũng giống như quý vị đã dùng chất kích thích. Chúng ta là những người học Phật nên phải thường xuyên tự mình quán xét điểm này. Chúng ta phải rất chú tâm, mọi thời mọi lúc không nên phạm một sai lầm dù rất nhỏ.
Mặt khác, chúng ta không nên quá cứng ngắc. Chúng ta nên áp dụng giới luật một cách linh động. Quý vị lại nói: “Thế là tôi có thể phương tiện, linh động một chút. Tôi có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất kích thích.” Đó chẳng phải là ý nghĩa của sự linh động. “Linh động” nghĩa là chúng ta không nên tự trói mình trong năm giới quá chặt đến nỗi chính mình không còn cựa quậy được nữa. Khi chúng ta thọ năm giới, chúng ta không bị trói buộc bởi năm giới. Chúng ta phải quán xét kỹ lưỡng điều này. Có người ở Canada đã dùng tên tôi để lừa gạt đệ tử của mình, nói dối rằng ông ta đã được tôi ấn chứng cho! Những kẻ tạo tội đại vọng ngữ như vậy chắc chắn sẽ bị rơi vào địa ngục bạt thiệt (rút lưỡi) !
Chú thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:
[1] 差之絲毫,謬之千理.
[2] Nhân, Duyên, Pháp và Nghiệp là 4 phương diện của của sự “Phạm” giới (trong Trì, Khai, Giá, Phạm), nếu không phạm thì tức là “Trì”. Thí dụ như sát nghiệp thì:
- “Sát nhân”: Lòng tâm muốn người kia phải đoạn mệnh,
- “Sát duyên”: Dùng các loại phương tiện mà làm xong việc sát,
- “Sát pháp”: Như dao, kiếm, cung, nỏ, độc dược chú thuật. v.v…,
- “Sát nghiệp”: là đoạn mệnh căn của người kia.