Hòa Thượng Tuyên Hóa

GIẢNG thang 1 – 1983

Trích từ The Shurangama Sutra – The Fifty Skanda-Demon States, published by DRBA/DRBU/BTTS. p. 621 – 623 (Appendix # 40)

Hàng ngày chúng ta nghiên cứu Phật pháp tại đây. Chúng ta cần nên “sáng cũng thế, chiều tối cũng thế”, ngày ngày đều như thế. Nếu chỉ một ngày ta không như thế, thì ta đã bỏ lỡ một cơ hội. Ngay trong khoảnh khắc quý vị nghĩ không tiếp tục công phu nữa là quí vị đã đánh mất những điều lợi ích mà quý vị đã thâu đạt trước đó. Cũng giống như khi mèo rình chuột, nó đã ngồi đó chờ suốt mấy ngày, rồi lại bỏ đi vì không có đủ kiên nhẫn. Ngay khi mèo vừa bỏ đi, chuột xuất hiện và không bị bắt, điều kỳ lạ là ở đó. Cũng như người đi câu cá, thả câu suốt mấy ngày rồi mà vẫn không có cá nào cắn mồi. Bởi vì những con cá nhỏ thì bị cá lớn nuốt hết rồi, còn cá lớn thì đã no bụng nhờ ăn lũ cá nhỏ, nên không còn muốn ăn gì khác nữa. Chúng chỉ còn muốn ngủ, chẳng còn muốn ăn gì cả trong suốt vài ba ngày. Nhưng khi chúng bắt đầu đói bụng, thì người câu cá đã hết sức kiên nhẫn và bỏ đi, nên chẳng câu được con cá nào cả.

Đây vốn là những câu chuyện sát sinh, câu cá là việc sát sinh, mèo bắt chuột là việc sát sinh, người tu hành chúng ta cũng có chỗ sát sanh. Sát sanh cái gì? Đó là giết sáu tên giặc: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng ta canh chừng sáu tên giặc mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này rất kỹ lưỡng trong vài hôm, thế là chúng không có được cơ hội hoạt động, nhưng khi chúng ta trở nên lơ là, thì sáu tên cướp lại tác quái, làm loạn. Thật là tai hại.

Đó là lý do tại sao khi tu hành chúng ta phải kềm giữ tâm niệm, không nên xao nhãng dù chỉ trong giây phút, nếu không thì ma sẽ đến ngay. Không phải chỉ có thời nay chúng ta tu đạo thì ma mới đến mà ma đã từng quấy nhiễu người tu hành khi Phật còn tại thế, thế nên người tu đạo thời ấy cũng rất thận trọng và luôn công phu tinh tấn.

Khi Đức Phật còn tại thế, có sự kiện gì chứng minh ma quấy phá người tu? Đó là khi kiết tập kinh tạng lần đầu tiên sau khi Phật nhập diệt, Ngài A-nan bước lên pháp tòa và ngồi vào vị trí chủ tọa của pháp hội bởi vì lúc kết tập kinh tạng cần phải có một người chủ trì pháp hội. Lúc ấy dung mạo của Ngài A Nan xuất hiện một vẻ đoan nghiêm viên mãn không thể nghĩ bàn. Các vị A-la-hán trong hội chúng bên dưới đều tự hỏi không biết việc gì sắp xảy ra?

– Điều gì vậy? Ngài A-nan thành Phật rồi hay sao?

Lại có vị nghĩ hỏi:

– Có phải là một Đức Phật từ nơi nào khác đến chăng?

Có vị A-la-hán lại nói:

– Đây là ma chăng?

Quý vị hãy nghĩ xem, nếu vào thời Phật còn tại thế, không có ma xuất hiện, tại sao các vị đại A-la-hán vẫn còn mối nghi ngờ như thế ngay sau khi Đức Phật nhập niết-bàn? Ma chắc hẳn là thường xuyên xuất hiện ngay khi Phật còn tại thế nên họ mới có những loại hoài nghi này.

Quí vị hãy suy nghĩ diều này, khi chúng ta dụng công vào việc tu hành, chúng ta không nên lơ là dù chỉ trong khoảnh khắc. Giờ giờ phút phút đều cần phải nhận thức rõ ràng, chân thật tu hành. Chúng ta đang tìm cầu chân lý, chỉ cần xao lãng công phu trong phút giây, thì nghiệp chướng của chúng ta sẽ xuất hiện ngay.