Hòa Thượng Tuyên Hóa

(Trích từ Kinh Pháp Hoa Lược Giảng)

Tâm pháp diệu! Tại sao mà diệu? Toàn thể sơn hà đại địa, sum la vạn tượng, cho đến nhà cửa phòng ốc, hết thảy những thứ đó từ đâu mà có? Đều do từ một niệm hiện tiền trong tâm của mỗi người sanh ra. Mọi thứ nẩy ra từ tâm chúng sanh, quý vị nói xem, vậy chẳng phải là diệu sao? Thế nào từ trong tâm mà có thể sanh ra tất cả?

– “Ồ! Tôi không biết!”

– Đây là diệu!

– “Tôi biết!”

– Đây cũng là diệu!

Không biết là diệu mà biết cũng là diệu. Tại sao vậy? Vì sao mà quý vị không biết? Điều đó chẳng phải là kỳ diệu ư? Vì sao mà quý vị lại biết? Há chẳng phải đó cũng là một sự kỳ diệu ư? Đây chính là tâm pháp diệu.

Bàn về tâm pháp diệu, xin hỏi: “Cái tâm làm sao mà kỳ diệu?”

Một số người, mỗi khi nghe nói đến tâm, đều chỉ vào lồng ngực bảo rằng: “Tâm tôi ở đây!” Tâm quý vị ở đó? Vậy là đã nhận lầm tâm rồi! Là đã nhận giặc làm con rồi! Giống như Tôn giả A Nan, Ngài chỉ cái tâm cũng tương tự như vậy, cho rằng tâm mình ở trong thân. Cái tâm đó là tâm gì? Nó chẳng qua là trái tim bằng thịt; nó vô dụng. Vì sao nói vô dụng? Bởi nó chỉ là một khối thịt! Quý vị nói xem cái khối thịt nầy có hữu dụng gì chứ? Không có hữu dụng gì cả!

Cái tâm đó, nó chính là “tâm tập khởi”, tập là “Tập” trong “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, là cái tâm do tích tập các phiền não mà sanh ra. Còn gọi là “tâm duyên lự”. Duyên là phan duyên (chạy theo trần cảnh), lự là tư lự (suy tư, nghĩ ngợi). Nó có công năng bắt theo trần cảnh và suy tư nghĩ ngợi, chỉ giỏi giúp quý vị khởi sanh vọng tưởng và làm cho thức thứ sáu (ý thức) đầy tạp niệm, đó chính là “tâm duyên lự”. Bởi vậy, nói “tâm” là kể các loại: “tâm bằng khối thịt, tâm duyên lự, tâm vọng tưởng, tâm tập khởi,” nhiều tên gọi như vậy! Nay nói đến “tâm pháp” quý vị không nên cho rằng tôi nói về cái tâm đó đâu.

– “Ồ! Vậy ra tôi còn có cái tâm khác nữa sao?”

Quý vị không biết ư? Đó chẳng phải là một sự kỳ diệu hay sao? Ngay đến cái  “tâm” của mình mà còn không hay, cái đó mới thật là kỳ diệu! Tâm của chính mình, quý vị đã không biết, thì đến cả cái sinh mạng của mình cũng không hiểu rõ rồi! Lúc đến thế gian thì mơ hồ, không biết mình từ đâu mà tới, đó là một sự kỳ diệu; khi ra đi cũng mơ hồ không kém và chẳng biết sẽ đi về đâu, đây cũng là một sự kỳ diệu. Sanh, tử đều là kỳ diệu cả!

– “Lúc đến cũng như lúc đi đều chẳng biết gì, Hòa Thượng bảo đó là kỳ diệu, con thì thấy điều Hòa Thượng nói là kỳ; như nay con đương sống, điều đó chẳng có gì là kỳ diệu?”

Ô! Càng kỳ diệu nữa! Tại sao? Quý vị chẳng hay chẳng biết gì lúc nào mình đã biến từ một hài nhi thành một đứa trẻ, rồi từ đứa trẻ thành người lớn; sau đó quý vị không biết sẽ biến đổi ra sao, rồi lại sanh ra một số con trai con gái; có con cái rồi, quý vị không biết sao lại biến thành người già. Quý vị nói xem, đó có phải là kỳ diệu hay không? Nếu bảo là không, thì tại sao giữa bao nhiêu sự biến hóa đổi thay như vậy, mà quý vị chẳng hay chẳng biết gì hết? Đó đều là diệu pháp!

Song, bây giờ tôi nói ra diệu pháp này thì quý vị cảm thấy: “Ờ! Có chút ý nghĩa, thì ra là vậy!”; nhưng lại không biết chắc: “Ông Thầy nầy bảo đó là diệu pháp, thì thôi, cứ cho rằng diệu pháp đi!” Khi tôi chưa giảng tới thì quý vị không biết đó là diệu pháp, có phải không? Cho nên, diệu pháp nầy, chính là một thứ tác dụng được nảy sanh trong lúc quý vị không hay không biết. Đó chính là diệu vậy!

Cái “diệu” nầy, nói ra nhiều không kể xiết; mắt trông mà thấy được đều là diệu. Tại sao vậy? Bởi nếu không diệu thì làm sao quý vị có thể nhìn thấy? Như quý vị nhìn mà không thấy, bèn nói:

– “Nhìn mà không thấy, vậy là không kỳ diệu?”

Trông mà không thấy càng kỳ diệu! Quý vị thấy là kỳ diệu, không thấy cũng là kỳ diệu; lắng tai mà nghe được là kỳ diệu, không nghe được cũng là kỳ diệu. Tôi xin đan cử một thí dụ: Tôi viết bốn chữ “A Di Đà Phật” trên tấm vải màu vàng, mang treo lên; Quả Tiền từ dưới nhìn lên trên tấm vải, khi y quay lại, tôi hỏi: “Con nhìn cái gì?” Y đáp: “Rất kỳ diệu!” Quý vị nói xem, y trông thấy được, tại sao y biết nó là kỳ diệu? Đó cũng là một sự kỳ diệu!

Chẳng riêng gì khi nhìn mà thấy được là diệu. Tại sao nhìn mà ta lại thấy? Đây chính là “năng kiến và kiến (thấy và cái thấy)” mà trong Kinh Lăng Nghiêm nói tới: “Ai có thể thấy (năng kiến)? Ai đồng với ta nhìn mà thấy (kiến)?” Quý vị nói xem, đó là kỳ diệu hay không kỳ diệu? Nếu như nhìn mà không thấy, thì bởi cớ gì mà nhìn không thấy? Vậy chẳng là kỳ diệu sao? Tại làm sao nhìn các thứ ở gần thì quý vị trông thấy? Trả lời: “Bởi các thứ đó ở gần.” Đó chẳng phải là kỳ diệu sao? Đó cũng là một sự kỳ diệu. Các thứ ở xa thì quý vị không thấy được. Tại sao khi gần lại có thể thấy mà xa thì nhìn không thấy? Đó chẳng phải là kỳ diệu sao? Đó đều là kỳ diệu!

Như chúng ta thường trông thấy các thứ, khi thấy màu vàng chẳn hạn, chúng ta có cái ảnh của màu vàng; khi thấy màu xanh, có cái ảnh của màu xanh; thấy màu đỏ, trắng, đen, đủ các loại màu sắc, thì trong thức thứ tám của chúng ta đều sanh khởi cái ảnh của các loại màu đó. Sao lại sanh khởi như thế? Ai dạy bảo ta? Điều này chẳng phải là kỳ diệu hay sao? Như ta trông thấy màu vàng, trong khi đó, không có ai ở bên cạnh bảo ta như thế nầy: “Anh đương thấy màu vàng đấy, trong tâm anh nên sanh khởi một ảnh của màu vàng”. Chẳng ai bảo ta như vậy, tự ta sanh khởi. Chẳng phải là kỳ diệu hay sao? Cho đến các màu hồng, màu trắng, màu lam, hết thảy các thứ màu sắc mà chúng ta nhìn, thảy đều sanh khởi ảnh của các màu đó. Đó há chẳng phải là diệu hay sao? Đó chính là “diệu”!

Nghe cũng như thế. Tại sao có những âm thanh quý vị thích nghe, có những âm thanh quý vị không thích nghe? Có ai bảo quý vị thích nghe? Có ai bảo quý vị không thích nghe? Chẳng có ai cả! Vì sao tự bản thân quý vị có thể khởi ra loại “Thích nghe” và “Không thích nghe” nầy? Trông thấy sự vật, vì sao quý vị sanh ra tâm yêu ghét? Thấy sắc đẹp liền sanh tâm yêu thích; thấy sắc không vừa ý liền sanh tâm ghét bỏ, những việc nầy do ai dạy quý vị? Trả lời: “Tôi không biết là ai dạy, nhưng tự trong tâm tưởng tôi khởi nghĩ như thế!” Quý vị khởi nghĩ như thế. Kỳ diệu chính là ở chỗ đó!

Bởi vậy cho nên, hết thảy mọi thứ đều kỳ diệu, đó là diệu pháp, đó là “tâm pháp diệu”. Thiên biến vạn hóa nẩy sanh từ cái tâm. Quý vị nói xem, nếu chẳng phải là diệu thì làm sao nó khởi ra thiên biến vạn hóa? Cho nên cái “diệu” đó nói ra vô cùng! Nếu như tôi muốn nói, nói tới cả mấy trăm năm cũng không hết. Nếu quả thực nói hết được, thì chẳng phải là diệu rồi! Chính bởi nói không hết được, nên mới là diệu!

Tại sao đức Phật Thích Ca thuyết pháp suốt 49 năm, giảng kinh hơn 300 hội? Vì đều không ngoài chữ “diệu” nầy. Chữ “diệu” nầy bao nhiếp cả Ba tạng kinh điển, 12 phần kinh, gồm thâu hết tất cả Phật Pháp, quý vị nói nó kỳ diệu hay không kỳ diệu? Tất cả Phật Pháp đều không vượt ra ngoài chữ “diệu”, cho nên Đại sư Trí Giả “Cửu tuần đàm diệu”, chín mươi ngày bàn chữ “diệu”. (Tuần là tuần trăng, mỗi một tuần là 10 ngày). Chớ nói là 90 ngày, tôi xin nói với quý vị rằng đến 90 năm giảng cũng chưa hết chữ “diệu”! Quý vị bảo:

– “Ây! Bộ “Kinh Pháp Hoa” đó, cả đời chúng ta nghe không bao giờ xong. Không có cơ hội nghe hết đâu! Chín mươi năm mà còn giảng chưa xong một chữ ‘diệu”, thì bộ kinh này chúng ta không cần nghe!”

Quý vị đừng sợ! Bởi vì thời đại ngày nay cái gì cũng nhanh. Giảng nhanh cũng là một điều kỳ diệu. Vậy thì tôi sẽ giảng không quá chậm đâu! Chậm chút chút cũng là kỳ diệu, giảng nhanh một chút cũng không tách ra khỏi chữ “diệu”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh đã không vượt khỏi chữ “diệu”, ngày nay tôi giảng kinh làm sao có thể rời khỏi chữ “diệu” được chứ? Cho nên cũng không rời khỏi. Chữ “diệu” này, nếu quý vị rời khỏi nó thì chẳng kỳ diệu rồi; rời không khỏi, đó chính là diệu!

Tuy pháp này là kỳ diệu, nhưng muốn biết cái diệu pháp đó, chúng ta phải buông bỏ cái “diệu” đi. Nếu như buông không được thì quả nó là diệu; buông bỏ được thì càng diệu hơn nữa! thì là chân diệu! Nếu không tin thì quý vị hãy thử coi! Quý vị buông bỏ cả thân và tâm này, trong không thân tâm, ngoài không thế giới, nhân không, pháp không, hết thảy đều không; quý vị nói đây chẳng phải là  kỳ “diệu” sao? Buông bỏ được hết như vậy, thì mới tới được cái “diệu” chân thật, vốn sẵn có của tự tánh. Quý vị “trong không thân tâm, ngoài không thế giới”, nhưng vẫn không tách rời thân tâm và thế giới. Không phải rời khỏi thân tâm nầy của tôi, rời khỏi thế giới nầy rồi, thì mới không thân tâm và thế giới. Mà chính là không (thân tâm và thế giới) ngay tại thân tâm nầy, ngay tại thế giới nầy!

Bình thời tôi đã nói rất nhiều lần, có thể có người không lãnh hội hết ý nghĩa nầy. Nói là: “Nhãn quán hình sắc nội vô hữu, nhĩ thính trần sự tâm bất tri” (mắt thấy hình sắc trong không có, tai nghe tiếng trần tâm không hay). Mắt nhìn thấy hình sắc, tai nghe mọi sự thế gian, tâm vẫn bất động; được như vậy là sắp đạt đến chỗ “trong không thân tâm, ngoài không thế giới” (nội vô thân tâm, ngoại vô thế giới). Đây là việc chẳng dễ dàng tí nào. Chính vì là việc không dễ, cho nên mới là diệu. Mà quả như dễ dàng, thì cũng là diệu. Cho nên cái gì cũng ở trong chữ “diệu”, hết thảy mọi thứ đều là diệu, tất cả đều không vượt ra ngoài “diệu”! Thảo nào Trí Giả Đại sư giảng trong 90 ngày mà vẫn không cách nào giảng xong chữ “diệu”!

Chữ “diệu”, nói ra không dễ dàng; bởi không dễ dàng nên đó là cái “diệu”. Không dễ nói nhưng vẫn phải nói, chính đây cũng là một sự kỳ “diệu”! Cho nên cái “diệu” nầy, nói cách nào cũng là kỳ diệu! nói tới cái gì cũng là kỳ diệu! Không có cái gì chẳng phải diệu. Tóm lại, tất cả đều là kỳ diệu, kỳ diệu và kỳ diệu! Quý vị hỏi:

– “Bảo cái gì cũng diệu, diệu, diệu, vậy ‘diệu’ có lợi ích gì?”

Quý vị hỏi được câu hỏi này, thật là chân diệu!

Tu hành, tham thiền tĩnh tọa, chẳng qua là vì một chữ “diệu”; Đức Phật Thích Ca khổ hạnh sáu năm trên núi Tuyết là cầu cái “diệu”; tất cả Bồ tát thực hành Bồ tát đạo cũng cầu cái “diệu”; tất cả A-la-hán xả bỏ tất cả cũng vì cầu cái “diệu”; tất cả phàm phu tu hành cũng vì cầu cái “diệu”; tất cả Thánh nhân tu hành cũng là cầu cái “diệu”.

Đến quả vị Phật gọi là “Diệu”. Diệu gì? Gọi là ‘Diệu giác”. Bồ tát gọi là “Đẳng giác”, Đẳng giác không bì được Diệu giác, chỉ có Phật mới thành Diệu giác. Bởi vậy cho nên chúng ta phải hiểu rõ cái “diệu” này.

Cái “diệu” nầy, nó có công dụng gì? Chẳng có công dụng gì cả! Không có công dụng gì hết, nhưng cái gì cũng không thể thiếu nó. Cái đó là “phóng chi tắc di lục hợp” nghĩa là thả ra thì nó tràn đầy cả vũ trụ. Cái “diệu” đây, là đại dụng, đại tạo, đại hóa; muôn vật trong trời đất, hết thảy các thứ đều từ trong cái “diệu” mà sanh ra. Bởi vậy quý vị chớ cho rằng cái thế gian này là do thiên chúa (Thượng Đế), hay địa chúa nhân chúa mà tạo ra. Không đúng đâu! Từ cái “diệu” mà sanh ra tất cả.

Chữ “diệu” nầy chỉ có Phật mới hiểu rõ; Phật tánh vốn có, gọi là “Diệu giác Phật tánh”. Chữ “diệu” nầy nào dễ luận đàm! Quý vị có thể nào dễ dàng hiểu rõ như thế? “Vậy nếu hiểu rõ một cách dễ dàng thì đã đâu gọi là “diệu”, phải không?” Không phải vậy! Nếu dễ dàng hiểu rõ thì lại càng diệu! Tại sao vậy? Vì quý vị không cần nhọc sức mà vẫn hiểu rõ, há chẳng phải là diệu sao? Mà quý vị có tốn rất nhiều công sức mới hiểu rõ, thì cũng càng diệu! Cho nên chữ “diệu” nầy nói như thế nào cũng là diệu, cũng “đầu đầu thị Đạo, tả hữu phùng nguyên”, hướng nào cũng là Đạo, phải trái đều gặp nguồn.

Trước mắt chúng ta cái gì không kỳ diệu? Cây đèn, cái bàn, cái ghế, tất cả mọi thứ đều là biểu hiện của diệu pháp, tất cả đều kỳ diệu! Nếu chúng ta hiểu rõ diệu pháp nầy thì tất cả mọi pháp đều nhiệm mầu, đều là diệu pháp; nếu không hiểu rõ diệu pháp nầy thì thấy mọi pháp đều thô, bất diệu, và tưởng rằng mình hiểu rõ các pháp nhưng thực sự chẳng hiểu gì. Nếu quý vị nghiên cứu tường tận bản thể của mọi sự, thì thấy mọi thứ đều từ cái “diệu” mà sanh ra.

Mùa nghỉ hè năm nay tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm” trong 96 ngày. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có nói đến “50 loại ấm ma”. Ma này còn “siêu” hơn bọn thiên ma ngoại đạo hiện nay. Lúc nảy nói tới “Đại Đồng Giáo” tôi đặt cho họ cái tên “Ma Quỷ”, coi như đã đề cao họ rồi đó! Kỳ thực bọn họ không đáng vào hàng con cháu của ma quỷ nữa. Cho chúng làm con cháu của ma quỷ, sợ rằng ma quỷ cũng còn chê! Bất quá, bởi vì tôi quen biết một số người này, mà đã đề cao giá trị của họ, gọi họ là “ma quỷ”.

Quý vị xem, “50 loại ấm ma” đó thần thông diệu dụng, lợi hại vô cùng! Có loại có thể làm cho đầu nó phóng quang, lại di chuyển ánh hào quang đó đến đầu của quý vị, làm cho đầu của quý vị cũng phóng quang luôn. Quý vị nói xem, đó chẳng phải là thần thông sao? Thần thông như vậy đó, nhưng theo Phật giáo loại thần thông nầy là ma, huống chi bọn người kể trên đâu biết phóng quang là gì. Nếu như gán cho họ cái tên “Ma”, họ còn chưa đủ tư cách! Tại sao vậy? Tôi nói cho quý vị biết, vì họ giống như ruồi nhặng, bay vo ve, bay quanh bay quẩn, bay miết mà không tìm ra lối thoát, nên kỳ thực chỉ là bọn theo đuôi kẻ đui mù, bọn “manh tòng”, như người ta thường gọi.

Sao gọi là “manh tòng”? Bởi vì chúng theo kẻ đui mù học đạo. Đã không hiểu rõ thì phải tìm đến một tôn giáo có thể dạy cho mình hiểu rõ, học pháp thì phải kiếm tôn giáo nào biết pháp để theo, đàng này bổn thân của chúng chẳng có luận lý gì, nói đến pháp cũng chẳng có pháp gì, chỉ có hô hào: “Đại đồng! thống nhất tất cả các tôn giáo lại!” Người Trung Hoa có câu nói: “Tát má sưng giả làm người mập”; câu này chỉ trường hợp của kẻ ốm nhom, nhưng muốn người ta khen là phương phi, nên lấy tay tát cho sưng má của mình lên. Người khác thấy, lầm rằng: “Ô! người này mập đẹp”. Trường hợp trên cũng giống như thế!

Bởi không hiểu rõ, thế là kẻ mù dắt kẻ mù; trên thế gian người hiểu rõ thì ít, người không hiểu rõ thì đông; kẻ trí tuệ thì ít, ngu si thì nhiều. Người có trí tuệ thích nghe lẽ chân thật; người không có trí tuệ thì hay nghe đạo lý giả trá của hạng mê mờ, chuyên môn đưa người khác vào mê lộ.

Tuy tôi bảo những người của “Đại Đồng Giáo” là quỷ ma, nhưng tôi tuyệt đối không có ý chửi rủa họ. Có một số người lại thích loại ma quỷ nầy. Tại sao? Vì họ không muốn đoạn dâm dục, có thể tùy tiện, mà cho đấy là điều hay. Trong khi Phật Giáo lại muốn người ta đoạn dâm dục bởi vì nếu như không đoạn dâm dục, thì quý vị tu hành chẳng khác gì “nấu cát mà mong thành cơm”, không hề có được! Chẳng phải trong “Kinh Lăng Nghiêm” có nói: “Thí như nấu cát, muốn đặng thành cơm, sao có lẽ nầy?” Quý vị không thể nói cái dục lạc không cứu cánh của thế gian tôi cũng muốn, sự an lạc cứu cánh xuất thế gian tôi cũng muốn. Chẳng bao giờ có đạo lý nầy! Quý vị không thể cùng đạt được cả hai. Đó là ý kiến của tôi đối với Đại Đồng Giáo.

Lại có một số người nói đến để nghiên cứu Phật Pháp, tu tập Phật Pháp, nhưng chỉ toàn  làm việc bằng cửa miệng, thực tế không có thực hành, không chịu hành trì theo phương pháp Phật dạy; như vậy họ cũng đồng như ma vậy, không thể liệt họ vào hàng ngũ của “tín đồ Phật giáo”.

Cũng tương tự như vậy là số người đến với Phật mà không lạy —họ nói tin Phật nhưng không lễ Phật. Loại người nầy, quả báo tương lai không thể tưởng tượng nổi! Đời sau phải làm thân súc sanh, đọa địa ngục hay là quỷ đói? Không có gì bảo đảm cho họ cả. Tại sao vậy? Quý vị học Phật Pháp, y chiếu theo các phương pháp Phật dạy để hành trì, đâu có thể coi cái “ta” của mình sánh với Phật được, quả là sai lầm! Sai lầm hết chỗ nói!

Người học Phật chẳng riêng gì đến với Phật là phải cung kính, đối với Bồ Tát cũng phải lễ lạy, thấy các vị A-la-hán phải đảnh lễ, đối với các Đại thiện nhân, các bậc Tu hành giới đức phải sùng kính, chớ nên cống cao ngã mạn, cho mình là nhất. Trong tiếng Hoa có 2 chữ  “tự đại”—tự cho mình lớn lắm; nhưng nếu hiệp hai chữ nầy lại, đọc ra chữ gì? Đó là chữ “xú”. Xú có nghĩa là thúi quắt! Bởi vậy cho nên, chúng ta vô luận là ai, nhất là đã là Phật tử, tuyệt đối không được tự đại, tuyệt đối phải khiêm cung hòa nhã! Đối với ai cũng vậy, cũng khiêm nhường cung kính.

Nhân dịp giảng Kinh Pháp Hoa, tôi muốn giới thiệu trước với quý vị đôi nét về “Bồ Tát Thường Bất Khinh”. Bồ Tát Thường Bất Khinh là ai? Chính là tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kiếp quá khứ khi còn đang tu hành Bồ Tát đạo. Trong một kiếp xa xưa nầy, Ngài chuyên tu Bồ Tát hạnh. Ngài tu hạnh gì? Hạnh cung kính, chuyên hành mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.

“Mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền” gồm những gì? Một là lễ kính chư Phật, hai là xưng tán Như Lai, ba là rộng tu cúng dường, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỷ công đức, sáu là thỉnh chuyển Pháp luân, bảy là thỉnh Phật ở đời, tám là thường theo Phật học, chín là luôn thuận chúng sanh, và mười là hồi hướng cùng khắp.

“Một là lễ kính chư Phật.” Đại nguyện thứ nhất là cung kính đảnh lễ hết thảy chư Phật. Chư Phật chính là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai, mười phương ba đời tất cả chư Phật, đều cung kính đảnh lễ.

“Hai là xưng tán Như Lai.” Đại nguyện thứ hai của Bồ Tát Phổ Hiền là tán thán Như Lai. Tán thán Phật như thế nào mới đúng?

– “Phật cũng thích được người ta tán thán sao?”

– Đúng vậy! Phật thích được tán thán; nhưng tán thán ở đây không phải là tán thán Phật.

– “Vậy tán thán ai?”

– Quý vị tán thán Phật chính là tự tán thán mình!

– “Tôi không muốn tự tán thán mình!”

– Quý vị không muốn tự tán thán mình cũng đồng như không muốn tán thán Phật, vì Phật và chúng sanh là một.

– “Vậy nếu tôi là Phật thì tôi không cần lạy Phật nữa!”

– Cũng lại sai lầm!

Tự tánh quý vị là Phật, nhưng nếu không tu thì không chứng quả, làm sao giống như Phật được. Giả sử ai cũng là Phật cả thì hà tất gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phải đến Tuyết Sơn khổ hạnh 6 năm, ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày mới khai ngộ thành Phật? Ngài đâu cần phải khổ nhọc như thế!

Trong quá khứ Đức Phật Thích Ca đã tu vô số khổ hạnh, tu vô số thiền định, tu vô số trí tuệ, tu vô số bố thí, tu vô số giới luật, tu vô số nhẫn nhục, tu vô số tinh tấn, tu vô số pháp môn; đến kiếp nầy còn chịu khổ hạnh sáu năm trên núi Tuyết, trãi qua bao nhiêu nỗi chật vật, mới tới được giây phút nhìn thấy ánh sao mai mà khai ngộ dưới cội Bồ-đề. Quý vị bây giờ đừng nói đến 6 năm, hay 6 ngày núi Tuyết, chỉ có 6 giờ tĩnh toạ còn chưa có mà đã muốn làm Phật. Quý vị là Phật ư? Phật gì mà rẻ rúng quá vậy! Cho nên đối những ai tự cho mình là Phật, tôi chỉ có một câu phê phán, bảo rằng họ đúng là kẻ “vô tàm vô quý”, chẳng biết hổ thẹn, không biết cái xấu xa của mình, nói khoác lác không biết xấu hổ!

Đức Phật Thích Ca trong quá khứ là “Bồ Tát Thường Bất Khinh”. Vì sao gọi là Thường? “Thường” nghĩa là mãi mãi, luôn luôn. “Bất khinh” là không khinh thường tất cả chúng sanh. Ngài gặp Phật lễ Phật, gặp Bồ Tát lễ Bồ Tát, gặp A La Hán lễ A La Hán. Còn gặp người bình thường thì sao? Ngài cũng lễ. Gặp Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Bồ Tát cũng khấu đầu. Khi gặp mọi người Bồ Tát đã nói như thế nào? “Ngã bất cảm khinh thị nhữ đẳng, nhữ đẳng giai đương tác Phật!” Ngài nói: “Tôi chẳng dám khinh thị các vị! Các vị tương lai đều sẽ thành Phật; nếu tôi khinh thường các vị, tức cũng giống như khinh thường Phật vậy!” Quý vị xem, phát tâm như thế thật là thành khẩn; cung kính tất cả chúng sanh không hề có một chút dối trá!

Gặp ai Ngài cũng đều khấu đầu đảnh lễ, rồi quý vị biết hậu quả sao không? Ngài rước lấy họa: bị những Tỳ kheo tăng thượng mạn mắng nhiếc: “A! giỏi cho tên Tỳ kheo nầy! Ngươi không hiểu Phật Pháp à? Dám ngông cuồng thọ ký cho mọi người!” và họ đánh đập Ngài. Trong lúc Ngài rập đầu đảnh lễ, họ đánh Ngài, đá vào mặt Ngài, đến nỗi gãy cả răng của Ngài. Nếu như người thường, lâm vào tình cảnh nầy, thì đã than trách: “Tôi đảnh lễ các ông mà các ông còn đánh tôi? Vậy thì thôi, tôi sẽ không lễ lạy ai nữa!” Mặc cho người ta đánh mình, Ngài vẫn cứ lễ lạy. Khi ấy, ngài lễ lạy như thế nào? Ngài chạy ra xa xa những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đó mà đảnh lễ, không để những người nầy đến gần, lễ xong, liền đứng dậy bỏ chạy. Vì sao như thế? Vì Bồ Tát tránh những người nầy đánh mình. Cứ thế Ngài vẫn kiên trì thực hành hạnh Bồ Tát, không khinh thường tất cả mọi người.

Trong một tiền thân đức Phật Thích Ca đã làm như thế; Ngài thực hành lục độ vạn hạnh, tu vô số bố thí, vô số nhẫn nhục, vô số giới luật, vô số tinh tấn, vô số thiền định, vô số trí tuệ; chứ chẳng phải một sớm một chiều mà có thể thành Phật. Bây giờ những ma con, ma cháu nầy, không tự biết thân phận mình là gì, không tự biết hổ thẹn với bản thân, còn nói: “Everybody is Buddha! (mọi người đều là Phật!)”. Thật là ăn nói quàng xiên! Đây gọi là “Tà thuyết”.

Loại người cho mình là Phật là không biết Phật! Đã cho mình là Phật, thì tại sao lại nói là không biết Phật? Vì tự tôn tự đại, tự phong mình là hoàng đế, tự phong mình là tổng thống, chứ chẳng được ai tuyển chọn, chẳng được ai ủng hộ. Họ chỉ làm hoàng đế cho một mình họ, làm tổng thống một mình, không ai thừa nhận. Giả tỷ có những loại người công khai tự nhận như vậy trong một quốc gia thì họ đã bị nhốt vào tù. Vì sao vậy? Bởi như vậy là phạm pháp, là hành vi của một kẻ nghịch đồ và có thể bị mang ra chém đầu không tha. Cũng theo lý đó, theo quan điểm Phật Giáo, nếu có hành động như vậy thì tương lai nhất định sẽ xuống địa ngục. Tại sao? Không tu mà tự nhận mình là Phật nên tạo nên nghiệp tội.

Tự nhận là “Phật”, lạm dụng danh nghĩa đó để lừa dối mọi người, như đại khái bảo rằng: “Tôi là Phật, quý vị cũng là Phật! Bởi mọi người đều là Phật với Phật, vậy chúng ta nên như thế nầy… như thế kia…”. Dùng phương cách đó lừa gạt người đời, tương lai nhất định sẽ đọa vào địa ngục. Không nên cho rằng đây là một trò đùa! Không nên tí nào! Thủ đoạn nầy vô cùng nguy hiểm, giống như hàng ngày quý vị ôm bom nguyên tử, bom kinh khí ngủ, nguy hiểm vô cùng! Vì sao vậy? Vì tương lai nhất định quý vị sẽ đọa vào địa ngục! Nên nói “Thiên đàng có lối, quý vị không đi; địa ngục kín lối thì đục thành cửa mà vô.”

Hồi giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, không biết có kể câu chuyện nầy cho quý vị nghe chưa? Hôm nay tôi xin kể lại. Đó là câu chuyện:

Mộng đổng truyền mộng đổng,

Nhất truyền lưỡng bất đổng;

Sư phụ hạ địa ngục,

Đệ tử hướng lý cống.

 

(Mê mờ dạy kẻ mê mờ,

Cả hai cùng mê mờ

Sư phụ xuống địa ngục,

Đệ tử cũng xuống theo)

Khi thấy đệ tử của mình cũng xuống địa ngục, sư phụ hỏi: “Ủa! Ngươi xuống đây làm gì?” Người đệ tử đáp: “Con theo sư phụ học đạo, sư phụ tới đây thì dĩ nhiên con cũng tới đây! Sư phụ đã tới đây, hẳn không sai rồi. Con nhất định theo sát sư phụ!” Ông sư phụ đó kêu lên: “Ây da! Hỏng rồi! Hỏng rồi! Đây là địa ngục mà!” Đệ tử than: “Ây da! Thế tại sao sư phụ lại dẫn con đến địa ngục vậy?” Sư phụ đáp: “Sư phụ cũng không biết! Chính cả sư phụ cũng không rõ tại sao sư phụ lại tới chỗ nầy? Bây giờ muốn ra cũng không ra được!” Quý vị nói xem có đáng thương hay không? Không chỉ sư phụ không ra được, mà những người đệ tử theo ông ta học cũng giống như cá bị mắc lưới, chỉ cần một lưới là tóm gọn tất, cả sư phụ và đệ tử đều rơi vào địa ngục. Đến khi nào mới được ra? Không ai biết được, không ai có thể trả lời được câu hỏi nầy. Đó là do tự cho mình là Phật, không biết Phật, không rõ Pháp, nên mới bị quả báo như thế.

Vừa rồi giảng đến tiền thân Phật Thích Ca tu tập 10 đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Thứ nhất kính lễ chư Phật, thứ hai xưng tán Như Lai, thứ ba là gì?

Thứ ba là rộng tu cúng dường: Không thể nói hôm nay tôi cúng dường, ngày mai không cúng dường ; không thể nói tôi cúng dường vị Phật nầy, không cúng dường vị Phật kia. Phải cúng dường bình đẳng và khắp hết tất cả, đây gọi là “Rộng tu cúng dường”. Ngoài rộng tu cúng dường, còn phải làm gì?

Thứ tư sám hối nghiệp chướng: Vì sao chúng ta lại đảnh lễ đức Phật? Lễ Phật để biểu hiện từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã tạo biết bao lầm lỗi, hôm nay phát lồ sám hối; tự mình làm sai, nên phải tự mình sám hối, tự mình cải đổi chừa bỏ.

Thứ năm tùy hỷ công đức: Tức là xem ở đâu có làm việc từ thiện, chúng ta nên theo làm; khả năng có thể làm được một hào thì làm một hào; có thể làm được một đồng thì làm một đồng; có thể làm được 100 đồng thì làm 100 đồng. Công đức nầy phải chính do quý vị tạo lấy! Hành đạo Bồ Tát là phải làm lợi ích cho mọi người, giúp đỡ mọi người, chứ không chỉ làm lợi ích cho riêng mình. Phàm làm những việc giúp đỡ người khác, không ích kỷ, tự lợi, đây gọi là tùy hỷ công đức.

Thứ sáu thỉnh chuyển Pháp luân: Chẳng hạn quý vị biết có vị Thầy đó giảng kinh được bèn cùng với mọi người thỉnh vị đó đến giảng kinh. Chủ nhật tuần trước, Quả Phổ và Quả Ninh hai người đến thỉnh ý tôi có thể giảng “Kinh Kim Cang” được không?” Giảng kinh không có vấn đề gì đối với tôi, tôi có thể giảng. Nếu thỉnh vị Thầy khác để giảng một bộ kinh nào đó, việc đầu tiên là người ta sẽ nói đến tiền, xem quý vị cúng dường bao nhiêu để nghe một bộ kinh. Số là tôi thấy từ trước tới nay ở đất Mỹ này không có Phật Pháp, cũng không thấy có ai chính thức giảng kinh Phật, căn bản là vì có ai biết giảng kinh đâu. Bảo rằng nơi này nói Pháp, nơi đó giảng Kinh, kỳ thực là giảng xằng xiên sai lạc! Hồi trước mà tôi nói như vậy, có thể quý vị sẽ phản đối tôi và nói tại sao tôi chê người khác không biết giảng kinh? Bây giờ quý vị đã học qua “Kinh Lăng Nghiêm” rồi thì câu vừa rồi tôi nói quý vị mới thấy đúng và không còn cho là tôi đã phê bình sai lầm người khác. Vì sao vậy? Vì bộ kinh đó vi diệu không thể nói bàn, nếu không có công phu mấy mươi năm tu tập, quý vị căn bản vẫn không biết được diệu nghĩa của nó là gì.

Chẳng phải mấy ngày trước tôi có giảng qua câu chuyện con kiến gặm quả dưa hấu sao? Con kiến bò lòng vòng quanh vỏ quả dưa, nhưng chẳng nếm được mùi vị dưa. Đặc biệt ở nước Mỹ nầy đây, có rất nhiều người tự tuyên bố: “Tôi đã nghiên cứu Phật Pháp, tôi là tiến sĩ Phật học, tôi là cái gì đó…cái gì đó….của Phật giáo!” Quý vị chưa xả bỏ được cái “ta”, thì quý vị hoàn toàn chưa hiểu rõ Phật Pháp; nếu quý vị hiểu rõ Phật Pháp thì tại sao cái “Doctor” (Tiến sĩ) kia là cái gì đâu mà không buông bỏ được? Trước đây có cái ông đó, cũng là tiến sĩ quốc gia ở nơi này, nơi kia, nhưng thực chất là đến đây để lừa con nít! Chỉ có con nít mới bị mắc lừa. Nếu quý vị nói lời chân thật cho nó nghe, nói một chút về đạo lý chân chánh, nó sẽ không thèm nghe.

Bây giờ tôi đã giảng xong “Kinh Lăng Nghiêm”, mới dám nói một chút chân lý cho quý vị nghe, vì quý vị đã có đủ trình độ; nếu như không đủ trình độ, thì khi tôi nói lên những lời chân thật nầy chẳng khác nào nhác quý vị bỏ chạy, nghe một lần không dám quay lại nữa. Vì sao vậy? Vì căn bản vẫn là một đứa trẻ vô tri vô thức. Nếu quý vị cho đứa trẻ một ít kẹo, nó biết là ngọt; nhưng nói đạo lý cho nó nghe, nó không hiểu gì cả, không có kẹo ăn, nó sẽ không lại! Như tối hôm qua người đó đến nghe kinh, nghe xong một buổi, đến hôm nay không tới nữa, có khác gì trẻ thơ chẳng hiểu ất giáp gì! Phật Pháp chân chánh thì không hiểu, đạo lý chân thật thì không nhận ra, điều này không có gì lạ! Vì đứa trẻ căn bản không hiểu việc, đại chúng ngày nay có thể nói là hiểu được rồi.

“Thỉnh” trong “thỉnh chuyển Pháp luân” là thỉnh những ai biết Phật Pháp một cách chân chánh bởi vì họ mới đủ tư cách chỉ cho mọi người con đường đúng đắn trong Phật Giáo. Chẳng phải thấy ai cứ tự xưng biết Phật Pháp, hoặc thấy người đó là tiến sĩ hay cái gì đi nữa là ta chạy theo để đi học Phật Pháp; không khéo lại giống như trường hợp “mê mờ dạy kẻ mê mờ” như trong chuyện tôi vừa kể. Vậy phải làm sao đây? Như quý vị muốn học nghề thợ mộc, phải đến xưởng mộc học. Muốn học nghề thợ rèn, phải đến lò rèn đập sắt “beng, beng” mới học được phép luyện sắt. Bất cứ học thứ gì, chúng ta phải tìm đúng chỗ có nghề đó, hoặc giả học với người chuyên môn về ngành đó. Muốn thỉnh chuyển Pháp luân thì phải kiếm Pháp sư tới giảng kinh thuyết pháp.

Hiện tại, quý vị đây đều là những người vô cùng thông minh; đó là nhờ được ai giáo hoá vậy? Đó là nhờ tiên sinh Kensen. Tiên sinh Kensen là hoá thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Đức Bồ-tát đã hoá thân thành một vị giáo sư để dạy cho các học giả nghiên cứu Phật Pháp, rằng họ cần phải theo học Phật Pháp với các bậc Pháp Sư một cách đàng hoàng, nghiêm túc. Nếu quý vị không theo học Phật Pháp từ các Pháp Sư, quý vị hãy theo tiên sinh Kensen; chính tiên sinh Kensen đã nói: “Các ông nên tìm Thầy để học!” Đó là do tiên sinh hiểu Phật Pháp nên mới bảo những người này chân chánh đi theo con đường Phật giáo; còn đối với những kẻ thích tạo kiểu cách khác lạ, không coi ai ra gì, tự cho rằng mình là người am hiểu Phật Pháp, thì chắc chắn là không tin cậy được!

“Thỉnh chuyển Pháp luân” có nghĩa là mời vị Pháp sư giảng Kinh thuyết pháp.

Bảy là thỉnh Phật ở đời: tức là thỉnh Phật thường ở nơi đời. Như bây giờ Phật đã diệt độ, thì phải thỉnh Phật Pháp trụ ở đời.

Tám là thường học theo Phật: Quý vị xem, đức Phật Thích Ca Mâu Ni hành đạo Bồ Tát, xem thân thể của mình như không có, không có thân nầy nữa, nên chúng ta phải học theo (hạnh) Phật.

Chín là luôn thuận chúng sanh: Phải luôn tùy thuận chúng sanh, mong muốn chúng sanh có thể hiểu rõ Phật Pháp.

Mười là hồi hướng cùng khắp: tức là đem tất cả công đức của mình hồi hướng cho hết thảy chúng sanh.

Nay giảng kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, giảng đến mục “thích danh”, giải thích tên kinh, thì chữ đầu tiên là chữ “diệu”. Chữ “Diệu” nầy quả là rộng lớn, giảng theo chiều ngang cũng là diệu, giảng theo chiều dọc cũng là diệu, giảng nhỏ như hạt bụi cũng là diệu, giảng lớn như cõi nước cũng là diệu. Pháp của đức Phật nói đều là diệu pháp. Diệu pháp nầy bao hành hết mọi pháp, cho nên toàn thể “Ba tạng, mười hai bộ” đều nằm gọn trong “diệu pháp”.

Tam tạng là gì? Người từng nghe giảng kinh đều biết Tam tạng là gì; người chưa nghe giảng thì không biết. Tam tạng chính là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Kinh tạng giảng về Định học; Luật tạng giảng về Giới học; Luận tạng giảng về Tuệ học. Đạo lý trong Kinh, Luật, Luận thì bát ngát, không bờ bến, vô cùng vô tận; Công năng của Giới, Định, Tuệ cũng vậy, vô lượng vô biên, vô cùng vô tận. Kinh, Luật, Luận là diệu pháp; Giới, Định, Tuệ cũng là diệu pháp.

Giới, Định, Tuệ thì chúng ta nghe đã quá nhiều, nhưng thử hỏi chúng ta thực hành được bao nhiêu? Thiết yếu là ở chỗ này. Không nên nói “Tôi nghe rồi” để chứng tỏ “Mình đã hiểu Phật Pháp”; mà phải thật tình tha thiết y pháp tu hành, có vậy mới thật sự có chỗ sở đắc. Quý vị biết mà không hành, cũng đồng với người chưa biết. Vì sao vậy? Vì nếu như quý vị biết, sao không thực hành? Sao không chịu bắt tay làm? Giống như biết thức ăn đang ăn là ngon, nhưng quý vị muốn sau bữa ăn mới cảm nhận mùi vị của nó. Nếu biết là thức ăn ngon, mà không chịu thưởng thức liền lúc ấy, thì quý vị chỉ đơn thuần biết nó là ngon, trong khi bản thân không cảm được mùi vị thật của nó ngon như thế nào.

Đối với Phật Pháp cũng như thế. Quý vị biết bao nhiêu, thực hành bấy nhiêu, đó mới thật là tu. Nếu quý vị biết mà không hành, như vậy không có lợi ích gì cho Phật Pháp và cho bản thân mình. Giống như người đá, biết nói mà không biết đi. Vì sao không biết đi? Vì là người đá. Người đá tuy có hình người, nhưng bản thân là đá, mà đá thì rất nặng, nên chỉ có thể nói mà không thể đi. Chúng ta là người học Phật Pháp, nhất định có thể nói và có thể làm, nên nói “Nói là pháp, hành là đạo”, “Nói lời tốt, nói lời diệu, không thực hành, không thật đạo”. Chúng ta nhất định phải thực hành một cách chân thật!

Nói đến cái “diệu”, thì có “Tâm pháp diệu, Chúng sanh pháp diệu, Phật Pháp diệu”. “Tâm pháp”, “Chúng sanh pháp”, và “Phật Pháp” nầy, nếu chia ra có 3, hợp lại là một bởi vì chia ra mà nói cũng là diệu pháp, hợp lại mà nói cũng là diệu pháp; ba cũng là diệu pháp, một cũng là diệu pháp.

Vừa rồi nói đến “Ba tạng mười hai bộ kinh”. Ba tạng Kinh, Luật, Luận bao gồm tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ. Còn mười hai bộ kinh, trong kỳ nghỉ hè rồi tôi cũng đã giảng qua. Tôi tin Quả Tiền còn nhớ tên gọi cũng như ý nghĩa đã giảng của “Mười hai bộ kinh”. Để tiết kiệm thời gian, bây giờ Quả Tiền sẽ giảng lại cho đại chúng nghe. (Quả Tiền: Mười hai bộ kinh là: Trường Hàng, Trùng Tụng, Phúng Tụng, Nhân Duyên, Bổn Sự, Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu, Thí Dụ, Luận Nghị, Vô Vấn Tự Thuyết, Phương Quảng, Thọ Ký).

Vừa rồi, Quả Tiền đã có thể đọc tên mười hai bộ kinh bằng tiếng Hoa, rồi lại dịch ra tiếng Anh, đây cũng là trường hợp không thể nghĩ bàn, một trường hợp vi diệu! Đó cũng là một cái “diệu”! Lý do là Quả Tiền trước đây chưa từng học Trung văn, kỳ nghĩ hè năm nay mới bắt đầu học. Trong thời gian nghỉ hè, Quả Tiền tập viết chữ Hán, tập đọc tiếng Hoa, bây giờ vẫn đang tiếp tục học. Tuy tên của Mười hai bộ kinh nầy, chỉ vỏn vẹn có một số ít chữ, nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Quả Tiền đọc lên bằng tiếng Hoa rồi lại lược dịch ra tiếng Anh, tuy chỉ giảng chút ít, nhưng tôi tin rằng nếu Quả Tiền tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, tương lai nhất định sẽ giảng được nhiều hơn nữa.

Vì sao bây giờ Quả Tiền chỉ nói có chút ít? Vì trong tâm của Thầy có một sự lo sợ. Lo sợ điều gì? Vì có sư phụ ở đây, sợ mình giảng sai. Nếu như giảng  sai thì không chỉ mất mặt với đại chúng, mà sư phụ cũng sẽ có ấn tượng rất không tốt với mình. Vì có tâm lo sợ như vậy, nên quên hết tất cả các ý nghĩa. Sách nói: “hữu sở khủng cụ tắc bất đắc kỳ chánh”, nghĩa là có tâm sợ hãi thì không có được cái chân chánh. Đại chúng ở đây có một số người đã từng nghe Phật Pháp, Thầy sợ mình giảng không viên mãn, nên trong tâm có chút lo sợ. Vốn biết giảng, nhưng biến thành không biết giảng. Sự sợ hãi nầy gọi là gì? Gọi là “Đại chúng uy đức úy” (sợ uy đức của đại chúng). Chính vì trong tâm có sự hãi sợ nầy, nên khi giảng chắc chắn sẽ không viên mãn. Nhưng, đây cũng là một điều rất kỳ diệu; cũng là một trong những diệu pháp.

Vừa rồi Quả Địa nói Thầy chưa học qua đại học, thậm chí còn chưa hoàn tất bậc trung học, nhưng Thầy nói Thầy hiện tại có câu hỏi rất thiết yếu muốn hỏi. Phật Pháp không chú trọng lắm đến vấn đề có học vấn hay không có học vấn, mà chú trọng đến vấn đề có thật tâm hành trì, có công phu chân chánh hay không. Lục tổ Huệ Năng của thiền tông Trung Hoa, không những không học qua trung học, ngay cả tiểu học còn chưa học qua, ngay cả tên mình còn không biết viết, nhưng Ngài lại biết giảng kinh, biết thuyết pháp. Tổ không biết chữ thì làm sao giảng kinh được? Ngài nhờ người bên cạnh đọc dùm kinh văn, đọc từng chữ từng chữ, từng câu từng câu, đọc câu nào giảng câu nấy. Những lời Tổ giảng ra hoàn toàn phù hợp với pháp Phật thuyết, không có chỗ nào trái với lời Phật dạy. Vì sao lục tổ Huệ Năng không biết chữ lại có thể giảng kinh thuyết pháp? Vì Ngài được tâm ấn của Phật, của Tổ — diệu pháp “Dĩ tâm ấn tâm” (lấy tâm truyền tâm), vì có được diệu pháp ấn tâm nầy, nên pháp Tổ thuyết ra đều là diệu pháp. Những vấn đề Quả Địa vừa hỏi có liên quan trọng yếu đến công phu tu hành.

Lục Tổ Huệ Năng sau khi đắc tâm pháp từ Ngũ Tổ, Ngũ Tổ truyền y bát cho Ngài, Ngài đã sống chung với những người thợ săn suốt mười mấy năm, trong khoảng thời gian nầy Lục Tổ đã làm gì? Tổ dụng công tu hành trong suốt thời gian đó, cuối cũng đã bừng khai đại trí tuệ. Tổ phải trãi qua mười mấy năm công phu, mới có được trí tuệ thực sự. Tôi tin nếu như Quả Địa cũng thực sự hạ thủ công phu như thế, ắt sẽ khai mở trí tuệ. Bây giờ quý vị cảm thấy trong lòng mình có nhiều gút mắc phải không? Sau nầy khi đã khai mở trí tuệ, sẽ không còn vấn đề gì nữa, tất cả mọi gút mắc đều không còn, một chút xíu cũng không, bất kỳ việc gì cũng đều trôi chảy, nhưng với điều kiện phải dụng công tu hành, phải hạ thủ công phu mới được.

Việc tu đạo, thiết nghĩ không nên gấp gút. Người Trung Hoa có câu: “Vô dục tốc, dục tốc tắc bất đạt.” Quý vị làm việc gì đều không nên gấp gút, vì muốn nhanh, tất không đạt. Bất đạt là không đạt được mục đích. Nên nói “căng thì đứt, chùng thì lỏng lẻo, không căng không chùng mới thành công.” Giống như dây cung, căng thì đứt, chùng thì lỏng lẻo. Sợi dây cung nầy, nếu quý vị kéo căng quá, dây cung sẽ đứt, không sử dụng được nữa, bắn mũi tên không đi, đây gọi là “Căng thì đứt”. “Chùng thì lỏng lẻo”, quý vị bắn tên, đã kéo hết dây cung rồi mà mũi tên vẫn không chịu đi, đó là vì dây cung chùng rồi. Vậy phải làm thế nào? Phải chỉnh sao cho không căng, cũng không chùng mới có thể bắn được, mới có thể đạt được mục đích quý vị mong muốn.

Người Trung Hoa cũng có một câu nói như thế nầy: “Kỳ tiến nhuệ giả, kỳ thối tốc (Tiến nhanh thì thối mau).” Nhuệ là tiến lên phía trước rất nhanh; nhưng quý vị tiến nhanh thì thối cũng nhanh. Giống như con phù du, loại côn trùng nầy sớm sanh, tối mất; sanh ra rất nhanh và chết đi cũng rất nhanh. Chúng ta tu đạo phải chân chánh dụng công, không được rẽ vào lối tắt; vì vào lối tắt là đi theo con đường nhỏ. Phải đi theo con đường lớn, nương theo con đường lớn mà dụng công tu hành. Con đường lớn chính là Lục độ vạn hạnh. Lối tắt chính là bàng môn tả đạo. Quý vị cho rằng men theo lối tắt sẽ đến nhanh, trên thực tế, quý vị không bao giờ đạt được mục đích của mình. Cho nên phải nhất định tu hành theo phương pháp Phật dạy, đây cũng là diệu pháp.

Trung đạo chính là diệu pháp. Xa rời Trung đạo, có còn là diệu pháp không? Cũng là diệu pháp, có điều không phải là Trung đạo. Nói đến đây, tôi nhớ ra một công án.

Vào triều nhà Hán ở Trung Quốc, có hai người, một tên Viên Áng, một tên Triệu Thố, hai người họ đều làm tướng quân trong triều. Viên Áng vì ganh ghét đã bày mưu giết chết Triệu Thố, giống như tình trạng tranh đoạt quyền hành hiện nay. Viên Áng giết chết Triệu Thố rồi, sau lại xuất gia làm tăng. Vì sao ông ta xuất gia làm tăng? Vì ông ta thường thấy ma. Thấy ma nào? Thường thấy Triệu Thố đến đòi lấy mạng ông ta. Ban ngày thấy ma, ban đêm cũng thấy ma. Lúc nầy Viên Áng mới biết mình  đã làm điều lầm lỗi, thế là ông xuất gia đầu Phật. Sau khi xuất gia, kỳ lạ thật? không còn thấy ma nữa! Thế là từ đó ông ra sức tu hành, tham thiền, tĩnh tọa, tu đạo, không lúc nào lơ là!

Lúc đó ông chỉ biết tu là tu! Không nghĩ gì khác. Đời nầy làm tăng không còn thấy ma nữa, nên ông phát nguyện: “Đời nầy tôi đã lầm lỗi giết oan một người, mong rằng đời sau tôi vẫn được làm tăng, không muốn làm quan nữa!” Quả nhiên đời sau ông ta vẫn làm tăng; không chỉ là tăng mà còn là một đại Pháp sư, giảng kinh thuyết pháp khắp nơi, chẳng ham nổi tiếng, chẳng màng lợi danh, cứ thế ra công tu đạo, không tham luyến bất cứ thứ gì. Dụng công tu hành như thế trãi qua 10 đời, đạo đức mỗi đời mỗi trau dồi và theo đó đạo hạnh mỗi kiếp một thăng hoa.

Tu đến kiếp thứ 10, ngài được phong làm Quốc sư—thầy của vua, vua ban cho Ngài một tòa trầm hương—ghế ngồi làm bằng trầm hương. Ở Trung Quốc, trầm hương vốn là thứ gỗ quý nhất, có giá trị nhất; chỉ có vua mới được ngồi ghế làm bằng trầm hương, những người khác, bất luận là quan to đến đâu cũng không được ngồi loại ghế nầy. Vua đã ban cho quốc sư một tòa ngồi như thế, những hoa văn điêu khắc trên thành ghế vô cùng tinh xảo, tuyệt mỹ.

Quốc sư ngồi trên chiếc ghế trầm hương, cảm giác vô cùng thoải mái, liền khởi sanh tâm kiêu mạn nghĩ: “Ôi! Trên thế gian nầy làm Pháp sư như ta phỏng được mấy ai? Mấy ai có được danh phận cao quý như ta vậy? Vua đem ghế trầm hương của mình ban cho ta ngồi. Chao ôi! Thật là tuyệt diệu!”. Nghĩ vậy trong lòng ông không khỏi có ý hãnh diện cống cao, coi như trong thiên hạ chưa có ai cao quý đến thế!

Vừa khởi lên niệm như vậy, oan hồn của Triệu Thố từ 10 kiếp trước liền tìm đến quốc sư! Quý vị nói xem, lần nầy oan hồn Triệu Thố trở về như thế nào? Trong thoáng chốc, một mụt ghẻ mặt người đã hình thành trên gối quốc sư; mụt ghẻ nầy có miệng, mũi, mắt, tai, lại còn biết nói chuyện. Quý vị nói xem, quý vị đã từng gặp qua loại bệnh kỳ quái nầy chưa? Bất kỳ chứng ung thư nào bây giờ cũng không có kỳ quái như vậy. Trên gối nổi lên một cái đầu người, có diện mạo của người, còn biết nói chuyện, thường cùng nói chuyện với quốc sư. Nói cái gì thế? Mụt ghẻ nói: “Bây giờ ngươi lại còn muốn tìm cách trốn thoát ta nữa sao? Không có cách nào đâu! Bây giờ ta đang ở cùng ngươi, nhất định phải lấy được mạng ngươi mới thôi!”

Vị Pháp sư nầy là Ngộ Đạt, Ngộ Đạt đã làm Quốc sư! Nhưng bây giờ lại bị một mụt ghẻ mặt người, suốt ngày đêm đau đớn khổ sở đến chết vì nó, mà vẫn không có cách nào chữa trị. Lúc bấy giờ, muốn niệm chú cũng không có chú để niệm. Đại để như niệm “Chú Lăng Nghiêm”, “Chú Đại Bi”, bất kỳ chú gì cũng đều không linh nghiệm, vì nghiệp chướng của quốc sư quá nặng! Xưa nay niệm chú vốn linh nghiệm, nhưng do khởi lên một niệm cống cao, oan gia liền đến đòi nợ; oan hồn đã tìm gặp Ngài, trở thành một với Ngài; và cũng do khởi tâm ngã mạn, Hộ pháp bỏ mặc, không thèm đoái hoài, nên niệm bất kỳ chú gì cũng không hiệu nghiệm!

May thay, lúc ấy có tôn giả Ca Nặc Ca cứu Ngài. Nguyên là năm xưa tôn giả bị bệnh, ung nhọt đầy người, lở loét tươm mủ, chảy nước vàng, sinh dồi bọ, vừa dơ dáy, lại vừa hôi thối; Ngộ Đạt đã hết lòng chăm sóc, phục vụ thuốc thang cho đến khi tôn giả lành bệnh. Vị tôn giả Ca Nặc Ca nầy thật sự có bệnh hay không? Không có! Tôn giả chỉ cố ý hiện ra tướng như thế là muốn độ cho quốc sư Ngộ Đạt và Ngộ Đạt đã hết lòng đối với tôn giả.

Lành bệnh rồi, tôn giả Ca Nặc Ca dặn dò Ngộ Đạt: “Bất kể sau nầy có gặp đại nạn, hay vấn đề gì không thể giải quyết, Ngài nên đến đất Tứ Xuyên tìm tôi, nhất định tôi sẽ có cách giúp Ngài!” Lúc nầy, Ngộ Đạt mắc phải mụt ghẻ mặt người, không còn cách nào khác, liền đến Tứ Xuyên tìm tôn giả Ca Nặc Ca. Tôn giả dùng “Nước tam muội” rửa ghẻ cho quốc sư. Ô! Mụt ghẻ mặt người đã biến mất! Không còn việc gì nữa! Cho nên chúng ta là người tu đạo, bất luận như thế nào cũng không được sanh tâm cống cao ngã mạn.

Diệu pháp gồm Tâm pháp diệu, Chúng sanh pháp diệu và Phật Pháp diệu; Tâm pháp cũng là Chúng sanh pháp; Chúng sanh pháp cũng là Phật Pháp; Phật Pháp cũng là Tâm pháp. Ba pháp nầy cũng là một, một pháp nầy cũng là ba. Vì sao lại nói như thế? Bởi vì là diệu. Cho nên quý vị giảng nó là ba cũng được, giảng nó là một cũng được. Ở trên, tôi đã giảng tổng quát về ý nghĩa của “Tâm diệu pháp”.