Chinese and English | Vietnamese

Từ Bi Hỷ Xả Là Cơ Bản Tu Đạo

Người tu hành nhất định là phải bồi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm. Mình có Tứ Vô Lượng Tâm rồi, thì mới có thể giáo hóa chúng sanh và khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui. Nếu người tu đạo mà không có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là làm ngược lại với đạo và dù có tu đến tám vạn đại kiếp, người nầy vẫn còn xa Phật đạo đến cả tám vạn bốn ngàn cây số.
Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà người tu nên có. Sao gọi là Tứ Vô Lượng Tâm? Tức là từ, bi, hỷ, xả. Vô lượng là không có hạn lượng, có nghĩa là không bỏ dở nửa chừng, không đến giữa đường rồi tự vạch mức giới hạn cho mình, mới được chút đỉnh thì lấy làm đủ và nghĩ là xong rồi. Thật ra, Từ Bi Hỷ Xả không có lúc nào là đủ cả, có được càng nhiều thì càng tốt. Chúng ta nên mở rộng, tăng cường chúng cho đến khi đạt được cảnh giới hoàn toàn chí thiện mới thôi.

1. Từ có thể cho niềm vui. Chúng ta có cho chúng sanh niềm vui không? Nếu như không có, thì đó tức là chúng ta không dùng hết lòng từ của mình. Chúng ta nên tiến đến mục tiêu “vô duyên đại từ”, là dùng lòng từ bi đối xử với những người không có duyên với mình. Chúng ta không những thông cảm với người cùng trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta cũng nên thông cảm với cả loài động vật trong cảnh hoạn nạn nữa. Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng ta nên ra tay tiếp đỡ chúng sanh, giúp người thoát vòng khổ hải. Đấy là công việc mà Phật tử nên làm. Chúng ta đừng nên có thái độ dửng dưng, chỉ biết đứng nhìn chớ không chịu giúp, vì như thế là đánh mất tinh thần cứu thế của Phật Giáo rồi. Phật Giáo lấy từ bi làm hoài bảo, là dùng cửa phương tiện của đạo Phật để tiếp nhận chúng sanh.

2. Bi có thể bạt trừ khổ. Chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ của chúng sanh không? Nếu không thể, thì đó là vì chúng ta chưa dùng hết lòng bi của mìmh. Chúng ta nên có tư tưởng “đồng thể đại bi”, cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết đắm, thấy người đói như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót. Trong khi các nhà Nho nói rằng “bi thiên mẫn nhân” lại cũng phù hợp với ý nghĩa trên. Do đó mà biết rằng tư tưởng của thánh nhân trong thiên hạ đều giống nhau, như cùng xuất phát theo vết bánh xe, là không tách rời lòng trắc ẩn xót thương. Phật giáo chủ trương từ bi, Nho giáo đề xướng trung thành và tha thứ. Tâm tâm tương đồng, đấy là cốt tủy của tôn giáo, nếu không thì là dị thuyết của ngoại đạo.

3. Hỷ là tâm vui vẻ. Chúng ta có hoan hỷ vui thích học Phật pháp không? Chúng ta có phát ưu sầu, sanh phiền não, hoặc là tâm tư bực dọc không? Nếu quả là có, chúng ta hãy mau sửa đổi, đừng để tánh tình như thế phát triển. Nếu chúng ta hơi còn chút ít tập khí, là từ thất tình lục dục mà dụng công phu, thì đó là quan niệm sai lầm. Nên hiểu là chúng ta không được tiếp tục có thứ quan niệm sai lầm như thế, nếu không, hậu quả không thể nào tưởng tượng nổi đâu.

4. Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, thì là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp người trong cảnh nguy khốn. Làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó. Làm xong việc rồi là quên hết tất cả, chớ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, thì đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo, như vậy thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.

Giảng ngày 26 tháng 4 năm 1984