Tức Sự Minh Lý

Minh Lý Tức Sự

(Gặp Sự Việc Hiểu Đạo Lý, Hiểu Đạo Lý Làm Sự Việc)

 

Từ khi Học Viện Quốc Tế Dịch Kinh thành lập đến nay, Hòa Thượng lần nữa nhấn mạnh rằng Học Viện là đạo tràng thanh tịnh, đặc biệt dành cho phiên dịch Phật kinh. Các vị cư sĩ đến nghe Pháp cần phải giữ quy cũ, không được tùy tiện, không nên thị phi, nếu có dắt theo con em nhỏ chớ nên để chúng làm ồn. Học Viện mở cửa từ 5 giờ sáng, nhưng cửa sẽ đóng vào lúc 8 giờ 30 sáng khi buổi thuyết pháp bắt đầu.

Sau mỗi giờ giảng “Thủy Kính Hồi Thiên”, Hòa Thượng dành 20 phút để truyền 42 Thủ Nhãn pháp môn (*). Đây là pháp môn rất khó gặp trong trăm ngàn tỷ kiếp. Một pháp môn vô thượng nói bởi 99 ức Hằng hà sa chư Phật trong quá khứ. Đức Quán Thế Âm vì pháp này mà dạy Đại Bi Chú. Muốn học Đại Bi Chú, trước hết hành giả cần có Đại Bi Tâm (Đại Bi Tâm được giải thích trong Kinh Đà La Ni). Kinh này lấy Đại Bi Chú làm thế, trì giữ 10 loại tâm làm tướng, và dùng 42 Thủ Nhãn làm dụng. Ngài Quán Âm dùng diệu dụng của 42 Thủ Nhãn mà du hóa thập phương hàng phục Thiên ma, ngoại đạo, cứu độ chúng sanh.

Người tu thiền định cũng dùng pháp môn này mà thâm nhập Tam-muội, cho đến kiến tánh thành Phật, đắc đại trí huệ. Phàm ai có tâm huyết muốn tu hành đều nên dụng công học tập pháp môn này, và khéo hộ trì nó. Trong thời gian học tập, hành giả đừng quên trang bị đầy đủ “thể và tướng”.

Vào ngày 17 tháng 5, Hòa Thượng khai thị rằng: Người học Phật không được cống cao ngã mạn; nhất là người xuất gia càng không được phạm lỗi này. Nếu có ai đảnh lễ hay xá mình, chúng ta nên chấp tay cung kính thủ lễ, và niệm Phật hồi hướng cho người ấy sớm thành tựu Phật đạo. Lúc xưa, Ngài Hư Vân Hòa Thượng thường chấp tay đáp lễ khi một vị Tăng đảnh lễ Ngài, ngay cả với một chú Tiểu. Cho nên khi một Phật tử xá tay chào hay đảnh lễ, quý vị không thể đứng trơ như tượng gỗ và có thái độ vênh vênh váo váo, chẳng màng gì đến người lễ mình. Đây không phải hành động của người học Phật. Lại nữa, cũng chớ cho mình đây như là Đại Bồ Tát, rồi nghĩ rằng chỉ cần trì một câu chú, niệm một lần danh hiệu Phật cũng đủ hồi hướng đến Pháp giới chúng sinh. Đây thực sự là một thái độ tự tôn quá sức! Học Phật bắt đầu từ sự trừ diệt tham sân si của chính quý vị. Nếu không thì trong khi tập khí ác trong tâm quý vị vẫn còn đầy dẫy, nhưng cho rằng chỉ cần niệm danh hiệu Phật một tiếng rồi lăng xăng hồi hướng đến tất cả chúng sinh. Quý vị thử tự hỏi mình xem: “Chúng sanh có muốn loại hồi hướng như vậy không?” Quý vị giống như anh nghèo nọ, tối ngày khoác lác về số tiến lớn mà anh sắp bố thí cho kẻ nghèo. Nhưng chính anh ta thì không bao giờ chịu khó kiếm ra một hào mà cứ hứa hão hứa huyền. Anh ta nói mà không làm. Đến ngày nào thì người ta tin được anh ta?

 

Vào ngày 24 tháng 5, Hòa Thượng khai thị rằng: Bất luận tu pháp môn nào quý vị cũng không được khinh cử vọng động, không được khinh suất hay tu nửa vời, nhất là đối với người hành trì 42 Thủ Nhãn thì càng phải kính trọng Pháp-bảo của mình. Vì bởi 42 Thủ Nhãn là pháp môn đưa quý vị đến minh tâm kiến tánh, liễu thoát sanh tử. Đừng niệm chú để đuổi một con muỗi đang đốt, đừng có dùng thủ ấn để đối phó với một người la rầy mình. Làm như vậy thì giống như ném Pháp-bảo của mình vào sọt rác, thật là uống phí! Nếu quý vị không kính trọng Pháp tức là quý vị không kính trọng Phật, và cũng chính là không kính trọng Tăng. Kẻ không kính trọng Tam Bảo, bất luận tu pháp môn nào cũng đều không thành tựu đặng. Thật ra, nếu quý vị thường phô trương cho người hoặc hay thí nghiệm thử xem pháp có linh không thì rất chóng pháp sẽ không còn linh ứng nữa. Sao vậy? Bởi vì các vị Thiện Thần Hộ Pháp không còn theo chúng ta nữa. Cho nên người học 42 Thủ Nhãn không được tùy tiện phô trương. Nếu không phải là những trường hợp sanh tử thì tuyệt đối không bao giờ được khinh xuất vọng động, nhất là khi quý vị chưa học thành thạo pháp môn này.

 

Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

Pháp 42 Thủ Nhãn là Pháp Môn không được tuỳ tiện tự truyền hay tự học. Trong bài http://www.drbachinese.org/vbs/publish/469/vbs469p023.pdf http://www.dharmasite.net/VanChungNhatTamVanPhatThanh.htm nhấn mạnh: Thông báo được công bố ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Văn Phòng Quản Trị Vạn Phật Thánh Thành:  Bất cứ khi nào Hòa thượng Tuyên Hóa truyền pháp 42 Thủ Nhãn, Ngài luôn nhấn mạnh “Bất cứ ai truyền pháp này mà không có sự chấp thuận của tôi sẽ gặp ma chướng.” (1). Trước khi nhập Niết bàn, Ngài đã đặc biệt huấn thị vị trụ trì của Vạn Phật Thánh Thành (Pháp sư Hằng Luật) như sau: “Đừng để pháp môn Tứ Thập Nhị Thủ Nhãn này diệt tận. Hãy tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau. Việc truyền pháp này phải được tiến hành trước tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt (ở Phật Điện chính của Vạn Phật Thánh Thành).” (2)

(1) Nguyên văn Hoa ngữ: 「若未經我(老和尚)認可授權, 而私自傳授此法門者,將會有魔障發生。」- “Nhược vị kinh ngã (Lão Hoà Thượng) nhận khả thọ quyền, nhi tư tự truyền thọ thử pháp môn giả, tương hội hữu ma chướng phát sinh.”

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:「四十二手眼法門不要斷了,要繼續傳下去,要在(萬佛聖城)觀音殿的千手千眼觀世音菩薩像前傳。」- “Tứ thập nhị thủ nhãn pháp môn bất yếu đoạn liễu, yếu kế tục truyền hã khứ, yếu tại (Vạn Phật Thánh Thành) Quán Âm Điện đích Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát tượng tiền truyền. “

 

Ngoài ra trong bài http://www.dharmasite.net/ViSaoTungDocNgayAnMotBuaLuonMacAoGioi.htm có đề cập:

Nếu quý vị nghe người khác nói rằng họ trước đây từng sống ở Vạn Phật Thánh Thành và rằng Hòa Thượng đã truyền Pháp cho họ, rằng họ từng giữ chức vụ như thế này thế kia, rằng họ là một vị Thầy Thủ Tọa (đứng đầu), hoặc là Hòa Thượng đã truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho họ, quý vị đừng lưu tâm hay lắng nghe những điều này. Có thể rằng khi họ mới đếnVạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng đã để họ thuyết Pháp, nhưng quý vị phải hiểu rằng tất cả bốn chúng đệ tử đều phải học thuyết Pháp. Đó là một trong những quy củ của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy nhiên, họ có lẽ không đề cập một lời nào về việc thế nào hay tại sao họ cuối cùng đã rời bỏ đi.


Thêm nữa, còn có Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Hòa thượng đã nói với Thầy Phương Trượng của Vạn Phật Thánh Thành: “Con phải truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho các thế hệ kế tiếp tại trước tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trong Vạn Phật Điện tại Vạn Phật Thánh Thành.” Có một số người nói: “Chúng tôi nên làm như thế nào ? Chúng tôi không thể đi đến Vạn Phật Thánh Thành bây giờ. Nếu như vậy chúng tôi không thể học Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn hay sao ?” Tôi thật sự không thể trả lời câu hỏi này. Hòa Thượng không đề cập đến vấn đề này và các đệ tử cũng đã không hỏi về việc này.