Tối thứ Ba, ngày 28 tháng 8 năm 1973

Về Giá TrCủa Vic Học Thuộc Lòng

Hòa Thượng Tuyên Hóa  

Những người nào chưa thể giải thích được Hai Mươi Lăm Cõi Giới (1) trước đây, hôm nay cần phải trả nợ giải thích bài học này. [Ghi chú: Các Đệ Tử đã giải thích.] Những vị hiểu được Hai Mươi Lăm Cõi Giới thì đã  giải thích rồi. Còn những người chưa nắm bắt được bài học này thì đương nhiên là chưa thể giải thích được. Tạm thời chúng ta xem như các khoản nợ đã được hoàn trả.

Bây giờ tôi sẽ hỏi quý vị một câu hỏi khác: Mười Tám Pháp Bất Cộng (2) là gì? Có ai nhớ không? Trong quá khứ, chúng ta đã có một vài khảo nghiệm về Mười Tám Pháp Bất Cộng trong khi ngồi trong xe hơi, nhưng tôi e rằng quý vị đã để bài học này ra khỏi tâm trí của quý vị rồi. Tuy nhiên, người khảo nghiệm này sẽ không cho phép quý vị đậu một cách dễ dàng như vậy. Quý vị phải thực sự nhớ bài học mới được tính. Bằng cách đó, quý vị sẽ có khả năng để giải thích danh mục này bất cứ khi nào quý vị bị gọi đến. Hầu hết mọi người không thể nói ngay lập tức. Họ phải chuẩn bị một bản thảo trước và sau đó đọc từ bản thảo của họ. Nhưng nếu quý vị nhớ những danh mục và những từ ngữ rõ ràng, quý vị có thể giải thích cho họ bất cứ lúc nào. Sau đó, thính giả sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là tôn trọng quý vị. Sau khi nghiên cứu Phật Pháp trong nhiều năm, làm thế nào mà quý vị có thể luôn luôn trả lời “tôi không biết” khi người ta hỏi quý vị về một chủ đề nhất định nào đó? Quý vị đã học được những gì rồi?

Sau khi đã dành toàn thời gian học tập, quý vị vẫn chưa đưa mình ra khỏi phương pháp truyền thống là phương pháp phổ biến trong hệ thống giáo dục tại nước Mỹ. Quý vị kéo một tờ giấy từ tay áo của quý vị và vừa nhìn trộm vào tờ giấy vừa đọc. Như vậy không có ý nghĩa lắm. Đó không phải là kiến thức của riêng quý vị. Những gì thuộc về quý vị là những gì chính quý vị đã dụng công học thuộc lòng. Phần nhiều quý vị quên những gì đã học trong những năm qua, một số người vẫn còn nhớ. Những người còn nhớ là những người học tập chăm chỉ, họ học nghiêm túc. Không có gì nghi ngờ cả, họ thường quán chiếu về Phật pháp mà họ đã nghiên cứu – thậm chí ôn lại bài đã học trước khi ngủ vào ban đêm. Họ không khởi quá nhiều vọng tưởng. Những vị không để tâm chú ý tuy từng lắng nghe kinh điển trong nhiều năm qua mà vẫn không có hiểu biết gì cả. Thật đáng thương!

Quả Dật (Tỳ Kheo Ni Hằng Ẩn) có trí nhớ thật tuyệt vời. Tại sao lại cho rằng điều đó là như vậy? Chúng ta nên nhìn vào câu hỏi này. Trong khóa học đầu tiên của mùa hè, có một kỳ thi để xem ai có thể học thuộc Chú Lăng Nghiêm đầu tiên. Cô ta là người đầu tiên thuộc lòng chú này. Tuy nhiên, trong kỳ thi thực sự, Quả Khiêm đạt hạng nhất. Đó cũng là một đệ tử rất thông minh, nhưng trí nhớ của anh ta trên thực tế chỉ sau Quả Dật một chút. Quả Dật mất khoảng một tháng để học thuộc 554 câu Chú Lăng Nghiêm, mỗi ngày cô ta dành khoảng bốn mươi lăm phút để học thuộc lòng.

Diệu Lão Hòa Thượng chùa Cao Mân có khả năng học thuộc Chú Lăng Nghiêm chỉ sau khi nghiên cứu bốn giờ đồng hồ. Tôi đã học chú này trong hai giờ mỗi ngày, trong khoảng thời gian ba ngày. Tôi đã học một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối. Đến ngày thứ ba tôi có thể trì chú này từ trí nhớ. Đó là cách tôi nhớ chú này. Tôi đã mất khoảng ba mươi phút để học thuộc Chú Đại Bi trong khi tôi ngồi trên chuyến tàu từ Lạp Lâm (3) đến Sông Bối Ấm (4) [Ghi chú: những làng ở Mãn Châu, Trung Hoa]. Khi tôi lần đầu tiên có được Chú Đại Bi, tôi coi đó là một kho báu quý hiếm. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu chú này trong khi đi trên tàu. Vào khoảng thời gian tôi xuống tàu ba mươi phút sau, tôi đã thuộc lòng chú này.

 

Dịch từ sách “Timely Teachings” trang 315 – 316.

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

(1) Hai Mươi Lăm i Giới Nhị Thập Ngũ Hữu (25 cõi)  二 十 五 有

25 cõi này còn trong tam giới.

Tứ vức, tứ ác thú,
Lục dục, Tịnh phạm thiên,
Tứ thiền, tứ vô sắc,
Vô tưởng, cập bất hoàn.

– Tứ vức cõi có: Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Nam thiện bộ châu, Bắc câu lâu châu.
– Tứ ác thú cõi có: Địa ngục, Ngạ quĩ, Súc sanh, A tu la.
– Lục dục cõi có: Tứ thiên vương thiên, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên.
– Trời Phạm thiên cõi.
– Tứ thiền cõi có: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
– Tứ vô sắc cõi có: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
– Vô Tưởng Cõi (Trời Vô Tưởng – Vô Tưởng Thiên): là tu thiền định thấy mình không còn gì nữa, không còn tư tưởng, tất cả rõng không (diệt tận định).
– Bất Hoàn Cõi (Tịnh Cư Thiên)

(2) 18 pháp bất cộng 十八不共法 http://chuavanhanh.free.fr/Tudien.php?lg=&Reference=489


Là 18 năng lực đặc thù duy chỉ Phật hoặc Bồ-tát mới có, còn Thanh văn, Duyên giác không có.

I. 18 pháp bất cộng của Phật:


Gọi đủ là Thập bát bất cộng phật pháp (18 pháp bất cộng của Phật). Nội dung 18 pháp này giữa Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa có sự khác biệt.

a. Theo Phật giáo Đại thừa:

Căn cứ Đại phẩm bát-nhã kinh, quyển 5; Đại trí độ luận, quyển 6; Đại thừa nghĩa chương, quyển 20; Pháp giới thứ đệ, quyển hạ… ghi chép, thì 18 pháp bất cộng của Phật là:

1. Thân vô thất: Thân không lỗi lầm. Nghĩa là, từ vô lượng kiếp đến nay, Phật thường lấy Giới, Định, Tuệ, Từ bi… để tu tập trang nghiêm thân mình, tất cả mọi công đức đều viên mãn, tất cả moi phiền não đều đã diệt hết.
2. Khẩu vô thất: Miệng không có lỗi lầm. Nghĩa là, Phật có đầy đủ vô lượng trí tuệ biện tài, thuyết pháp tùy theo căn cơ của chúng sanh, khiến cho tất cả đều được chứng ngộ.
3. Niệm vô thất: Ý không lỗi lầm. Nghĩa là, Phật tu các thiền định thâm sâu, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không còn vướng mắc, đắc an ổn đệ nhất nghĩa.
4. Vô dị tưởng: Không có ý phân biệt. Nghĩa là, Phật phổ độ một cách bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, tâm không lựa chọn.
5. Vô bất định tâm: Tâm luôn ở trong định. Nghĩa là, Phật luôn đi, đứng, nằm, ngồi trong thiền định.
6. Vô bất tri dĩ xả: Xả tất cả những điều đã biết. Đối với tất cả các pháp, Đức Phật đều biết hết rồi mới xả, không một pháp nào được biết rồi mà không xả.
7. Dục vô giảm: Ước muốn độ sinh không giảm sút. Dù Phật đã đầy đủ tất cả mọi công đức, nhưng đối với các pháp, ý chí tu học chưa từng giảm sút và ước muốn độ sinh tâm không mệt mỏi.
8. Tinh tấn vô giảm: Tinh tấn không giảm. Thân tâm của Phật tràn đầy sức tinh tấn, thường độ tất cả chúng sinh, chưa từng dừng nghỉ.
9. Niệm vô giảm: Trí nhớ không giảm. Đối với pháp của ba đời chư Phật, Phật thường ghi nhớ, giữ gìn không bao giờ khuyết giảm.
10. Tuệ vô giảm: Phật có đủ tất cả trí tuệ, vô lượng vô biên, không thể cùng tận.
11. Giải thoát vô giảm: Phật đã viễn ly tất cả phiền não, chấp trước, đã giải thoát hoàn toàn hữu vi và vô vi.
12. Giải thoát tri kiến vô giảm: Trong tất cả những pháp đã giải thoát, Phật thấy biết một cách rõ ràng, phân biệt rõ ràng, không có gì trở ngại.
13. Nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
14. Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả khẩu nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
15. Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả ý nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
(Phật tạo tác ba nghiệp thân, khẩu, ý bằng trí tuệ, trước hết ngài quán sát sự được – mất, sau đó tùy theo trí tuệ mà hạnh động, cho nên cả ba nghiệp đều không có lỗi lầm mà chỉ có lợi ích cho chúng sinh).
16. Trí tuệ tri quá khứ thế vô ngại: Trí tuệ của Phật thấy biết quá khứ không có gì chướng ngại.
17. Trí tuệ tri vị lai thế vô ngại: Trí tuệ của Phật thấy biết vị lai không có gì chướng ngại.
18. Trí tuệ tri hiện tại thế vô ngại: Trí tuệ của Phật biết hết hiện tại không có gì chướng ngại.

b. Theo Phật giáo Tiểu thừa:

Căn cứ Đại tì-bà-sa-luận, quyển 17; Câu-xá luận, quyển 27… ghi chép, 18 pháp bất cộng của Phật là Thập lực, Tứ vô sở úy, Tam niệm trụ và Đại bi.

II. 18 pháp bất cộng của Bồ-tát:

Theo Bảo vũ kinh, quyển 4:

1. Bố thí không theo sự chỉ bảo của người khác.
2. Trì giới không theo sự chỉ bảo của người khác.
3. Nhẫn nhục không theo sự chỉ bảo của người khác.
4. Tinh tấn không theo sự chỉ bảo của người khác.
5. Thiền định không theo sự chỉ bảo của người khác.
6. Bát-nhã không theo sự bảo của người khác.
7. Thực hành nhiếp sự để thu nhiếp tất cả chúng sinh hữu tình.
8. Hiểu rõ pháp hồi hướng.
9. Lấy phương tiện thiện xảo làm chủ, tự tại tu hành và khiến cho tất cả chúng sinh tu hành, đồng thời có khả năng thị hiện tối thượng thừa để được xuất ly.
10. Không bao giờ thối thất pháp Đại thừa.
11. Khéo léo thị hiện trong cõi sinh tử, niết-bàn nhưng vẫn thường an lạc; sử dụng ngôn ngữ, âm thanh khéo léo tùy thuận theo văn hóa thế tục mà ý nghĩa khác tục.
12. Trí tuệ dẫn đường, mặc dù thọ sinh vô số thân hình khác nhau nhưng không làm điều gì lỗi lầm.
13. Thân, khẩu, ý luôn luôn đầy đủ mười nghiệp thiện.
14. Để nhiếp hóa chúng sinh hữu tình, Bồ-tát không bao giờ từ bỏ chúng sinh, thường thực tập hạnh nhẫn chịu tất cả mọi khổ uẩn.
15. Vì thế gian mà thị hiện làm chỗ yêu thương, hạnh phúc.
16. Dù ở chung với phàm phu ngu si và Thanh văn, chịu không biết bao nhiêu khổ não nhưng không đánh mất tâm nhất thiết trí, giống như ngọc báu kiên cố, thanh tịnh, trang nghiêm.
17. Nếu giáo cho tất cả pháp vương thì lấy lụa và nước làm quán đảnh cho họ.
18. Không bao giờ xa lìa tâm mong cầu chính pháp chư Phật thị hiện.

(3) Lạp Lâm 拉林 Lai Lin

(4) Bối Ấm Hà 背蔭河 Beiyinhe