English|Vietnamese

 

25 tháng 10, năm 1972. Tối thứ tư.

Về Những Sự Kiện Kỳ Diệu

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Không chỉ có Bồ Đề Đạo tràng nơi Đức Phật đã Giác ngộ là không thể nghĩ bàn, mà chính Đạo Tràng này nơi chúng ta đang giảng giải Kinh Hoa Nghiêm đây cũng không thể nghĩ bàn, nơi đây diễn ra đủ loại sự kiện. Nhiều ngày trước, một “người đá” (1) đã đến đây nghe giảng Kinh. Có thể một ngày nào đó sẽ có “người gỗ” xuất hiện cũng nên. “Người đá” này đã ở đây vài ngày, nhưng không ai nhận ra ông ta. Trước khi ông ta đến, có một con ma tới – một trường hợp không thể nghĩ bàn. Nó không phải là một con ma tốt, mà nó thích ăn mọi thứ, đặc biệt là táo. Đó quả là một điều kỳ diệu. Tôi không đùa đâu. Khi quý vị gặp một ai đó mà không nhận ra, thì ông ta/hoặc cô ta rất có thể là Bồ tát hoặc Chư Phật hoặc A la hán. Hoặc người đó cũng có thể là ma, quỷ hay ác quỷ – điều này cũng không chắc. Nói chung, mọi điều này đều là có thể.

Hôm nay, nhân ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia (Ngày 25/10/1972), nhiều người trong chúng ta đã tới thăm một hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm dưới hình hài của một cư sĩ (Ưu bà tắc Trương Đại Thiên (2)). Vị cư sĩ này đã quên mất sự kết nối của mình với Bồ tát Quán Thế Âm và đã vướng mắc vào ngũ dục. Tuy nhiên, do tự tánh của ông ta không hoàn toàn bị mê mờ, ông ta vẫn tin vào Đạo Phật.

Quý vị có thể thấy hóa thân này của Bồ tát Quán Thế Âm như một vị anh hùng vĩ đại trong những hiển tướng của Chú Đại Bi. (Ghi chú của biên tập viên: Xem Chú Đại Bi Cú Kệ, Hội Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo, năm 2000, trang 38, dòng 30: two la two la – Đà ra đà ra (3)). Đó là người mà chúng ta hôm nay tới thăm. Quý vị có thể nói rằng lý do chúng ta đi thăm ông ta là không quan trọng. Chúng ta đi với ý định là gây ảnh hưởng và nhắc nhở ông ta về tiếng gọi thật sự của chính mình. Vì thế, một số trong chúng ta đã đi từ lúc 5 giờ sáng, một số khác thì đi vào khoảng 6 giờ sáng. Giáo sư Giáo sư Tạ Băng Oánh đi cùng với chúng ta. Bà ấy cũng có rất nhiều nhân duyên sâu xa và thiện căn với hóa thân này của Bồ tát Quán Thế Âm.

Đây là lần đầu tiên tôi từng đi tới thăm một nghệ sĩ tại phòng tranh của ông ta. Mặc dù cũng có nhiều nghệ sĩ khác cũng rất tài ba, nhưng tôi chưa bao giờ có thời gian để tới thăm phòng tranh của họ. Quý vị có thể nói người nghệ sĩ đặc biệt này đã từng là người bạn đồng tu với tôi trong một thời gian dài, vì thế tôi có mối nhân duyên đặc biệt với ông ta. Khi chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nhận ra rằng chúng tôi đã có một sự liên kết sâu xa. Tôi thấy ông ta trung thực và thẳng thắn, không xun xoe hay xảo trá.

Hy vọng rằng vị cư sĩ này có thể phát Bồ đề tâm – nếu không phải lúc này thì trong tương lai. Chúng ta nên quan tâm và giúp ông ta. Mỗi người cần dùng các cách khác nhau để độ chúng sanh. Hôm nay, chúng ta đã trải qua một vài việc khó làm để thực hiện điều đó. Liệu hóa thân này của Bồ tát Quán Thế Âm có nhận ra được diện mạo chân thật của chính mình và quay trở lại với cội nguồn ấy hay không, chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Lời người biên tập: Sau đó, Hòa thượng có viết một bài thơ về Trương Đại Thiên.

Dành tặng người họa sĩ Trung Hoa vĩ đại Trương Đại Thiên

 

Vẽ tranh nhất nước, trước đồng tu,

Danh khắp trong ngoài lẫn cổ kim,

Xa gần chốn chốn tranh xem trước,

Nức tiếng vang lừng vượt trời cao.

Quan Âm thị hiện tướng trượng phu,

Di Đà tán thán vẻ trưởng giả,

Du hí tam muội tuy khoái lạc,

Đừng quên sen vàng tía Tây Phương. (4)

– Sơn tăng Tuyên Hóa

Phật lịch 2999 tháng 10 ngày 9.

 

 

Dịch từ sách “Timely Teachings” trang 168 – 170

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(1) http://www.dharmasite.net/khaithi4.htm#7

Chuyện Người Ðá Cầu Pháp

Hôm nay tôi xin kể một câu chuyện có thực. Cách nay khoảng mười năm, có một gã hình dung cổ quái, chẳng phải trắng, chẳng phải đen. Ăn mặc thì lôi thôi, quần áo lam lũ, thân cao khoảng năm feet, người khẳng khiu như que củi, sắc mặt không đổi thay. Ngày đó gã tới cổng lớn của chùa Kim Sơn, rồi ở đấy, gã ngồi tựa lưng vào tường. Gặp phải lúc trời mưa lớn, gã vẫn ngồi yên bất động. Có người bảo gã đi nơi khác, gã vẫn nín thinh không thèm để ý tới. Chừng ba ngày sau, tôi ra cổng chùa coi thử. Gã không hề nói chuyện với một ai, vậy mà gã lại bắt chuyện với tôi. Tôi hỏi gã họ gì, gã đáp: “Họ Thạch.” Tên gì, gã đáp: “Tên Nhân” (nguyên văn viết chữ ‘nhân’ là người). Lại hỏi ở đâu tới thì đáp: “Ở trên núi xuống.” Khi hỏi đến để làm gì thì đáp rằng: “Ðến để cầu pháp.” Tôi mới bảo: “Ở đây chúng tôi chẳng có pháp nào để cầu cả, anh đến như vậy sẽ thất vọng.” Gã trả lời: “Tôi chẳng bị thất vọng đâu.”

Hỏi han như vậy xong, gã theo tôi vào chùa Kim-Sơn, rồi cùng theo đại chúng, khi ngồi thiền, khi ngủ nghỉ, nhưng tuyệt đối gã không ăn, không uống, không cả việc tiểu tiện hay đại tiện, thật là một gã kỳ quái. Ngày ngày gã ngồi yên tọa thiền, không nói năng, không cử động, trông gã tựa hồ như kẻ bị ngộ độc, cũng giống như kẻ đến để ngồi rỡn chơi. Gã dấu trong mình một khúc than củi, hỏi đến thì gã nói dùng khúc than đó để giữ hơi ấm. Gã ở tại chùa trong mấy hôm, hoạt động chung với đại chúng. Mọi người ở thiền đường dụng công, gã cũng dụng công, khi tất cả lên lầu ngủ, gã cũng lên lầu ngủ. Mọi người sợ gã ăn cắp đồ đạc, nên cho người bố trí canh gác gã, và trong lúc gã ngủ trong nhà thì người gác cũng nghỉ ở ngoài cửa, phòng khi gã mở cửa đi ra thì người gác có thể phát giác ngay được.

Bỗng một hôm, không ai thấy gã “người đá” đâu cả. Người gác rất lấy làm lạ, không biết gã dùng cách gì mà đi khỏi chùa, không ai hay biết. Câu chuyện này chúng ta phải giảng ra sao đây? Người đá còn biết tới Kim Sơn Thánh Tự để cầu pháp, huống chi chúng ta, vốn là vạn vật chi linh mà không cố gắng học pháp, chẳng là đáng tiếc hay sao?

 

(2) Trương Đại Thiên – 張大千 – Xin xem thêm http://www.drbachinese.org/vbs/1_100/vbs32/lecte.html .

Ông là một nhà danh họa Trung Hoa nổi tiếng, đã dành hai năm rưỡi để vẽ lại những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo từ động Đôn Hoàng https://www.facebook.com/dharmadocusnet/photos/a.461387303979433.1073741853.456532901131540/461387390646091/?type=3&theater

(3) Đai Bi Chú Cú Kệ – Đà Ra Đà Ra http://www.drbachinese.org/online_reading/sf_others/DaBeiJou/page30.htm

  1. 陀 囉 陀 囉
現大丈夫身奇特 Appearing as a most unusual rare and mighty hero,
法相莊嚴離諸過 His adorned classic features are free of any flaws.
以德感人心誠服 Using virtue to move people, his mind remains humble and sincere.
望之儼然即溫和 He is stern in appearance, yet gentle in nature.

Hiện đại trượng phu thân kỳ đặc

Pháp tướng trang nghiêm ly chư quá

Dĩ đức cảm nhân tâm thành phục

Vọng chi nghiễm nhiên tức ôn hòa

 

Tạm dịch:

Hiện tướng trượng phu thân đặc biệt.

Pháp tướng trang nghiêm không tỳ vết,

Dùng đức cảm người làm tâm phục,

Thân tướng trang nghiêm vẫn nhu hòa.

 

(4) Nguyên văn bài thơ của Hòa Thượng:

國畫第一宿同參
古今中外滿大千
風行宇內爭先睹
電馳太空比高天
觀音示現丈夫相
彌陀親頌長者顏
遊戲三昧雖快樂
莫忘西方紫金蓮

Quốc họa đệ nhất túc đồng tham
Cổ kim trung ngoại mãn đại thiên
Phong hành vũ nội tranh tiên đổ
Điện trì thái không bỉ cao thiên
Quan Âm kỳ hiện trượng phu tướng
Di Đà thân tụng trường giả nhan
Du Hí Tam Muội tuy khoái lạc
Mạc vong Tây Phương tử kim liên.

-Sơn tăng Tuyên Hóa

Phật lịch 2999 tháng 10 ngày 9.