English | Vietnamese

 

Ngày 2 Tháng Muời Một, năm 1973. Chiều thứ sáu.

Về Phép Lịch Sự Đối Với Những Câu Hỏi  

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Quý vị không nên trả lời các câu hỏi nêu ra bởi bất kỳ vị Pháp Sư nào đến đây, ngoại trừ trong giờ thuyết pháp hoặc ở trong lớp học. Khi vừa mới trả lời thì quý vị đã sai, không có cách gì đúng được. Tại sao? Phần lớn những câu hỏi của các vị khách tăng là để vạch ra lỗi của quý vị. Ngay cả khi quý vị trả lời đúng, Pháp Sư khách tăng sẽ cho rằng quý vị sai, để chứng tỏ rằng họ hay hơn quý vị. Về căn bản, bất cứ ai có giáo dục tốt đẹp đều biết rằng không nên đặt câu hỏi khi viếng thăm các nơi khác.  Người đó đáng lẽ không nên khảo nghiệm người khác để xem những gì người kia hiểu hay không hiểu.. Nếu như có người đắp giới y, trải tọa cụ, quỳ xuống và chấp tay lại thỉnh cầu sự chỉ dẫn của quý vị, thì lúc đó quý vị có thể trả lời. Nếu có người muốn được khai thị cho một vấn đề nào đó mà không đắp giới y, không trải tọa cụ, thì quý vị không nên đáp lại, cũng không yêu cầu họ giải thích. Yêu cầu họ giải thích chứng tỏ quý vị không biết gì hết, còn nếu trả lời thì thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình. Tất cả mọi người cần hiểu rõ điều này.

Nếu bất luận ai bắt đặt câu hỏi với quý vị , bất kể đó là một cư sĩ hoặc một vị tăng hay ni, quý vị có thể nói với họ rằng thời gian dành cho câu hỏi là trong giờ thuyết pháp và trong các lớp học, ngoài ra thì mọi nguời đều có việc để làm vào những lúc khác.

Tại sao khi vị Thầy đó vừa mới hỏi về vô ngã thì quý vị đã không suy nghĩ liền buột miệng đưa ra một lời giải thích? Thật ra, sự không hiện hữu của bản ngã có hàng triệu cách khác nhau để giải thích nhưng trong đó không có cách nào là đúng hay sai. Bởi vì ngay chính bản ngã còn không hiện hữu thì còn gì để bàn luận. Làm gì mà có Tiểu ngã, Đại ngã hay Thần ngã. Tất cả những thứ đó đều không có, ngay cả khi nói về nó cũng là sai rồi. Nếu quý vị chưa hiểu rõ chân tuớng và ý nghĩa chân thật của Phật Pháp thì làm sao có thể trả lời ông ta được. Quý vị đã sai lầm khi mới vừa mở miệng. Mỗi người đều có lối nhìn và lý luận riêng của họ, làm sao có cái “đúng” hoặc cái “sai”. Quý vị giải thích theo cách quý vị, tôi giảng theo cách của tôi, cho dù tôi cho là quý vị sai nhưng tôi cũng không thể dựa vào đâu để chỉ trích. Cho nên vì không có cơ sở,  thì mục đích tranh luận để làm gì?

Quý vị hồ đồ trả lời ông ấy là vì cho rằng nếu không trả lời sẽ là sai. Trên thật tế, không trả lời là phương pháp đúng. Ông ta không có quyền yêu cầu quý vị giải thích về sự không hiện hữu của bản ngã. Sự không hiện hữu của ngã chính là vô ngã, có gì để bàn luận thêm nữa. Tại sao quý vị lại không biết điều này khi mình là người rất thông minh? Thật ra quý vị muốn thân thiện với ông ấy là vì truớc đó tôi có nói vài lời khen ông ta. Đúng ra tôi luôn tránh nói xấu về người khác, thậm chí tôi còn nói tốt cho nguời xấu vì tôi xem tất cả chúng sanh là Phật. Tuy vậy tôi không thể bảo đảm là mọi người đều đúng như tôi nói.

Những kẻ thật sự tu đạo thì không nói chuyện. Đây có nghĩa là không những không nói chuyện với phụ nữ mà căn bản là không tham gia nói chuyện, thậm chí trông có vẻ khờ khạo. Khi tôi đi xa và dụng công tu hành, cả ngày tôi đều nhắm mắt không nhìn ai cả, cũng không nói chuyện với kẻ khác. Dụng công thì phải như vậy. Trò chuyện thì vô ích. Nếu quý vị càng kính trọng một bậc tu hành, thì càng bớt muốn nói chuyện với vị ấy. Quý vị có một cuộc thi đua để xem ai sẽ nói ít nhất. Khi những người hiểu đuợc đạo lý này thấy người nào luôn nói chuyện thì họ sẽ xem thường người đó. Trong quá khứ ở Trung Hoa, tại hai tu viện Kim Sơn và Cao Mân, một người có thể sống bên cạnh một người khác trong nhiều năm mà vẫn không biết tên của người ấy.Người ta ở cạnh nhau, ngủ bên cạnh nhau, nhưng hàng năm trôi qua mà họ không biết tên của nhau, và không bao giờ trò chuyện với nhau.

 

(Timely Teachings, trang 75).