Kinh Kim Cang
Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng
Phần Bảy: Vô Ðắc Vô Thuyết
Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có chứng được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề chăng? Như-lai có thuyết pháp chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thời không có pháp nhất định gọi là a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, cũng chẳng có pháp nhất định cho Như-lai thuyết.
Tại sao? Vì pháp Như-lai thuyết, đều chẳng thể chấp, chẳng thể thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Tại vì sao? Vì tất cả hiền thánh đều theo pháp vô vi mà có sai biệt.
Lược giải:
Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Như-lai có chứng được a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề chăng? Như-lai có thuyết pháp chăng?
Phật hỏi Tu-bồ-đề: “Như-lai có chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?” Trong chữ “Như-lai,” thì “Như” là như thật, theo con đường đạo như thật, và “lai” là đến, đến được chánh giác, tức giác ngộ chân chánh. Chữ “được” tức là chữ “đắc” đối chọi với chữ “thất,” là mất. Mất rồi mới lấy lại được gọi là đắc. Tại chỗ này, chữ được lại không có ý nghĩa của chữ “đắc,” mà nên giảng theo nghĩa “thất.” Thế thì Như-lai đã để mất a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề chăng? Chẳng mất thì chẳng được, vì đắc là phản nghĩa của thất, nếu có đắc tức trước đã từng thất, nên nay mới đắc lại. Nếu quả, chưa hề mất, thì làm sao lại được. Giảng như vậy thì rõ, đó là cách giảng hoàn hảo hơn. Nếu nói Như-lai đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thì thử hỏi trước đó Như-lai đã mất nó rồi chăng? Không mất thì không được! Ðó mới là ý nghĩa chính xác. A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nghĩa là vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật lại hỏi trưởng lão Tu-bồ-đề: “Như-lai có thuyết pháp chăng?”
Khi nói có thuyết pháp có nghĩa là: “Phật đã từng thuyết pháp chăng?” Hay có thể hỏi ngược lại là: “Như-lai chưa từng thuyết pháp chăng?”
Ta nói chưa từng thuyết pháp, thì Như Lai lại nói có thuyết pháp; ta nói Như-lai thuyết pháp, Phật lại hỏi Như-lai có thuyết pháp hay không? Chỗ này, Phật mang vấn đề đó ra hỏi vặn ông Tu-bồ-đề, xem thử trưởng lão có trí bát-nhã hay không. Nếu có trí bát-nhã thì hiểu được ý nghĩa này, không có bát-nhã tất không hiểu nổi.
Tu-bồ-đề đáp: Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thời không có pháp nhất định gọi là a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, cũng chẳng có pháp nhất định cho Như-lai thuyết.
Trưởng lão Tu-bồ-đề thưa lại rằng: “Theo như điều hiểu biết của con về ý của Phật nói, thì không có pháp nào nhất định gọi là a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.” Ông Tu-bồ-đề không có trả lời trực tiếp về câu “chứng được hay không chứng được,” ông chỉ nói là không có pháp nào có tên gọi là a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Nếu đã không có, thì có cái gì “được?” Cái gì “mất?”
Tại sao không có? Bởi vì cái a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề mà Phật nói, bất quá chỉ là cái tên mà thôi, kỳ thật, cái tên đó cũng là không, gốc vốn không có. Căn bản đã là không thì có cái gì là được? Cái gì là mất? Chẳng có pháp nhất định mà Như-lai thuyết. Pháp mà Như-lai thuyết đều vì người mà nói, tùy bệnh mà cho thuốc, chớ chẳng có pháp nhất định để thuyết.
Tại sao? Vì pháp Như-lai thuyết, đều chẳng thể chấp, chẳng thể thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Tại vì sao? Vì tất cả hiền thánh đều theo pháp vô vi mà có sai biệt.
Bởi duyên cớ gì? Bởi vì pháp Như-lai thuyết đều không thể chấp, tùy lúc nói, tùy lúc quét nó đi, giống như lấy cây chổi quét bụi vậy. Pháp nói ra chính là bụi pháp (pháp trần), nói xong rồi, thì quét nó đi cho sạch. Phật thuyết pháp gì? Không pháp có thể thuyết. Chẳng phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp. Pháp gì có? Tất cả đều chẳng có. Ý nghĩa này là thế nào? Tất cả các vị hiền thánh đều theo pháp vô vi mà có sự khác biệt. Pháp vô vi là nghĩa không có gì tạo tác, không có tướng.
Phật-pháp vốn không cần phải học, ai cũng có, ai cũng biết cả. Chỉ cần ta trừ bỏ mọi chấp trước, thì Phật-pháp sẽ hiện ra. Nếu không gạt bỏ chấp trước, thì càng kiếm Phật-pháp, càng không tìm thấy. Tại sao vậy? Tại vì ta có điều chấp trước, không buông bỏ được. Tay không mở ra thì không nắm lại được. Bởi vậy, tay trái nếu buông bỏ chấp trước xuống, tay phải sẽ lấy được bát-nhã lên. Nói vậy cũng chỉ là một cách thí dụ, chớ hư không đâu có thể nắm lấy? Nếu quả hư không chẳng thể nắm được, thì thực tướng bát-nhã cũng không thể nắm bắt. Tại sao? Thực tướng bát-nhã là hư không, trải khắp pháp giới, ta nắm bắt làm sao được? Ta vốn ở trong thực tướng bát-nhã, làm sao lại còn muốn bắt lấy bát-nhã? Nay chẳng qua chúng ta đương chấp trước, chưa đạt được bản thể của pháp thân, chưa thấy được diện mạo gốc gác của mình. Nếu nhận ra được bản lai diện mục, thì sẽ giống như Lục-tổ nói:
Bồ-đề bổn vô thọ?
Minh kính diệc phi đài?
Bổn lai vô nhất vật?
Hà xứ nhạ trần ai ?
Dịch nghĩa:
Bồ đề vốn không cây?
Gương sáng chẳng phải đài?
Xưa nay không một vật?
Chỗ nào vướng trần ai?
Bốn câu kệ này hay và đẹp vô cùng. Nếu như ta thực sự buông bỏ được thì sẽ thể nghiệm được ý nghĩa của mấy câu trên, lúc đó sẽ đạt được bổn lai thực tướng bát-nhã. Nói tới chứng được cũng là một cách nói, chỉ là cái tên, căn bản là chẳng có cái gì được (vô sở đắc), bởi vì chúng ta chẳng mất thì chúng ta chẳng cần được.
Ðoạn văn sau nói tất cả Phật và Phật-pháp đều từ trong bộ kinh đây mà ra.
(Còn tiếp)