Kinh Kim Cang
Pháp-sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch vào thời Diêu Tần
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng
Phần Ba: ÐẠI THỪA CHÁNH TÔNG
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-tát Ma-ha-tát, nên hàng phục tâm như thế này:
Ta sẽ khiến hết thảy các loài chúng sanh, hoặc loài từ trứng sanh, từ thai sanh, từ ẩm thấp sanh, tự hóa sanh; hoặc loài có sắc loài không có sắc, loài có tư tưởng, loài không có tư tưởng; loài chẳng phải có tư tưởng; loài chẳng phải không có tư tưởng, đều được diệt độ nơi Vô Dư Niết-Bàn.
Tuy diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy mà thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Vì sao? Tu-bồ-đề! nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì Ngài không phải là Bồ-tát.
Lược giải:
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-tát Ma-ha-tát, nên như thế mà hàng phục tâm như thế này.
Mấy chữ “Các vị Bồ-tát“ là nói nhiều Bồ-tát, cũng có thể chỉ tất cả các vị Bồ-tát, mà cũng có thể chỉ một vị Bồ-tát. Ðó là vị Bồ-tát nào? Chính là vị nào muốn hàng phục tâm.
Tại làm sao giảng chữ “các” (chư) lại có thể giảng là tất cả, có thể giảng là nhiều, mà cũng có thể giảng là một vị vậy? Chúng ta nên hiểu rằng, nhiều chính là một, một chính là nhiều. Nhiều là do hợp lại từng vị một mà thành, nên một tức nhiều, nhiều tức một. Nhìn qua thì tựa như có hai, chẳng đồng một thứ, kỳ thật chẳng phải là hai thứ khác nhau.
Vị Bồ-tát đó là ai vậy? Chính là các bạn đó! Các bạn nói rằng: “Tôi chỉ là kẻ phàm phu, chưa thành Bồ-tát.“ Xin hỏi các bạn có tin rằng mình thành Phật không? Tin chớ! Vậy thì Phật còn có thể thành, huống chi là Bồ tát? Vấn đề này khỏi phải bàn nữa.
Nói về”Ma-ha-tát” tức là không phải hàng Bồ-tát nhỏ, mà là các đại Bồ-tát. Danh xưng đại Bồ-tát có bảy ý nghĩa:
1. Thứ nhất là các bậc đại căn? đã từng cúng dường Tam-bảo, lễ bái Tam-bảo, cung kính đối với Tam-bảo từ vô lượng kiếp đến nay, vun trồng bao nhiêu công đức, mà chẳng phải chỉ gieo căn lành trước một vị Phật, mà hai vị, ba, bốn, năm vị Phật. Căn lành của các vị này rất lớn, nên gọi là hàng đại căn.
2. Thứ nhì là những bậc đại trí huệ.Thế nào là có trí huệ lớn? Trí huệ lớn là biết phát tâm bồ-đề. Hiện tại quí vị đến đây nghe kinh, tìm hiểu Phật-pháp, tới chỗ này tham gia tham thiền, đâu chẳng phải trong kiếp xưa đã có ít nhiều căn lành, đã có ít nhiều trí huệ? Người nào không có căn lành, một khi tới chỗ này sẽ cảm thấy đứng không yên, ngồi không yên, như khỉ ưa chạy nhảy, như tâm trạng của chư thiên, khi tướng ngũ suy xuất hiện, không chịu ngồi chỗ của mình mà cứ chạy đi. Nay các vị không bỏ chạy. Thậm chí ngày nào tôi cũng quở cũng đánh cả trăm phát hương bản. Chịu một trăm cái hương bản chẳng phải là dễ. Tôi không nói đùa với các vị, như quảcác vị không khai ngộ, thì bất cứ vị nào, cũng nhất định phải chịu trăm phát hương bản đó! Chẳng thà các vị bỏ đi vì bị đánh, còn hơn tôi không làm cho các bạn khai ngộ được.
Có trí huệ lớn, phát tâm bồ-đề, vẫn chưa đủ mà còn phải độ khắp chúng sanh nữa. Vì sao Quán Thế Âm Bồ Tát lại hiện khắp nơi? Tại vì Ngài có trí huệ lớn, muốn độ khắp chúng sanh. Ðộ chúng sanh nhưng không chấp tướng, không an trụ vào cái tướng độ chúng sanh. Chấp tướng độ chúng sanh nghĩa là sao? Tỷ như Lương Võ Ðế, ông giúp chúng sanh nhưng ông lại chấp tướng. Lúc ông gặp Bồ-đề-đạt-ma, vị tổ thứ nhất của Thiền-tông Trung Hoa, ông có hỏi như sau:
“Ông coi tôi cúng dường bao nhiêu tăng, cúng trai, in kinh, tạo chùa miếu, rất nhiều, vậy tôi có công đức chăng?”
Nói như vậy là nhà vua đã có ngã tướng, có tâm chấp trước, lòng đã có sự cống cao ngã mạn rồi. Ý như muốn nói rằng tuy ông là một Pháp-sư từ Ấn Ðộ đến, nhưng vị tất ông đã có công đức như tôi chưa. Trong ý tứ đó, ta đã thấy nhà vua muốn Tổ-sư Ðạt-ma đề cao nhà vua, muốn cho Tổ sư tán thán mình. Nhưng Tổ đâu có thể làm chuyện đó được? Cho nên, với “trực tâm là đạo tràng,” Ngài nói: “Chẳng có công đức gì hết.”
Vua Lương Võ Ðế không vui tí nào, nói: “Cái ông Hòa thượng mặt đen cớ sao lại nói ta không có công đức?” Về sau, nhà vua không hội được ý củaTổ-sư, hai bên không khế hợp, nên Tổ-sư mới theo Trường Giang, đi về phương Bắc, rồi lên Chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn.
Ðó là nghĩa của độ sanh mà chấp tướng, nhà vua chấp vào việc độ sanh của mình, muốn cầu một sự ấn chứng của Tổ sư, thừa nhận rằng nhà vua đã có công đức. Ðâu ngờ, Tổ-sư Ðạt-ma, chẳng hề nghĩ tới vấn đề nhân tình, không hề coi trọng danh vị hoàng-đế, nên mới bỏ đi. Bởi đâu mà Lương Võ Ðế lại chấp vào việc mình độ sanh? Bởi thiếu trí huệ. Nếu như ông thực sự có trí huệ chân chánh, thì đã không chấp trước vào tướng độ sanh.
3. Thứ ba là những bậc có niềm tin vào pháp lớn. Có câu nói: “Pháp Phật như biển, chỉ có lòng tin mới vào được.” Nếu không có lòng tin thì chỉ đứng nhìn biển than thở. Pháp Phật thâm sâu như biển, cao như núi Tu-di, không dễ gì mà thâm hiểu thấu đáo. Cũng như thấy các kinh tạng nhiều như vậy, biết đến ngày nào xem cho hết? Nếu có lòng tin, tin thực sự vào Phật-pháp, thì sẽ từ chỗ nông đến dần chỗ sâu, từ gần đến xa, do ít mà tới nhiều, từng điểm từng điểm một đem ra nghiên cứu, thì r?t cuộc cũng có một ngày thông đạt được bảo tạng của Phật-pháp. Nhưng nó cần mình tin sâu, phát nguyện tha thiết rồi mới thực hành tu tập. Ðầu tiên mình phải có lòng tin sâu xa vào Phật-pháp, sau đó khẩn thiết phát nguyện học tập. Khi đã thông hiểu, phải mang ra thực hành. Tóm lại, thâm tín, thiết nguyện, thực hành, ba điều đó quan trọng lắm. Còn như chẳng có lòng tin, thì dầu Phật-pháp có hay chăng nữa, cũng không sao tới được.
Thế nào là pháp lớn? Bát-nhã Ba-la-mật chính là pháp lớn, nghĩa tiếng Phạn là trí huệ. Phải tin vào trí huệ sẵn có của mình. Kinh Kim Cang nói: “Cho đến sanh khởi niềm tin thanh tịnh, Như-lai ắt biết, ắt thấy.” Quí vị móng khởi một niềm tin thanh tịnh, Phật sẽ hay biết, làn sóng điện của quí vị sẽ được Phật tiếp nhận và quí vị được cùng Phật thông tin. Thông như thế nào? Tức là nếu có tín tâm, thì một khi Phật tiếp được tin điện, sẽ hồi báo cho mình, khuyên ta phải siêng năng tu giới, định, huệ, để diệt tham, sân, si. Quí vị thấy, quí vị và Phật đánh điện thông tin, mà quí vị không hay biết gì, thế mới là diệu pháp. Diệu pháp chính là diệu ở chỗ này.
4. Thứ tư là các bậc hiểu được lý lớn. Lý mà cũng có lớn nhỏ chăng? Cố nhiên là có. Về sự tình còn có việc lớn việc nhỏ, không lẽ về đạo lý, không có lý lớn lý nhỏ hay sao? Lý lớn tức là đạo lý lớn, chính là cái ý nghĩa bổn lai của ta là Phật. Phải hiểu lý này. Lý tức Phật, Phật tức lý. Phật là vị đã thành Phật, ta là kẻ chưa thành Phật, Phật và ta bổn lai chỉ là một, không phải hai, không khác nhau. Chẳng qua Phật đã tu đức viên mãn rồi, ta thì chưa tu tới viên mãn, nên chúng ta chưa thành Phật, còn Phật thì đã thành Phật rồi. Tuy nhiên ta cũng chớ hồ đồ, vơ đ?a cả nắm mà cho rằng ta là Phật, Phật là ta, nói vậy là không được đâu! Phải nói Phật là chúng sinh đã thành được Phật, chúng sinh là kẻ chưa thành được Phật. Chúng ta phải tin thật như vậy. Chúng ta chưa thành Phật, hiện tại chưa thành, khi thành rồi thì sẽ là Phật.
Tại sao chúng ta phải tin chính bổn lai của chúng ta là Phật? Nguyên do vì Thực-tướng Bát-nhã chẳng lìa khỏi tâm chúng sanh. Tâm của chúng sanh chính là Phật, Phật là chân tâm, chân tâm là Phật. Có điều hiện tại chúng ta không phát giác ra chân tâm đó, ngược lại xử dụng vọng tâm, cho nó là bản ngã. So sánh vọng tâm với chân tâm thì như so sánh người mù và người mắt sáng. Vọng tâm sánh với người mù, chân tâm sánh với người mắt sáng. Bởi cớ gì chúng ta lại không xử dụng chân tâm? Nó bị mất rồi chăng? Không phải vậy. Vậy cớ sao ta lại xử dụng vọng tâm? Kinh Lăng Nghiêm có giảng rằng: “Một niệm chẳng giác ngộ, sinh ra ba điều vi tế.” Khi một niệm không giác ngộ dấy lên, thì liền có ba tướng vi tế sinh ra, che mờ mất chân tâm, và Như-lai tạng không thể hiển hiện được. Mình hãy tin ở chân tâm, rằng mình vốn đầy đủ trí huệ đức tướng của Phật, nếu như y pháp Phật tu hành, tương lai ắt sẽ tới Phật quả.
5. Thứ năm là các bậc tu đại hạnh. Kẻ tu hành, tu chút ít chẳng nên cho là đủ, không thể chỉ ở giữa chừng mà cho là tới đích, không thể tới nửa đường mà đã bỏ cuộc, không thể nhận “hóa thành” (phương tiện) làm “bảo sở” (cứu cánh)? Kẻ tu pháp nhị thừa, mới được ít cho là đủ, hoặc giả chứng được sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, rồi chấp không chịu bỏ pháp tiểu thừa để tiếp tu đại thừa. Giữa chừng mà đã tự vạch ranh giới là tới đích, như trường hợp của tỳ-kheo Vô-văn (tỳ-kheo ngu dốt). Khi ông ngồi thiền, chứng cảnh giới trời tứ thiền, thì vội cho rằng mình đã đạt được tứ quả, tự vạch ra giới tuyến, cho là tới đích rồi. Ông không biết rằng mình chỉ mới giữa đường. Bỏ cuộc nửa đường là trường hợp của phàm phu. Kẻ phàm phu đi được vài bước, cũng chưa tới được trời tứ thiền nữa, nhưng cho rằng đường quá xa, mình không thể tới nơi được? do đó quay đầu trở lại. Như vậy gọi là nửa đường bỏ cuộc. Có người thì đã vội an nghỉ ở “hóa thành.” Trong Kinh Pháp Hoa có phẩm Hóa Thành Dụ. Khi những bậc nhị thừa, trên đường tu Bồ-tát đạo, thấy đường dài xa lắc, đầy gian nan, tân khổ, thì tự cảm thấy mệt mỏi, lòng không muốn bước thêm. Phật thấy mọi người đều khổ sở nên mới biến hóa ra một cái thành thị, rồi bảo mọi người rằng đàng trước có thành phố, chúng ta hãy đến đó để nghỉ ngơi ít ngày và chỗ đó cách mục tiêu của chúng ta không xa lắm. Các vị nhị thừa tới được Hóa thành, thấy chỗ này hấp dẫn, nào vàng, bạc, châu báu tất cả đều đầy đủ, lòng muốn dừng lại luôn ở chỗ này, không muốn đi tiếp. Thực tế thì Hóa thành là dụ cho cảnh giới mà hàng nhị thừa chứng được, đó là niết-bàn hữu dư y, chưa phải là cứu cánh, chỗ nghỉ ngơi rốt ráo.
Cho nên, trong phẩm Hóa Thành Dụ của Kinh Pháp Hoa, Phật cảnh giác các hàng đệ tử Thanh-văn, không nên tham luyến Hóa thành, mà phải dũng mãnh tiến bước, hướng thẳng tới “bảo sở,” nơi này mới là chỗ rốt ráo chứng quả của Như-lai.
Tu đạo là phải nhẫn chịu mọi khổ sở, khó nhọc. Nhẫn là thế nào? Là nhẫn chịu gió, chịu mưa, chịu đói, chịu khát, chịu rét, chịu nắng. Nhẫn những gì mà người ta không nhẫn được, nhường những gì mà người ta không nhường được, ăn những thứ mà người ta không ăn được, nhịn chịu những điều mà không ai chịu nhịn. Người ta không thích ăn đồ này, nhưng ta thì ăn cũng được, cố nhiên không phải cố ý làm ra bộ dạng để mọi người chiêm ngưỡng, chuyện gì cũng phải làm thiệt lòng, không phải làm vì muốn quảng cáo mình (gọi là buôn bán sự tu hành). Phải tu pháp lục độ, mà lục độ là phải bố thí. Bố thí cho người, chớ chẳng phải bố thí cho chính mình. Giúp đỡ là giúp đỡ kẻ khác, không phải là giúp mình. Tôi biết có vị Pháp-sư thực tâm hoan hỉ giúp đỡ mọi người, cho đến có phải chích huyết cho người uống, cắt thịt cho người ăn, vị đó vẫn vui lòng. Thực tâm họ muốn giúp đỡ người mà không muốn ai biết tới. Những vị chân chánh phát bồ-đề tâm tu hạnh lớn không có nói cho mọi người hay: “Tôi là người tu đại hạnh, các người có biết hay không?” Vì lý do đó, các bạn không biết tới họ.
6. Thứ sáu là các bậc đã trải qua nhiều đại kiếp. Sự tu hành của các vị này không phải chỉ có trồng căn lành trong một Phật sát, mà họ đã từng trải qua ba kiếp lớn a-tăng-kỳ, gieo trồng căn lành, tu phước, tu huệ.
7. Thứ bảy là các vị cầu quả lớn. Bởi lý do gì các Bồ-tát lại phải thực hành Bồ-tát đạo? Bởi vì họ hướng tới quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức là quả vị Phật. Ðó chính là hy vọng và là mục đích tu hành của các hàng đại Bồ-tát.
Chữ “Ma-ha-tát” có bảy ý nghĩa là như vậy,
Các vị Bồ-tát mà phát tâm, “nên như thế mà hàng phục tâm,” thì chữ “như thế” nghĩa là biết pháp đó, nó là lý thể của thực tướng, cho nên không nói ra như thế nào. Từ cái không nói ra đó, không thể không nói tới cái vỏ ngoài của nó.
Ta sẽ khiến hết thảy các loài chúng sanh, hoặc từ trứng sanh, từ thai sanh, từ ẩm thấp sanh, từ hóa sanh, hoặc loài có sắc, loài không có sắc, loài có tư tưởng, loài không có tư tưởng, loài chẳng phải có tư tưởng, cũng chẳng phải không tư tưởng, đều được diệt độ nơi cõi Vô-dư niết-bàn.
Nói về hết thảy chúng sanh trong thế gian, thì loài sanh từ trứng (tức noãn sanh) là do yếu tố “tưởng”, loài thai sanh do yếu tố “tình”, loài thấp sanh do yếu tố “hợp”, loài hóa sanh do yếu tố “ly”, tóm lại là do “tình, tưởng, hợp, ly,” mà biến hóa, chiêu cảm mà thọ nghiệp, theo nghiệp mà thọ báo, mỗi loài một khác. Kinh Lăng Nghiêm kể về mười hai loại chúng sanh này hết sức minh bạch.
1. “Từ trứng sanh” là do yếu tố tưởng mà sinh xuất. Ðại khái như gà ấp trứng, từ sớm đến tối một mực suy tưởng: “Gà con của mình sắp nở ra đây,” cứ tưởng miết như vậy, quả nhiên khiến trứng nở ra con. Loại này gồm cả các loài cá, tôm, rùa, rắn.
2. “Từ thai sanh” là do yếu tố tình. Vì cớ gì có thai? Giữa nam nữ có tình luyến ái, hợp lại với nhau mà thành bào thai. Loài thai sanh gồm cả người, các giống súc vật, các loài rồng và tiên.
3. “Loại thấp sanh” là do yếu tố hợp cảm, do hơi ẩm và khí nóng hợp lại mà sanh ra, gồm các loài côn trùng trong nước, các giun sán v.v..
4. “Loại hóa sanh” là từ yếu tố ly ứng mà ra. Nhân vì lẽ thích mới nới cũ, mà có sự ly khai, từ có hóa không, từ không hóa có, từ nhỏ biến ra lớn, từ lớn biến nhỏ, đại khái như con tằm hóa bướm, tất cả đều có sự biến hóa, đổi hình. Loại này gồm cả loài ruồi, nhặng, loài thoát xác bay xa.
Các chúng sanh do các yếu tố tình, tưởng, hợp, ly mà biến hóa, chính là do sự mê vọng mà sanh ra, vì mê vọng mà tạo nghiệp, nhân tạo nghiệp mà thọ quả báo. Thai, trứng, thấp, hóa, loài nào theo loài nấy, cũng vì nhân duyên chung đại khái như nhau nên cùng một loại quả báo như nhau.
Ngoài cách phân loại thành thai, trứng, thấp, hóa, còn có cách phân loại rộng rãi hơn nữa.
5. “Hoặc có sắc,” tức là loài tinh diệu tốt xấu, xuất sinh từ sự hòa hợp các loạn tưởng về sắc sáng chiếu (loạn tưởng tinh diệu), như các loài đom-đóm, loài trai có ngọc v.v.
6. “Hoặc không sắc,” là loài sanh từ các yếu tố không, tán, tiêu, trầm, như các tầng trời tứ không, các loài như thần hư không (thuấn-nhã-đa thần), thần gió, thần nắng.
7. “Hoặc là loài có tư tưởng,” tức không có hình sắc mà chỉ có tư tưởng, nó ẩn hiện như có như không, phảng phất chẳng có thực chất, như các loại quỷ thần, yêu quái, như thần núi, thần nước, các loại gỗ đá thành tinh, các sơn tinh, thủy quái v.v.
8. “Hoặc là loài không có tư tưởng,” tức là loài có hình sắc mà không tư tưởng, u mê, ngu độn, tinh thần tựa như gỗ, đất, các loại kim thạch. Tại Hương-cảng có một hòn vọng phu. Tương truyền năm xưa có một người đàn bà, có chồng đi ra biển, kiếm ăn buôn bán. Người chồng đi mãi không về, còn người vợ thì cứ ngày ngày bế con lên núi ngóng ra biển khơi mong chồng. Năm tháng qua lâu mà tin chồng chẳng có, dần dà người vợ hóa thành đá, cho tới nay vẫn còn hòn đá vọng phu, đứng dựng trên đỉnh núi, hướng ra biển khơi trông ngóng.
9. “Hoặc là loại chẳng phải có tư tưởng,” đây chẳng phải là một loại sanh từ trứng ra lấy tư tưởng mà truyền sanh mạng. Nó phát sanh từ sự kết hợp của hai thứ vọng tưởng, đem vọng tưởng của đối phương làm của mình, cùng nhau tráo trở. Tỷ như trường hợp con tò-vò mà nuôi con của con sâu minh-linh. Kinh Thi có câu:
Minh linh hữu tử,
Quả doanh phụ chi.
Nghĩa là: con sâu minh linh có con, con tò-vò nuôi đỡ. Minh linh là loài sâu ở đọt dâu, con tò vò thì giống loại ong có eo thắt lại. Tò vò kiếm đất làm tổ, nuôi con sâu minh linh ở bên trong, khấn rằng: “Loại ngã! Loại ngã!” nghĩa là “giống như ta.” Bảy ngày sau quả nhiên con sâu hóa ra con của tò vò. Cái đó chính là chẳng phải có tư tưởng, do hai thứ khác nhau lẫn lộn mà thành. Nguyên do bởi kiếp xưa chuyên nghề đi lấy tài vật của người khác, đem về làm của mình, nên mới chịu quả báo đó.
10. “Chẳng phải không có tư tưởng,” là nói về loại mang nhiều oán hận từ trước, muốn kiếm sự báo thù, như loài chim kiêu (con chim ưng đầu mèo, tục kêu là chim bất hiếu) bám vào ổ đất để sanh con, khi con lớn lên thì con ăn thịt mẹ. Lại còn một loại muông thú nữa là con phá kính, nuôi con đến khi con lớn thì con ăn thịt cha.
Trong Kinh Phật nói khiến các loại này “được diệt độ nơi Vô-dư niết-bàn”. Danh từ niết-bàn là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “tịch diệt”, về sau dịch là “viên tịch”. “Diệt độ” bao gồm ý nghĩa là làm tan nhị chướng và làm tiêu nhị tử. Nhị chướng là hai thứ chướng ngại phát sanh từ phiền não và sở tri. Nhị tử là hai hình thức sanh tử, một là phần đoạn sanh tử, hai là biến dịch sanh tử.
Niết-bàn thì có bốn thứ:
1. Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn: chung cho tất cả các loài hữu tình, có tính cách bình đẳng, tại phàm phu không giảm, ở các bậc thánh không tăng.
2. Hữu Dư Y Niết Bàn: Kẻ hữu tình tu hành, dứt được phiền não chướng, nên nguyên nhân của khổ đã hết, nhưng vẫn còn phải nương vào (y) cái thân ngũ uẩn này trong khi chưa hết thọ mạng. Tuy còn mang thân thể này, nhưng phiền não đã diệt, đã đạt được thanh tịnh, nên gọi là “chướng vĩnh tịch”.
3. Vô Dư Y Niết Bàn: đây nhân của phiền não đã tận, quả của phiền não cũng đã tận, liễu sanh thoát tử, gọi là chúng khổ vĩnh tịch.
4. Vô Trụ Xứ Niết Bàn: Hàng nhị thừa đã trừ được phiền não (nhân không), nhưng hãy còn sở tri chướng (chưa được pháp không), nên không trụ vào sanh tử mà trụ ở hữu dư niết-bàn. Các bậc thánh hàng đại thừa, đều diệt cả phiền não và sở tri, nên nhân và pháp đều không, bèn lấy đại trí và đại bi làm phương tiện, chẳng trụ ở sanh tử, cũng chẳng trụ ở niết-bàn, mãi mãi đi cùng khắp để quảng độ chúng sanh, nên gọi là Vô Trụ Xứ niết-bàn.
Tuy diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy mà thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Vì sao? Tu-bồ-đề! nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì Ngài không phải là Bồ-tát.
Vô Dư Niết Bàn nói trong kinh đây là chỉ hai loại niết-bàn sau cùng, trong số bốn loại nói trên. “Tuy Bồ-tát diệt độ vô lượng vô biên chúng sanh, nhưng thật không có chúng sanh được diệt độ”, là nghĩa thế nào? Bởi vì, đây chính là cái toàn thể đại dụng của đại bát-nhã. Cái thể của thực tướng bát-nhã là sự bình đẳng, thấy tất cả chúng sanh là bình đẳng, không khác nhau (vô nhị). Cho nên có câu: “Pháp là bình đẳng, không phân cao thấp”. Cái dụng của Quán-chiếu Bát-nhã là bổn lai vốn chẳng có tướng, cho nên sau có câu: “Lìa tất cả pháp, gọi là chư Phật” (ly nhất thiết chư pháp tức danh chư Phật).
Vì lẽ gì phải lìa bốn tướng để độ chúng sanh? Bởi vì Bồ-tát mà còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức là hãy còn cái tâm phân biệt hư vọng, thì đâu còn là Bồ-tát nữa? Tất nhiên trước tiên hàng phục ngã tướng, lìa ba tướng kia, mới có thể độ sanh, mới là Bồ-tát chân chánh.
(còn tiếp)