Hòa Thượng Tuyên Hóa
Kim Sơn Thánh Tự , trước kia được gọi là Phật Giáo Giảng đường và tọa lạc tại tầng lầu thứ tư trong một chung cư thuộc khu phố Chinatown San Francisco, vốn do Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo kiến lập. Khóa tu mùa hè đầu tiên được tổ chức tại đây năm 1968. Lúc ấy có rất nhiều người từ Seattle đến tham gia khóa tu học 96 ngày ấy. Chương trình học tập rất bận rộn, hằng ngày không có giờ nghỉ. Chỉ có ngày Thứ Bảy là được nghỉ buổi chiều để giặt giũ, hoặc giải quyết những công việc riêng tư.
Trong khóa tu học ấy, tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm và dự trù có thể giảng xong trước ngày mãn khóa. Ban đầu thì mỗi ngày thuyết giảng một lần, nhưng được một thời gian thì tôi nhận thấy là sẽ không kịp thời hạn nên tăng lên thành mỗi ngày giảng hai lần. Dần dần lại ngại rằng không thể giảng xong nên tôi phải tăng thành ba lần mỗi ngày; và cuối cùng thì thành ra mỗi ngày giảng bốn lần. Cứ như thế mà trong khóa hè ấy cũng giảng xong bộ Kinh Lăng Nghiêm, đem công đức viên mãn hồi hướng cho tất cả chúng sanh.
Sau khi giảng xong Kinh Lăng Nghiêm, có năm thanh niên nam nữ người Mỹ xin xuất gia. Ðó là những người Mỹ đầu tiên xuất gia và thọ Cụ Túc Giới–ba vị Tỳ-kheo và hai vị Tỳ-kheo-ni.
Về sau, mỗi năm đều có khóa tu học mùa hè. Rất nhiều người tới học hỏi Phật Pháp và cũng có nhiều người xuất gia thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Tuy nhân số không nhều, song đối với Chùa Kim Sơn vốn chú trọng phẩm chất chứ không chú trọng số lượng, chỉ cần chân thật tu hành và nghiên cứu Phật Pháp, thì một người cũng không phải là ít, hà huống là nào phải chỉ có một hoặc hai người thôi đâu?
Hằng tháng, Chùa Kim Sơn phát hành một tập nguyệt san song ngữ Anh-Hoa–Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Ðề Hải). Tập nguyệt san này chuyên đăng yếu nghĩa Phật Pháp để cho người Tây phương có thể am tường nguồn gốc của đạo Phật đồng thời có được sự nhận thức đúng đắn về Phật Pháp, để họ không còn cho rằng Phật Giáo là mê tín, sùng bái ngẫu-tượng, tiêu cực, bi quan, hay là “ký sinh trùng” của xã hội nữa. Tập nguyệt san này cho người ta biết Phật Giáo là tự do, bình đẳng, mà mục tiêu là đề xướng thế giới hòa bình và hết thảy mọi người đều là đệ tử của Phật, tuyệt đối không có sự giới hạn về chủng tộc, quốc tịch hay địa giới.
Phật Giáo từ khi có lịch sử đến nay chưa hề gây ra chiến tranh, bởi vì giới-điều đầu tiên trong Giới Luật nhà Phật là Không Sát Sanh–chẳng những không giết người mà ngay cả động vật cũng không sát hại, trái lại còn phóng sanh và bảo vệ mọi loài động vật–nhờ vậy mà không hề gây ra chiến tranh.
Chùa Kim Sơn cũng như nơi “đãi cát làm vàng” –nếu các vị là “vàng,” Thì khi tới Chùa Kim Sơn các vị sẽ cảm thấy nơi đây như là nhà của các vị vậy. Ở đây, mọi người không nói chuyện nên rất thuận tiện để đọc sách, ngày ngày nghiên cứu Phật Pháp, Chẳng bị ai quấy rầy, thật là một môi trường lý tưởng. Người Mỹ tuy nhiều, song có được bao nhiêu người chân chánh phát tâm tới đây để nghiên cứu Phật Pháp, nghe Kinh học Pháp? Do đó, việc thành Phật là tùy thuộc ở cá nhân chứ không phải ở tập thể. Trên thế giới này, cái gì ít đều quý cả. Số người nghiên cứu Phật Pháp ở Chùa Kim Sơn tuy không nhiều, song đối với thế giới này thì như thế là quý báu nhất rồi! Trong tương lai, khi các vị đã thông suốt Phật Pháp rồi, các vị có thế đi khắp nơi hoằng dương Phật Pháp, lợi ích chúng sanh, khiến mọi chúng sanh sớm thành Phật Ðạo–đó là điều tôi kỳ vọng ở các vị!
Trong khóa học tu học mùa hè kỳ này, mọi người cần phải biết quý trọng thời giờ, đừng để lãng phí. Có câu rằng:
Một tấc thời gian: một tấc vàng,
Tấc vàng khó chuộc tấc thời gian.
Cho nên, thời giờ là quý giá nhất, quan trọng nhất. Các vị đến tham gia khóa tu học mùa hè năm nay hãy nỗ lực học hỏi Phật Pháp, chớ nên để thời giờ trôi qua một cách vô ích–các vị nhất định phải học cho được đôi chút đạo lý chân chánh.
Có một việc mà tôi muốn nói với các vị. Thật sự thì tôi không muốn nói ra, song bây giờ thì tôi không thể không nói. Việc gì ư? Là người xuất gia thì các vị nhất định phải biết tự trọng–không nên coi mình quá thấp hèn, song cũng không được cống cao ngã mạn. Lúc nào cũng phản tỉnh và tự kiểm thảo–hể có làm lỗi lầm gì sửa đổi ngay, nếu không có lỗi thì phải tiến tu; tuyệt đối không được cẩu thả hoặc buông lung, phóng dật.
Một khi các vị đã là đệ tử xuất gia của tôi, hễ tôi thấy lỗi lầm gì của các vị thì tôi nhất định sẽ nói ra để các vị biết mà sửa đổi. Nếu tôi không nói ra, thì tôi thật có lỗi với các vị. Sau khi tôi đã nói ra những điều mình thấy rồi, thì các vị nghe hay không, sửa đổi hay chăng, đó là chuyện của các vị. Tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ người Thầy, không hổ thẹn với lương tâm là đủ.Các vị chớ nên để đến khi đọa địa ngục rồi mới oán trách Sư Phụ: “Ôi! Tại sao lúc đầu Sư Phụ không dạy tôi nghiêm hơn một chút? Nếu quả Thầy dạy tôi kỹ hơn, thì làm sao tôi bị đọa địa ngục được chứ?”
Nay tôi đã nói ra điều mà tôi muốn nói rồi, các vị xuất gia phải ghi nhớ: Các vị không được quấy rầy hoặc can thiệp vào sự tự do của kẻ khác, và cũng đừng làm ảnh hưởng đến hành động của họ. Nếu bản thân mình không muốn tu hành thì thôi, đừng làm trở ngại sự tu hành của người khác; mình không trì Giới, nhưng đừng cản trở người khác trì Giới; mình không tu tập đức hạnh, thì chớ chướng ngại sự tu tập đức hạnh của người khác. Người nào có tư tưởng và hành vi như trên, thì nhất định phải sửa chữa, “đổi ác thành thiện” ngay. Người xuất gia thì từng giây từng phút đều phải tự kiểm soát chính mình–mỗi lời nói, mỗi việc làm đều phải luôn luôn đúng theo Giới Luật. các vị phải nghiêm chỉnh, không được phóng túng, vô kỷ luật; không được muốn gì thì làm nấy. Có câu:
Vô quy củ bất năng thành phương viên.
(Không có khuôn phép thì chẳng thể thành vuông tròn)
Do đó khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài dạy Tôn-giả A Nan: “Hãy lấy Giới Luật làm Thầy!” Ðó chính là điều mà người xuất gia phải ghi lòng tạc dạ.
Khi chúng ta ăn cơm thì phải nhớ Tam Niệm, Ngũ Quán; bởi:
Thí chủ nhất lạp mễ,
Trọng như Tu Di sơn,
Thực liễu bất tu hành,
Bì mao đái giác hoàn.
(Một hạt gạo thí-chủ,
Nặng bằng núi Tu Di,
Ăn rồi chẳng tu trì,
Mang lông, đội sừng trả.)
Thật đáng sợ và nguy hiểm như vậy đấy các vị ạ ! Ðó gọi là “dưới tấm áo cà-sa vuột mất thân người” vậy!
Cho nên, người xuất gia dù ở bất cứ đâu cũng đều phải giữ vững Giới Luật. Khi chưa dứt được sanh tử, chưa đoạn được tâm dâm dục, thì chúng ta không lúc nào được biếng nhác, buông lung, phóng túng. Ðức Phổ Hiền Bồ Tát dạy rằng :
“Một ngày đã hết, mạng cũng giảm dần,
Như cá cạn nước, thử hỏi vui gì ?
Ðại chúng ! Hãy siêng tinh tấn, như đầu bị đốt,
Chỉ nhớ vô thường, chớ mặc buông lung !”
Người xuất gia chúng ta phải biết quý trọng từng giây từng phút. Hãy nhớ rằng :
Một tấc thời gian : một tấc vàng,
Tấc vàng khó chuộc tấc thời gian.
Thời gian quý báu như thế, cho nên chúng ta không được lãng phí. Mỗi người đều phải dụng công tu hành, phải tinh tấn hơn nữa, thì mới mong có được sự thành tựu. Phàm là kẻ dụng công tu hành thì không có thời giờ để nói chuyện thị phi, chẳng có thời giờ để làm những việc lăng xăng, làm gián đoạn sự tu hành. Về điểm này. tôi hy vọng mọi người hãy chú ý.
Khi tôi thấy những người không chịu tu hành thì tôi cảm thấy vô cùng đau xót. Như thế chẳng phải rằng họ đã không thực hành thệ nguyện mà họ đã lập lúc ban đầu, khi mới xuất gia tu hành hay sao ? Những kẻ xuất gia mà “tâm nghĩ một đằng, miệng nói một nẻo” thì có xứng đáng là Tăng Bảo hay không? Tôi mong rằng các vị đều biết tự trọng!