Nhiều Phật tử mới tại Hoa Kỳ đang phổ biến tư tưởng cho rằng họ là một tăng đoàn và phong trào tăng đoàn cư sĩ là sự thích ứng đúng đắn của Phật Giáo vào hoàn cảnh Hoa Kỳ. Tư tưởng kỳ lạ và nguy hiểm này từ đâu đến?
Theo truyền thống, Tăng đoàn được xem là ngôi báu thứ ba trong Tam bảo – Phật, Pháp và Tăng – là nền tảng của Phật Giáo. Tăng đoàn nói lên cộng đồng những tu sĩ tăngni thọ cụ túc giới (toàn giới) cống hiến cuộc đời, dành toàn thời gian, cho con đường Phật Đạo. Trong cả hai truyền thống Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) và Nam tông (Nguyên thủy), những giới luật liên hệ điều hành đời sống của công đồng Tăng đoàn hầu như đều giống nhau. Những giới luật nầy bảo đảm cuộc sống trong sạch, tuyệt dục, và xa rời những dục vọng thế gian. Trong Phật giáo Nam tông và Bắc tông, những vị Thầy vĩ đại và những Đại sư giác ngộ hầu như đều chỉ từ Tăng đoàn mà ra. Đã từng có một ít nam nữ cư sĩ Phật giáo giác ngộ trong quá khứ, nhưng họ không người nào là không hết lòng hộ trì Tăng đoàn như là nền tảng của một công đồng Phật giáo rộng lớn hơn.
Làm thế nào những cư sĩ lại có thể tạo thành Tăng đoàn? Đây là trường hợp vì chỉ có một ít hiểu biết nên là điều nguy hiểm. Họ nghe rằng trong Phạn ngữ Sanksrit chữ tăng đoàn (sangha) có nghĩa là cộng đồng và tự bảo nhau là chúng ta là cộng đồng, do đó chúng ta nên gọi chúng ta là Tăng đoàn.
Tại sao họ lại bỏ qua ý nghĩa truyền thống của Tăng đoàn trong Phật giáo? Tại sao họ tìm cách giành lấy vai trò của tăng ni mà không cần gánh vác những quyết tâm, thệ nguyện và trách nhiệm? Đây là trường hợp của một cái thấy ban đầu đúng lại đưa đến kết luận sai vì thiếu những thông tin chính xác.
Hầu hết những người trong phong trào tăng đoàn cư sĩ được giới thiệu về Phật giáo qua các Trung tâm Thiền Hoa kỳ (Zen Centers) tự xem là truyền thống Thiền tông Nhật bản, thuộc Phật giáo Đại thừa Bắc tông. Họ thấy rằng những người thầy trong tông này, cả người Nhật và người Hoa kỳ, đều kết hôn và trong nhiều trường hợp có lối sống cách xa sự mộc mạc và thanh tịnh. Điều đó đánh thức họ rằng không có lý do gì để họ ủng hộ những người được gọi là tu sĩ hay tăng sĩ mà lối sống của những người này không thật sự cao thượng hơn hay đáng tán dương hơn lối sống của họ. Điều này thật hợp lý. Nhưng như vậy, thay vì ủng hộ một Tăng đoàn đích thật, họ lại tự dựng họ lên thành tăng đoàn. Họ không nhận thức được rằng truyền thống Thiền Nhật bản (Japanese Zen) của họ là xuất xứ từ Thiền Trung hoa (Chinese Chan) (Zen – Thiền – là lối phát âm của Nhật bản) và các dòng Thiền Trung hoa có thể truy ra gốc rễ từ Ấn độ và cuối cùng đến đức Phật. Họ không biết rằng tất cả các Đại Thiền sư Nhật bản đều ủng hộ mạnh mẽ truyền thống tu viện từng hiện hữu tại Ấn độ và Trung hoa như là điều tuyệt đối thiết yếu cho sự sống còn của truyền thống Thiền Nhật bản. Họ không nhận thức được rằng chỉ đến năm 1868, chỉ cách nay hơn một trăm năm, chính phủ Nhật bản đã đóng cửa tất cả các Tu viện Phật giáo và đẩy các tăng ni hoàn tục. Lý do xóa bỏ Tăng đoàn đích thật tại Nhật bản là lý do chính trị, và không người nào tại Nhật cố gắng lý giải trên cơ sở tôn giáo. Tăng đoàn chỉ đơn giản không bao giờ được tái lập tại đó.
Hầu hết mọi người trong phong trào tăng đoàn đều có ý định tốt, nghĩ rằng họ đang xây dựng Phật giáo Hoa kỳ thật sự. Không may là họ không biết rằng, trong suốt quá trình lịch sử, bất cứ nơi nào có tăng đoàn vững mạnh và thanh tịnh thì Phật giáo thịnh hành, và bất cứ nơi nào tăng đoàn yếu kém và băng hoại, thì Phật giáo suy đồi. Bằng cách tự dựng mình lên thành tăng đoàn, thay vì khuyến khích, giúp đỡ, và ủng hộ Tăng đoàn đích thật, họ không những đã không giúp xây dựng Phật giáo Hoa kỳ, mà còn trực tiếp đối nghịch và phá hoại nó nữa. Những người có thiện ý này cần tìm hiểu thêm về các truyền thống của mình, để họ có thể hiểu về những nguy hại họ đang gây ra, để thay đổi lại, và đi vào con đường Chánh đạo.
Ron Epstein
Bản Anh ngữ đăng trên nguyệt san Vajra Bodhi Sea, v. 16, ser. 38, no. 188, Jan. 1986, p. 18.
(Bản Hoa ngữ Wan-fo Ch’eng, Sept. 1985, p. 18.)