Khai Thị của Hòa Thượng Tuyên Hóa nhãn phiên họp tại Học Viện Dịch Kinh Quốc Tế ngày 17 tháng 5, 1992
(Vajra Bodhi Sea July 1992, trang 47-48)
Tôi có hai điều nguyện – điều thứ nhất là phiên dịch kinh điển.
Sau khi xuất gia, đối diện với những vấn đề của thế giới, tôi đã nghiên cứu về các tôn giáo và luôn tự hỏi vì sao đạo Thiên Chúa cũng như đạo Giê su lại có thể truyền bá rộng rãi và có nhiều người tin theo như thế. Tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng các đạo lý của Phật Giáo rất cao thâm, vi diệu – cao thâm đến độ không thể đo lường, vi diệu đến nỗi chẳng thể nghĩ bàn – thế nhưng, tại sao đạo Phật lại không được phổ cập, không được lan truyền khắp nơi?
Tôi khám phá ra rằng đó là do kinh điển đạo Phật chưa được dịch ra ngoại ngữ – các bản dịch Anh ngữ còn quá ít ỏi, hiếm hoi. Chính vì thế, nên tuy rằng tôi không hiểu Trung văn và cũng chẳng thông thạo các ngôn ngữ khác, nhưng hễ tôi còn sống, tôi quyết tổ chức sự việc này cho tốt đẹp!
Về vấn đề phiên dịch kinh điển, chúng ta có khả năng dịch ra được bao nhiêu thứ tiếng thì hãy dich bấy nhiêu. Như thế, cho dầu quý vị không mong cầu Phật Pháp được phổ cập, Phật Pháp cũng sẽ tự nhiên trở nên phổ cập.
Công việc phiên dịch của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới được khởi sự từ năm 1968. Vào thời điểm ấy, những người phiên dịch kinh điển cũng là chưa lãnh hội được tới nơi tới chốn (1), và có một số lại chưa am hiểu tiếng Trung Hoa cho lắm, nên kinh văn dịch ra không thể tránh khỏi một vài sơ sót, nhầm lẫn.
Trước kia, việc phiên dịch kinh điển đều được các bậc quốc vương, hoàng đế dốc toàn bộ “lực lượng của quốc gia” để hỗ trợ; còn chúng ta ngày nay thì chỉ có “lực lượng của dân gian” – hàng dân giả với khả năng hạn hẹp mà thôi. Song, nếu chúng ta tạo được chút thành tích, tôi tin rằng trong tương lai, các vị nguyên thủ quốc gia cũng sẽ ủng hộ việc làm của chúng ta. Tuy nhiên, công việc trước mặt của chúng ta hiện nay là thiết lập nền tảng, hình thành một “lực lượng” từ trong dân chúng. Trên đây là nói về vấn đề phiên dịch kinh điển – điều nguyện thứ nhất của tôi.
Còn điều nguyện thứ nhì là gì? Là giáo dục! Tôi nhận thấy nền giáo dục hiện nay đang lâm vào tình trạng sắp bị “phá sản”. Nhân loại càng ngày càng xuống dốc, gần như cầm thú; vì vậy, hiện nay tại Vạn Phật Thánh Thành, tôi chủ trương đẩy mạnh việc giáo dục trước nhất. Công cuộc đề xướng giáo dục được bắt đầu từ bậc Tiểu Học. Tại các trường Tiểu Học, Trung Học và Đại Học, chúng tôi hiện đang từng bước, từng bước “vùi đầu vào công việc, chịu vất vả khó nhọc, âm thầm chăm bón” (2) để hoàn thành phương diện này.
Vì sao tôi lại cho rằng “nền giáo dục hiện nay đang lâm vào tình trạng sắp bị “phá sản”? Quý vị thử nhìn xem, các học sinh ở bậc Tiểu Học ngày nay sử dụng ma túy, buôn bán cần sa; ở bậc Trung Học thì càng khỏi phải đề cập tới, và ở bậc Đại Học thì phóng túng, buông thả một cách quá đáng.
Phương châm được dạy ở bậc Tiểu Học là tranh nhau trở thành “số một”. Trong một quốc gia, không thể nào ai ai cũng là “số một” được.
Nếu người nào cũng là “số một” thì ai là “số hai”? Phương pháp giáo dục kiểu này là một sai lầm nghiêm trọng!
Lại còn một lối giáo dục khác nữa – dạy trẻ em chăm chỉ học hành để tương lai có thể kiếm được nhiều tiền! Đó là mang lợi lộc ra làm mồi nhử học sinh đến trường chứ không phải là mục đích (bản chất) vốn dĩ của giáo dục. Mục đích ban đầu của giáo dục là dạy cho các em biết hiếu thảo với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo và người lớn, và biết cách vun bồi nền tảng làm người cho đúng dẫn trước đã. Vì vậy ở bậc Tiểu Học, chúng tôi chủ yếu dạy về đạo hiếu, hết sức đề cao đạo hiếu, để các em biết yêu quý sanh mạng của chính mình, yêu quý gia đình mình.
Vì tầm mức suy nghĩ của học sinh Trung Học có phần nào rộng lớn hơn, nên cần dạy cho các em biết yêu quý và bảo về tổ quốc một cách chân chánh. Chân chánh yêu đất nước của mình tức là không xâm lăng đất nước của kẻ khác. Thế thì, nếu nước khác tấn công nước mình thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta hãy bồi đắp nền tảng làm người cho tốt đẹp, hoàn chỉnh – biết cách làm người, biết cách yêu nước, thì tự nhiên chúng ta sẽ có một đôi quần thần thánh để chống cự ngoại xâm. Đây là nghĩa lý thiết yêu dành cho bậc Trung Học.
Con Đại Học thì sao? Ở bậc Đại Học, Vạn Phật Thánh Thành chúng ta dạy về Nhân, Nghĩa, Đạo và Đức. Người hiểu được Nhân, Nghĩa, Đạo và Đức thi nhân cách nhất định sẽ đàng hoàng, ưu tú. Đó mới đúng là nền tảng của giáo dục, là cách phòng thủ chân chánh của quốc gia. Đây là về vấn đề giáo dục – điều quan tâm thứ nhì của tôi.
Chú Thích:
(1) “nhất tri bán giải” : chưa lãnh hội được tới nơi tới chốn
(2) “mai đầu khổ cần, mặc mặc cảnh vân ” : gầm đầu chịu cực, âm thầm chăm bón gây dựng.