Hằng Triều. Ngày 2 tháng 9, 1977

Có hơn 84.000 tấm cạc tông Phật Pháp

 

Lạy quanh khu vực thương mại, xuyên qua các khu dân cư vùng ngoại ô. “Cho đến bây giờ, các thầy học được điều gì trong cuộc hành trình của mình rồi?” một cặp đôi trẻ tuổi hỏi khi họ tới cúng dường.

“Nói ít, làm việc chăm chỉ, và kiên nhẫn”.

“Chuyện gì sẽ xảy ra khi các thầy đi về phía bắc của nơi này. Chẳng có gì cả. Chỉ là một vùng quê hoang tàn trải dài liên tục. Có lẽ chẳng có lương thực và nước trong nhiều dặm”.

“Chúng tôi sẽ làm gì?” Tôi nghĩ. Nhưng bằng cách nào đó tôi biết rằng dù chuyện gì xảy ra cũng không sao – cho dù đó là chuyện gì đi nữa. “Chúng tôi sẽ cố gắng chân thành ngừng lại từng lúc. Nếu chúng tôi có thể làm như thế và làm việc chăm chỉ thì chúng tôi sẽ có được bất cứ những gì cần thiết”. Nếu chúng tôi có thể bước đúng từng bước một thì chỉ có những điều đúng đắn ở phía sau và phía trước chẳng có gì phải lo sợ cả. Chúng tôi cũng học được một điều khác nữa: đơn giản hãy làm việc chăm chỉ và không vọng tưởng, đừng lên kế hoạch trước.

Một con ong đang bay vo vo điên cuồng trong xe, nó đâm và đập thân vào tấm kính phía trước xe với hy vọng để được bay qua. Cửa xe và cửa sổ xe chung quanh đều đang mở. Chỉ cần một cú xoay chuyển đơn giản và trong chớp mắt con ong có thể thoát ra ngoài qua bất kỳ một cái cửa nào. Nhưng con ong tội nghiệp vẫn luôn theo lối cũ, cho nên nó liên tục nỗ lực vô ích.

Tất cả những gì ở giữa chúng ta và sự giác ngộ chính là sự bám chấp và vọng tưởng. Đây chính là những gì mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên nói sau khi Ngài giác ngộ. Giống như tấm kính xe chắn gió, chúng ta thường có thể nhìn xuyên qua nhưng không thể cắn thủng xuyên qua nó được. Chúng ta mong mỏi sự tự do và trí huệ chân thật, thế nhưng dường như lại không thể thực hiện bước đầu tiên: “Sự đảo ngược vĩ đại” xoay lưng lại với bụi trần và phát Bồ Đề tâm. Cũng giống như con ong, chúng ta ngớ ngẩn liên tục vỗ cánh bám vào những thói quen ngu ngốc của chúng ta và đồng thời khao khát sự tự do. “ Vù vù, ầm, vù vù, ầm. Ôi, đau quá. Tại sao lại là tôi? Tội nghiệp tôi quá” Con ong nói. Đây chính là ý nghĩa, tôi nghĩ, trong Kinh Pháp Hoa, “Lấy khổ muốn bỏ khổ” (1).

Tôi lót một tấm cạc tông lên cửa sổ. Con ong lao vào, ngưng lại trong giây lát. “Mất rồi. Tôi không thể nhìn thấy bầu trời và những hàng cây nữa. Mất hết rồi. Trống rỗng. Chẳng còn gì nữa”. Rồi nó xoay vòng lại và bay qua chiếc cửa đang mở. Tự do!

Đối với tôi và nhiều người khác, Kim Sơn Thánh Tự và Thiền Sư Tuyên Hóa đã đưa lên một tấm cạc tông – có hơn 84.000 tấm cạc tông Phật Pháp ấy – để chấm dứt hết thảy cái sự vo ve và va đập của tôi,và cho phép tôi nhìn thấy tất cả các cửa và cửa sổ khác đang ở chung quanh tôi. Tất cả đang mở rộng, chờ khám phá.

Tiền cúng dường:

Pat và Bill Chiang: 10 USD

Chen Lee và gia đình: 20 USD.

Nguyễn Thị Gái: 20 USD.

Thân Hiếu: 50 USD.

Huỳnh Thị Kim Ngân 10USD, cúng dường bữa ăn trưa và các vật dụng khác.

 

Là một sa di, tiến trình xuất gia tiến triển chậm chạp và đầy ắp nỗ lực để “về nhà”, nghĩa là đi ngược lại những thói quen và bám chấp cũ.

Điều cơ bản và “tự nhiên” nhất là sự ham muốn. Người ta nói rằng ham muốn tình dục là nguồn gốc của sanh tử; Kinh Lăng Nghiêm nói rằng, “Lòng dâm không dứt, Trần gian chẳng thoát “.

Một khi quý vị phát cái tâm hiểu biết điều này, và “ra khỏi nhà – xuất gia”, thì công việc lúc đó là tiếp nhận quyết tâm này và làm cho việc “xa lìa mọi ham muốn và nhiễm ô” trở nên tự nhiên. Các luật nghi (oai nghi) và giới luật được thiết lập chỉ vì mục đích đó và cũng như “chim thì cần đôi cánh”, còn “người tìm kiếm sự tĩnh lặng” (sa di) thì cần những luật nghi này.

Khi các tình huống nảy sinh và nếu chỉ có chút ít định lực và trí huệ, thì rất dễ dàng bị “ đối cảnh lầm không biết” và rớt sự khảo nghiệm.

Một trong những quy tắc hướng dẫn là “không nói chuyện với phụ nữ, đặc biệt là chỉ có hai người hoặc chỗ riêng tư”. Hôm nay, trong khi chúng tôi đậu xe ở dưới lùm cây bên ngoài đường xa lộ để dùng bữa ăn trưa, thì một viên cảnh sát tới và kiểm tra chúng tôi. “ Được rồi, ra khỏi xe – nhanh lên, đi nào!” Vói tay lấy “hộp giấy tờ pháp luật” gồm có danh thiếp, thơ di chuyển, các thứ giấy tờ chính thức khác, tôi đi ra khỏi xe cố gắng kiểm soát và làm dịu tình hình. Nhưng sau một cuộc đàm thoại dài với người cảnh sát, đột nhiên các quy tắc đó chợt lóe lên trong tôi vì tôi đã thậm chí không vượt qua nổi cái phù hiệu và bộ đồng phục màu xanh.

Thầy Hằng Thật ngồi lặng người trong xe nghe và xem, trong khi cả phần ăn trưa và năng lượng của tôi trở nên lạnh cóng. “Thầy không phải nói chuyện với viên cảnh sát, mà thầy nói chuyện với một phụ nữ”, thầy ấy viết thế. Tôi đã cảm thấy thế nào? Con chim cảm thấy thế nào nếu nó thiếu mất đôi cánh?

Đạo Phật là giáo lý của vũ trụ. Nó bao gồm tất cả mọi vật và chẳng loại trừ cái gì cả. Rộng lớn và vĩ đại như đại dương và hư không, không thể bị phân cách bởi hàng rào hay chia chẻ. Đôi khi điều đó quá lớn lao đối với chúng ta. Tâm trí của chúng ta bị bám chấp và mê mờ. Vì thế, thay vì mở rộng sự giới hạn của chúng ta, chúng ta lại giới hạn sự mở rộng của mình. Với những con dao mổ và con dao cắt, chúng ta cắt đôi và mổ xẻ. Từng phần, từng phần, nhiều phần! Chúng ta đẽo gọt và cắt tỉa cho tới khi tìm được cái mẩu phù hợp với mình. “Ồ, đúng rồi, cái miếng đó đẹp đấy, tôi sẽ lấy nó!” chúng ta nói một cách hạnh phúc. “Đó đúng là cái mà tôi đang tìm kiếm”. “Giáo phái của các anh là gì?” một người đàn ông ở Santa Barbara hỏi. “Tôi không thể theo dõi được hết, chắc hẳn phải là 80,000 hoặc hơn chứ hả?” anh ta nói thêm.

Có cùng một thể tánh với tất cả chúng sinh và vạn vật thì gọi là đại bi (Đồng thể tức đại bi). Đại bi là chất keo dính cần thiết để gắn tất cả những miếng nhỏ đó trở lại với nhau – “để quay trở lại cội nguồn” (phản bổn hoàn nguyên). Hoặc như một người phụ nữ nói khi cô ấy với tay qua hàng rào để đưa cho chúng tôi mấy trái cà chua hái từ vườn nhà mình, “Dù các anh là ai thì điều đó cũng không thành vấn đề gì lắm. Tất cả chúng ta đều cùng đến và cùng đi từ cùng một nơi thôi, tất cả mọi vấn đề khác không quan trọng, đúng không?”

Thật khó để tìm được một chỗ cắm trại ở trong thành phố. Cảnh sát dừng lại và hỏi chúng tôi ngay khi trời bắt đầu chạng vạng tối.

Ghi chú lại cho bản thân tôi: Mấy đêm tuần vừa rồi lạy đêm và ngủ ít, ngươi bị đẩy tới những điều thật sự căn bản–như là bám chấp vào sự hiện hữu và “gia đình”. Nếu ngươi có thể từ bỏ, thì hãy từ bỏ và tiến bước. Nhưng nếu ngươi từ bỏ mà tâm trí không thực sự từ bỏ thì chỉ lãng phí thời gian và công sức và không chân thật. Mình phải lựa chọn và xác định tư tưởng: đi hay ở. Điều mấu chốt là phải vượt qua khỏi chỗ cả hai đều có thể được, nghĩa là nửa ở và nửa đi. Ngươi đã làm điều đó quá nhiều lần rồi và điều này đã gây ra vô vàn nỗi đau và rắc rối cho những người khác.

Còn nhớ điều nhận định của ngươi về việc xuất gia không? Khi ngươi bước vào cửa chùa Kim Sơn, buổi giảng vừa mới bắt đầu. Nếu như ngươi đã chuẩn bị quyết tâm, thì ngươi cần phải làm điều đó ngay lập tức – không có thời gian để suy nghĩ. Trong thâm tâm, ngươi biết rằng ngươi chỉ có thể đi. Ngươi biết mình không thể ở lại và cũng không thể có được cả hai. Vì thế, tận trong thâm tâm hãy từ bỏ hết mọi thứ. Đừng nhầm lẫn sự ham muốn ở lại cùng với những lợi ích gia đình của ngươi.

Lợi ích cho họ về việc ngươi tu hành theo Đạo hết khả năng của mình thì to lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ sự việc trần tục nào mà ngươi có thể làm hoặc đáp ứng được cho họ. Mối nghi này đang là “sai một ly” ở lúc khởi đầu. Và đến lúc cuối thì ngươi đã cách xa cả nghìn dặm rồi. Hãy buông nó ra đi. Thực hành theo Đạo bằng cả trái tim mình. Đừng đuổi theo cái nhỏ bé và dễ dàng, được không? Được.

Mọi thứ thay đổi, không có gì dừng lại. Bạn bè, gia đình, chồng, vợ, con cái, tất cả dịch chuyển và biến mất. Ngươi cần phải từ bỏ khi có cơ hội và thực sự có thể làm một vài điều tốt đẹp nào đó. Hãy tu hành liền bây giờ! Đừng ngồi chờ chết và chờ đến lúc tách rời mình và những người khác. Cuối cùng thì ai cũng phải tự mình đối mặt với điều đó, một mình. Cha mẹ của ngươi sẽ như vậy và họ đều biết điều đó. Cha mẹ của họ đã như thế và họ cũng đã biết điều đó; Rằng không đối mặt với nó một cách chân thật, điều này thật lãng phí và ngốc nghếch; và cuối cùng là sự ích kỷ nhất trong mọi hành động. Nếu ngươi thành thật muốn trả ơn lòng tốt của cha mẹ, thì đừng ngu ngốc và lãng phí cuộc đời mình như thế. Hãy hoàn toàn rõ ràng về sự thật của những vấn đề này.

Chúng không chỉ là những lời nói và ý tưởng. Cần phải rất rõ ràng về điều này rồi tận lực làm việc chăm chỉ hết sức mình để làm những điều gì đó thực sự có ý nghĩa. Hãy cố gắng hết sức mình.

 

Cuộc đàm thoại với Dan, một thợ máy xe hơi tại trạm xăng ở Santa Barbara.

Dan: “Các thầy có chuyện gì vậy?”

Tôi: “Chúng tôi có hai chỗ rỉ lớn, cần xăng, nước và vài lời chỉ dẫn nếu anh có thời gian”.

Dan: “Đó là chiếc xe cổ điển đời 56 phải không?”

Tôi: “Đúng thế. Đoán hay lắm”.

Dan: “Anh trai tôi có một chiếc. Để tôi xem có thể làm gì được nào. Thế các thầy đang làm gì ở ngoài đó thế?”

Tôi giải thích cuộc hành hương.

Dan: “Trông có vẻ kỳ quặc”.

Tôi: “Mọi thứ không phải lúc nào cũng như mình thấy”.

Dan: “Điều đó chắc chắn rồi. Này, hai con ốc lớn bị lỏng. Bởi vậy mới bị rỉ. Tony, lấy cho tôi một cây nối mở ốc 5/16”.

Tôi: “Vậy sao?”

Dan: “Các thầy sẽ là chiếc xe chậm chạp nhất ở San Francisco”.

Tôi: “Không sao. Chúng tôi cần chậm lại”.

Dan: “Tôi cũng vậy, nhưng không phải chậm đến như thế. Nếu tôi phải làm việc đó, thì tôi sẽ đem theo xe mô tô của tôi”.

Tôi: “À, chúng tôi sắp lạy dọc theo đường rầy xe lửa, vì thế…”

Dan: “ Sẽ được thôi Vẫn kỳ quặc, tôi nghĩ”.

Tôi: “Nhìn bề ngoài trông nó có vẻ kỳ lạ, nhưng bên trong nó là việc tốt nhất mà tôi đã từng làm qua”.

Dan: “Thật sao? Máy xe bị nứt. Tôi nhìn thấy khói trắng phả ra phía sau khi anh đề máy xe. Nghĩa là có nước ở trong động cơ”.

Tôi: “Thật chứ?”

Dan: “Nó sẽ là một vấn đề.”

Tôi: “Máy xe bị nứt?”

Dan: “Không, đường rầy kìa. Anh đã từng đi bộ theo đường rầy bao giờ chưa ? Đường rầy không bằng phẳng. Anh không bao giờ có nhịp điệu hoặc bước đi đều đặn”.

Tôi: “Có lẽ anh nên đi theo chúng tôi. Chúng tôi không có đầu óc hoạch định. Anh có thể hiểu ra được các vấn đề đó ”.

Dan: “Tôi sẽ dùng xe đạp – nhanh hơn. Chiếc xe Plymouth cũ kỹ đó có thể đi tới nơi. Hmmm. Có thể lắm. Cho dù như vậy, nó vẫn trông hơi kỳ quặc”.

Tôi: “Khi chúng tôi di chuyển và thay đổi đó là ở bên trong, nó chẳng có vấn đề gì cho dù chúng tôi chạy nhanh như thế nào và dù trông nó ra sao”.

Dan: “Không tính tiền. Rất dễ sửa. Anh biết không”. Lần đầu tiên anh ta nói chậm rãi và nghiêm túc trong suốt cuộc đàm thoại: “Tôi đã ở yên một chỗ trong suốt hơn năm năm qua rồi”, anh ta chỉ tay về phía trạm xăng. “Năm năm ở yên một chỗ và tôi vẫn chẳng ở đâu cả”.

Tôi: (yên lặng).

Dan: “Chúc may mắn. Dù sao thì trông nó cứ kỳ quặc thế nào ấy”.

 

Tiếng vang của lòng từ bi

Một chiếc xe tải thắng két bánh trượt vào lối đậu xe phía trước trong khi người lái xe hét lên với chúng tôi. Một người đàn ông vẻ dữ tợn, vạm vỡ bước ra khỏi xe và đứng trong tư thế tấn công ở phía đằng trước chúng tôi. “Đây là nhà của tôi, chỗ này – ra khỏi đây!” Thầy Hằng Thật vẫn yên lặng lạy tiến về phía trước. Khi thầy ấy đi qua phía sau của chiếc xe thì một người đàn ông khác liền tăng ga đe dọa, định cán qua thầy Hằng Thật. Thầy Hằng Thật liền nhẹ nhàng tụng, “Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ Tát” và bước ba bước đều đặn. Chiếc xe tải di chuyển và tắt máy. “Biến ngay ra khỏi sân nhà tôi hoặc là…” Không phản ứng. Cuối cùng, khi chúng tôi đi qua, “Các anh đang làm gì thế?” Chúng tôi đưa cho anh ta một bản thông cáo và trả lời vài câu hỏi. “ Đi qua khỏi San Francisco luôn sao?” anh ta nói tiếp và rồi thì: “Các anh bảo trọng nhé”.

Suốt thời gian lúc đó tôi đã liên tục niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” và nghĩ về anh ta như là cha hoặc là chú của mình. Nhưng sự kiên nhẫn, động thái di chuyển chậm rãi và sự yên lặng thực sự đã làm cho người ta dừng lại và suy xét lại về những gì mình đang nói. Sự yên lặng của thầy Hằng Thật giống như là một tiếng vang từ bi – tất cả những gì người ta nghe thấy đều là âm thanh từ trái tim mình. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người đã chuyển lại suy xét trong thâm tâm mình khi sự yên lặng của thầy ấy khiến cho họ tự hỏi. “Nếu giữ im lặng trong vòng một năm sẽ như thế nào? Tôi sẽ tìm thấy gì ở trong mình?” Và vào đúng lúc yên lặng đó, nếu người ta tự hỏi mình câu hỏi ấy, thì chắc hẳn họ sẽ tìm thấy điều gì đó.

Phật Pháp thật là vi tế, tuyệt vời và khó mà đo lường được. Tất cả mọi ngôn từ và lời nói đều không thể diễn tả được…

 

Thực hành không sợ hãi

Xa lìa mọi ngôn từ (3)

 

Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Quang Minh Giác

 

Ghi chú:

 

(1) Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện http://www.dharmasite.net/KinhPhapHoa1.htm#4 :

Do tham-ái tự che

Ðui mù không thấy biết

Chẳng cầu Phật thế lớn

Cùng pháp dứt sự khổ

Sâu vào các tà-kiến

Lấy khổ muốn bỏ khổ

Phật vì chúng-sinh này

Mà sinh lòng đại-bi.

(2) Kinh Lăng Nghiêm: :淫心不除、塵不可出 – Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất.