Trần Quả Kiệt viết

Dịch từ nguyên bản Hoa  ngữ PHỤNG GIÁO TU HÀNH BÁO SƯ ÂN đăng trong “Kim Cang Bồ Đề Hải” (Vajra Bodhi Sea) số tháng 6, 2007 tr. 36-40

Thượng Nhân lúc còn tại thế dạy rằng người tu hành điều căn bản nhất là phải học tập rèn luyện tinh thần nhẫn nại, phải nhịn khát, nhịn đói, nhẫn nóng, nhẫn lạnh, chịu đau, chịu mắng, nhẫn chịu nhục, vân vân …; phải nhẫn những điều mà người khác không thể nhẫn, ăn những món mà người ta chẳng thích ăn, làm những việc mà mọi người không thể làm, thì tương lai mới đặng thành tài.

Tôi mãi mãi không thể nào quên chuyến đi vào năm 1984 cùng Sư Phụ sang Chùa Kim Luân hồi đó còn tọa lạc tại đường số 6 ở Los Angeles .  Nhiệt độ mùa hè lúc đó lên đến 100°F, Ngài ngồi trong chiếc xe cũ kỹ không có máy lạnh, nóng đến nổi tràng y đẫm ướt hết; Ngài chẳng mảy may có lời than vãn, vẫn giữ nguyên phong thái an nhiên tự tại.  Giữa đường xe ghé lại trạm đổ xăng, không giống như đại đa số chúng ta sẽ nhanh nhẹn đi tìm nguồn giải khát, bằng cách này nọ để giải nhiệt, Ngài xuống xe quay mặt hướng về đàn bò đang được chăn nuôi …. cũng là nơi có lò sát sanh thọc huyết giết mổ súc vật, và đứng tại đó một lúc lâu.  Mỗi một giây phút, Thượng Nhân đều tận dụng để độ những loài chúng sanh tội nghiệp nầy lìa khổ được vui.

Vào thời thập niên 80, tôi thường xuyên có dịp cùng Ngài đi chung xe.  Thể hiện thân tinh tấn của bậc tu hành, ngồi trong xe trên đường đi về, Ngài cũng không ngừng niệm lâm râm; có lúc ngài đột nhiên cung kính cẩn trọng chắp tay, mỗi giờ mỗi khắc đều đang tu hành độ chúng sanh, mọi nơi đều lấy thân mình làm mực thước.  Trên lộ trình đường dài, Thượng Nhân thỉnh thoảng hoan hỷ xướng tụng “Vĩnh Gia Đại Sư Chứng Đạo Ca” cho chúng tôi nghe.  Ngài có trí nhớ phi thường, không có một bộ Kinh nào Ngài không thuộc nằm lòng.  Tôi hỏi Ngài tại sao có được trí nhớ tốt như vậy?  Ngài trả lời là vì chẳng vọng tưởng, tâm không có những vọng niệm lăng xăng.  Trên đường đi, có lần tôi cảm thấy cảnh vật bên ngoài rất hữu tình nên mời Ngài ngắm xem; Ngài bảo: “Mắt tôi chẳng hướng ra ngoài để xem!”  Đó cũng là Ngài chỉ dạy tôi đừng hướng ra ngoài để theo đuổi tìm cầu, phải hướng nhìn vào trong.

Vì muốn làm cho Phật giáo mọc gốc bén rễ ở phương Tây, Thượng Nhân gian nan khổ cực khai triển đạo tràng. Đi tới lui nhiều nơi, có khi ngay cả vào ban đêm. Lúc bấy giờ đoạn đường nữa giờ cuối đến Vạn Phật Thánh Thành là con lộ đất rất quanh co nhỏ hẹp, mà có khi Ngài phải tới lui giữa Cựu-Kim-Sơn (San Francisco) và Thánh Thành một ngày hai lần.  Ngài trải qua muôn ngàn gian khổ, đổ mồ hôi, trút bao tâm huyết, chẳng ngơi nghỉ; ngày ngày đều như thế, năm này qua năm nọ đều như thế, không có lòng mệt mỏi chán nản.

Dù cho khó nhọc cực khổ thế nào, chúng tôi chưa bao giờ có thấy Ngài hưởng thụ, Ngài chỉ luôn nguyện vì chúng sanh thọ chịu khổ.  Vào những năm đầu thập niên 90, ngay cả khi Ngài đang bệnh nặng, có một phật tử rất hiếu kính cúng dường Ngài một chiếc ghế nệm dài rất êm, mong rằng Ngài có thể tĩnh dưỡng thoải mái; nhưng mà chiếc ghế nệm dài ấy trước sau chẳng được dời vào gian phòng của Ngài tại Viện Dịch Kinh.  Như Ngài đã từng nói, Ngài chẳng có chút lòng tham mảy may nào dù nhỏ như sợi tóc, Ngài không bao giờ mưu cầu sự thoải mái và tiện nghi trong đời sống cá nhân.  Ngài lúc nào cũng nói là Ngài chẳng có đức hạnh, không dám tiêu phước; bởi vì khi đã hưởng cạn hết phước, khi vị ngọt đã khô cạn thì vị đắng sẽ đến.

Sư Phụ thường hay nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta phải trân quý nguồn tài nguyên có được,  vì không phải dễ có; trời chưa tối hẳn thì không cần mở nhiều đèn ở khắp nơi, khi rời khỏi phòng không cần dùng đèn thì đừng quên tắt đèn.  Lãng phí của thường trụ thì phải gánh chịu nhân quả.

Mọi người ai ai cũng đều biết một tờ giấy lau tay Ngài xài rất lâu, phải dùng đến thực sự không có thể dùng nữa mới vứt bỏ.  Nhưng rất ít người biết việc Ngài vì tiết kiệm điện nên không mở đèn ở chỗ ở, và có một lần lúc trở về vì nhìn không rõ nên Ngài bị té ngã từ trên lầu té xuống.  Tôi kể ra đây chẳng phải vì muốn mọi người bắt chước không mở đèn để bị té ngã; nhưng để cần ghi nhớ: nếu như không có tinh thần khắc khổ tiết kiệm của Ngài, hôm nay chúng ta đã không thể nào có được đạo tràng tốt đẹp như thế này !

Gia Phong của Ngài là đạo tràng mỗi ngày đều phải chuyển pháp luân.  Một ngày chẳng chuyển pháp luân, thì một ngày không ăn cơm.  Những người ở đạo tràng nếu chẳng có mặt vào thời khóa sáng, chiều, không nghe Kinh thính Pháp, là phải dọn đi chỗ khác.  Ngài sẽ hỏi quý vị: “Quý vị ở đây không nghe Kinh, vậy quý vị đến đây để làm gì?”  Lúc Thượng Nhân còn tại thế thì người lớn và trẻ em đều phải có mặt ở Phật điện để huân tập tu học, trẻ em có thể làm bài của chúng trong Phật điện.

Hơn thế nữa, Thượng Nhân thiết lập qui chế nề nếp nghiêm mật ở các đạo tràng là: “Kẻ chẳng muốn tu hành, không thể phá rối người khác tu hành; cấm ngăn sự cấu kết, lôi kéo phe phái, a dua nịnh hót, tâng bốc bợ đỡ”.   Ngài dạy rằng kẻ tu hành ở ngay đạo tràng mà làm chuyện kéo phe lập đảng là hành vi rất xấu xa chẳng thanh tịnh; đi đứng ngồi nằm đều phải có oai nghi, thời thời khắc khắc phải dụng công hành đạo, đừng bỏ phí thì giờ.  Không được vừa nói vừa cười, nghiêng ngã ỏng ẹo, nhìn qua nhìn lại, từ sớm đến tối nói hoài chẳng hết, đối với pháp không có một lòng tôn kính. Sư Phụ dạy chúng ta có thể mỉm cười hoặc hội ý cười nhẹ; hồi trước nếu như đạo hữu phái nữ đồng tu tùy tiện há miệng cười lớn, Ngài sẽ lớn tiếng rống giọng sư tử, trước đại chúng hỏi cô cười cái gì ?  Có kẻ cười lớn mất hết uy nghi bị phạt quỳ trước mặt đại chúng mấy giờ đồng hồ. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc như thế của Ngài, trong tự viện chúng ta tuy cùng tiếp xúc gần gũi với nhau một năm cũng khó nói được 3 câu.  Bởi vì ưa thích nói chuyện là một chướng ngại to lớn cho việc tu hành, ưa cười và ham nói đều có liên quan đến dục niệm, cho nên kẻ tu hành cần phải chẳng khóc cũng chẳng cười, chẳng bị chỗ tình cảm ham muốn làm động. Thượng Nhân thường bảo:  “Không có nề nếp quy củ, thì chẳng thành vuông tròn”; kẻ tu hành từ xưa đến nay đều phải nghiêm giữ nề nếp, mới có thể có chỗ thành tựu.

Khoảng cách giữa Sư Phụ Thượng Nhân và chúng đệ tử thì chẳng quá gần gủi, cũng chẳng quá xa cách, luôn giữ mức trung đạo.  Nếu như học trò rời đạo khá xa, Ngài sẽ đột nhiên kéo người đó trở về, nhắc nhở phải từ bỏ chốn mê lầm trở về tánh giác [4].  Đối với Thượng Nhân mà nói, tứ chúng đệ tử là quan trọng đồng nhau; Ngài đối với chúng xuất gia, tại gia đều là cư xử bình đẳng, không phân đảng phái, không chia chủng tộc, nghèo giàu, không có tâm phân biệt, rất từ bi quan tâm mỗi một con người, không có một điều gì mà Ngài không thể xả thí cho quý vị.  Cái gì người khác không thích, Ngài nhận lấy; cái gì quý vị muốn có, Ngài chẳng hề do dự mà thí xả cho quý vị, bất kể quý vị tham muốn bao nhiêu, đều có thể làm quý vị hài lòng.

Sư Phụ cũng thường hay nói với chúng tôi, kẻ tu hành thì trong đầu đừng có đầy ắp sự tính toán làm sao có thể kiếm được nhiều tiền hơn; cũng đừng bao giờ toan tính hết cách để nấu ăn thật ngon, màu mè hoa lá, rườm rà như một bữa tiệc, làm hoa mắt rối trí, như thế có khác gì người thế tục, sáu căn không được thanh tịnh.  Thượng Nhân chỉ dẫn rằng nếu muốn tu hành thì trước tiên phải từ chỗ sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) đó mà hạ thủ công phu; nếu như chúng ta tham ăn thức ăn vị ngon thì trên cơ bản chúng ta đã không ngừng bị lưỡi căn vị giác làm quay cuồng.  Nếu chỉ vì không có thức ăn thơm ngon nên ăn cơm chẳng vô thì quý vị làm sao có thể tu hành được chứ?  Đó chẳng phải là nấu cát mà mong thành cơm hay sao?

Thượng Nhân không ăn dầu, muối; thuở đầu có rất nhiều vị đệ tử vì ngưỡng mộ sự tu hành của Ngài nên cũng bắt chước không ăn dầu, muối giống vậy.  Có khi có người đặc biệt nấu vài món ăn ngon, hay là mang rau cải, trái cây xếp đặt hoa mỹ đẹp đẽ mời Ngài, thì ngày hôm đó Ngài chẳng dùng cơm.  Kỳ thực, Sư phụ thường khi không ăn cơm, có khi là vì hồi hướng thế giới hòa bình; có khi vì đệ tử Ngài không vâng lời, Ngài tự quở trách mình đã không dạy dỗ học trò nên người; có khi là do giữa huynh đệ trong hàng đệ tử có chuyện tranh cãi, ngày đó Ngài lặng lẽ chẳng dùng cơm, không có ai biết được lý do tại sao.  Có khi đến nổi chuyện đã qua gần 10 năm rồi mọi người mới hiểu rõ ra là tại sao Ngài chẳng ăn cơm vào một hôm nào đó; mới nhớ lại là vì trong nhóm họ đã bất đồng ý kiến trong lúc sửa soạn thức ăn nấu nướng và gây ra tranh cãi, Ngài tuy không ở trong nhà bếp, nhưng lại chẳng có chuyện gì mà không hay, không có điều xảy ra nào mà chẳng biết.

Ở Chùa Kim Sơn đường 15 Cựu Kim Sơn (San Francisco), nền nhà có chỗ bằng xi măng không có trải thảm; bất kể có bao nhiêu cúng dường, Thượng Nhân cũng chưa từng bao giờ chi tốn một xu tiền để mua thảm trải.  Trai đường được dùng vào hai việc, trưa thì thọ trai, buổi chiều lại trở thành nơi chốn lên lớp nghe pháp của chúng tôi.  Thỉnh pháp xong xuôi, nơi Ngài ngồi duy nhứt là một chiếc ghế nệm cũ rách nát.  Sau khi có Viện Dịch Kinh, có hôm tôi trông thấy chiếc ghế nệm đã bị lõm sâu ở giữa; trong lòng nghĩ:  Ai mà cúng dường đạo tràng món đồ thật cũ kỹ như thế chứ? Về sau mới từ từ hồi tưởng lại, chiếc ghế cũ kia tức là của Ngài lúc ở đường 15 và Ngài đã ngồi trên đó hơn 10 năm rồi.  Trong lòng tôi rất cảm khái!

Trong ký ức của tôi, có một khoảng thời gian rất lâu dài, Thượng Nhân không sử dụng đồng tiền của thập phương để mua rau cải dùng trong chùa.  Chúng tôi đi lượm nhặt rau cải thừa dư phung phí của thiên hạ vứt bỏ, lựa lặt lại xong, lấy phần còn lại trong đó còn có thể  ăn được để mà làm thức ăn, không có bày biện thành những món ăn làm cho người ta trông thấy phải choáng mắt nhưng ăn vào cũng thơm ngon không kém. Sư Phụ mỗi mỗi đều lấy thân mình làm gương mẫu, dạy dỗ chúng ta lúc dùng tiền của thập phương phải rất dè dặt, chớ bị sai phạm nhân quả.

Vào thời đó Thượng Nhân một tuần giảng pháp 3 lần, cuối tuần còn phải thu xếp đến Vạn Phật Thánh Thành để giảng dạy; chẳng ngại công ngại khó vất vả lên về, chỉ vì giáo hóa chúng sanh. Chúng ta lúc đó mỗi người đều nhất tâm chuyên chú vào Phật pháp, tâm luôn no đủ, ngày ngày đầy ắp niềm vui Phật pháp[5], nên tự nhiên chẳng hướng ra ngoài mà tìm cầu duyên cảnh để bám níu; trong Chùa Kim Sơn ở đường 15, ở đâu cũng đều yên tĩnh lặng như tờ.

Có điều liên quan về ngày sinh nhật, Thượng Nhân bảo ngày sinh nhật là Mẫu Nan Nhựt (Ngày Mẹ Trải Qua Khó Khăn), không thể chúc mừng, cần nên đọc tụng “Kinh Địa Tạng” hồi hướng cho mẹ hiền; chớ có học Phật càng học càng điên đảo, càng học càng hồ đồ, làm kẻ mù dẫn người đui, đi sai đường lạc lối, làm quấy phá gia phong đạo khí của đạo tràng.  Kẻ tu hành phải đi ngược dòng nước chảy, đừng xuôi dòng hỗn hợp bẩn thỉu[6]; phải làm ngọn đuốc bừng cháy trước cuồng phong gió bão.

Thượng Nhân xây dựng đạo tràng là nơi thanh tịnh, chẳng phải là nơi chốn giao tiếp; Ngài muốn tạo ra là những vị Phật sống, chẳng phải là nuôi nấng những kẻ kinh doanh giao tiếp công cộng. Sư Phụ từ bi giáo hóa chúng sanh, một mạch lời ngay nói thẳng, chỉ thẳng tâm người; quý vị chẳng thích nghe, Ngài cũng phải nói.  Ngài chẳng phải la mắng ai, nếu như quý vị tu được thành công rồi, quý vị sẽ hiểu được rõ ràng.

Ngày trước Thượng Nhân đã từng gọi điện thoại cho tôi không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đều nói cùng một chuyện: Những gì Ngài khổ nhọc bỏ biết bao mồ hôi tâm huyết qua hơn 20 năm xây dựng thì hàng đệ tử chỉ mất vài ba phút thời gian là hầu như đem tất cả gia phong nề nếp đạo giáo tống khứ theo mây gió thổi đi mất.  Lần đó trong lòng Sư Phụ vạn phần chẳng thể kể hết, chẳng thể nào nói ra hết, nặng lòng đau xót lắm!  Ấn tượng của tôi hết sức sâu đậm!  Nguyện rằng chúng ta sẽ không tái phạm lần nữa, đừng để nề nếp gia phong của Ngài đã muôn vàn khổ cực xây lập nên bị thổi tan biến chỉ trong chớp nhoáng.  Muốn xây dựng Phật pháp hưng thịnh, chánh pháp trụ thế dài lâu, thật sự phải nhờ cậy vào mỗi một người con Phật y theo Phật pháp đã dạy mà vâng theo tu hành[7]; đây là điều người người đều có trách nhiệm, ai ai cũng có nghĩa vụ.

Sư Phụ! Con vẫn thường xuyên cảm nhận Ngài thật vô cùng cao cả!

ShrFu_sf_small

Thượng Nhận và hai câu đối phía sau lưng nói lên tông chỉ:

Đống tử bất phan duyên,
Ngạ tử bất hóa duyên,
Cùng tử bất cầu duyên.
Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên,
Bao định ngã môn tam đại tông chỉ.
Xả mạng vi Phật sự,
Tạo mạng vi bổn sự,
Chánh mạng vi Tăng sự.
Tức sự minh lý, minh lý tức sự,
Thối hành Tổ Sư nhất mạch tâm truyền.

Tạm dịch:

Dù rét chết, không phan duyên;
Dù đói chết, không van nài;
Dù nghèo chết, không cầu cạnh.
Tùy duyên, không đổi; không đổi, tùy duyên;
Ba Tông Chỉ ấy, ta phải giữ gìn.
Xả thân vì Phật sự,
Tạo mạng vì bổn sự,
Chánh mạng vì Tăng sự.
Hiểu sự, rõ lý; rõ lý, hiểu sự;
Lưu hành mạch phái Tổ Sư tâm truyền.

[1] Nguyên văn Hán : PHỤNG GIÁO TU HÀNH BÁO SƯ ÂN. Trong bài dich thường dùng các chữ “Thượng Nhân” và “Sư Phụ” là cách đệ tử tôn kính gọi Hòa Thượng. Chúng tôi giữ nguyên các cách xưng hô của bản Hoa ngữ.hú thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ:

[2] Phan duyên: bám víu, níu lấy, dựa theo, nhờ cậy vào (một điều kiện hoàn cảnh trợ duyên bên ngoài hay do người khác hộ trợ), thường dùng với ý nghĩa tâm có ý mưu cầu nhờ cậy, có khi công khai, có khi gián tiếp khéo léo .. Để phan duyên nhiều người dùng hình thức như nhờ vả, xin xỏ, khoa trương, quảng cáo thiếu thành thật để dối gạt người khác lầm tin … Do đó hạnh tu không phan duyên rất quan trọng! Còn có tâm phan duyên tức còn bị tâm tham hoặc ngoại cảnh chuyển, vẫn còn có ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.  Bậc chân tu thì không phan duyên. Xin xem thêm bài khai thị Người Tu Hành Không Ðược Phan Duyên của Hòa Thượng

[3] quên mất cái TA

[4] phản mê quy giác

[5] Pháp hỷ sung mãn

[6] ô hợp

[7] y pháp phụng hành