Hằng Triều – Ngày 12 tháng 10, 1977

Điều đó xảy ra một cách tự nhiên, từ trái tim

 

“Đơn giản là hãy để cho tâm trí như hư không trỗng rỗng mà không bám chấp vào cái cảnh trống rỗng ấy, và cáí ứng dụng sẽ vô ngại. Trong động hay tĩnh, không khởi lên ý niệm; quên đi cả cảm giác thánh phàm; dứt hết chủ thể lẫn khách thể. Tánh, tướng sẽ “như như” và không lúc nào là không ở trong cảnh định”.

“Lấy Pháp giới làm thể. Lấy vô hình làm tướng thì sẽ vô tướng. Lấy hư không làm tông. Lấy từ, bi, hỉ, xả làm công việc, làm dụng của mình”.

Hòa thượng Tuyên Hóa – Thiền thoại.

 

Chúng tôi đang ở phía bên kia của đèo Gaviota và đang rời khỏi xa lộ 101. Xa lộ 1 bắt đầu trở lại. Chúng tôi sẽ lạy một đoạn trải dài với những ngọn đồi trọc hoang vắng trùng trùng điệp điệp không có người ở , hướng về phía thành phố Lompoc và qua cả căn cứ không quân Vandenberg. Trời thật nóng nực, khô khan và tĩnh lặng.

4 giờ chiều. Tấm bảng chỉ đường che khuất ánh nắng mặt trời và nhìn lên bầu trời, ta có thể thấy không khí đầy những con bọ nhỏ và bụi bay lượn. Trông giống như là một trận bão tuyết của tất cả những vật sống và vật vô tri vô giác. Phấn hoa, bụi, côn trùng, hạt giống, các đám mây và những con chim bị xoáy và cuốn vào trong gió. Không khí đầy bụi đất. Cầm bình đựng nước đưa ra ánh sáng, có thể thấy đầy những sinh vật nhỏ, rất nhiều phù sa và những bong bóng không khí trôi nổi bập bềnh.

Đất và không khí đều ở trong nước. Lửa là một phần đất, một phần nước và một phần không khí. Ngôi sao ở xa nhất và chóp mũi của chúng ta tiếp xúc và kết nối nhau. Chúng ta thở và uống nó. Rồi nó trở thành chúng ta. Chúng ta sanh, trụ, hoạivà trở lại về nó. Chúng ta trở thành nó. Chúng ta tất cả đều là thành phần của điều này, và tất cả điều này đều là một phần của chúng ta. Nhìn nó như “thực sự như vậy”; thậm chí không có các phần hay các mảnh, không có ranh giới hay sự khác biệt gì cả. Toàn bộ Pháp giới giống như vậy. Không có diện mạo hay tên gọi, không có quá khứ hay tương lai; tất cả đều bình đẳng “tới tận cùng hư không”. Sự khác biệt và khoảng cách chỉ tồn tại trong tư duy của chúng ta. “Muôn Pháp (chân lý, con đường đi tới sự giác ngộ, các cách khai ngộ) đều như nhau”.

 

Như đất chỉ một tánh

Mọi loài riêng chỗ ở

Đất không nghĩ đồng khác

Pháp chư Phật cũng vậy.

 

Như lửa chỉ một tánh

Đốt cháy tất cả vật

Lửa không nghĩ đồng khác

Pháp chư Phật cũng vậy.

 

Cũng như một đại hải

Ngàn vạn lượng sóng trào

Nước biển vẫn duy nhất

Pháp chư Phật cũng vậy.

 

Cũng như gió một tánh

Thổi động tất cả vật

Gió không nghĩ đồng khác

Pháp chư Phật cũng vậy.

 

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Bồ Tát Vấn Minh thứ mười. Bài kệ do Ngài Đức Thủ Bồ Tát nói trả lời Ngài Văn Thù Sư Lợi.  http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem10.htm

 

Bay giờ thì tôi nhận ra được ba lý do gì để tôi trở thành tăng sỉ và thực hiện hành trình Ba bước, một lạy này:

  1. Hiểu được tâm của vạn vật
  2. Làm điều gì đó tốt cho những người khác bằng cuộc đời của mình
  3. Trả ơn lòng tốt của cha mẹ

 

thật ra đều chỉ là một, không phải là ba.

Làm lợi ích cho tất cả  chúng sanh cũng là trả ơn cha mẹ. Báo đáp lòng tốt của cha mẹ thì chính là đi tới tâm của vạn vật, tìm kiếm trí huệ cao nhất. Nếu tất cả những gì tôi làm chỉ là ăn, ngủ, mặc quần áo, thì những việc đó mang lại giá trị gì cho cuộc đời này mà cha mẹ đã cho tôi? Tu Đạo không khác với việc “giúp đỡ và hỗ trợ  chúng sanh ở khắp mọi nơi”.

Giống như tứ đại: đất, gió, lửa và nước, chúng đan quyện vào nhau và không thể tách rời; chúng ta và những việc chúng ta làm cũng vậy. Công việc này thật hạnh phúc làm sao!

Không có một chỗ nào mà người ta có thể chỉ vào và nói rằng, “Đây chính là nơi tôi kết thúc và là nơi người khác bắt đầu”. Giữa tất cả vạn vật và trong toàn bộ vũ trụ, nó là thế này: tất cả chúng sanh đều là gia đình của ta, vạn vật là thân thể ta. Phá dỡ tất cả hàng rào là chúng ta quay trở về với bản tánh nguyên thủy của mình. Chẳng còn gì tốt đẹp hơn.

 

Ngũ Tổ hỏi: “Ông từ đâu đến, đến đây để làm gì?”

Lục Tổ Huệ Năng đáp, “Đệ tử là dân huyện Tân Châu xứ Lãnh Nam, ở Phương xa đến đây lạy Tổ sư, chỉ cầu thành Phật chứ chẳng cầu chi khác”

Ngũ Tổ nói, “Ngươi là người xứ Lãnh Nam, lại là giống man di, thế nào thành Phật được?”

Huệ Năng đáp, “Con người tuy phân Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không Nam Bắc. Cái thân man di này cùng với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau, chứ Phật tánh nào có khác!”

Kinh Lục Tổ, phẩm Hành Do đệ nhất. http://www.dharmasite.net/KPBDLGP1.htm

 

Cuối cùng rồi thì cũng chẳng có lý do xuất gia và tu Đạo. Chẳng có quyết định hay lựa chọn, thực sự như vậy. Sống ở gần Sư Phụ, trở thành Tăng, ba bước một lạy diễn ra một cách tự nhiên, từ trong tâm. Hạt giống đã chín. Đó là những gì đến một cách tự nhiên và thành thật. Không có mục tiêu hay mục đích, không tìm kiếm hay có nhu cầu. Vậy có gì cần phải mở bày ra và làm cho tiến triển đây?

Không phải làm hay nỗ lực. Nó tiếp tục theo cách này. Tôi rất hạnh phúc và chẳng lo lắng chút gì nữa.