Hằng Triều – Ngày 25 tháng 7, 1977

Chư Phật đang đến, Phật – bơ

Thiền định thay đổi – chuyển đổi từ sự chú tâm vững chắc, tập trung sang bất chợt thấy mình biến mất, vào khỏang không. (Điều này xảy ra cả khi ngồi và khi lạy). Và rồi, có cái gì đến kiểm soát và tôi chợt nhận ra, “Ồ, tôi đây. Tỉnh dậy đi!” Tôi hoàn toàn không có ý thức gì về thời gian đã trôi qua bao lâu hay điều gì đã diễn ra quanh tôi.

Mọi việc trông sẽ như thế nào khi chúng được nhìn thấy mà không có tôi can dự vào? Không bị gạn lọc và sắp xếp bởi mọi ham muốn, vọng tưởng và sợ hãi của tôi. “Một niệm không sanh khởi, toàn thể hiển bày” (1).

Trong khi tôi lạy, điều này đã xảy đến với tôi: Không thể tạo cảnh phim trên trạng thái này được, vì tính kịch của phim sẽ giết chết mọi thứ. Sự vật sẽ trở nên chết cứng. Chúng đặt cái “ngã” to lớn lên tất cả những gì chúng nhìn thấy và làm đông cứng lại. Trong Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh Lược Giảng có nói, “… Nó biết tự tánh có thể sanh vạn pháp, vạn pháp quy về tự tánh” (2).

Nhìn vạn vật trên thế gian mà không có sự phân biệt thì mọi vật sẽ trông như thế nào? Tôi đã không thể nắm bắt được điều này nhưng đã nhìn thoáng được, nếm được một chút hương vị này trong buổi sáng nay trong khi lạy qua những đụn cát.

“Tôi nghĩ anh sẽ phải đã rất đói vào lúc này”, một người đàn ông nói khi cúng dường một số thực phẩm. “Tôi cũng nghĩ vậy”, tôi tự nói thầm với sự xấu hổ. Chúng tôi đã bị tràn ngập trong lương thực từ bài báo mới đây, trong đó tôi đã trả lời câu hỏi về làm thế nào chúng tôi duy trì bản thân bằng cách nói, “Mọi người đã rất tốt bụng và rộng lượng trong việc cúng dường lương thực, và rất có lòng đối với việc hành hương”. Câu trả lòi này là một lời kết phù hợp với câu truyện “Lòng tham lớn về thúc ăn mang lại thu hoạch ‘nhỏ’”. Câu truyện về chú Sa Di sợ bị chết đói, vì thế chú ta đã vọng tưởng về thức ăn và quên mất Phật, đánh đổi điều lớn lao để lấy cái nhỏ nhặt.

 

Bài trắc nghiệm bơ đậu phộng.

Không được có thêm vọng tưởng về thức ăn nữa ! Đủ rồi ! Tôi cương quyết bít lỗ hổng này. Năng lượng hình thành, và năng lượng đó đi đâu? Đến với chư Phật, hay rò rỉ ra ngoài các lỗ hổng?  Gần đây, lỗ hổng của tôi là cái bao tử và nếu tôi không dừng lại, tôi sẽ biến thành ma đói.

Vì thế tôi cố gắng. Nhưng, bơ đậu phộng lại làm tràn ngập tâm trí tôi. Rồi tiếp đến là tam muội bơ đậu phộng. “Bơ đậu phộng, bơ đậu phộng, tốt hơn hãy đến nhanh đi, nhanh đi”. Điều này cho thấy việc thanh lọc tâm có những lúc nhỏ nhặt như thế nào. Tôi đấu tranh và vật lộn để loại bỏ vọng tưởng này. Và ngay khi tôi bắt đầu làm chủ được tình thế thì một chiếc xe tiến đến. “Xin chào, tôi là Louise. Tôi cũng là người ăn chay. Các anh muốn tôi mang tới cái gì?” Quá nhiều rồi! Tôi sẽ không nói điều đó. Tôi sẽ không! Đây là một dạng thử nghiệm để xem tôi thực sự có thể từ bỏ bám chấp của mình vào thức ăn hay không. Tôi thậm chí sẽ không nghĩ đến nó.

“À, chúng tôi không bao giờ đòi hỏi gì cả. Bất cứ thứ gì mọi người muốn cúng dường. Việc đó tùy họ”. Có một giọng nói nhỏ, bị bóp nghẹn và bị bịt miệng, đang cố gắng hét lên: “Bơ đậu phộng. Bà Louise, hãy đưa cho tôi bơ đậu phộng!” Nhưng, tôi đã làm bóp ngạt đứa bé hỗn xược ấy. “Cứ nói đi” Bà Louise nài ép, “Tôi sẽ mang đến bất cứ điều gì các anh cần”.

Sư Phụ đã nói với tôi việc này sẽ xảy ra, và khi ấy tôi nên niệm “Chư Phật đang đến, chư Phật đang đến,” thay vì niệm “Thức ăn đang đến, thức ăn đang đến,”.

Thế là tôi đã làm như vậy. Lúc đầu việc ấy diễn ra với chút lộn xộn, “Chư Phật đang đến, Phật – bơ …”, ấy chết, ý con là… Và tôi đã thoát.  Bà Louise sau đó quay trở lại cùng với bánh mì và các loại hột đậu. Bà ấy nói sẽ quay trở lại. Tôi đã nghĩ “Có lẽ hễ tôi thường vọng tưởng về thức ăn thì bà ấy sẽ quay trở lại.”  Đôi khi sự thay đổi và tiến bộ được đo lường bằng vài phân (inches), đôi khi bằng những hột đậu phộng.

 

Ông Shao và Quả Kinh mang bữa trưa tới cúng dường và sau đó lạy theo chừng một tiếng rưỡi. Sau đó, một phụ nữ dừng lại và hỏi cô cùng chồng có thể lạy theo vào cuối tuần này hay không. Cô ấy đã nhìn thấy bốn chúng tôi và muốn làm theo. Nếu Phật giáo sẽ tồn tại sống động được ở phương Tây, thì đó chính là bằng cách này: là mọi người thực hành Phật Giáo.

 

Một chiếc xe tải dừng lại. Một người phụ nữ bước xuống, mở cửa xe và đám trẻ bắt đầu ùa ra giống như một trong những chiếc xe kéo ảo thuật ở gánh xiếc, và từ trong xe bốn mươi chú hề xuất hiện. Chúng cúng dường và nói với chúng tôi về người phụ nữ tám mươi tuổi này đã đi bộ khắp nước vì hòa bình (“Người hành hương cho Hòa Bình”).

 

“Tôi lo lắng đến chết vì các anh”, một người phụ nữ hốt hoảng từ trong chiếc xe hơi vừa mới đến nói. “Chuyện gì đã xảy ra với anh? Trời ơi” Đôi tay của bà nắm chặt và xoắn lấy tay lái chiếc xe với tâm trạng lo lắng, răng cắn vào môi dưới và nhìn về con đường phía trước, “Các anh sẽ làm gì ở cái cầu to lớn phía đằng trước kia?” Chiếc cầu to lớn? Ở giữa sa mạc? Tôi nhìn về phía trước, nơi bà ta đang chỉ tay tới thì chỉ là một cái cầu vòng nhỏ (mười mét hoặc hơn vòng phía bên trên một khe nước sâu đã khô cạn). “Tôi thật không hiểu, mấy anh làm tôi lo lắng phát bịnh”.

“Chúng tôi rất an toàn và hạnh phúc, thưa bà. Không cần phải lo lắng đâu”.

“Ôi trời. Các anh không biết tất cả những thứ này khiến tôi lo lắng thế nào đâu!”. Bà ấy không mấy được an tâm và cũng chẳng bình tĩnh lại.

 

Ghi chú:

(1) Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giảng do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng, Phẩm Sám Hối http://www.dharmasite.net/KPBDLGP6.htm :

Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, nếu cái gì cũng không nghĩ, thì

“Nhất niệm bất sanh, toàn thể hiện.”  (一念不生全體現)

Một niệm không sanh, Phật tánh bổn lai liền hiển hiện. Nhưng quý vị có thể “không sanh” không? Quý vị có thể không có vọng tưởng không? Nếu quý vị có thể không có vọng tưởng, đó chính là Phật. Nhưng nếu chưa đạt đến cảnh giới này, thì cần phải tu hành. Nếu không tu hành thì người vẫn là người, chó vẫn là chó.

“Lục căn hốt động bị vân giá.”  (六根忽動被雲遮)

Lục căn, lục trần, lục thức vừa động thì bị mây che phủ.

 

(2) Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giảng do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng, Phẩm Bát Nhã http://www.dharmasite.net/KPBDLGP2.htm

Kinh văn:

Chư Thiện tri thức! Kẻ mê miệng nói, người trí lòng làm. Lại có người mê để lòng trống không, ngồi yên lặng chẳng nghĩ đến việc gì mà nói chính đây là “lớn.” Với hạng người ấy, không thể nói gì được, vì họ bị sa vào lưới tà kiến.

Chư Thiện tri thức! Cái tâm lượng thiệt là rộng lớn, châu biến cả thảy Pháp giới, dùng nó liền hiểu rõ ràng. Cái tâm lượng khi ứng dụng ra, thì biết hết thảy cả sự vật. Cả thảy tức quy về một, một tức gồm hết cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ, tức là Bát nhã vậy.

 

Giảng:

Người mê chỉ biết miệng nói mà không biết thực hành, người có trí huệ chân chánh thân hành thực tiễn mà không tu khẩu đầu thiền. Lại nữa, người mê để tâm không ngồi thiền, cái gì cũng không nghĩ đến mà nói đây chính là “lớn.” Những người này đã lạc vào ngoan không, không nên cùng với họ giao lưu tiếp chuyện, vì họ là tà tri tà kiến, không phải là chánh tri chánh kiến, cho nên không cần để ý đến họ.

Ðại sư lại nói:

–Quý vị đều là người có trí huệ. Tâm lượng quảng đại rộng khắp pháp giới, mà pháp giới thì không có gì không bao hàm. Tâm dụng rõ ràng sáng suốt, như gương soi vạn vật, vật đến thì chiếu, vật đi thì không; ứng dụng của nó là biết tất cả, biết tất cả tức là một, một tức là tất cả. Nó biết tự tánh có thể sanh vạn pháp, vạn pháp quy về tự tánh, tự tánh đến đi tự do. Bổn thể của tâm thông suốt, không có ngưng trệ, không có cái gì không thông, chính là minh bạch tất cả, không phải ngu mê, đó chính là Bát nhã.