Hằng Triều – 30 tháng 9 năm 1977

Con đường thế gian không đi đến đâu

Những cơn gió lạnh, giật từng cơn – những cơn gió giật mạnh thổi cả ngày lẫn đêm.

Thầy Hằng Thật và tôi ngồi xổm trên một sườn đồi lạnh giá trước khi bình minh lên, nhìn ra phía đại dương và bờ biển gồ ghề. Một ánh sáng mờ màu đỏ phía chân trời hướng đông chầm chậm xuyên qua bầu trời đen. Sau đó, trong khi khâu vá dưới ánh đèn dầu sau thời công phu khuya, một ý nghỉ đã xảy đến với tôi “Ta từng luôn muốn sống như thế này. Và bây giờ ta đang như vậy! Thật không thể tin được!”

Cơn gió bắc lạnh xé da này đã giúp không khí và cảnh vật hiện ra rõ hàng dặm. Mọi thứ đều sạch và rõ nét. Không có sự ẩm ướt dinh dính hay khói sương. Được tẩy rửa và tịnh hóa bởi một cơn gió rét buốt, chúng tôi lạy xuyên qua, cảm thấy nhẹ nhàng và rõ ràng.

Hạnh đầu đà lợi ích, “các khổ hạnh”, cũng tác dụng giống như vậy. Các khổ hạnh giúp tránh xa những dính mắc âm tính và bụi “khách” (khách trần) do tham dục mang đến. Trong Đạo Đức Kinh có nói:

Sắc năm màu làm ta choáng mắt,
Thanh năm cung ngây ngất lỗ tai.
Năm mùi tê lưỡi mềm sai,
Ruổi rong săn bắn, lòng người hóa điên.
Của hiếm có ngả nghiêng nhân đức

(Chương 12 – Kiểm Dục)

Cái gì là “khổ hạnh”? Tổng cộng có 12 khổ hạnh mà Đức Phật đã khuyên dạy, chẳng hạn: mặc áo choàng làm bằng mảnh vải rách khâu lại, khất thực, ngày ăn một bữa vào giờ ngọ, ăn vừa đủ hoặc ăn ít, ở ngoài trời, không ngủ nằm, ở nơi thanh vắng (a lan nhã). Tại sao gọi là “khổ”? Vì nó giống như khi bạn bị bệnh, thường việc chữa bệnh lúc đầu đau đớn, thuốc giải bệnh rất đắng. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có nói: “Thuốc đắng hay trừ được bệnh khổ”.

Trước khi xuất gia, tôi thực sự rất sợ những khổ hạnh này. Tôi sợ việc từ bỏ thức ăn ngon và quần áo tốt đẹp của tôi, sợ ăn một bữa mỗi ngày, và sợ ngủ ngồi. Tôi đã có những giấc mơ không bao giờ có thể ăn dâu tây hoặc bánh ngọt chiên (donuts) nữa. (Sao tôi có thể sống thiếu bánh ngọt chiên được chứ?). Nhưng nước cho ta bài học khi bị ướt và lửa thì cho bài học khi bị cháy phỏng, “lợi ích” của khổ hạnh nằm ở việc thực hành khổ hạnh. Làm sao tôi từ lâu nay cứ nghĩ rằng sự hiểu biết chân thật là một “hành trình tri thức” tách biệt kinh nghiệm trực tiếp và nỗ lực dụng công? Thật đơn giản làm sao! Trong Phật giáo, có vô vàn cách để kinh nghiệm trí tuệ vô tận. Một trong bốn thệ nguyện của Bồ Tát là, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Những phương pháp tương tự, “pháp môn”, mà Quan Âm Bồ Tát sử dụng để “thâm nhập trí tuệ thậm thâm” có sẵn cho bất kỳ ai muốn thử. Đó thực sự là một cái gì đó! Sự hiểu biết không nằm ngoài việc làm – “Thực hành và cảm ứng quyện lẫn vào nhau,” và bất nhị nguyên (không hai). Đây là viên mãn, vô hạn và vô thượng. Đây là Phật giáo. “Tuy có những tên gọi khác nhau, nhưng đều có một bản thể.”