Hằng Triều – 10 tháng 10 năm 1977

Bắt gặp trái nho khô và được dạy cho bài học



Con đường núi nhỏ hẹp với những cơn gió lớn và đầy sương mù. Những đỉnh núi dốc, đầy đá nhọn, hiểm trở, quá dốc và gần như thẳng đứng; chỉ có loài diều hâu đuôi đỏ mới có thể ở nơi này. Những chiếc xe vận tải chạy bằng dầu cặn diesel và những chiếc xe cắm trại dài chạy vụt qua cuốn chúng tôi quay ngược giống như những chiếc lá khô.

Trí tuệ là hiểu được mọi thứ thực sự vận hành như thế nào. Đó là sự hiểu biết vượt qua giới hạn về việc mình là ai, mình sẽ đi về đâu, về sanh và tử, và về vô số những điều đến và đi không cùng tận.

Quá rõ ràng rằng tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau. Tất cả những người nam là cha, con và là anh em trai của ta. Tất cả những người nữ là mẹ, là em, là chị em gái của ta.

Cái mà chúng ta gọi là cuộc đời này thì vô cùng ngắn ngủi so với thời gian trước đây và sau này. Thân thể của chúng ta và trái đất giống như một ngôi nhà mà chúng ta sống ở đó trong chốc lát rồi lại di chuyển tiếp. Không có gì ở lại và cũng chẳng có gì biến mất : “Tĩnh lặng và trống rỗng”, không có sự bắt đầu cũng không có kết thúc.

Tại sao phải tranh nhau và gây phiền toái, phải giết hại và tích trữ ? Không có chỗ và thời gian cho những điều nhỏ nhặt. Hãy mở rộng trái tim và tâm trí cho tới khi cả vũ trụ trở thành nhỏ bé tới mức mà quý vị cũng chẳng thể phân biệt được chúng. Đây mới là nhà của chúng ta. Đây là lòng Đại Bi và một cái thấy thoáng qua về đức Phật, tất cả đều ở bên trong chúng ta và đang chờ chúng ta khai mở. Quá đơn giản.

“Như tâm, Phật cũng như vậy

Như Phật, chúng sinh đồng

Phải biết Phật cùng tâm

Thể – tánh đều vô tận” (1)

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Dạ Ma Cung kệ tán thán.

 

“Chớ chê khinh điều ác,

Cho rằng chưa đến mình

Như nước giỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn.

Phạm tội một mảy may

Đọa vô lượng địa ngục

Nếu ra khỏi nhân gian,

Ức kiếp khó trở lại”

Kinh Pháp cú. Phẩm Ác

 

Chúng tôi ăn ngày một bữa. Thế thôi. Không ăn vặt và không có ngoại lệ đặc biệt. Có quá nhiều lý do tốt đẹp cho điều này, nhưng chánh yếu là vì ăn quá nhiều sẽ tạo ra nhiều ham muốn và làm giảm số lượng lương thực trên thế gian vốn đã thực sự không đủ cho tất cả.

Trong khi cất các dụng cụ vào trong xe sáng nay, tôi bất chợt nhìn thấy một trái nho khô nhỏ cô đơn. Tôi cầm lấy và định cho vào miệng nhưng đột nhiên dừng lại. Nhưng dù sao, trong tâm trí tôi đã nuốt chửng nó ngay cả trước khi tôi nhìn thấy điều gì đang diễn ra. Rất nhiều. Trái nho khô nhỏ đó đã hiển lộ con người thật của tôi, nơi là tôi thực sự, trước khi tôi có thời gian để che giấu hay bào chữa. Tôi đã bị trái nho bắt quả tang và dạy cho một bài học.

Một mặt, không ai ở bên cạnh nhìn thấy tôi nhét trái nho khô vào miệng hay không. Ý nghĩ này thực sự đi sai rồi. Không lẽ sự nhận thức về đức hạnh của tôi là một cuộc biểu diễn chỉ được duy trì nếu khi có người nhìn thấy thôi sao? Chuyện đó sẽ nhẹ tội hơn bởi vì tôi sẽ không bị phát giác hay sao ?

Dù thế nào đi nữa thì điều ấy là vì ai?

“Ôi, nó chỉ là một trái nho khô!” một ý nghĩ khác tới. Trái nho khô thì nhỏ, nhưng cái tâm tham lam nắm lấy nó thì thật là lớn. Sự thôi thúc bắt đầu từ cái nhỏ, nhưng cái nhỏ ấy dường như chẳng bao giờ nhỏ mãi cả. Có câu rằng “Sai một ly, đi ngàn dặm”. “Thêm một chút” hoặc “lãng phí nhỏ” hoặc “cái thù ghét nhỏ” nhân lên cả triệu lần ngay lập tức sẽ thành một cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát được.

Khi tôi ngồi đó nhìn vào trái nho khô và tâm trí mình, tôi hiểu được một chút rằng : “Ba bước một lạy chính là những điều này đây – làm cho tất cả mọi thứ được đúng đắn và tinh khiết, ngay tại nơi nhỏ nhất. Ban đầu chỉ là một inch, tiếp đến là một bước, rồi ba bước, cho đến suốt đoạn đường về đến Vạn Phật Thánh Thành. Trong mỗi tâm niệm và trong ý định đầu tiên, là cần phải dọn sạch căn nhà cho tới khi không còn dù chỉ là mảy may bụi nhỏ của lòng tham, sân, si. Cái đó được gọi là tu luyện : Đức Phật dạy rằng,

“Như người luyện sắt loại bỏ chất cặn rồi làm thành đồ dùng thì đồ dùng được tinh hảo; người học Đạo từ bỏ tâm cấu nhiễm thì hạnh liền thanh tịnh vậy.” (2)

Kinh Tứ thập nhị chương

Đó chính là “trái nho khô nhỏ” lớn nhất mà tôi từng quán tưởng. Tôi thận trọng để nó lại trong chai và đi ra ngoài đến chỗ lạy.

Lúc bấy giờ, đức Phật thuyết kinh Địa Tạng,

“Những chúng sanh chưa được giải thoát thì tánh thức không định, quen làm điều ác thì kết thành nghiệp, quen làm điều thiện thì kết thành quả; làm thiện làm ác đều theo cảnh mà sanh, luân chuyển trong Ngũ Ðạo, chẳng tạm ngừng ngớt; trải qua trần kiếp, mê hoặc chướng nạn, như cá bơi trong lưới theo dòng nước chảy, tạm thoát ra được rồi lại mắc vào lưới. Vì những kẻ đó mà Ta phải lo nghĩ…” (3)

Kinh Địa Tạng. Phẩm thứ tư. Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh Ở Cõi Diêm Phù.

 

Không gian thật tĩnh lặng vào buổi sáng sớm. Lạnh và trong sạch, có nhiều chỗ để cho âm thanh và suy nghĩ tản mạn tới. Trong một cánh rừng thoáng đãng ở phía bên tay phải, tôi nhìn thấy một con nai nhỏ đang bình thản gặm cỏ. Vài phút sau đó, tôi nghe và nhìn thấy tiếng kêu ăng ẳng của bầy chó đang sục sạo cánh đồng. Chúng đuổi theo con nai nhỏ.

Chúng làm con nai bỏ chạy hoảng loạn; chúng cắn và vờn quanh con nai cho tới khi chúng lôi con nai vào một bụi cây lớn. Tiếng con nai kêu la kéo dài hơn năm phút khi nó từ từ bị cắn và xé cho đến chết sau một cuộc chạy kiệt sức để giành tự do và mạng sống.

Không phải cái chết của con nai đã làm tôi xúc động sâu xa. Chúng tôi đã chứng kiến hàng chục con vật và động vật hoang dã bị chết trong cuộc hành trình này. Chính tiếng kêu la và âm thanh của con nai: Tôi chưa bao giờ nghe thấy như vậy trước đây, tiếng khóc la và kêu than giống như một người đang trong sự thống khổ và đầy sợ hãi; con nai kêu giống như một đứa trẻ “Ahhh, ahh… aaahh, aarhh,” tiếng khóc la dài nhức nhối, rồi tiếng khóc nấc lên ầng ậc như máu của nó bị nghẹt và bị chặn lại ở chỗ cổ họng và phổi. Dần dần, bụi cây không còn tiếng sột soạt nữa và tiếng thét yếu dần, “aah, ah, a…” và tan dần trong những âm thanh của xe cộ lưu thông và tiếng gió luồn qua đám cây. Những con chó nhỏ hơn chăm chú và yên lặng nhìn từ đằng xa, chú ý và hấp thu những âm thanh bây giờ đã qua đi nhưng vẫn còn vang vọng trong tôi.

Tôi muốn nhảy băng qua cánh đồng đó và nói, “Dừng lại, dừng lại ! Chúng mày không nghe thấy gì sao ? Không nhớ gì sao, không nhớ gì sao ?” Đã biết bao lần và trong thời gian bao lâu tôi đã giết hại những chúng sinh khác ? Tôi có nhớ không ? Chỉ nhớ một chút thôi, phần còn lại là phải chịu đau khổ trong mù tịt, và chúng ta gọi đó là “định mệnh” hay “sự đổ vỡ” hay “số phận của chúng ta”. Nhưng đó không phải là định mệnh, mà đó là nghiệp : những hành vi mà chính chúng ta đã gây ra và quả báo do những hành vi đó mang lại. Nhân lành thì mang lại kết quả tốt. Nhân ác thì mang lại kết quả xấu. Tất cả nghiệp đó là do chúng ta – từ suy nghĩ cho tới hành động – không sai trật một mảy may.

Bây giờ làm thợ săn, thì sau này sẽ làm kẻ bị săn. Bây giờ làm con nai, sau sẽ làm chó. Bây giờ làm kẻ liệng bom, sau sẽ là kẻ bị liệng bom. Kẻ thắng – người thua, chiến thắng – thất bại, cứ thế mãi khi chúng ta “trôi nổi trong năm đường không lúc nào ngừng nghỉ (Năm đường là súc sinh, địa ngục, ngã quỷ, người và trời).

Trong nỗi sợ hãi và đau khổ tột cùng, nghiệp báo của việc giết hại phát ra, lặp đi lặp lại, mở rộng và phủ rộng ra cho tới khi, giống như ở trong lưới cá, chúng ta “lại bị mắc vào lưới một lần nữa”

 

Tức giận

Tức giận xuất hiện trước mọi hành động giết hại. Và, mỗi tâm niệm nóng giận đều khởi phát từ trong tâm trí. Thay thế sự nóng giận bằng trái tim từ bi và kiên nhẫn, thì thiện nghiệp đó sẽ lớn mạnh và làm đảo chiều mọi cuộc chiến tranh và thảm họa cho tới khi không bao giờ còn nghe thấy tiếng khóc của con nai nhỏ ấy trên thế gian này nữa.

Tại sao động vật lại bỏ chạy khi thấy chúng ta ? Vì sợ chúng ta sẽ giết chúng. Một người đàn ông ở trạm bơm xăng nói đùa rằng, “Các anh hãy bịt tai lại” khi anh ta đăt mua món sườn hảo hạng qua điện thoại. Nhưng, những âm thanh của con nai và những con chó vẫn vang lên bên trong tôi, và tôi không thể thấy chút gì khôi hài ở đây cả.

Tại sao ? Bởi vì những âm thanh và hình ảnh của sự đau khổ và khủng bố mà tất cả chúng ta đều trải qua và sợ hãi ; chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì đó để chấm dứt nếu chúng ta biết phải làm như thế nào, bắt đầu ngay chính từ lúc này. Nghiệp báo là một chuỗi của những sự kết nối và hầu hết chúng ta chỉ nhìn thấy một vài mắc xích liên hệ phía cuối. Cái giá mà chúng ta phải trả cho việc làm ngơ trước những âm thanh của lò mổ là gì ? Cuối cùng thì cái giá phải trả cho món sườn hảo hạng là gì ?

 

 

Ghi chú:

(1) Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm Dạ Ma Cung Kệ Tán. http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem20.htm. Bài kệ do Giác Lâm Bồ tát thuyết.

(2) Kinh Tứ Thập Nhị Chương. http://www.dharmasite.net/Kinh42chuong_LuocGiang.htm#35

(2) Kinh Địa Tạng. http://www.dharmasite.net/KinhDiaTang.htm#1.