Hằng Thật – Tháng 7, 1977

Đạo Phật là lời dạy của chúng sanh

 

Nói chuyện với một người chú.

“Nói cho ta nghe, Christopher…”

“Tên tôi là Hằng Thật. Tôi là một tu sĩ Phật giáo thọ toàn giới”.

“Được rồi. Xin lỗi. Hằng Thật nói cho tôi biết. Tôi đã biết thầy và nhìn thầy lớn lên trong một thời gian dài. Thầy có rất nhiều tiềm năng để thành công trên thế giới này. Tại sao thầy lại lui về Đạo Phật?”

“Để tôi giải thích một vài điều với chú về cách tôi nhìn nhận chúng và tôi nghĩ rằng chú sẽ đồng ý rằng trước hết quyết định của tôi không phải là sự rút lui mà là một bước tiến lớn về phía trước; thứ hai, đó là điều khôn ngoan nhất mà tôi đã từng có thể làm được. Giờ, chú hãy nghe và xem chú có không nghĩ như vậy hay không.

Chú biết đấy, tôi có một sự dưỡng dục vững vàng, tốt đẹp và khi tôi rời nhà để  đi học, tôi có thể đã đi theo rất nhiều hướng khác nhau. Tôi có thể làm khá giỏi ở một số thứ. Tôi  đã để ý tất cả mọi nơi tôi đến và đã hỏi rất nhiều câu hỏi. Ở trường Đại học, rất nhiều lần tôi đã hết sức tìm hiểu về con người trên thế gian này, những người đã ‘thành công’, và họ  đã đi tới đó như thế nào. Cùng lúc đó, tôi cũng thấy rất nhiều sự đau khổ và đau thương ở khắp mọi nơi, rất nhiều điều tàn độc ngu xuẩn và gây hại không cần thiết – như chú biết – giống như những người khác, tôi đã khám phá ra thế giới. Tôi đã phát hiện ra rằng, cách thật sự để đo lường sự thành công  là bởi những gì đang diễn ra ở trong trái tim. Có rất nhiều người có đủ tất cả mọi thứ, nhưng họ lại khổ sở. Có những người lại nghèo, nhưng họ thỏa mãn và sống cuộc sống trọn vẹn. ‘Thành công’ đã không còn quan trọng khi đến lúc phải đối mặt với chính cuộc đời của mình mà không có một sự trau chuốt nào. Nếu trong trái tim thiếu sót một điều gì đó, thì người ấy sẽ thường không vui, và không tiền bạc hay tình yêu nào có thể mang đến hạnh phúc. Nói tóm lại, điều mà tôi đang tìm kiếm thì không liên hệ đến tiền của hay quyền lực, vì thế, ‘thành công’ theo những nghĩa này không thật hấp dẫn đối với tôi. Tôi đang tìm kiếm sự tự do, tự do thực sự.

Tôi đã nhận ra rằng không ai muốn nói chuyện về cái chết. Cái chết khiến mọi người sợ hãi nhiều đến nỗi họ tìm đủ mọi cách quái lạ để làm ngơ, giả vờ rằng nó không tồn tại. Cùng lúc đó, họ lại bị mê hoặc bởi chính cái chết và đùa cợt với nó. Đây quả là vấn đề rất thực tế! Mọi người sử dụng hết năng lượng khổng lồ để cố gắng nhảy múa quanh cái chết nhưng không ai dường như biết chút gì về nó cả. Nhìn chung, mọi người chỉ sợ nó, nhìn trộm nó, và gọi nó là điều không thể tránh khỏi. ‘Cái chết và thuế má’, chú biết đấy. Vậy thì điều gì đang diễn ra ở đây?  Lợi ích gì khi chạy và đổ mồ hôi để xây dựng lên toàn bộ cấu trúc của cuộc đời nếu chú sẽ mất nó đi trong vài mươi năm hoặc trong chốc lát? Không ai biết. Không ai dám hỏi. Các giáo sĩ, hoàng đế, bác sĩ, và những hành giả Du Già (yogis) – cho dù họ thuộc thành phần gì đi nữa, tất cả họ cũng phải chết khi thời điểm ấy đến. Không ai thoát khỏi cái chết, cái mắc xích đầu tiên và cuối cùng trong tất cả các kiếp sống của chúng ta. Điều này dường như là tuyệt vọng, nhưng cùng lúc đó, dường như có một thứ thực sự đáng để tìm hiểu.”

“Phải rồi, Hằng Thật, tôi nhớ có nói chuyện với thầy về chuyện này và đã băn khoăn về sự sáng suốt này của thầy, đã nghĩ rằng, ‘Tại sao nó lại rất khó chịu về cái chết?’. Điều này có vẻ vô dụng như việc la mắng nước vì bị ướt”.

“Vấn đề là sự sinh và tử là mối quan tâm trọng tâm của tất cả chúng sinh. Không ai tôi đã quen biết hoặc đã đọc đến đã có một tí hiểu biết gì đến nó. Và rồi, chú có biết không, khi tôi đang ngồi trong lớp học ở Michigan và đã nghe ông Henry Rosemont nói rằng, ‘… Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ Đề trong 49 ngày và đã giác ngộ về việc mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Điều đầu tiên Ngài nói rằng ‘Lạ thay, lạ thay, lạ thay. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và tất cả đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì vọng tưởng và sự bám chấp mà họ không chứng nhận (được Phật tánh)’. Khi tôi nghe thấy như vậy, chân tóc tôi dựng đứng lên. Đây chính là câu trả lời! Ai đó đã đối mặt với nó và nhìn xuyên thấu cái chết và rồi đưa nó quay trở lại cuộc sống! Quá nhiều! Ôi, tôi  đãvui mừng đến chừng nào. Rồi ông Rosemont nói đến bài thuyết pháp ở vườn nai tại Benares, khi ấy đức Phật nói rằng, ‘Tất cả cuộc sống là đau khổ, đó là do trải qua sự tích lũy ham muốn mà ra.’ Có một con đường đưa đến sự diệt vong của sự ham muốn, đó gọi là Bát Chánh Đạo của Chư Phật. Khi tôi nghe thấy điều đó, tôi đã trở thành một Phật tử – ngồi trong một chiếc ghế bành nhựa tại trường đại học ở Rochester, Michigan. Từ lúc đó, tôi đã biết mình gặp được chân lý. Từ thời điểm đó đến nay, chỉ là một chuỗi dần bước dọc theo con đường ấy. Tất cả tiềm năng của tôi, như chú gọi như vậy, là một nền tảng tốt cho sự tìm kiếm để hiểu được điều mà Đức Phật thấu hiểu”.

“Thì ra là vậy. Vậy thì thầy tin vào Đạo Phật”.

“Phật là người thông minh và khôn ngoan nhất đã từng sống. Nhưng Ngài không phải là một nhà lý thuyết. Không có lý thuyết hay triết lý sống Phật Giáo. Tất cả là vấn đề thực hành. ‘Ông hãy chỉ cho tôi thấy’, một thanh niên ở Missouri nói, và tôi nói rằng, ‘Hãy làm việc này và tự anh sẽ thấy’. Tại sao lại nương cậy vào tôi? Phật có được trí huệ là nhờ vào nỗ lực dụng công. Và đừng quên điều này – Ngài đã bắt đầu khi còn là một con người bình thường, chứ không phải là thần thánh hay bậc siêu nhân nào cả. Thực hành Phật Pháp là một tập hợp của các nguyên tắc mà chú áp dụng cho chính mình và có được kết quả cho riêng mình. Đó có phải là một khái niệm xa lạ không?”

“Gieo nhân nào thì sẽ hái quả nấy, phải không?”

“Chính xác! Nguyên tắc đó nói đúng sự thật. Tôi biết nó tận trong xương tủy của mình. Do đó, để tiếp tục câu chuyện, tôi nghiền ngẫm một chút và bắt đầu ngồi thiền, và rất thích. Tôi nhìn vào những người mà Đạo Phật cho rằng ‘thành công’ và đã phát hiện ra một loạt những vị thật tuyệt vời, những cá nhân xuất chúng có trí huệ sánh với Phật, đã đi suốt dòng lịch sử từ thời đức Phật cho đến ngày nay. Chú đã từng nghe những câu chuyện những vị thiền sư kỳ quặc họ chọn thời gian để chết, hoặc sống lại để mắng một vị đệ tử, hoặc chết nhưng thân thể không phân hủy. Có khi, cơ thể họ vẫn ngồi đó, thật thú vị. Đức Phật, một người bình thường, đã học cách chấm dứt việc sinh tử của mình và một nhóm những người nam và nữ ở mọi lứa tuổi và khắp nơi ở Châu Á cũng như vậy. Tôi có thể học gì từ những điều mà họ biết?”

“Phải, tôi nhận thấy sự hấp dẫn đối với thầy”.

“Rồi tôi bắt đầu gặp những người Phật tử và dù họ đến từ đâu, họ đều biểu lộ một phẩm chất của sự an lạc và hạnh phúc mà tôi thực sự ngưỡng mộ. Có điều gì đó về những nguyên tắc của nó khiến cho cuộc sống của những người này trở nên tốt đẹp. Một khi chú bắt đầu hành theo Đạo Phật thì chú sẽ thấy kết quả, và chú sẽ không phải nói chuyện về niềm tin trong quan điểm này hay vị thánh kia; đơn giản chỉ là thực hành và nhìn cuộc đời mình sáng rỡ dần lên. Không có ai ở bên trên chú để mà diễn dịch. Chú phải tự nhìn vào nó. Tất cả mọi thứ đều được thử nghiệm. Câu trả lời đến từ tâm trí của chú”.

“Phải rồi, tôi nhận thấy tất cả những điều này rất hấp dẫn và tôi khá choáng ngợp. Thầy có thể vắn tắt lại không?”

“Chắc chắn rồi. Đạo Phật là lời dạy của chúng sanh. Nó ứng dụng trên khắp tâm địa không cùng tận và tốt lành cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chú. Nó vi tế, phù hợp và tốt cho tất cả sinh vật sống trong xã hội và tuyệt diệu không thể nghĩ bàn, vô cùng tận trong cõi giới tâm linh. Phật Pháp là một thứ ở trên thế giới mà –khi nó được sử dụng như được chỉ dẫn – thì nó sẽ là một sự đảm bảo vô điều kiện giúp cho chú được hoàn toàn tự do. Điều đó thế nào hả chú?”